Năm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người Cơtu

26.01.2021
Long Vân

Năm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người Cơtu

Hình ảnh con trâu gần gũi, thân thiện gắn bó cùng ruộng đồng, làng quê thôn dã của người miền xuôi. Trâu là người bạn thân thiết của nhà nông: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ ngọn lúa đầy bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Người nông dân xem con trâu là “đầu cơ nghiệp” nên nó cũng được “đồng hành” trong hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”... Nhưng với người miền ngược, đơn cử như người Cơtu sống giữa chốn núi rừng thâm u heo hút trong đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con trâu (gọi theo tiếng Cơtu là T’rí) không chỉ là của cải quý báu mà còn là linh vật kết nối lời cầu nguyện mong muốn sung sướng, no đủ của con người đến với các đấng thần linh và Yàng (trời).

Tôi biết Bh’riu Liếc khi ông còn giữ chức Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ông Liếc là người Cơtu, có lẽ vì thế mà ông mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa người Cơtu hơn là làm chính trị. Đến nay ông đã rời “chính trường”, song vốn hiểu biết về văn hóa người Cơtu thì ông rất dày dặn. Luận bàn chuyện con trâu, ông Liếc bảo: “Với người Cơtu thì những việc lớn phải có con trâu mới thành. Con trâu được dùng làm vật hiến tế cho Yàng và các đấng thần linh trong lễ Cha ha roo tơ mêê (ăn mừng lúa mới), để tạ ơn Yàng và các đấng thần linh phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội này được diễn ra vào khoảng tháng 10, 11 dương lịch hằng năm; nhiều người vẫn quen gọi là lễ hội đâm trâu. Hoặc khi làng có người chết, dân làng vẫn dùng con trâu hiến tế cho các đấng thần linh để phù hộ xua đuổi xui xẻo, chết chóc cho những người còn sống. Con trâu còn được dùng để giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, sông suối; cưới vợ, lấy chồng phải có con trâu mới xong mọi thủ tục...”.

Tôi trở lại vùng đất biên giới Việt - Lào vào một ngày giáp Tết, giá rét căm căm. Ông Bh’riu Liếc đón tôi như đón người nhà đi xa mới về. Thủ tục đầu tiên, ông bưng chóe rượu ngâm ba kích tím là đặc sản rẻo cao Tây Giang ra rót mời. Chén rượu cay nồng có “hậu” ngòn ngọt trong cổ họng, xông lên mũi ngát mùi thơm rất riêng của hương vị ba kích miền biên viễn này dường như giúp cho chủ và khách xua đi cái lạnh buốt như dao cắt vào da thịt. Chén rượu cũng tăng thêm hưng phấn cho ông Liếc nên câu chuyện ông kể về con trâu của người Cơtu cho tôi nghe, càng thêm đậm đà, thú vị. “Nếu người Kinh dưới xuôi quan niệm “trâu trắng mất mùa” thì người Cơ tu lại dùng trâu trắng cúng trong lễ cúng thần rừng, thần núi... hay những việc trọng đại; còn những việc nhỏ như cưới hỏi thì chỉ cần trâu đen. Giá trị một con trâu cũng rất lớn, ví dụ 2 con bò mới đổi được một con trâu; 10 đến 20 chiếc chóe mới đổi được một con trâu. Gia đình nào làm lễ từ 2 con trâu trở lên được coi là rất giàu có, được dân làng kính trọng...”.        

Cũng theo ông Liếc, người Cơ Tu sống trong dãy Trường Sơn, chủ yếu thuộc địa bàn các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và một số ít ở miền núi Đà Nẵng. Trong đó có một bộ phận sinh sống ở biên giới Việt - Lào. Người Cơtu có 30 dòng họ, con cái sinh ra đều theo họ cha, mỗi dòng họ có sự tích riêng mang ý nghĩa giáo dục truyền thống. Từng đêm và nhiều năm đã trôi qua. Mỗi ngày khi ông mặt trời đi ngủ ở dãy núi phía Tây, bóng đêm bao trùm đại ngàn thì trong ngôi nhà Gươl của làng, bên bếp lửa bập bùng các già làng thường kể cho con, cháu mình nghe chuyện về gốc tích dòng họ. Và câu chuyện được truyền miệng từ đời này sang đời khác...

Chuyện rằng, ngày xưa xưa lắm có một gia đình nọ trên núi cao sinh được 3 người con trai. Khi các chàng trai tới tuổi trưởng thành thì bố, mẹ bị bệnh nặng qua đời và chỉ để lại cho họ tài sản vỏn vẹn một con trâu. Nhưng thật không may, có một hôm con trâu đó trở chứng lồng lên chạy và bị rơi xuống vực sâu. Ba anh em tiếc của nên rất buồn, tìm mãi mới phát hiện con trâu rơi xuống nằm chết bên cạnh gốc cây A Lăng (cây chân chim). Người em út thấy vậy liền trèo lên chạc cây (tiếng Cơtu gọi là C’lâu) khóc lóc, thương tiếc con trâu như khóc người chết. Người anh thứ hai ngồi trên đoạn cong giữa thân cây thút thít, buồn bã tiếc nuối con trâu. Còn người anh cả ngồi dưới gốc có rễ cây (tiếng Cơtu là Riah) cầm rựa chặt vào rễ cây cho thỏa cơn tiếc nuối... Người anh cả cầm rựa chặt mãi cho đến khi cây A Lăng đổ ầm xuống thì cả ba anh em mới bừng tỉnh. Họ cùng khiêng con trâu của mình về làm thịt chia cho dân làng. Từ đó, dân làng lấy chuyện của ba anh em để đặt tên họ cho từng người. Người anh cả ngồi ở gốc cây lấy họ Riah, người thứ hai lấy họ A Lăng vì ngồi giữa thân cây, còn người em út lấy họ C’lâu, vì ngồi trên ngọn cây khóc thương con trâu. Cùng với sự ra đời những dòng họ đầu tiên, người Cơtu từ đó cũng coi con trâu là tài sản lớn nhất, linh thiêng nhất, là thứ tài sản đặc biệt trong sinh hoạt xã hội, hôn nhân và gia đình. Rồi từ 3 dòng họ Riah, A Lăng và C’lâu về sau người Cơtu trong dãy Trường Sơn mới sinh sôi, nẩy nở các dòng họ khác...

Ông Liếc dẫn tôi ra nhà Gươl dùng cho sinh hoạt chung của làng và bảo: “Anh thử nhìn cái Gươl này có giống hình dáng con trâu không?”. Tôi đã có nhiều chuyến đi vào các bản, làng đồng bào các dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn; nhiều lần chụp ảnh nhà Gươl của đồng bào Cơtu, nhưng thú thật chưa bao giờ hình dung ngôi nhà cộng đồng này lại mang hình dáng con trâu. Thấy tôi ngạc nhiên, ông Liếc cười bảo: “Nhà Gươl của người Cơtu khác với nhà Rông của các dân tộc ở Tây Nguyên. Nhà Rông có mái cao vút, còn Gươl giống nhà sàn của người Cơtu nhưng dài hơn. Con trâu là của cải quý giá của người Cơtu nên cái nhà Gươl phải to và dài, tượng trưng thân con trâu khỏe mạnh; trên nóc nhà có hai vòng cung được đẽo bằng gỗ đặt hướng vào nhau tượng trưng hai cái sừng trâu; bốn góc có 4 cột to có đế vững tượng trưng 4 chân trâu... Trong nhà Gươl có nhiều bản gỗ điêu khắc hình trâu. Đặc biệt, ở bậc cửa bước vào nhà là hai bản gỗ điêu khắc khắc hình ảnh con trâu. Nhà Gươl không thể thiếu chi tiết này. Nhà Gươl của người Cơtu là chốn linh thiêng thờ cúng thần linh, nơi họp làng bàn những công việc quan trọng. Lễ hội đâm trâu của người Cơtu cũng được diễn ra trước sân Gươl...”.  

Lễ cúng Giàng và các đấng thần linh trước Lễ hội Đâm trâu

Nhưng khi đề cập đến lễ hội đâm trâu, ông Liếc lại kể câu chuyện cổ tích lý giải vì sao người Cơtu đem con trâu là của cải quý giá ra để giết thịt. Chuyện rằng, ngày xưa Yàng sai con trâu mang hạt giống xuống trần gian phát cho người gieo trồng, cày cấy. Nhưng đến trần gian, trâu lại phát hết hạt giống cho người vùng đồng bằng, người miền thượng không có hạt giống để gieo trồng nên xảy ra đói kém. Để cho Yàng biết con trâu đã không hoàn thành sứ mệnh mà Yàng sai bảo nên hàng năm người miền thượng tổ chức lễ đâm trâu, lấy trâu làm vật hiến tế cho Yàng và các đáng thần linh; cũng là để tạ ơn trời đất đã cho một mùa lúa đầy gùi, đầy kho... Các dân tộc thiểu số sinh sống trong dãy đại ngàn Trường Sơn phân bố trên diện tích tương đối rộng, nên phong tục tập quán, hình thức tổ chức đâm trâu mỗi nơi có sự khác nhau, song chung nhất thường diễn ra như sau: Thường trước ngày đâm trâu, cả làng phải làm xong cột nêu (người Cơtu gọi là X’nur Đ’đoong, có nghĩa cây buộc trâu) ở trước khoảnh sân rộng của nhà Gươl. Dân làng chọn cây gỗ to, chắc dài hơn 2m để làm X’nur. Những người có tài điêu khắc gỗ của làng xúm lại cùng nhau đẽo gọt, trang trí hoa văn cho cây X’nur, sau đó dựng lên giữa sân Gươl. Đặc biệt, trên ngọn cây X’nur, dân làng chẻ ống tre tạo thành cái phiễu (gọi là pa’pa) làm nơi để cúng gà và đuôi trâu, những vật cúng này khi cúng người chủ lễ tung lên phải trúng lọt vào cái phiễu này thì lúc đó mới được Yàng chấp nhận. Còn Đ’đoong là hai cây tre lồ ô cao vút cũng được trang trí hoa văn... Người chủ lễ đi vòng quanh X’nur Đ'đoong khấn: “Chúng tôi cúng chỗ sân này báo cho thần núi, thần sông suối và Yàng biết chúng tôi dựng cột nêu để đâm trâu và các ngài không được trách móc. Chúng tôi mời thần thánh về đây chứng giám cuộc đâm trâu này và về đây dùng thịt trâu cùng chúng tôi và cho chúng tôi khỏe mạnh giàu sang”. Sau lời khấn, dân làng nổi trống chiêng và thanh niên nam nữ trong làng cùng nhảy hát múa điệu tân tung da dắh tưng bừng nhộn nhịp...

Tùy theo lễ hội, trâu sẽ được già làng, hoặc người chủ nhà buộc vào cột X’nur Đ’đoong vào chiều tối trước buổi đâm trâu. Lúc này, già làng hoặc chủ nhà tổ chức khóc trâu (người Cơtu gọi là Dục t’rí). Thủ tục khóc trâu bao gồm một con heo, một con gà và rượu. Dân làng tập trung lại múa hát đến đêm khuya, còn các già làng thường thức đến sáng để khóc tế trâu. “Thường người khóc lấy trâu để nói lên phận đời uẩn khuất, đau xót, khổ ải, cả đời lam lũ vẫn nghèo khó; việc nhà, việc nước lo chưa xong nay đã xế chiều, ai biết nay mai đời đi về đâu. Khóc trâu là để biểu lộ tình cảm yêu thương con người với con người; thương trâu cả đời lam lũ phục vụ con người nay cũng hiến xác thịt phục vụ con người. Thật kỳ diệu, khóc tế trâu đi vào tâm người nghe bằng lí, bằng tình, bằng những kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời. Hình như con trâu đêm đó cũng không ngủ được, trâu cũng thao thức, ngậm ngùi và chảy nước mắt như cảm nhận được nối niềm của người đang tế mình...”. Trầm ngâm một lúc, ông Liếc nói tiếp rằng, tế trâu là hình thức đặc sắc của văn hóa các dân tộc trên dãy Trường Sơn, giữa đêm khuya tĩnh lặng của núi rừng bao la với những ngọn đuốc bập bùng giữa sân làng, cùng với con trâu và khoảng chục người ngồi tế với nhịp trống ngắt nhịp 1-2-1 liên hồi và ngắt quãng, những ai đã từng chứng kiến sẽ là một hình tượng rất linh thiêng, là nét độc đáo khó quên. Đến sáng hôm sau bước vào lễ đâm trâu, chiêng trống nổi lên, người chủ lễ và các bậc cao niên đọc lời khấn: “Xin Yàng và các thần núi rừng cho chúng tôi nhiều lúa gạo, của cải, chóe chiêng; chặn điều xấu, điều ác; giữ cho chúng tôi khỏe mạnh và sống lâu; hồn ông bà ban cho cháu con ấm no hạnh phúc...”. Xong các nghi thức, chủ lễ cử ra một thanh niên khỏe mạnh và trao cho anh ta cây giáo để đâm trâu. Chàng thanh niên này nhảy múa bên cây nêu cột trâu trong tiếng hò reo phấn khích của dân làng và tiếng cồng chiêng thúc giục. Ông Liếc cho hay, người thọc mũi giáo đâm trâu nhát đầu tiên phải là người có uy tín, nắm rõ phong tục tập quán dân tộc mình, biết đâm trúng vào tim con trâu. Trước khi đâm, con trâu được đuổi chạy vòng tròn xung quanh cột X’nur, khi trâu chạy mới được đâm. Khi trâu chết ngã về phía nào là điềm báo tốt hay xấu cho làng hay lễ cúng. Nếu trâu chết tốt, tức là ngã không đè lên vết đâm, bụng ôm vào X’nur, đầu quay về phía nhà Gươl, hoặc nhà chủ lễ. Khi trâu chết không dãy giụa, không la rống là điềm tốt... Cùng với thủ tục đâm trâu, xung quanh chiêng trống nổi lên tưng bừng, dồn dập, hòa trong điệu múa tân tung da dắh của các sơn nữ với những cánh tay nhịp nhàng giương cao hướng về phía mặt trời, cho tới khi lễ cúng kết thúc.

“Đặc biệt khi con trâu hiến tế bị đâm chết, chủ lễ lấy máu trâu bôi vào cây nêu; lấy những tấm vải đẹp nhất đắp lên mình trâu và lấy các loại trái cây, cơm, thịt gà bỏ vào miệng trâu hàm ý trâu chết trong no đủ. Còn dân làng dự lễ đâm trâu thì cũng đến lấy máu trâu bôi lên trán, lấy đồ ăn và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... Tiếp đó, chủ lễ cắt chót của đuôi trâu và ném cùng với con gà cúng lên chiếc phiễu tre trên đầu cột X’nur để báo tin cho thần linh. Xong, cả làng cùng nhau quây quần chia thịt trâu, tổ chức ăn những thức ăn truyền thống, uống rượu cần cho đến khuya mới chia tay ra về”. Nói đoạn ông Liếc bảo: “Tuy nhiên, đó là chuyện cũ. Khi nhận biết việc đâm trâu hiến tế thần linh là tốn kém, thực tế không giải quyết được gì về cuộc sống hàng ngày nên từ năm 2013, chính quyền huyện Tây Giang, với định hướng phát triển du lịch nhằm phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đã tổ chức họp bàn bạc với các già làng, người có uy tín hạn chế việc đâm trâu trong các lễ hội, nhằm tránh gây sự phản cảm cho khách du lịch, đã được các già làng, người có uy tín và đông đảo người dân hưởng ứng”... 

Tôi đem chuyện hỏi ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch huyện Tây Giang thì ông cười bảo: “Liếc nói đúng đó. Người Cơ tu sinh sống trên 90 làng trên địa bàn huyện mình đã đồng ý bỏ tục đâm trâu lâu rồi. Thú thực, lễ đâm trâu rất tốn kém, nhất là các gia đình nghèo phải vay tiền mua trâu, sắm lễ nên đã khó lại càng khó thêm. Đó là chưa kể đến hình thức đâm trâu quá rùng rợn và dã man”. Theo lời ông Arất Blúi, lúc đầu bàn đến việc bỏ tục đâm trâu, rất nhiều người Cơtu “không ưng cái bụng”. Lễ hội đâm trâu là nét văn hóa riêng của người Cơtu nên không thể bỏ được. Huyện phải mời các già làng, trưởng bản, người có uy tín đến đưa ra hình thức mới cho lễ hội đâm trâu mà không phải thấy hình ảnh con trâu bị đâm chết giãy giụa, máu me chảy tràn trên sân nhà Gươl, nhất là gây ra sự sợ hãi, phản cảm cho du khách khi Tây Giang đang phát triển du lịch. Đó là vẫn làm lễ hội đâm trâu với đầy đủ nghi thức, song thay vì đâm con trâu trong lễ hội thì đưa nó ra làm lễ rồi dắt đi nơi khác làm thịt. Thiết thực hơn, huyện tổ chức ngay hình thức lễ hội kiểu mới này để bà con các làng về chứng kiến và xong lễ hội thì ai cũng đồng tình. Tiếp đó, huyện liên tục vận động bà con, rồi Huyện ủy ban hành luôn cả nghị quyết xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung không tổ chức đâm trâu khi cưới vợ, gả chồng, về nhà mới, cúng bái. Và từ năm 2016 trở về sau này thì người Cơtu không còn tổ chức đâm trâu nữa...   

 L.V

Bài viết khác cùng số

Đãi KIẾN một bữaBóng xuân xanhMột lần Tết quê ngoạiTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàTản mạn bên chén trà xuânDấu ấn thời gianKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Cuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtNói đi em...SayĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânNgày xuân nõnMãi mãi mùa xuânThơ cho mùa xuânCắt tóc cuối nămXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiĐóa xuân lòngCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngĐà Nẵng ân tìnhChiều Sơn TràLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Con trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố