“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng Hạc

27.01.2021
Đông Sơn

“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng Hạc

"Dấu xưa”, Tập truyện ngắn tác giả Lương Hoàng Hạc, gồm 14 truyện ngắn do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa xuất bản cuối năm 2020.

Tác giả Lương Hoàng Hạc tên thật là Lương Lực. Anh sinh năm 1954, quê quán Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Lương Hoàng Hạc đã từng làm giáo viên và trải qua nhiều công việc khác. Để rồi từ sự trải nghiệm phong phú trong đời sống và công việc của mình đã giúp anh viết nên nhiều truyện ngắn đặc sắc được in thành tập truyện ngắn “Dấu xưa”. Lối viết văn sinh động, lôi cuốn, lời văn nhẹ nhàng, chậm rãi; Trong từng câu chuyện kể của tác giả Lương Hoàng Hạc, thấm đẫm những kỷ niệm, hồi ức, cuộc sống của các nhân vật như gợi lên trong người đọc với những suy nghĩ về tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, cuộc sống gia đình... với lời văn trong sáng, mộc mạc, giàu sự trắc ẩn.

Lấy bút danh là Lương Hoàng Hạc, hẳn tác giả đã từng yêu thích hai câu thơ: “Hạc vàng ai cỡi đi đâu - Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ” của Thôi Hiệu, một nhà thơ đời Đường nổi tiếng của Trung Quốc. Tập truyện ngắn của Lương Hoàng Hạc gồm những truyện ngắn mang những ký ức buồn, những dở dang của những nhân vật của mình trong tình yêu với nhiều tiếc nuối. Thấp thoáng trong những truyện ngắn của tập sách có bóng dáng tác giả của  những câu chuyện kể với hình ảnh của thầy giáo Linh. Người thầy giáo với nhiều ước mơ trong sáng, cao đẹp trong việc giảng dạy và sự chân thành cuộc sống bản thân và gia đình và đồng nghiệp. Rất nhiều truyện ngắn trong tập sách “Dấu xưa” viết rất hay viết về nghề giáo như: Bóng xuân xanh, Dấu xưa, Mùa Xuân không cần có hoa,...

14 truyện ngắn trong tập truyện ngắn “Dấu xưa” như những nhành hoa lặng lẽ đơm bông trong lòng người đọc. Đó là những bông hoa tinh khiết, giản đơn, chứa đựng tình cảm bạn bè, gia đình, anh em và đồng nghiệp. Đó là những tình cảm nhân hậu, cách ứng xử đúng mực trong gia đình và cuộc sống trong tình yêu, mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ gia đình... Để từ đó toát lên một nhân cách sống, một thái độ sống chuẩn mực vượt qua những cám dỗ, ham muốn đời thường hướng đến một cuộc sống đầy nhân hậu, trong sáng và cao đẹp đầy chất nhân văn.

Những truyện ngắn trong tập truyện không quá dài, không có những tình huống quá phức tạp, nội dung đơn giản; Tuy vậy, tập truyện cũng không kém phần cuốn hút trong đời sống éo le, những hoàn cảnh nghiệt ngã, của thân phận con người. Toát lên trong nội dung những câu chuyện kể của Lương Hoàng Hạc trong tập sách “Dấu xưa” là tình cảm cao quý và thiêng liêng của con người đó chính là lòng thương yêu con người, sự thủy chung trong tình yêu, lòng bao dung với đồng nghiệp và tâm hồn trong sáng luôn hướng đến những điều cao cả, tốt đẹp của những thân phận con người dẫu gặp nhiều trắc trở, kém may mắn trong cuộc sống.

Đọc qua tập truyện “Dấu xưa”, rất nhiều truyện ngắn tạo ấn tượng tốt với người đọc như: Rừng động, Hoa rau muống, Bóng Xuân xanh, Cội phương mai, Chớm xuân...

Nhà thơ Đông Trình, người thầy giáo thi sĩ của tác giả, mà trong truyện ngắn “Dấu xưa”, tác giả Lương Hoàng Hạc đã trích dẫn 2 câu thơ nói lên cảm xúc của mình qua hình ảnh thầy giáo Linh khi được phân công về giảng dạy ở một ngôi trường tiểu học thuộc vùng trung du nghèo: “Anh sẽ về trồng hoa vuông sân. Cho cô giáo mới về thắp từng cánh nhớ” đã nhận xét về tập truyện ngắn: Lương Hoàng Hạc là một tác giả chưa nổi tiếng; 14 truyện ngắn trong tập truyện “Dấu xưa” là những câu chuyện giàu cảm xúc và lôi cuốn người đọc. Những truyện ngắn của Lương Hoàng Hạc đều có kết thúc buồn; Tôi rất ấn tượng với truyện ngắn “Bóng xuân xanh” kể về một tình yêu đẹp giữa một người thầy giáo và người học trò của mình”.

Câu chuyện “Bóng xuân xanh” kể về tình yêu của một thầy giáo tên Linh và người học trò của mình tên Liễu. Thầy Linh là giáo viên phụ trách lớp học bổ túc văn hóa lớp 8 cho cán bộ xã tại một vùng trung du nghèo trong đó có Liễu. Vì trân trọng và yêu quí thầy giáo, giữa Liễu và thầy giáo Linh đã nảy sinh một tình yêu. Trong một đêm, Liễu đến thăm thầy giáo của mình và nói lên tình cảm của mình dành cho thầy giáo. Truyện ngắn có những phút giây gây cấn khi nụ hôn của Liễu tìm môi thầy nhưng sau những giây phút thăng hoa trong tình cảm, thầy giáo Linh đã biết dừng lại để câu chuyện tình yêu không dẫn đi quá sâu.

Và đó cũng là những phút giây để lại kỷ niệm trong đời làm nghề giáo của thầy giáo Linh với những cảm xúc buồn man mác khi nhớ lại.

 “Không gian chùng xuống. Thời gian ngừng trôi. Nghe từng nhịp thở. Tim Liễu đập nhịp không bình thường. Đã lâu rồi hình ảnh người thầy giáo dạy văn lịch thiệp, giọng nói ngọt ngào, chữ viết bay bướm, lời giảng thành thơ đã khắc sâu vào trái tim Liễu... Lâu, rất lâu. Nàng đứng dậy ra về. Loạng choạng thế nào nàng ngã chúi. Linh kịp thời đưa bờ vai ra đỡ.

Trong vòng tay Linh. Tim Liễu đập những nhịp càng hối hả. Ngực nóng hổi, căng tròn, mờ mờ sau làn áo mỏng. Mắt nàng tha thiết. Má ửng hồng. Bờ môi hé mở, mấp máy Anh...! Lòng Linh dào dạt yêu thương. Linh cúi xuống, cúi dần xuống... tìm bờ môi.: Không, không được. Mình là thầy giáo. Mình đã có gia đình. Đứa con đầu lòng của mình vừa tròn tháng. Cô ấy còn nguyên trinh... Tình yêu này có bù đắp nỗi cho một đời hối tiếc?

Một nụ hôn bỏ lỡ...!

Kết thúc tình yêu, cô học trò đến học một ngôi trường khác trong cảm giác bồi hồi, nhung nhớ của người thầy.

“Ra Tết, Liễu đi thật.

Nắng trung du vẫn vàng. Nhưng lớp học thì bỗng dưng trống trải. Giọng giảng bài của Linh có lúc ngập ngừng, thiếu chất men say. Trên đời, có lúc dừng lại kịp thời để không phải hối tiếc nhưng cũng để lại trùng trùng nuối tiếc!” (Trích truyện ngắn Bóng xuân xanh).

Tác giả Lương Hoàng Hạc vốn là người trầm tính, ít nói nhưng có đời sống nội tâm phong phú. Hơn hai mươi năm qua, anh là bệnh nhân chạy thận ở bệnh viện C Đà Nẵng, mỗi tuần 3 lần, nhờ người vợ đẩy xe đến bệnh viện để chạy thận. Một người bạn văn chương, Tiến sỹ ngữ văn Huỳnh Văn Hoa đã động viên anh nên in một tuyển tập văn xuôi gồm các truyện ngắn mà anh đã in rải rác trên các báo và tạp chí như Giáo dục và Thời đại, Non Nước... trong những năm qua. Và Tiến sỹ ngữ văn Huỳnh Văn Hoa cũng là người viết lời giới thiệu cho tập sách này.

Trong bài viết lời giới thiệu cho tập sách “Dấu xưa” với nhan đề “Lương Hoàng Hạc và Thế giới tâm tình” anh viết: “Thấp thoáng đâu đây, vẫn nghe tiếng cười, tiếng nói của thầy giáo Linh - Lương Hoàng Hạc. Một âm thanh trong ngần qua những trang viết, dẫu có chỗ chưa nhuần nhuyễn, chưa hợp lý trong kỹ thuật dựng truyện, trong sử dụng hình ảnh, trong xử lý tình huống. Điều ấy, theo tôi, không quan trọng. Điều ta nhận về là một tấm lòng, tấm lòng của con chim hoàng hạc bay qua những nẻo đường quê hương, nhả những sợi tơ lòng, chùng xuống thời gian, gửi cho đời những “dấu xưa”, không tàn theo năm tháng”.

Tập truyện ngắn của tác giả Lương Hoàng Hạc được in trong những ngày anh ngồi trên xe lăn, mỗi tuần đều đặn 3 lần đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo đã nói tình yêu với văn chương rất tha thiết của anh. Những nỗi đời, nỗi người đã kịp được anh ghi lại trong những truyện ngắn với những niềm day dứt và dằn vặt về thân phận trong những hoài niệm đẹp, những khát vọng sống trong sáng và cao cả; Đó cũng là tâm trạng của người thầy giáo trước những thử thách cam go khi đối mặt với cuộc sống với nghề nghiệp và cả với học trò, đồng nghiệp, của mình với một tình cảm nhân hậu, đầy tình thương yêu.

Đ.S

Bài viết khác cùng số

Dấu ấn thời gianMột lần Tết quê ngoạiNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaTản mạn bên chén trà xuân80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Nhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân SửuKý ức ngày XuânCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidXuân vềNụ xuân trên ánh mắtLên Vọng Hải ĐàiChiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhRiêng cho Đà NẵngMai về Trường SaCó một cuối năm ở Đà NẵngNgày xuân nõnMùa xuân mớiVới Đà NẵngCó về không em ơi!Khúc mộc tháng GiêngNguyên ĐánXuân tái sinhCắt tóc cuối nămThơ cho mùa xuânMãi mãi mùa xuânĐóa xuân lòngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân về trong ý mẹNói đi em...Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố