Truyện ngắn Đinh Thị Như Thúy

22.09.2014

Truyện ngắn Đinh Thị Như Thúy

Chỉ chúng ta mới có quyền kết thúc cuộc chơi này

 

 

1.

 

 

Có thể bắt đầu bằng một đoạn tả cảnh:

 

Buổi sáng. Nắng nhẹ. Gió nhẹ. Đêm qua mưa to. Cỏ cây và cả bầu trời đã được rửa sạch. Tất cả bỗng dưng trong trẻo dịu mát.

 

 

Hay sẽ bắt đầu bằng nỗi nhớ:

 

Nhớ tối mùa đông. V đến nhà chở đi Big.C Đà Nẵng coi phim Chạng Vạng. Các phòng chiếu phim đều ở lầu tư. Hai đứa giấu hai chai nước trong cái áo khoác rộng lùng phùng. Và hai ổ bánh mì dài. Ăn nhẩn nha trên ghế băng. Nơi tràn ngập người mua sắm lại qua.

 

Nhớ đã thích mê. Không phải vì nội dung phim. Mà vì cảnh rừng ôn đới ẩm ướt. Những thân cây phủ đầy rêu. Sương mù dâng. Những cỏ hoa hiện ra bất ngờ. Trong ngày nắng hiếm hoi. Ở một nơi nhiều mưa nhất thế giới.

 

Nhớ có thời Tây Nguyên cũng ẩm ướt vậy. Cũng sương mưa. Cũng những cây cổ thụ phủ đầy địa y và dây tầm gửi. Cũng những mát lạnh rờn rợn. Khiến con người không mong gì hơn là được ủ ấm trong cái nhìn của nhau.

Đâu đã dài thời gian mà chốc đã xa rồi.

 

Hôm qua. Đoạn đường đẹp mê trên quốc lộ 26. Những rẫy café ngút ngát. Những hàng muồng chia lô mùa rụng lá phả lên trời cái màu khói sương bảng lãng. Đã bị chặt trụi. Những gốc café được xe cẩu nhổ lên gọn bâng. Như ta nhổ một nhánh cỏ dại. Tất cả đã được chất thành đống mà đốt. Lửa khói ngột ngạt trong cái nắng tháng tư. Và một màu đất đỏ trần trụi trải ra bất tận.

 

Họ sẽ làm nhà ở? Những hàng quán sẽ mọc lên? Con người sẽ tràn ngập? Không làm sao biết rõ. Nhưng màu trắng hoa café mê hoặc mỗi tháng hai. Và cảm giác đi lạc vào một không gian khác. Mát rượi trong mùa tưới. Đã không còn.

 

 

Có vẻ như đã lạc đề. Có vẻ như quá lan man. Vẫn chưa nói được gì về màu xanh lá.

 

 

Hay là sẽ bắt đầu như thế này:

 

Xanh lá cây. Là màu yêu thích của nhà văn Hemingway. Ông yêu thiên nhiên hoang dã. Thích săn bắn. Trong căn nhà của ông ở Cu Ba. Có bộ da báo khổng lồ. Có những sừng thú thuộc kích cỡ khó tưởng tượng. Đó. Những con thú ông săn được. Và con thú lớn nhất. Ông đã săn vào giây phút cuối đời. Là chính ông. Ông đã ngậm đầu súng. Một khẩu súng săn. Trong miệng. Và bóp cò.

 

 

Lại lạc lối! Phải đi sát vấn đề hơn nữa! Phải tôn trọng luật chơi!

 

 

Nhưng có phải ai cũng tôn trọng luật chơi đâu. Rất nhiều người đã nói dối. Đã bôi bẩn. Đã giả trá. Đã nịnh hót. Đã không đối thoại trực tiếp. Đã lươn lẹo sử dụng tối đa mọi ưu thế và tận dụng tối đa mọi sự trợ giúp. Kiểu như: 50 / 50. Hay hỏi ý kiến khán giả. Hay gọi điện cho người thân.

 

 

Nhưng thôi được. Sẽ tôn trọng luật chơi.

 

 

Và sẽ lại bắt đầu thế này: Xanh lá cây. Không phải là màu yêu thích của tôi. Tôi thích màu vàng…

 

Hay là quay lại đoạn tả cảnh đầu tiên đi: Nắng nhẹ. Gió nhẹ. Buổi sáng khu vườn tràn ngập màu xanh cây lá vì cơn mưa đêm qua.

 

 

 

2.

 

 

Đúng lúc đó con rắn xuất hiện. Một con rắn lục xanh mướt. Trườn trên hàng rào xanh mướt dây bìm bìm.

 

Thật thú vị. Con rắn đang mang tâm trạng vui vẻ. Tôi chắc như thế vì cái cách nó rướn mình hân hoan trên những bông hoa màu tím. Chiếc cổ dài của nó vươn cao mang dáng dấp loài khủng long.

 

Tôi đến gần hơn chút nữa. Để thấy con rắn quả là dạn dĩ. Tâm trạng nó đang rất vui. Nó nằm thảnh thơi trên lớp lá xanh non êm như nệm. Chiếc đầu tam giác nhọn quay đảo và chiếc cổ rướn cao. Tôi nhặt một hòn đá ném vào nó cùng một tiếng suỵt nhẹ. Nó trườn đi rất nhanh.

 

Nhưng đúng lúc tôi quay người định bước đi. Thì thấy nó trở lại. Vẫn vị trí cũ. Vẫn cái cổ rướn cao đầy vẻ dò hỏi. Có vẻ như nó muốn mang đến cho tôi một thông điệp. Nó xuất hiện ở đây. Trong buổi sáng nắng ấm này. Trên hàng rào bìm bìm này. Là vì tôi.

 

Con rắn duỗi dài thân theo chuyển động của mấy con bướm đang bay ngang nó. Nó trườn theo hàng rào để tôi nhìn rõ hơn độ dài và vẻ óng mượt của làn da xanh non. Nó quả thật đẹp với màu xanh quyến rũ gợi cái chết.

 

 

 

Tôi chợt có ý nghĩ: Cái gì sẽ xảy ra nếu tôi đưa tay về phía nó? Chạm vào làn da xanh non kia? Mướt rượt? Dịu dàng? Mềm mại?

 

Có thể con rắn sẽ hoảng sợ vì tiếng động và hơi ấm bất ngờ? Nó vội vã trườn đi? Và lần này là đi hẳn?

 

Có thể con rắn sợ bị tấn công? Và nó sẽ phòng vệ bằng cách ra đòn trước? Nó sẽ mổ vào ngón tay tôi?

Những người hàng xóm tốt bụng sẽ kịp thời đến? Họ sẽ rạch sâu vào vết thương. Nơi có những dấu răng sâu hoắm. Khoét rộng. Nặn máu. Buộc ga rô vào cổ tay. Đưa tôi đến bệnh viện. Tôi được cứu sống. Và ngay sau đó một tấm bảng cảnh báo sẽ được treo trên những bông bìm bìm hiền lành yếu đuối. Tấm bảng được viết, vẽ vội vàng. Với cái đầu lâu. Hai chiếc xương bắt chéo. Và dòng chữ: Nguy hiểm! Có rắn độc cắn chết người.

 

 

Có thể mọi chuyện sẽ xảy ra theo một cách khác?

 

Con rắn sẽ trườn vào tôi bằng một cẩn trọng nhẹ nhàng? Tôi sẽ đón nhận nó? Như đón nhận một phần của chính tôi bị thất lạc. Bàn tay. Cánh tay. Và cả thân thể tôi sẽ tràn ngập trong cảm giác được ôm ghì thương yêu bởi màu xanh cây lá. Màu của yên tĩnh. Của bóng mát. Của rừng cây. Của cỏ dại. Của sương mù ẩm ướt. Của những sinh sôi bất tận. Màu thiên nhiên hoang dã. Những cây nấm sau mưa. Những con báo đốm khổng lồ. Những con thú có sừng…

 

 

Và những tranh cãi chết tiệt. Tôi thật sự không muốn nghĩ đến nữa. Có thể đã không còn cần thiết. Những luật chơi. Những dốt nát. Những cay đắng. Những thù hận.

 

Tôi biết. Thật kỳ dị cho ý nghĩ này. Rằng tôi sẽ có thể kết thúc tất cả. Không phải bằng khẩu súng săn.

 

3.

 

Xanh lá cây!

Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây? (Piere Emmanuel)

 

Dịu dàng. Cẩn trọng.

Tôi đưa tay về phía con rắn.

 

 

Không phải ai cũng có thể tồn tại sau khi rơi xuống

 

 1.

 Tôi biết có gì đó không ổn. Thật sự không ổn. Nhưng không sao nhận biết rõ rệt đó là điều gì. Chuyện xảy ra quá đột ngột. Và (dĩ nhiên là) phi lý. Như hầu hết mọi chuyện xảy ra trong xứ sở này.

 Chỉ nhớ lúc đó rất đông người. Họ ồn ã. Nhưng giấu mình. Những đôi mắt dài và hẹp và sắc như gai xương rồng sau những mặt nạ.

 Buổi vũ hội hoá trang hôm đó mang chủ đề: Biển - Những tiết điệu u trầm. Bủa vây quanh tôi là những trang phục có màu sẫm ở lưng và màu trắng ở bụng.

 Những cá nóc, cá ngạnh, cá đuối.

Những loài nhuyễn thể nhơn nhớt lạnh.

Những loài giáp xác vỏ và đuôi và càng và chân tua tủa.

 Họ di chuyển vụng về nhưng ma mãnh. Thi thoảng họ tung ra những bụm khói đen đặc không phải để tiện đường trốn chạy theo kiểu thụt lùi của loài mực. Mà để vui. Vì thích màu đen? Thích bóng tối của sự đồng loã? Và (nhất là) thích làm mất phương hướng các loài khác?

 Cú va chạm kinh hoàng làm tôi tê điếng. Mất cảm giác? Hay mất ý thức? Trong thời gian bao lâu? Vài phút? Vài giờ? Hay đã hàng năm trôi qua? Không một ai. Không một gợi nhớ nào giúp tôi đoán định rõ ràng. Một khoảng trắng. Một khoảng trống.

 Có ai đứng bên giường tôi khi tôi trôi dập dềnh đâu đó trong một cõi lạ lùng không không gian, không thời gian? Có ai chắp tay thành kính (kiểu như) cầu nguyện: Lạy Chúa lòng lành thương xót? Có ai xoắn vào nhau đôi bàn tay (kiểu như) tuyệt vọng thì thầm van vỉ: Hãy trở về đi. Hãy tỉnh lại đi. Làm ơn. Hãy mở mắt ra đi?

 Tôi chỉ một mình. Như mọi con người. Cảm giác một mình luôn thường trực.

 Tỉnh lại tôi không quên điều gì trước đó. Duy nhất sự va chạm đó bị xoá sạch.

 Nhưng đã có gì đó đổi thay. Đôi khi đang đi trên phố. Trời nắng gắt. Tôi nghe có tiếng nước giọt rõ ràng dưới chân. Nhìn kỹ lại thấy chẳng có gì. Trời vẫn xanh ngăn ngắt. Quả quyết rằng chẳng có mưa. Cũng chẳng có dấu vết giọt nước nào trên mặt đường. Tiếng nước giọt vẫn vang lên rất rõ. Tôi thấy sợ. Rồi cũng quen. Rồi cũng chẳng lấy làm lạ nữa.

 

 2.

 Đó là một vết nứt kéo dài theo cơ thể. Ban đầu mảnh, mờ. Kiểu như đường rạn trên men sứ của một chiếc bình cổ. Hay bóng dáng mơ hồ của một cọng tóc suôn dài. Hay một sợi tơ mịn. Chạy suốt từ đỉnh đầu xuống bờ vai xuôi theo vòng lượn của chiếc hông rồi kéo dài đến tận gót chân.

 Tôi đã không phát hiện? Hay tôi đã không muốn phát hiện? Khi đứng trước gương soi. Trong phòng tắm.

Tiếng nước nhỏ giọt mỗi ngày một nhanh hơn, thổn thức hơn. Không chỉ khi tôi đi trên đường. Mà bất cứ lúc nào. Kể cả lúc tôi nằm co ro như ngủ. Tôi xanh xao ủ dột. Có điều gì đang thoát khỏi tôi. Như thể không khí trong chiếc bong bóng cao su đang dần thoát ra ngoài theo một lỗ mọt.

 Chiều hôm đó tôi đứng lại trên đồi. Trước mặt tôi. Dâng lên. Vầng trăng mười bốn đầy đặn. Trong nắng chiều tôi thấy bóng tôi in trên vầng sáng mặt trăng.

 Chiếc bóng gầy.

Tiếng nước giọt hối hả.

 Chiếc bóng gầy nhỏ.

Tiếng nước giọt hối hả hơn như thúc giục.

 Chiếc bóng càng gầy nhỏ hơn thì vết nứt mảnh mịn mờ kéo dài từ đầu đến chân tôi càng mở lớn. Lần đầu tiên sau bao ngày tôi nhìn thẳng vào đó. Điềm tĩnh. Như nhìn vào một khoảng trời hẹp. Sâu hun hút. Tôi lại thấy biển. Những con sứa lửa như những dải voan đỏ mềm dịu uốn vòng quanh thân thể tôi. Riết chặt. Thoáng chốc tôi vụt hiểu.

 Vết nứt rộng ra. Rộng hơn. Rộng hơn.

 Tôi bước vào.

 Và không còn tôi nữa.

Đ.T.N.T

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng