CHUYẾN XE TRÂU ngày giáp Tết
Mai đã là ba mươi Tết. Chuyến xe cuối của Siêm chở đầy lúa. Cả xe của Tư Ệu cách nhau không xa, cũng thế. Hai xe chất đầy những bao là bao. Đã vậy, Tư Ệu còn gửi xe Siêm nhờ chở mấy khúc củi để về nấu bánh tét. “Cái thằng! Tết nào cũng bánh tét, bánh chưng... đủ trò, mà cứ hễ động tới là than như bộng!”. Siêm nghĩ thầm như thế và ra roi vào mông con bò Bô, để cua sang đường lớn.
Cánh đồng cuối tháng Chạp khi lũ về trông vàng xuộm một màu bùn non mở ra dưới nắng quái buổi chiều. Phía tây đỏ chín một màu trời sắp lặn. Màu nắng quái khiến những ngọn cây cuối cánh đồng chong lên trời như xịt lửa. Hàng cây ấy là giới hạn cuối cùng phần ruộng của làng Lụt, giờ đang mênh mông biển nước. Đó đây, một vài cây cỏ dại cao sót thân trong mùa gặt trước đó đang cong mình trên mặt nước theo từng đợt gió bấc.
Ngồi dạng chân trên những bao lúa của chiếc xe bò, từ trên triền dốc, Siêm thấy con sông Cái đổ về, hòa làm một vào cánh đồng lũ về trông mênh mông, lấp lánh như dát vàng. Hoàng hôn, gió bấc, biển đồng nước và chiếc xe bò lắc lư đi đã kéo hồi tưởng Siêm nghiêng đổ vào con sông làng, thường bốn mùa no nước. Con sông mà năm bảy tư, nước cũng tràn bờ, Siêm đã “tương” cả chiếc xe trâu chở đầy củi và lính Cộng hòa xuống đó. Một chín bảy tư, năm giải phóng miền Nam đến giai đoạn chín muồi. Ở vùng này, Siêm đã đến tuổi náo nức “thoát ly”. Và hầu như là cái lệ trong vùng, muốn thoát ly phải có một hành động “ra trò” để chứng tỏ tinh thần cách mạng của mình. Chuyến xe củi như Siêm thì quả là gay go để có điều kiện chứng tỏ như thế!
Thật may, vào buổi trưa tháng Chạp, chiếc xe trâu đầy nhóc củi của Siêm về đến dốc này thì gặp khoảng một đại đội lính Cộng hòa hành quân về. Chúng kéo nhau đi lôi thôi, lếch thếch dưới nắng tháng Chạp đổ củi, đổ lửa. Dường như nắng nôi dư thừa trong năm trút cả lên đầu lên cổ bọn chúng, nên thằng nào thằng nấy đều thè lưỡi thở. Một thằng trung úy áng chừng là chỉ huy, chặn xe trâu Siêm lại và thót lên. Siêm đành phải chở mà giận tím ruột, tím gan. Về tới đây, cặp trâu của Siêm kéo đã mệt, nóng đến phì cả bọt mép. Thương nó kéo nặng giữa nắng trưa, có lúc Siêm quăng bớt củi cho nhẹ xe. Bây giờ, chúng chặn lại làm cho xe nặng thêm! Mà nào phải mình nó. Cùng leo theo có cả thằng truyền tin với súng ống và máy PRC-25 to tổ chảng. Giữa lúc Siêm đang rủa thầm, thì ở cua đầu dốc này, con sông Cái nước lũ về đang tràn bờ chợt hiện ra phía dưới xa. Siêm bỗng chớp nhoáng vạch ra một hành động táo bạo. Anh khe khẽ giật giây mũi cho con Chim đi theo đường ấy, thay vì lối về nơi đổ củi. Siêm chẳng còn lạ gì tính nết con trâu Chim và trâu Lũ. Nắng cháy lông lưng này mà thấy nước thì có trời cản chúng nó. Vừa thúc cặp trâu, Siêm vừa nhìn lui. Chiếc xe đã bỏ bọn lính đi bộ mất tăm sau một khúc quanh. Hai thầy trò thằng chỉ huy đang hể hả vì ngồi xe vừa khỏe lại nhanh hơn cuốc bộ. Khi cặp trâu chúi xuống dốc gần cầu, Siêm ra mạnh roi vào lưng con Lũ, đồng thời khẽ giật giây mũi con Chim. Hai con vật lôi chiếc xe chạy bằng nước phi của vó ngựa. Chúng kéo xe nhanh có lẽ vì thấy bàu nước bên cầu hơn là vì roi Siêm thét trên lưng. Hai thầy trò thằng lính ngồi đằng sau vội tìm cách bấu víu trên đống củi rung rinh, lổn nhổn. Chắc chúng tưởng đoạn sông cạn xe qua được, nên còn cười với nhau hô hố. Khi chiếc xe trâu lao “hụp” xuống mí nước bên cầu, Siêm rút nhanh rựa trước đầu xe. Thằng trung úy vừa rớt nón đang chới với, thấy hành động của Siêm toan la lên, lưỡi rựa của Siêm đã bập mạnh vào cổ, khiến nó lộn nhào ngay xuống nước. Tên truyền tin thất thần vội chụp tay vào súng ngắn. Thuận đường rựa quai, Siêm “đế” luôn cái cán vào giữa mặt, làm nó bật ngửa xuống sông. Siêm vội lao theo ngay, cùng lúc chiếc xe trâu lật nghiêng trên mặt nước ngầu đỏ máu.
Mãi một lúc lâu sau, trong hầm ngầm dưới gốc tre bờ sông, tiếng súng của bọn lính đi bộ mới vọng vào nghe lụp bụp như lò rang nổ tết.
Sau lần đó, Siêm được tổ chức chấp nhận cho thoát ly như mong ước. Song lúc được thoát ly, anh lại buồn. Siêm buồn vì đêm thoát ly đã không gặp được Vẹn để từ giã...
- Bô... huầy...! Siêm lật đật vút roi. Như dòng hồi tưởng của Siêm, gặp ngã ba, con bò lại muốn đi theo hướng xuống sông.
Nắng chiều đã tắt. Cánh đồng ngập nước đang chuyển sang màu xam xám, thiu thiu. Chiếc xe bò tiếp tục đi vào màn đêm đang buông. Bên càng xe, bắp thịt mông của hai con bò vồng lên, bải xuống theo nhịp đi như hư như thực. Chuyến lúa cuối cùng này Siêm đi là cốt để tránh cuộc họp của ban công an xã. Trong giới “chức quyền” xã này, từ Chủ tịch tới Tổ phó nhân dân, chỉ còn mình Siêm là nguời có tham gia cách mạng trước bảy lăm. Thuộc loại “dày công hãn mã”, vậy mà thời cơ chẳng khi nào đến tay. Cứ mãi là thằng công an thôn quèn. Sôi máu nhất là nghe phong phanh có tin, xã cử anh đi học lớp điền thổ ngắn ngày để về phụ trách địa chính xã, rồi cuối cùng huyện cũng ngưng đi, cử người khác. Điều khiến Siêm buồn bực nhất là trong ủy ban lại có Vẹn, với chức vụ Phó Chủ tịch xã, phụ trách tổ chức. Cô là người yêu cũ của anh.
Chiếc roi cật tre màu mỡ gà của Siêm lại vung lên, giáng liên tiếp sự bực tức của mình xuống lưng hai con bò. Chiếc xe rung mạnh lên vả chồm tới. Bỗng... “Rắc... rắc.... Hụm... bò...!”. Liền theo tiếng rống của bò, những bao lúa nghiêng đi, đánh hất Siêm ra khỏi xe. Người chưa chạm đất, anh hốt hoảng quăng roi, nhào lại đầu xe. Nhưng không còn kịp nữa, con bò đã nằm nghiêng, giẫy chống, phơi mảng bụng trắng lốp. “Chết mẹ rồi!”. “Ụm, ụm... bò...!”. Chiếc nài thít cổ khiến tiếng rống của con bò nghe thảm thiết như bị thắt họng, bọt mép phì bắn cả vào tay Siêm. Cặp mắt con vật tráo trưng như cái chum uống nước lật nghiêng, màu trắng. Siêm hốt hoảng chống tó xe, mở ách. Tư Ệu cũng vừa chạy bổ đến:
- Trời thần! Sao vậy ông Siêm, hử?
Siêm ì ạch xô mông con bò ra khỏi xe:
- Con... khẹc! Què chân bò rồi đây chớ hử với hít gì!
Nghe Siêm nói, Tư Ệu cũng hoảng. Bởi ít khi Siêm chửi thề lắm... Sau một hồi Siêm và Tư Ệu đẩy xô, con bò chỉ lết ra được tới lề đường rồi nằm hẳn. Trong đêm tối, chẳng biết chân trước con bò lòi trặc ra sao, nhưng cứ mỗi lần chồm lên là một lần nó rống kêu thảm thiết.
- Vậy là bỏ mẹ rồi! Ông kẹt làm tui cũng kẹt luôn.
- Năm hết tết đến mà gặp cái điệu này! - Siêm nói như khóc khi vòng qua bên kia thả giây con bò Pháo.
Tư Ệu đến ngồi chồm hỗm bên mé xe nghiêng. Bánh xe bò nằm chìm trong cái hố nhỏ, ngập nước.
- Tại ông đánh ép quá mà, chớ không nó đâu ra tới đây để sụp! - Tư Ệu nói xong lại nhìn quanh - Mà sao... ông lại đi đường này?
- Lũ về bất ngờ, ngập hết, không đi đường này thì đường nào?
- Đường này là chết cả tui luôn! Vừa xa lại vừa sụp. Cũng may là ông không làm... địa chính! - Tư Ệu nhe răng té nước bọt, nhìn đường nói một cách chán nản. Cũng may mà chưa gãy đầu cu xe.
Siêm và Tư Ệu lại dùng hết sức đẩy chiếc xe bò. Chiếc xe nặng như đá tấn, không mảy may nhúc nhích. Nhìn chiếc xe bò, Siêm thở ra.
- Rồi... sao đây, ông Siêm? Vô lẽ ăn tết ở đây?!
Siêm lê chân đến ngồi xuống bao thóc rớt bên lề đường:
- Thôi lỡ rồi! Bây giờ để tôi coi... Chân cẳng tôi không bằng ông được, ông chịu khó chạy về mượn máy kéo Hai Hớn giùm. Đàng nào cũng phải đem lúa về...
Tư Ệu lại xịt nước bọt:
- Thằng cha Hớn chỉ có bà Vẹn may ra, chớ ông thì “xi-nhê” gì!
Siêm quất roi nghe đánh “trót” vào đêm:
- Ông lại Vẹn, nói tôi kẹt ở đây, nhờ “bả” mượn giùm! Đi đi...
Tư Ệu chần chừ rồi cũng cầm roi đi về xe mình, lầu bầu: “Hết chi chuyến, nhè chuyến cuối năm mà...”. Lúc Tư Ệu đi một quãng khá xa, Siêm mới sực nhớ cái chân con bò, vội kêu với theo:
- Nhớ nói thằng Minh cho tôi chai dầu bóp trặc nữa nghen!
Không nghe Tư Ệu ừ hử, chỉ có tiếng roi quất bực tức vọng lại. Còn một mình, Siêm thở ra, móc gói thuốc rê. Khi vấn xong, rờ túi, chiếc bật lửa đã văng đâu mất. Siêm đành bần thần ngồi nhổ nước bọt vặt và nhìn chiếc xe bò. Cái hố nhỏ nơi bánh xe trông không rõ hình thù gì trong đêm. Thật ra nó cũng chẳng lớn lắm, chiếc xe sẽ qua khỏi nếu Siêm đừng đánh thúc bò theo kiểu giận cá chém thớt. “Dở... thiệt!”, Siêm lẩm bẩm. Đã qua rồi cái thời sáng sáng Siêm một mình một xe ra đi, chiều đến về với xe trâu đầy nhóc củi. Sự làm ăn chí thú dạo chở củi nhà ông Hương Kiểm, ba Vẹn, là đầu mối mọi lời ra tiếng vào gán ghép anh với cô. Sự gán ghép vô tình lại thành hữu ý cho hai người... Tất cả ngày đó với Siêm là một tình yêu chỉ chờ dịp ngỏ. Lần lữa mãi đến gần tết, Siêm gặp dịp lập công, thoát ly luôn.
Ngày giải phóng, Siêm về gặp lại Vẹn. Cả hai đều không ai nhắc đến ngày xưa. Và Siêm lấy vợ. Sau đó ít lâu, vợ bị bệnh mất, anh lại trở thành độc thân. Hai người họp hành, sinh hoạt vẫn thường gặp nhau, đối xử thân chẳng ra thân, lạ không ra lạ. Duy chỉ có mẹ Siêm là Vẹn tỏ ra hợp ý và gần gũi mà thôi. Siêm với mảnh đạn còn ở bắp chân, anh giữ chức công an thôn. Còn Vẹn do khả năng và được tin yêu của dân nên đắc cử luôn hai nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch xã. Sự “tiến bộ” của Vẹn, ngày càng khiến hai người xa nhau hơn. Thậm chí có khi còn đụng nhau ra mặt ở các cuộc họp.
Siêm kéo cao cổ áo. Những đêm sắp sang năm con Trâu này trời có vẻ lạnh hơn các năm trước. Cánh đồng bên cạnh, lũ về mấp mé mép đường xe bò. Từ xóm Lụt ra, phía trái cao, ánh đèn nhà lấm chấm rải dài như một dải ngân hà. Khi Siêm đứng lên, từ miệt xóm, trong dải đèn các nhà, đột ngột tách ra hai quầng sáng lớn như hai quầng trăng. Hai ngọn đèn mỗi lúc một rõ dần về phía Siêm cùng với tiếng máy xe. Chiếc roi trong tay Siêm tự nhiên rơi đánh soẹt xuống chân...
- Tất niên rồi, đi coi chừng đường sá. Máy cày không rảnh ra kéo lần nữa đâu nghen anh Tư - Tiếng thằng Minh, “lính” của Siêm vọng theo xe của Tư Ệu.
- Đừng móc họng thế chú em. Qua đi xe kinh nghiệm có thừa mà.
Minh xoay sang Siêm:
- Hai con bò anh cho ăn tết ở chuồng khô ráo nhà em cũng được. Để em dắt cho!
Khi trở ra đường, Minh từ giã hai người, theo ngả trên về trụ sở Ủy ban. Còn lại Siêm với Vẹn. Hai người lầm lũi đi. Siêm trước, Vẹn sau. Thỉnh thoảng theo cái vút roi xe của Siêm, một vài con chim đêm giật mình bay đánh xẹt. Đến ngã ba đường, Siêm dừng lại. Vẹn trờ tới, xô hai tay vào lưng anh.
- Quỷ thần! Trời tối, tự nhiên đứng lại làm người ta hết hồn hà! Sao không đi đi?
- Ai biết đi ngả nào?
- Lạ hông! Ngả về nhà anh chớ còn ngả nào nữa.
- Sao không để tôi đưa về ngả nhà...
- Nhà gì? “Người ta” đang gói bánh chưng ở nhà ông, nửa chừng nghe vậy phải bỏ đi đây, còn nói...!
Siêm không ngờ tối nay Vẹn lại gói giùm bánh chưng ở nhà mình. Anh chợt nhớ, bèn rảo bước, nói:
- Chết cha! Còn phải cắt tiết gà, vịt cho bà già mần cúng tất niên nữa chớ.
- Phải mấy con gà, vịt cột chân sẵn không?
- Ờ, cột trước cho chắc ăn, tối về khỏi lùa, rượt lụm thụm.
Tiếng Vẹn nghe lạnh tanh:
- Còn đâu nữa mà cắt! Mấy con gà vịt đó, trộm nó đã bợ hết hồi đầu hôm rồi!
Siêm khựng lại, chưng hửng:
- Nói... thiệt, chơi?
- Còn nói chơi nữa! Công an thôn mà để bọn “trộm gà” giỡn mặt vậy thôi... chớ!
Trời đất! Vậy đúng là hết chỗ nói cho lũ trộm vặt này rồi. Không trộm ai lại nhè ngay đúng nhà mình. Cuối năm túng làm liều. Chắc bọn ở thôn nào, xã nào chứ trong xóm anh đâu có ai hư vậy. Cũng tại mình chủ quan quá, cứ tưởng...
- Nó... chỉ rinh mấy con cột chân thôi, hả... Vẹn?
- Cả chuồng! Nhờ bác phát hiện sớm, tui chi viện cho mấy con, không thì... chắc cúng chay luôn rồi.
- Thiệt... tình! Tết nhất với bọn này...! - Siêm giận dữ quất mạnh roi vào bụi cây lù lù bên vệ đường.
- Cũng may mà làm công an, nên chỉ mất có gà, chớ không thì...
- Thì... sao?
- Thì... có khi mất tới... người nữa, chớ chẳng!
- Người... chắc chẳng ai thèm... lấy đâu!
Có tiếng cười khúc khích của Vẹn sau lưng. Cũng đã lâu lắm, Siêm chưa thấy Vẹn cười. Đêm cuối năm đặc quánh. Nghe tiếng cười của Vẹn, giữa ba bên lạnh lùng và lập lờ biển nước, Siêm bỗng cảm thấy khí trời đang chuyển Xuân ấm áp hơn từ ngực trái của mình.
L.N.N