Mai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?

27.01.2021
Phan Nam Sinh

Mai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?

Nói về thơ chữ Hán của các cụ ta xưa, có lẽ không ai không nhớ tới bài Cáo tật thị chúng (告 疾 示 衆) của sư Mãn Giác (滿 覺). Hai câu kết của bài thơ ấy là:

Nguyên văn:

莫  謂  春  殘  花  落  盡

庭  前  昨  夜  一  枝  梅

Phiên âm:        

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

 

Dịch thơ:

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

 Đêm qua sân trước một cành mai        

Nhưng mai đây là mai nào, có phải là thứ mai mà bà con miền Nam, nay là đồng bào cả nước ta dùng để chưng Tết hay không?

Để chắc chắn, vào xem mấy bài thơ có chữ mai (梅) của các nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc ngày xưa, thấy mai họ cũng chẳng khác gì mai trong bài thơ Cáo tật thị chúng của sư Mãn Giác. 

Trong bài Giang mai (江 梅) của Đỗ Phủ sống vào thời Thịnh Đường thì mai được miêu tả như sau:

Nguyên văn

梅  蕊  腊  前  破

梅  花  年  后  多

Phiên âm

Mai nhị lạp tiền phá

Mai hoa niên hậu đa

Dịch thơ

Tháng chạp mai hé nhị

Ra giêng mai đầy hoa

Và đây là hai câu đầu trong bài Tặng Lĩnh Thượng mai (赠 岭 上 梅)của Tô Thức, thời Bắc Tống:

Nguyên văn

梅  花  開  盡  百  花  開

過  盡 行  人  君  不  来

Phiên âm:

Mai hoa khai tận bách hoa khai

Quá tận hành nhân quân bất lai

Dịch thơ:

Hết hồi mai nở, rợp hoa ngàn

Kẻ đến sao chàng chả thấy qua

Tra Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, thấy ông chú: mai là thứ cây nở hoa vào đầu xuân, hoa có màu trắng hoặc đỏ. Thứ trắng gọi là lục ngạc mai (綠 萼 梅). Quả lúc chín màu vàng, vị chua, có thể dùng nấu canh hoặc muối. Vì vậy mà Kinh Thư có câu nhược tác hòa canh, nhĩ duy diêm mai (若 作 和 羹, 爾 惟 鹽 梅).

Tra cuốn Hiện đại Hán ngữ từ hải (现 代 汉 语 词 海), thấy nói mai thuộc mộc, chịu rét, ra hoa vào đầu xuân, có màu hồng, hồng phấn hoặc màu trắng. Quả có hình cầu, vị chua, ra hoa vào mùa xuân thì giống như mai chưng Tết của ta. Nhưng màu sắc của hoa, hình thù và công dụng của trái thì không thể là mai ta được. Mai chưng Tết của ta cũng có trái nhưng chỉ to như hạt tiêu, lúc chín có màu tím đen, dẹp chứ không phải hình cầu, nhất là chẳng ai dùng để nấu canh hoặc muối như từ điển của ta và Tàu đã chú.

Tiếp tục tìm hiểu thì biết thêm, thứ mai này có tên khoa học là Prunus mume, tức cây mơ, được trồng ở bên Tàu lẫn bên ta, hoa của nó được người Trung Quốc xưa tôn vinh là tứ quân tử cùng với ba thứ khác là lan, cúc, trúc; năm 1964, được chính phủ Trung Hoa dân quốc Đài Loan chọn làm quốc hoa.

Còn mai mà ta vẫn thường dùng để chưng trong dịp Tết là hoàng mai, tên khoa học là Ochna integerrima. Tiếc là người viết bài này đã từng có thời gian tưởng nhầm mai trong bài Cáo tật thị chúng của sư Mãn Giác là mai bấy lâu nay dân ta vẫn thường để chưng Tết!

P.N.S

Bài viết khác cùng số

Dấu ấn thời gianMột lần Tết quê ngoạiNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaTản mạn bên chén trà xuân80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Nhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân SửuKý ức ngày XuânCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidXuân vềNụ xuân trên ánh mắtLên Vọng Hải ĐàiChiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhRiêng cho Đà NẵngMai về Trường SaCó một cuối năm ở Đà NẵngNgày xuân nõnMùa xuân mớiVới Đà NẵngCó về không em ơi!Khúc mộc tháng GiêngNguyên ĐánXuân tái sinhCắt tóc cuối nămThơ cho mùa xuânMãi mãi mùa xuânĐóa xuân lòngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân về trong ý mẹNói đi em...Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố