80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941
Sau tròn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trước những diễn biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã liên lạc và chỉ thị cho một số cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đang hoạt động ở Trung Quốc nhanh chóng trở về nước đón thời cơ lãnh đạo nhân dân giành chính quyền.
Được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ, ngày 05.01.1941 đồng chí Lôi (Hoàng Văn Thụ) tìm gặp Nguyễn Ái Quốc khi đó đang ở thôn Tân Khư (Quảng Tây - Trung Quốc) để báo cáo tình hình trong nước. Ngày 06.01.1941, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp được đồng chí Hoàng Sâm đưa đi theo đường Long Lâm qua Nậm Bó, xuống Nậm Quang (huyện Tĩnh Tây). Tại đây, Nguyễn Ái Quốc tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện cho 43 cán bộ Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài về tình hình thế giới, trong nước; tổ chức đoàn thể quần chúng; cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh giải phóng cũng như căn dặn những điều nên làm và những điều nên tránh, những vấn đề cần tôn trọng, kiêng kỵ theo tập tục của đồng bào các dân tộc.
Ngày 28.01.1941 (tức mồng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ về nước. Khi bước đến bên cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, Người đứng lặng hồi lâu, bồi hồi xúc động. Sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt này đối với sự tồn vong của dân tộc đã được nhà thơ Tố Hữu ca ngợi bằng những lời thơ đẹp nhất: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... Im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ/ Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/Nhớ thương, hòn đất ấm hơi người/Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/Mà đến bây giời mới tới nơi!
Ngày 08.02.1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về đến Pác Bó (Cao Bằng), trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Những ngày Bác sống ở Pác Bó là những ngày thiếu thốn, gian nan và rất nguy hiểm. Đọc tập hồi ký “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta được biết có khi Bác ở một hốc núi nhỏ rất cao và rất sâu trong rừng, những khi trời mưa to rắn rết chui cả vào chỗ nằm; một lần sáng dậy có một con rắn rất lớn nằm khoanh ngay bên cạnh Người. Có khi Người ở trong một bụi rậm, giường nằm là dăm ba cành cây hoặc một mớ lá. Ăn rất thiếu thốn. Khi có gạo, các đồng chí còn chắt phần Người một bát nước cơm, gặp hồi không có Bác phải ăn cháo bẹ hằng tháng ròng... Thế nhưng, cuộc sống tinh thần của Bác rất phong phú, đậm nét lạc quan cách mạng qua những vần thơ cảm tác: Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang (Tức cảnh Pác Bó).
Không chỉ dịch cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô” ra tiếng Việt làm tài liệu học tập cho cán bộ cách mạng, Người còn mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ; xuất bản tờ báo “Việt Nam độc lập” (gọi tắt là Việt lập); chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng các hội cứu quốc ở Cao Bằng nhằm biến nơi đây thành một căn cứ địa cách mạng.
Tháng 5.1941, từ ngày 10 đến ngày 19, với tư cách là đại biểu Quốc tế cộng sản, Bác triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng ở lán Khuổi Nặm (Pác Bó). Hội nghị có ý nghĩa to lớn và có tính chất quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sau này. Với Nghị quyết của Hội nghị, sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và chính sách mới của Đảng đề ra từ các Hội nghị Trung ương 6, 7 trở nên hoàn chỉnh. Ngọn cờ giải phóng dân tộc được Đảng giương cao hơn bao giờ hết: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (Văn kiện Đảng (1939-1945), Nhà xuất bản Sự thật, 1963).
Theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương 8 đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Ngày 19.5.1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời, phất cao cờ đỏ sao vàng kêu gọi toàn dân đánh Pháp đuổi Nhật, cứu nước, cứu nhà. Toàn bộ phong trào chống phát-xít Pháp, Nhật của nhân dân ta từ đây mang tên phong trào Việt Minh, cái tên tiêu biểu cho lòng yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc ta, cái tên đầy ý nghĩa động viên tinh thần dân tộc và thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ.
Ngay sau Hội nghị Trung ương 8, ngày 06.6.1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi toàn dân đoàn kết, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, để tập trung lực lượng đánh đuổi Pháp, Nhật giành độc lập, tự do. Bức thư viết: “Hỡi đồng bào! Hãy noi gương vĩ đại của nhân dân Trung Quốc, tổ chức những hội cứu quốc chống Pháp, chống Nhật. Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền nhân chí sĩ! Mong các ngài sẽ noi gương phụ lão đời nhà Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc. Hỡi các bậc phú hào yêu nước, thương nòi! Hỡi các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương! Trong lúc quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”.
Bức thư của Bác đã thực sự đi vào tâm khảm của mỗi con người Việt Nam yêu nước, cuốn hút mọi người, mọi nhà vào con đường cứu nước dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, để rồi 4 năm sau đó toàn dân tộc ta “rũ bùn đứng dậy” làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời lở đất”, đánh sập chế độ thực dân, đế quốc tồn tại gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đã tròn 80 năm, song những dấu ấn lịch sử của mùa Xuân năm 1941 mãi in sâu trong lòng người dân nước Việt, đặc biệt khi chúng ta được hưởng thành quả của độc lập, tự do. Nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh - tác giả bài thơ “Bác về Pác Bó”, bộc bạch: Bao năm trông Bác, Bác về đây/Đất nước non sông, nở mặt mày/Cách mạng từ đây bừng rực đỏ/ Bắc Nam đỏ cả một ngày mai.
Quả đúng vậy. Lịch sử dân tộc ta đã sang trang từ mùa Xuân lịch sử ấy!
V.T