Họa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”
Cách đây một năm, lần đầu tiên sau 30 năm gắn bó và gặt hái được nhiều thành công trong hội họa, nữ họa sĩ Dư Dư đã có một cuộc triển lãm tranh của riêng mình tại Huế với cái tên gợi xúc cảm hoài niệm: “Trở về”.
“Trở về” với quê hương, nguồn cội, một xứ Huế đong đầy kỷ niệm tuổi thơ và thời thanh xuân tươi đẹp. Trở về, tìm trong hơi ấm yêu thương của gia đình, bạn bè, để biết mình được đón nhận thế nào sau bao năm bôn ba lỡ hẹn. Trở về, mang theo thành quả của 30 năm miệt mài sáng tác như một lời tri ân... Và sâu thẳm tâm hồn, là sự trở về với chính mình, cái bên trong tinh tấn, thuần khiết, với tiếng gọi từ tâm thức của một nghệ sĩ trót nặng nợ với niềm đam mê hội họa, bình thản đi qua giông bão cuộc đời... Như chia sẻ của tác giả trong ngày khai mạc triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - thành phố Huế với sự có mặt của rất nhiều khách thưởng ngoạn cùng người thân, bạn bè, đồng nghiệp hằng yêu quý tranh của họa sĩ Dư Dư. Riêng với họa sĩ Dư Dư: “Mọi cái đều là thuận duyên và mang đến cho chị nhiều hạnh phúc, hơn cả sự mong đợi”.
Ngỡ rằng, đó là tâm nguyện lớn mà họa sĩ Dư Dư muốn được làm cho quê hương ở quãng cuối của đời mình, để rồi an yên nghỉ ngơi. Nhưng ít ai biết, trong trái tim nhạy cảm của nữ họa sĩ vẫn ấp ủ nhiều ước nguyện, ngày ngày âm ỉ cháy như một ngọn lửa mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được sức ấm nóng lan tỏa diệu kỳ của nó.
Có nhà triết học cổ Hy Lạp nói rằng: “Bản chất của mọi vật là lửa”. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã có những vần thơ nói lên sự đồng cảm đầy chiêm nghiệm về sự gắn kết, giao hòa kỳ diệu giữa vạn vật với lửa.
“...Truyền từ đá sang gió
Từ nước sang gỗ
Phút đốt cháy là phút nảy mầm
Con người trao lửa cho nhau
Từ những lồng ngực tròn căng
Sự sống là lửa
Thiêu hủy và sinh nở
Bình minh là lửa
Mở ngày mới và xé toang ngày cũ...”
Và “Lửa” cũng là nhan đề tập sách tranh mà họa sĩ Dư Dư đặt vào đó bao tâm huyết. Từ khi ấp ủ đến lúc hoàn thành là ba năm, tác phẩm gói ghém trọn vẹn tấm lòng của tác giả muốn chia sẻ những trải nghiệm trong suốt quá trình đến với hội họa, cùng những thông điệp gửi gắm đến những người yêu bộ môn nghệ thuật này. Được hoàn thiện đúng ngày Đà Nẵng bước vào đợt 2 giãn cách xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid đang hoành hành, gây bao thảm họa tang thương cho nhân loại, tập sách “Lửa” của họa sĩ Dư Dư như một nốt trầm lắng đọng giữa bao nỗi lo đại cuộc. Nhưng nếu dành cho “Lửa” một khoảng tĩnh lặng, người đọc hẳn sẽ cảm nhận được từ đó những năng lượng tích cực, thiện lành.
Ấn tượng ban đầu khi cầm cuốn “Lửa” trên tay là một sự ngỡ ngàng, thích thú trước phong cách thiết kế trang bìa hiện đại, phóng khoáng mà hài hòa, tao nhã, cho thấy sự chỉn chu và thẩm mỹ tinh tế của tác giả. Tập sách dày 150 trang được in ấn đẹp, công phu, ngoài những tác phẩm tranh được chọn lọc theo từng giai đoạn bằng nhiều chất liệu khác nhau, “Lửa” còn chứa đựng nhiều ý tưởng thú vị, vừa như một sự nhìn lại, soi rọi và suy ngẫm, vừa mang ý nghĩa tích cực, với mong muốn sẻ chia, thể hiện sự chân thành, nhiệt huyết của tác giả ngay ở lời tựa, như được chắt ra từ trái tim.
“Đây chỉ là tập sách nhỏ mang những thông điệp gói ghém trọn tấm lòng của tôi. Mong quý vị đón nhận như món quà yêu thương...”
“Lửa” - cái tên thật ấn tượng, gợi lên những cảm nhận đa chiều. Họa sĩ Dư Dư muốn nói điều gì khi đặt tên cho “đứa con tinh thần” đặc biệt này là “Lửa”?
“Đối với riêng tôi, nghệ thuật là lửa. Có thể bùng lên khơi dậy trong tiềm thức, những khả năng tiềm tàng”
Ẩn trong từng câu chữ chắt lọc ấy là cả một sự đúc kết, chiêm nghiệm của hơn 30 năm gắn bó, nặng tình và trải lòng cùng hội họa. Từ những ý tưởng nhân văn chứa đựng trong các tác phẩm tranh lụa đầu tiên như một cơ duyên đưa chị đến với phong cách tranh trừu tượng, lúc nữ họa sĩ Dư Dư vừa rời ngôi trường Đại học nghệ thuật Huế về Đà Nẵng lập nghiệp, đến những thử nghiệm sáng tạo, đầy cá tính qua các chất liệu: lụa trên vóc sơn mài, sơn dầu, sơn dầu trên bố, gốm... Và điểm dừng chân hiện tại như một định mệnh gắn kết cả hai lại với nhau, giữa chất liệu giấy Dó, giấy Điệp truyền thống mộc mạc có từ ngàn xưa với tâm hồn người họa sĩ đã được gội rửa, rũ bỏ mọi bụi bặm đời thường để trở nên an nhiên, tự tại, dành trọn trái tim cho những ý nghĩ yêu thương, thiện lành.
Chia sẻ trong quá trình hoàn thành tập sách, họa sĩ Dư Dư cho biết: Những gì đã trải nghiệm, tích lũy trong suốt 30 năm sáng tác, vẽ tranh và dạy học như một ngọn lửa nóng ấm trong tim tôi suốt chặng đường nghệ thuật. Cho dù bạn là ai, là tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, họa sỹ, giáo viên, sinh viên, học sinh... hay những người thợ chuyên cần như đàn ong xây tổ, bạn đều có một ngọn lửa riêng mình. Mong bạn luôn giữ lấy ngọn lửa, khai thác nó, "Lửa trong chánh định", Lửa trong trái tim yêu thương, độ lượng, bao dung, để rồi nhen nhóm, thắp sáng, thổi bùng lên vô vàn điều kỳ diệu, tinh túy nhất cho đời.
Có lẽ vì vậy chăng mà chị đã dốc hết tâm huyết của mình cho “ Lửa” - một nơi chốn mà người đọc không chỉ tìm thấy chân dung của một nghệ sĩ luôn sống trọn với những gì mình hằng theo đuổi, một cá tính sáng tạo độc lập, mạnh mẽ, luôn tìm kiếm, vượt qua những giới hạn bản thân mà nhân bản hơn là chiều sâu của một thế giới nội tâm phong phú, một tâm hồn nhạy cảm, dễ lay động trước nỗi đau trần thế, một trái tim ngập tràn tình thương yêu đồng loại, từ những đứa trẻ mới sinh ra đã không được nghe thấy âm thanh, sắc màu của cuộc sống cho đến những loài sinh vật bé nhỏ giữa lòng đại dương bao la...
Cố họa sĩ Trương Bé - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế, người thầy đáng kính của họa sĩ Dư Dư đã không gắng được đến hôm nay để đón nhận niềm vui khi tập sách “Lửa” hoàn thành. Song cũng kịp để lại cho người học trò của mình những cảm nhận quý giá. Họa sĩ Dư Dư đã trân trọng lưu lại trong tập sách của mình thay cho lời tri ân sâu sắc:
“Hội họa Dư Dư như mời gọi, dẫn dắt ta bước vào miền sâu thẳm của thế giới tâm thức. Ở đó đầy ánh sáng và sắc màu huyền ảo lung linh. Nó vừa lãng đãng huyền hoặc, vừa chập chờn giữa thực và hư. Tất cả đều có trong đó: Cụ thể và trừu tượng. Ta như chìm vào giấc mơ đầy hương sắc long lanh”.
Còn chia sẻ của họa sĩ người Nhật Akiko Kondo cho thấy một Dư Dư bay bổng, thoáng đạt mà thật ấn tượng, khác biệt qua những bức tranh mang phong cách trừu tượng rất riêng:“Các tác phẩm của cô ấy làm tôi nhớ đến phong cách theo Chủ nghĩa kiến tạo. Chúng có dạng hình học và cân bằng đồng thời gợi lên trí tưởng tượng thơ mộng. Nghệ thuật của cô là vũ trụ nhỏ bé, tạo ra vẻ đẹp và phong vị thoáng đạt trên giấy “Dó”.
Song sự hình thành của “Lửa” không đơn thuần là một cuốn sách tranh thường thấy về chân dung, sự nghiệp của một họa sĩ đã có nhiều cống hiến cho nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa như một sự lan tỏa tích cực đến những ai có niềm đam mê hội họa hay đơn giản là thích được vẽ theo cảm xúc. Có thể thấy, bên cạnh những bức tranh được chọn lọc trình bày thật đẹp và tinh tế, hơn nữa được kỳ công sắp xếp theo từng giai đoạn cùng những thông điệp gửi gắm qua từng bức tranh, họa sĩ Dư Dư đã dành một phần đáng kể trong tập sách để chia sẻ cặn kẽ quá trình vẽ tranh lụa hay tranh giấy Dó như thế nào, những kinh nghiệm rút ra trong quá trình sáng tác và cả sự vượt qua những xáo trộn đầy bản ngã trong thế giới nội tâm của người phụ nữ giữa bộn bề cuộc sống đời thường để sống trọn với đam mê của mình...
Như nhận định của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng: “Theo tôi, điểm khác biệt của “Lửa” so với các sách tranh khác nằm ở những lời bộc bạch về nghề do nữ họa sĩ đưa vào sách để nhấn mạnh, nhằm hướng tới những người dạy và người học môn vẽ trong trường phổ thông. Đọc những lời bộc bạch này, người đọc nói chung, người dạy và học môn vẽ nói riêng, không chỉ thấy quy trình tác nghiệp của nữ họa sĩ đối với từng chất liệu khác nhau ra sao, mà còn thấy lao động nghệ thuật của người họa sĩ nhọc nhằn và nghiêm cẩn thế nào. Có thể nói, điểm khác biệt này tạo thêm sức hút của “Lửa”.
Đây cũng là động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc họa sĩ Dư Dư thực hiện cuốn sách tranh này sau một quá trình hoạt động nghệ thuật bền bỉ, lâu dài. Như tâm sự của chị: Chỉ muốn chia sẻ và tiếp thêm năng lượng cho những người yêu hội họa nhưng chưa có nhiều trải nghiệm để đủ tự tin thỏa sức với đam mê của mình. Và tập sách ra đời dù chưa biết được bạn đọc đón nhận thế nào nhưng với họa sĩ Dư Dư là một niềm mãn nguyện thật sự sau bao tháng ngày trăn trở, suy tư về ý nghĩa của hạnh phúc.
Chỉ khi một mình tĩnh lặng trước mêênh mông của Biển, tôi mới nhận ra giá trị đích thực của tâm hồn...
Tập sách không nhiều lời nhưng lại chứa đựng nhiều điều đáng đọc, đáng xem và mang lại nhiều năng lượng. Xin được khép lại bằng một đoạn tâm tư của tác giả gửi gắm qua tập sách thấm đẫm những thông điệp yêu thương này.
“Cây diêm nhỏ với ngọn lửa mong manh, bùng lên cùng những ước mơ êm ái, ngọt ngào, sưởi ấm cô bé bên vệ đường đêm giao thừa tuyết giá.
Chú chim nhỏ sinh ra từ đống tro tàn trong thần thoại trở thành bất tử. Ngọn lửa cùng người đồng hành từ thuở hồng hoang.
Nghệ thuật cũng vậy, trải qua bao nhiêu biến động thăng trầm. Nghiệt ngã, thăng hoa.
Nghệ thuật vẫn luôn là ngọn lửa bùng lên, âm ỉ.
An nhiên, vĩnh cửu.”
T.H