Hình tượng con trâu trong văn học Việt Nam

27.01.2021
Trần Trung Sáng

Hình tượng con trâu trong văn học Việt Nam

Con trâu là một trong những con vật mang hình tượng phổ biến gần gũi, gắn bó khá đặc biệt trong văn hóa phương Đông cũng như ở Việt Nam. Phần lớn trong nhiều câu chuyện dân gian, người ta mượn hình ảnh loài vật này để nói về triết lý, văn hóa, đạo lý sống, đó là tự chăn tâm mình, tự chăn tâm ngã như là thuần phục một con trâu. Riêng với người Việt Nam, trong kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca có rất nhiều câu nói về con trâu. Truyền thuyết của thời kỳ thần thoại ở Việt Nam có sự tích hồ Trâu Vàng Hồ Tây (Hà Nội). Trong văn học Đàng Trong, hình ảnh, thân phận con trâu, hiện thực và đầy đủ nhất nằm trong truyện Lục súc tranh công. Truyện kể lại cuộc tranh công tị việc giữa sáu gia súc: Trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Trong đó, phần quan trọng nhất dành cho trâu, cũng là phần hay nhất, non một trăm câu, là tiếng nói thống thiết của nông dân phản ánh số kiếp lầm than không lối thoát. Và gần nhất, hình tượng con trâu cũng đã bước vào dòng văn học cận đại qua những tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng để lại nhiều ấn tượng trong công chúng.

Tiểu tuyết Con trâu đầu tiên của Việt Nam

Tiểu thuyết Con trâu của nhà văn Trần Tiêu đăng trên báo Ngày Nay từ số 140 ra ngày 10-12-1938 và hai năm sau in thành sách (Nxb Đời nay, 1940). Tác giả Trần Tiêu (1899-1954, người Hải Dương) được xem là nhà văn viết tiểu thuyết nông thôn đầu tiên của Việt Nam với cuốn sách nói trên.

"Con trâu" của nhà văn Trần Tiêu trên báo Ngày nay

Con trâu viết về cuộc sống lam lũ của hầu hết dân quê miền Bắc Việt Nam. Cuộc sống của họ quanh năm hụp lặn nơi đồng sâu, nương rẫy, cày cấy, gặt hái, quanh năm đầu tắt mặt tối... mà điển hình là kể về cuộc đời vất vả của người nông dân (bác Chính) với mơ ước khá giản đơn nhưng khó thực hiện được: Đủ ăn đủ mặc, cả đời mơ ước tậu được một con trâu nái làm cơ nghiệp, thậm chí đến lúc chết vẫn còn mơ ước, lẩm bẩm hai tiếng “con trâu”. Con trâu được “khai sinh” ở làng Cổ Am và kể về chuyện của làng Cổ Am, nhưng có tính cách biểu tượng chung. Trần Tiêu đã khéo miêu tả một con trâu cái qua cách nhìn của bác Chính:  “Con trâu nằm gập hai chân trước, một chân sau hơi ruỗi để lộ bộ vú hồng phơn phớt lông tơ trắng. Nó không buồn để ý đến bác, tư lự như một nhà triết học, cặp mắt lờ đờ nhìn đâu đâu”. Theo nhà văn Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Nếu muốn tìm những việc oái oăm, những cơ mưu lắt léo trong “Con trâu” người ta sẽ không bao giờ thấy cả. Ở tập truyện này chỉ diễn ra rặt những việc rất thường trong lũy tre xanh, những việc hàng ngày của dân quê Việt Nam”. Trong khi đó, nhà văn Kim Lân nhận định: “Tác giả này khai thác những nét bình dị, chân thật của nông thôn, không thi vị hóa, cũng không nặng về trần tục. Tôi rất thích tác phẩm “Con trâu” của Trần Tiêu. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Xoay quanh chuyện con trâu thực chất là chuyện con người”.

Con trâu từ quê hương xứ Quảng

Không lâu sau sự ra đời “Con trâu” của Trần Tiêu, thì vào năm 1952, nhà văn Nguyễn Văn Bổng cũng cho ra tiểu thuyết cùng tên, lấy bối cảnh vùng quê đậm đặc chất Quảng.

Nguyễn Văn Bổng (1921 - 2001) người làng Bình Cư, nay thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia Cách mạng tháng 8-1945 tại Đà Nẵng. Cách mạng thành công, ông vừa làm việc ở Ty Thông tin tuyên truyền thành phố Đà Nẵng (bấy giờ mang bí danh Thái Phiên) vừa có chân trong Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Đà Nẵng. Cuối năm 1948 ông chuyển hẳn sang công tác văn nghệ, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chi hội phó Chi hội Văn nghệ Liên khu V, biên tập Tạp chí miền Nam (cơ quan của Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu V), Tổng biên tập báo Văn nghệ Liên khu V. Hầu hết những năm kháng chiến chống Pháp, ông gắn bó với chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Chính từ thực tế đó, ông đã  viết tiểu thuyết “Con trâu”, tác phẩm duy nhất viết về xứ Quảng tạo nên tên tuổi của ông trên văn đàn.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Bổng: “Hồi viết Con trâu, tôi chưa từng được cầm đến cán cuốc, tay cày. Tôi chưa phân biệt được ruộng lúa tẻ với ruộng lúa nếp... Những hiểu biết về nông thôn là do cách mạng và kháng chiến đem lại cho tôi. Cái vốn để tôi có thể viết Con trâu là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang cái túi bên người, đi khắp các chiến trường trong tỉnh để viết tin bài cho báo”.

Câu chuyện bắt nguồn từ một làng du kích nằm giữa vùng Pháp tạm chiếm, sát nách một làng tề có đồn giặc. Giặc liên tiếp mở các trận càn, bắt giết thanh niên, sát hại trâu bò; cho bọn tay sai tìm đủ cách dụ dỗ, cưỡng bức dân lập làng tề, bầu lý trưởng. Trước áp lực của giặc, đội du kích bị tổn thất, quần chúng hoang mang, việc đồng áng bị đình đốn, xóm làng hoang vắng. Một số người tuy còn trụ vững nhưng không có trâu, phải nai lưng làm việc thay trâu. Vấn đề “con trâu” được đặt ra, có trâu mới động viên được bà con về làng sinh sống. Thông qua vấn đề có ý nghĩa sống còn này, tác giả ghi lại sự trưởng thành của phong trào kháng chiến chống Pháp ở một làng quê miền Trung Việt Nam.

“Con trâu” cũng là cuốn tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được dịch và in ở nước ngoài sớm nhất. Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên cho rằng: “Nói đến tiểu thuyết “Con trâu” là người ta nghĩ ngay đến tác giả của nó chính là nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Đối với nhà văn xứ Quảng này, “Con trâu” là sự khởi đầu văn nghiệp khá hoàn hảo. Mặc dù, trước Cách mạng tháng Tám, ông cũng đã cho xuất bản các truyện ngắn: Say nửa chừng (1943), Dưới đáy sông Hương, Làm lại cuộc đời và Ba người bạn, đều xuất bản vào năm 1944, nhưng ít gây được tiếng vang trên văn đàn thời bấy giờ”.

Sự “sáng tạo nghệ thuật này đã mang lại cho “Con trâu” Giải thưởng Phạm Văn Đồng của Chi hội Văn nghệ Liên khu V (1952-1953), giải nhì Giải thưởng văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955).

Mùa len trâu của "ông già Nam Bộ”

Nhà văn Sơn Nam trong tập “Hương rừng Cà Mau” (in lần đầu tại Sài Gòn, Nxb Phàu Sa 1962)  có một truyện ngắn đặc sắc mang tên “Mùa len trâu”. “Mùa len trâu” kể lại việc nông dân di chuyển đàn trâu ồ ạt từ đồng bằng Hậu Giang ngập lụt lên vùng cao Ba Thê, Bảy Núi để dinh dưỡng. Tới mùa nước ngập, người nông dân không nỡ nhìn con vật trung thành chết đói vì thiếu cỏ ăn nên phải len qua nhiều cánh đồng nước lêu bêu, đi tìm vùng đất hứa với những thảm cỏ xanh còn sót lại, cho trâu trú ngụ suốt mấy tháng chờ nước rút. Có đoạn Sơn Nam viết: “Má nó khéo lo thì thôi! Trâu hễ tới số thì dẫu cầm ở nhà nó cũng không sống. Tôi buồn lắm. Trâu giúp mình tạo ra hột lúa, bù lại, mình không kiếm đủ cỏ cho nó ăn no. Như vậy là mình bất nhân. Còn thằng Nhi... dịp này để nó học nghề với người ta”. Lồng trong nội dung “Mùa len trâu”, là câu chuyện về một thiếu niên được cha mẹ giao cho hai con trâu, gởi theo nhóm người sơ tán đưa đàn trâu khỏi vùng ngập nước. Sau mùa nước nổi, chú thiếu niên ấy trở về biết uống rượu, hút thuốc... và trở thành người lớn trưởng thành, nhuốm đậm màu trần tục. Năm 2003, “Mùa len trâu” được đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh  kết hợp với những truyện khác của Sơn Nam dựng thành phim hay, gây ấn tượng mạnh, đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá.

Nhà văn Sơn Nam (1926 - 2008) quê làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Ông đã viết nên nhiều tác phẩm văn học giá trị, được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già đi bộ', "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học". Để tri ân những đóng góp của nhà văn Sơn Nam cho nền văn học nước nhà, Hoa viên nghĩa trang Bình Dương đã dành tặng miễn phí một mộ phần cho ông ở vị trí đẹp, đắc địa trong Hoa viên, bên cạnh mộ phần của người bạn thân là nhà thơ Kiên Giang.

T.T.S

Bài viết khác cùng số

Dấu ấn thời gianMột lần Tết quê ngoạiNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaTản mạn bên chén trà xuân80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Nhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân SửuKý ức ngày XuânCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidXuân vềNụ xuân trên ánh mắtLên Vọng Hải ĐàiChiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhRiêng cho Đà NẵngMai về Trường SaCó một cuối năm ở Đà NẵngNgày xuân nõnMùa xuân mớiVới Đà NẵngCó về không em ơi!Khúc mộc tháng GiêngNguyên ĐánXuân tái sinhCắt tóc cuối nămThơ cho mùa xuânMãi mãi mùa xuânĐóa xuân lòngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân về trong ý mẹNói đi em...Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố