Bàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu

25.01.2021
Như Nghĩa

Bàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu

BBT: Nhân dịp đầu xuân Tân Sửu 2021, Ban biên tập tạp chí Non Nước có buổi gặp mặt đầu xuân với một số Chủ tịch các Hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Bên chén trà ấm nóng, chúng tôi nói về đời sống văn nghệ thành phố trong năm qua - một năm đầy khó khăn, thử thách do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai lũ lụt triền miên. Đồng thời, Chủ tịch các Hội cũng chia sẻ những khát vọng trong năm 2021 làm sao các hoạt động văn nghệ của thành phố phát triển sâu rộng hơn, chất lượng tác phẩm cao hơn và thật sự đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của người dân...

Nhạc sĩ Trương Duy Huyến,Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng:

Trong năm 2020, cả thế giới nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đã oằn mình chống lại đại dịch Covid-19. Mặc dù mọi người phải đối diện với muôn vàn khó khăn nhưng các nhạc sĩ Đà Nẵng đã có nhiều tác phẩm âm nhạc hay và có một số giải thưởng âm nhạc giá trị. Đặc biệt trong những ngày toàn thành phố giãn cách xã hội cùng nhau chống dịch thì các nhạc sĩ Đà Nẵng bằng lao động sáng tạo của mình đã có hàng chục ca khúc ca ngợi những tấm lòng cao cả của các y bác sĩ, bộ đội, chiến sĩ công an, các tình nguyện viên trên tuyến đầu chống dịch... Những tác phẩm âm nhạc đã góp một phần nhỏ trong thành công của Đà Nẵng cũng như của cả nước trong việc chống dịch vừa qua.

Sang năm mới - 2021, Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng có nhiều dự tính cho quãng đường mới như tổ chức các đợt thực tế sáng tác về các quận trong thành phố cũng như các địa phương khác để các nhạc sĩ thỏa thích sáng tạo, gửi gắm những tình cảm sâu lắng nhất, những cảm xúc, khát vọng chân thành nhất, mãnh liệt nhất về mảnh đất, con người và về cuộc đời.

Cuộc sống luôn chờ đợi những tác phẩm âm nhạc có giá trị. Nhất là hiện nay, khi đời sống có quá nhiều thị hiếu âm nhạc rất dễ dãi, vì thế các nhạc sĩ phải đối mặt với nhiều thách thức... Hy vọng sang năm mới, các nhạc sĩ Đà Nẵng tiếp tục nung nấu nhiều khao khát để cho ra đời những tác phẩm có giá trị.

Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Đà Nẵng.

Hội Nghệ sỹ Sân khấu Đà Nẵng là mái nhà chung của các nghệ sỹ sân khấu (Tuồng, Dân ca, Kịch nói...) trên thành phố Đà Nẵng, Hội có 69 hội viên, trong đó có 3 Nghệ sĩ nhân dân, 20 Nghệ sĩ ưu tú, 5 Nghệ nhân dân gian ưu tú. Trong năm qua, anh chị em nghệ sỹ đã nỗ lực phấn đấu tìm tòi sáng tạo những giá trị chân thiện mỹ trong nghệ thuật để phục vụ cho nhân dân Đà Nẵng. Trên các mặt hoạt động sáng tác, nghiên cứu, việc dàn dựng các chương trình từ kịch truyền thống cho đến những kịch ngắn, kịch vui tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị... luôn hướng về nhân dân, gắn bó với đời sống nhân dân trở thành nguồn sức mạnh nội sinh góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa thành phố. Trong năm qua Hội đã triển khai truyền bá Kịch hát dân ca Bài chòi cho hàng nghìn học viên, sinh viên, giáo viên, viên chức các quận, huyện nhằm bảo vệ di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể nhân loại. Bên cạnh đó, chúng ta có một đội ngũ hội viên rất đông tại nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, trong năm qua với nhiều kịch bản truyền thống đồ sộ với đội ngũ nghệ sỹ có chuyên môn, nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao, đã thực hiện đưa tuồng xuống phố, dàn dựng mới vở “Nàng Tấm” của tác giả Nguyễn Sỹ Chức và mới đây trong Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch theo mô hình văn hóa truyền thống” nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch nhà hát đã xây dựng nhiều trích đoạn Tuồng đặc sắc, âm nhạc truyền thống, dân ca bài chòi để phục vụ nhân dân và du khách quốc tế đón xuân Tân Sửu...

Với vai trò là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Đà Nẵng, tôi cùng BCH, anh chị em văn nghệ sỹ luôn suy nghĩ tìm tòi một con đường đi phù hợp cho sân khấu Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay. Tôi nghĩ rằng, trước hết phải dựa vào nội lực của mình, phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được, đồng thời dàn dựng và lưu trữ những kịch bản truyền thống, những vở diễn dài, đã góp phần to lớn trong cuộc kháng chiến như “Quê hương dậy sóng” của Nguyễn Niêm, “Thoại Khanh Châu Tuấn” của Nguyễn Tường Nhẫn... để có các chương trình chất lượng phục vụ nhân dân và Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà UNESCO đã công nhận.

Trà Xuân Phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng.

Như các chuyên ngành nghệ thuật khác, những người làm công tác Điện ảnh Đà Nẵng đi qua một năm lao động nghệ thuật trong những âu lo, khó khăn của thiên tai và dịch bệnh. Dù vậy, với đặc trưng nghề nghiệp và thế mạnh ở thể loại phim tài liệu, chúng tôi vẫn nỗ lực sáng tạo để cống hiến cho khán giả những tác phẩm mới phản ánh chân thực dòng chảy của cuộc sống. Bên cạnh đó, việc khai thác những câu chuyện giàu tính nhân văn và cảm xúc, những cách thể hiện mang đậm dấu ấn cá nhân đã giúp một số tác phẩm được giải thưởng ở các kỳ liên hoan trong nước và được công chiếu ở nước ngoài. Trên lĩnh vực quảng bá và phát hành, những ngày phim Việt Nam và các tuần lễ phim của các nước cũng được tổ chức đã làm phong phú thêm các hoạt động điện ảnh trên địa bàn thành phố. Có thể nói, giữa bao biến động và xáo trộn để thích nghi với dịch bệnh và thiên tai, các nghệ sĩ điện ảnh và truyền hình Đà Nẵng vẫn luôn chắt lọc trong đấy những đề tài, những câu chuyện khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Họ đã giúp người xem quên đi phần nào những âu lo và có niềm tin vào cuộc sống bởi những giá trị tốt đẹp và nhân văn. Bước qua năm mới Tân Sửu, tôi hy vọng dịch bệnh sẽ qua, nhịp sống và không khí nghệ thuật sẽ trở lại bình thường. Và những người làm công tác Điện ảnh sẽ có nhiều cơ hội để cống hiến, để không giới hạn mình trong một phạm vi nhỏ hẹp, mong muốn có nhiều hơn nữa những tác phẩm được biết đến, được ghi nhận không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Đà Nẵng là một thành phố trọng điểm của khu vực miền Trung, vì vậy những hoạt động Điện ảnh cũng sẽ sôi động và xứng tầm hơn. Không chỉ trên lĩnh vực phim tài liệu mà từ đây sẽ có những bộ phim truyện mang hơi thở cuộc sống của đất và người thành phố bên sông Hàn.

Thân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.

Đón chào năm 2021, văn nghệ sỹ nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố ôm ấp nhiều ước mơ và khát vọng sáng tạo. Trong năm qua, đội ngũ nghệ sĩ sáng tác ảnh nghệ thuật đã vượt qua hết tất cả những cản trở khó khăn trong cuộc sống đời thường, để có nhiều điều kiện, cơ hội sáng tác. Bằng nhiều tâm huyết sáng tạo, các nghệ sỹ nhiếp ảnh, trong thời gian qua có nhiều tác phẩm đoạt giải trong nước và giải thưởng quốc tế thật đáng tự hào. Những kết quả đạt được đã lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nghệ thuật của thành phố.

Sang năm 2021, chúng tôi hy vọng có nhiều các nghệ sỹ tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, tích cực đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ, của nghệ thuật nhiếp ảnh của thành phố Đà Nẵng. Qua đó góp phần thực hiện nghị quyết 43 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 thiết thực đi vào thực tiễn cuộc sống.

Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng.

Xuân mới Tân Sửu 2021đến mang theo những hy vọng tin yêu và cả những khát vọng lớn lao đẹp đẽ, đặc biệt là với những người lao động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Là Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, tôi mong muốn Hội Nhà văn sẽ có điều kiện thuận lợi để tổ chức được nhiều hoạt động văn học sôi nổi, mới mẻ và chất lượng hơn nữa, bù đắp lại cho một năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 nhiều hoạt động bề nổi của Hội phải tạm dừng. BCH Hội Nhà văn thành phố đã có nhiều kế hoạch hoạt động trong năm 2021, như kế hoạch phối hợp cùng các cơ quan đơn vị văn hóa - báo chí - xuất bản tổ chức Cuộc thi sáng tác thơ văn về thành phố Đà Nẵng; Dự trù khả năng tổ chức Hội nghị Nhà văn trẻ Đà Nẵng lần thứ II nếu điều kiện cho phép; Thành lập và sớm đưa vào hoạt động trang Web văn chương của Hội, xuất bản các tuyển tập hoặc kỷ yếu sáng tác của hội viên... Nhưng trên hết, chúng tôi mong muốn và hy vọng trong năm Tân Sửu 2021, các hội viên Hội Nhà văn thành phố sẽ sáng tác được nhiều tác phẩm văn học hay, có những thành tựu “Trâu vàng” trong lao động sáng tạo nghệ thuật văn chương của mình, đóng góp thiết thực vào đời sống văn hóa tinh thần của xã hội và bắt kịp nhịp chảy sôi động của đời sống thế giới hiện đại đầy biến động hiện nay. Những tác phẩm hay, được bạn đọc yêu thích sẽ làm nên tên tuổi, uy tín, tạo nên vị thế cho tổ chức Hội! Và ngược lại, Hội mong mỗi hội viên sẽ thực sự xem tổ chức Hội Nhà văn là mái ấm, là ngôi nhà chung thân yêu của mình, có sự gắn bó chia sẻ tương trợ nhau trong đời sống và trong công việc sáng tác, viết lách...

Xin được phép thay mặt Hội Nhà văn thành phố kính chúc Tạp chí Non Nước và quý bạn đọc thân yêu một năm mới Tân Sửu 2021 an lành, thành công, hạnh phúc với những khát vọng lớn lao, mới mẻ sớm thành hiện thực!

Đinh Thị Hựu, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng

Đối với Hội Văn nghệ dân gian, việc đi về các địa phương để nghiên cứu, sưu tầm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Năm 2020 khi tình hình dịch Covid-19 vừa lắng xuống, chúng tôi liền tổ chức đoàn đi nghiên cứu tại Làng Gừng, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Tuy thời gian ngắn nhưng Hội vẫn thu thập được một số tư liệu đáng kể để thực hiện 10 chuyên đề; trong đó có 9 chuyên đề nghiên cứu về văn hóa dân gian và một chuyên đề về văn học dân gian. Đến nay việc nghiên cứu những chuyên đề đã hoàn thành: Y phục; Nghệ thuật tạo hình trên thổ cẩm; Biểu tượng tính thiêng; Chữa bệnh ma thuật; Trò chơi trẻ em; Truyện Ngụ ngôn của dân tộc Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam...

Sang năm 2021, chúng tôi mong muốn mỗi hội viên say mê nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn, khơi dậy niềm đam mê, bồi đắp thêm tình yêu đối với văn hóa dân tộc.

Với sự hỗ trợ của chính quyền và nhân dân địa phương, sự hỗ trợ và giúp đỡ của Liên Hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng, hy vọng trong thời gian đến chúng ta sẽ thêm nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. 

Huỳnh Ngọc Kim, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa thành phố.

Sau năm 1975 đến nay nghệ thuật múa tại Đà Nẵng có nhiều bước phát triển mới đa dạng, phong phú. Múa tại Đà Nẵng vừa phát huy múa truyền thống, vừa tiếp nhận có chọn lọc nghệ thuật múa của nhiều nước trên thế giới. Hội nghệ thuật Múa Đà Nẵng trong thời gian đến sẽ hướng nội dung phản ánh hiện thực phát triển của mảnh đất và con người Đà Nẵng. Phấn đấu có nhiều tác phẩm múa bao gồm các thể loại của sân khấu múa chuyên nghiệp. Đặc biệt thể loại đỉnh cao - thể loại kịch múa - để ngang tầm với sân khấu múa chuyên nghiệp cả nước.

Chúng tôi sẽ cố gắng nâng tầm chuyên môn cho đội ngũ biên đạo, sáng tác kịch bản múa. Mong muốn từng bước đưa trình độ biểu diễn kỹ thuật, kỹ xảo của nghệ sĩ biểu diễn múa ngang tầm yêu cầu thưởng thức nghệ thuật hện nay.

Bên cạnh đó, chúng tôi tham gia tích cực với hiệp hội UNESCO khu vực miền Trung về công cuộc bảo tồn, phát huy văn hóa Chăm. Đặc biệt về múa Chăm trên các nội dung múa Chăm dân gian, Chăm cung đình và sự ảnh hưởng giao thoa phát triển giữa múa dân tộc Kinh, dân tộc Chăm quá trình hơn ngàn năm qua.

Ước mơ, khát vọng cho múa Đà Nẵng thì nhiều, nhưng điều kiện có hạn. Với tình yêu nghề nghiệp hy vọng trong năm tới nghệ thuật múa của thành phố sẽ có nhiều khởi sắc.

N.N

Bài viết khác cùng số

Dấu ấn thời gianMột lần Tết quê ngoạiNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaTản mạn bên chén trà xuân80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Nhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân SửuKý ức ngày XuânCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidXuân vềNụ xuân trên ánh mắtLên Vọng Hải ĐàiChiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhRiêng cho Đà NẵngMai về Trường SaCó một cuối năm ở Đà NẵngNgày xuân nõnMùa xuân mớiVới Đà NẵngCó về không em ơi!Khúc mộc tháng GiêngNguyên ĐánXuân tái sinhCắt tóc cuối nămThơ cho mùa xuânMãi mãi mùa xuânĐóa xuân lòngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân về trong ý mẹNói đi em...Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố