Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt
Tới thời điểm hiện tại, với độ lùi xa cần thiết đến nửa thế kỷ, có lẽ cũng đủ dày dặn để chúng ta có thể bình tâm suy ngẫm lại toàn diện về một thế hệ thơ đặc thù, hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một thế hệ thơ mà theo tôi, hẳn chỉ có thể được sản sinh ra có một lần, mà sau này, cũng hiếm khi nào còn lặp lại.
Trước hết, xin nói về nhu cầu tự thân và lý tưởng của một thế hệ cầm bút. Chúng ta thường chỉ định dạng một cách ước lệ đó là “lớp nhà thơ chống Mỹ”, “nền thơ chống Mỹ”. Thật ra, đáng phải đi sâu hơn để thấy rằng cốt lõi của lớp người này đâu phải chỉ định hình do ở tinh thần chống Mỹ mà được định hình chủ yếu lại do ở những yếu tố cao cả và bao quát hơn, đó là biết khẳng định những phẩm chất tích lũy từ truyền thống xa xưa của dân tộc mình; gắng thể hiện được thước đo tính công dân trọn vẹn, lòng vị tha đầy nhân ái, tâm thế biết dấn thân hết mình vì sự nghiệp chung, lòng yêu nước nồng nàn và bộc trực; yêu Chân lý và Lẽ phải, dám dấn thân vì quyền sống, quyền làm người có lương tri, từ đó, biết yêu cái Đẹp, cái Thiện trong tinh thần dân chủ và công bằng, biết tiếp thu khá đầy đủ lý tưởng nhân văn và tư duy khoa học của thế giới văn minh. Và cả nền thơ chống Mỹ cũng vậy, đâu phải chỉ đơn giản bó khuôn trong có một việc là“ chống Mỹ”, mà hơn thế nhiều, đây là nền thơ về toàn bộ cuộc sống con người trong hơn hai thập kỷ mà dân tộc ta phải chiến đấu và vươn lên để sống, để ngẩng cao đầu làm người với đầy đủ ý nghĩa của con người, giàu khát vọng, biết hào phóng và mở rộng tầm cao cho suy tư hòa cùng diện rộng của cảm xúc, ngay ở nơi mà cách sống hòa bình và cách sống chiến tranh luôn đan xen vào nhau từng khoảnh khắc.
Biểu hiện rõ nét nhất của thơ ca thời chống Mỹ, là đã dám dấn thân để tham dự vào tất cả mọi tình huống từ phổ quát đến chi tiết của đời sống, dám chia sẻ hết mọi tâm trạng của mọi lớp người thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động và công tác, dám dung nạp mọi khía cạnh và góc độ để quan sát cũng như để diễn giải một cách đa dạng và sâu sát từ suy tưởng đến hành động, từ khách quan đến chủ quan…mọi mặt đời sống tinh thần của con người, trên cái nền bao la của hiện thực phong phú hàng ngày. Thơ đủ sức để thẩm thấu đến mọi ngóc ngách của nếp sống xã hội, tâm lý và lề thói ứng xử của con người, từ cái Ta chung đến cái Tôi riêng của mỗi cá nhân đơn lẻ, với chủ thể là từng anh bộ đội, từng cô dân quân du kích, từng người công nhân, bậc trí thức, nhà khoa học, thậm chí đến mỗi tín đồ Phật giáo, Thiên chúa giáo và mọi giáo phái khác. Cảm hứng chủ đạo của thơ không ra ngoài mọi nỗi vui buồn thường trực của hiện thực gắn liền với cuộc chiến đấu vì sự tồn vong của đất nước. Nhân vật của thơ trải rất rộng, có mặt khắp các điểm nóng ở mọi miền Tổ quốc, từ cô giáo trẻ tự nguyện lên dạy học tận bản làng heo hút vùng cao đến cô thanh niên xung phong đêm ngày dầm mình ngoài hỏa tuyến. Hoàn cảnh của nhân vật có thể rất éo le khi phải một mình rơi vào một hòn đảo vắng lặng ngoài khơi, hoặc đóng chốt tận một kho vũ khí biệt lập, ẩn sâu heo hút trong hang núi Trường Sơn; cho đến vị trí cận kề nguy hiểm trên một trận địa pháo, trận địa tên lửa, ngang nhiên phơi mình dưới tầm ngắm của máy bay thù; lại cũng có thể đối mặt can trường với địch giữa một cuộc xuống đường ồ ạt của sinh viên học sinh và tín đồ Phật giáo các đô thị miền Nam; hay có khi cũng còn tham dự cả những cuộc biểu tình phản chiến mãi tận nước ngoài, cách xa ta đến nửa vòng trái đất. Và điều rất đặc biệt là tuy sống trong tư thế chiến tranh tổng lực, con người Việt Nam vẫn phải thích nghi cao với mọi thử thách, thiếu thốn, để duy trì được lâu dài cả một nếp “cân bằng bền” của xã hội, tức là vẫn phải sản xuất, tạo ra các sản phẩm cần thiết về vật chất và tinh thần; vẫn phải cưới xin, sinh con đẻ cái, nuôi dạy chúng nên người, tạo điều kiện cho chúng duy trì học tập, trưởng thành; vẫn phải duy trì cả việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo văn học nghệ thuật… Và tất cả những điều đó là làm vì sự tiến hóa xã hội thật sự, chứ không phải để đối phó.
Nếu như cuộc chiến tranh vệ quốc của Nga thời Liên Xô cũ chỉ kéo dài có 4 năm ( 1941- 1945) hay cuộc nội chiến Tây Ban Nha chỉ kéo dài có 3 năm ( 1936-1939) mà đã đủ sản sinh ra cả một thế hệ nhà thơ tài năng và nhiều bài thơ bất hủ, thì chúng ta cũng có thể nói rằng cuộc chiến tranh 21 năm ( 1954 – 1975) để đi đến thống nhất đất nước và tách riêng ra, nếu cần nhấn mạnh một vệt đặc thù, là cuộc đánh trả của miền Bắc Việt Nam chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, khởi đầu từ ngày 5- 8- 1964 với sự kiện Vịnh Bắc Bộ và kết thúc là trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972, đánh thắng tập đoàn pháo đài bay B.52 trên bầu trời Hà Nội, dẫn đến hiệp định Paris và kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại, cũng sản sinh ra biết bao bài thơ để đời, những bài thơ thực sự là niềm tự hào chính đáng của một lớp nhà thơ đã trưởng thành từ chính những tháng năm sôi động đó. Lớp người này thực sự đã dám sống hết mình với thời đại của mình, mà nói như nhà thơ lớn của Đức thế kỷ XVIII là Friđrich Sinle, thì : “Ai đã dám sống hết mình với thời đại của mình thì cũng sẽ còn để lại giá trị có ý nghĩa cho cả mọi thời sau đó nữa!”.
Tinh thần “người trong cuộc”, người dám sống hết mình với thời đại của mình giữa những năm thử thách khốc liệt đó còn được nâng cao lên với khát vọng cháy bỏng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mang hơi thở sử thi, của tinh thần tự hào dân tộc hết sức sâu đậm. Ngày hôm nay, có thể chính bản thân tôi cũng mỉm cười có phần rộng lượng khi đọc lại những câu thơ chừng như hơi thậm xưng của bản thân mình viết về Hà Nội năm 1967: “ Hà Nội mang tầm vóc hôm nay / Cộng với tầm cao quá khứ / Tôi đi dọc những lối vào lịch sử / Nghe suốt năm châu bè bạn nối gần / Tôi đi ngang những cuộc đời thường / Biết ở đó chia nỗi lo nhân loại”, nhưng phải chăng, đó lại chính là những suy nghĩ chính thống của chúng ta trong suốt những năm đánh Mỹ ấy? Nếu không như thế, thì làm sao lại có những hành động quả cảm và quên mình ủng hộ Việt Nam của Norman Môrixơn, của Giên Phônđa, của Gioan Baê ngay từ trong lòng nước Mỹ? Và những dòng người rầm rập đồng tình từ các phong trào phản chiến ở Thụy Điển, Anh, Ý, Pháp, Đức nối dài suốt những năm tháng đó, với điệp khúc trầm hùng sâu thẳm trong bài ca rất phổ cập của một nhạc sĩ người Anh: “Hồ, Hồ…, Hồ Chí Minh”. Làm sao lại có những tiếng nói ủng hộ từ lương tâm cao cả của các nhân sĩ trí thức lớn như Ôlôp Panmơ (Thụy Điển), Giăng Pôn Xactơrơ, Luy Aragông (Pháp), Pablô Nêruđa (Chi lê), Blaga Đimitơrôva (Bungari), Côngxtăngtin Ximônôp, Epghêni Eptushencô (Nga)…với chúng ta?
Còn có thể dẫn thêm những câu thơ thật chân thành từ suy nghĩ nội tâm của thời đó, mà hôm nay đọc lại, ai đó dễ quy chụp là có phần nào cao giọng, cường điệu. Sự thật, nó vẫn phản ánh trung thực những suy nghĩ tâm huyết và phổ biến của một thời. Phải đặt vào đúng văn cảnh của nó, thì mới thấy hết được rằng đó là những câu thơ hay, những câu thơ gan ruột. Ví dụ : “ Đi qua hết tuổi thanh xuân / Để lại trong rừng những gì quý nhất / Mất mọi thứ để nhân dân không mất”. (Phạm Tiến Duật). Hay là : “ Trời ơi! Nếu kẻ thù chiếm được / Chỉ một gốc sim thôi, dù chỉ gốc sim cằn / Tổ quốc sẽ ra sao, Tổ quốc!” (Hữu Thỉnh). Hoặc giản dị làm sao, khi được soi lại một khoảnh khắc ngẫu hứng những gì mà ta từng nhất mực hy sinh: “ Bạn cùng đi với tôi trên vỉa hè rạn vỡ : / - Đây là những gì chúng ta đã sống và đã chết / Người con gái áo trắng đi về tương lai nào đó: / - Đây là những gì chúng ta đã đổ máu và hát ca!”. (Nguyễn Khoa Điềm)…
Thơ chống Mỹ tự hào đứng ở tầm cao của lý tưởng nhân bản và chủ nghĩa anh hùng, tinh thần dân tộc và khát vọng hòa bình, hướng tới dân chủ và công bằng trên trái đất; từ tầm cao đó, mọi điều bộc bạch trong thơ dễ có điều kiện xuất thần,cảm hứng trong thơ cũng dễ thăng hoa, tạo được sự lay động đến tận đáy, chói sáng một khoảnh khắc nhưng lại có giá trị lâu dài. Các nền thơ hay thế giới đều có đủ dẫn chứng về điều này. Chúng ta sẽ không có Lorca, Anbécti… nếu không gắn họ vào cuộc nội chiến Tây Ban Nha, cũng không có Êluya, Aragông…nếu không gắn vào thơ kháng chiến Pháp, không có Ximônôp, Tvacđôpxky, Ônga Becgôn… nếu không gắn họ vào cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên bang Xô viết. Cũng như vậy, ở ta, những tên tuổi lớn từ thời tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Anh Thơ…, cũng như các nhà thơ được tôi luyện trong lò lửa cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, hoặc xuất hiện trong thời kỳ chống Pháp như Quang Dũng, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Chính Hữu, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Vũ Cao..., tất cả họ cùng tiếp tục sáng tác trên những ngả đường chiến tranh chống Mỹ và có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu của cả nền thơ chống Mỹ. Nhưng phải kể đến hiện tượng lý thú và hào hứng bậc nhất trong thơ thời kỳ này, là cùng với lớp đàn anh kể trên, một thế hệ hàng trăm nhà thơ trẻ ở độ tuổi chỉ mới 20-35 trong những năm 60 trong thế kỷ XX, đã xuất hiện liên tục và đồng đều, tạo thành một lứa thơ mạnh mẽ và đông đảo, dần khẳng định được vị trí và giá trị của mình giữa hai cột mốc 1964 – 1975, khi họ dám dấn thân sống và trải hết mình vào cuộc chiến đấu vì Tổ quốc, có ý thức trách nhiệm cao nhất, trước hết với tư cách công dân, còn tư cách nhà thơ thì họ gắn liền khiêm tốn vào cùng tư cách người chiến sĩ.
Khi ý thức về sứ mệnh của cả thế hệ ấy, bản thân tôi đã từng có hình tượng ví von: “ Cả thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai”. Nhưng tôi không thể nào không gai người lên vì những câu thơ còn cụ thể hơn nữa và trần trụi đến tận cùng của Thanh Thảo: “ Người ta không thể chọn để được sinh ra / Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng, phút giây, năm tháng ấy…” Và : “ Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình / Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc / Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc? /…Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em?”. Cách nói ấy, phải ghi nhận rằng, thơ thời tiền chiến và cả thời chống Pháp đều chưa thể có, khi hãy còn thi vị hóa có phần nào hoài cổ chất tráng sĩ cùng thanh gươm yên ngựa, đi để chết như tư thế hiệp khách Kinh Kha sang Tần, với những câu thơ khí phách như : “ Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ / Chí lớn không về bàn tay không / Thì không bao giờ nói trở lại / Ba năm, mẹ già cũng đừng mong!” ( Thâm Tâm ). Hoặc một câu thơ hay theo kiểu khác, có thêm chút âm hưởng“ tiểu tư sản” cao ngạo ( như cách nói quen thuộc một thời), dầu vẫn chịu đó là câu thơ hay đúng chất hào khí tráng sĩ : “ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa!” (Chính Hữu).
Nhân đã nói về Thanh Thảo, tôi còn muốn trích dẫn thêm một đoạn có khẩu khí “ tuyên ngôn” về người lính thời đánh Mỹ nữa của anh, đã khác xa với cách nghĩ của các thời trước như thế nào: “ Những tráng ca thuở trước / Còn hát trong sách thôi / Những thanh gươm, yên ngựa ? Giờ đã cũ mèm rồi / Bài hát của chúng tôi / Là bài ca ống cóng/ Hành trang quân giải phóng / Đơn giản nhất trên đời”… Và cũng có thể dẫn thêm hai câu của Hữu Thỉnh nữa, có cách suy tư rất chủ động và quyết đáp, rất phù hợp với tinh thần năng nổ có tính chất“ thân lập thân” mà cả thế hệ chống Mỹ chúng tôi đang sống: “ Không có sách, chúng tôi làm ra sách / Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình !” Không có chút ngoa ngoắt nào trong hai câu thơ ấy, vì quả thực, thế hệ chống Mỹ không thể trông chờ vào vận may nào kiểu “há miệng chờ sung”, lại cũng không ỷ lại được vào điều gì xa xôi, ngẫu nhiên,ngoài thực tại khốc liệt đang diễn biến hàng ngày; do đó, phải xoay trần ra, vắt kiệt sức mà tồn tại và chiến đấu, lại phải luôn biết ứng biến và vượt qua mọi thử thách bằng chính trí tuệ năng động của mình. Đấy thực sự là một thế hệ “thân lập thân”( self-made men), với đúng cách hiểu chân chính nhất của từ ngữ đó!.
Với tầm suy tư, sức cảm thụ chủ động với hướng đi và đích đến rõ ràng như vậy, rất tự nhiên là chất anh hùng ca và hơi thở sử thi được khơi dậy rất đậm trong thơ thời chống Mỹ. Chưa cần trích dẫn những bản trường ca xuất sắc một thời như Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Bài ca chim Chơ Rao của Thu Bồn, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, chúng ta chỉ cần dừng lại ở mấy câu ngắn của Phạm Tiến Duật trong bài Lửa đèn là đã thấy rõ chất anh hùng ca mang tính sử thi đó, Ba đoạn thơ Đèn, Tắt lửa, Thắp đèn đã tái hiện một cách sinh động khung cảnh và tâm trạng con người của biết bao vùng quê trong bom đạn, trong bóng tối của các cuộc hành quân: “ Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la / Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch / Bóng đêm ở Việt Nam là khoảng tối giữa hai màn kịch/ Chứa bao điều thay đổi lớn lao !” Và thú vị là cuối cùng, tác giả đã cho thắp đèn, để rồi tưởng tượng là tất cả những người, những cảnh hôm nay “ sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay”,vậy là cả vở kịch sống chết, mất còn cả một thời đại đã được biến thành màn múa rối đầy chất hóm hỉnh Phạm Tiến Duật trên dàn đèn kéo quân vui mắt cho con trẻ mai sau! Chất sử thi ở đây vừa bi tráng lại vừa điểm xuyết thêm khía cạnh humour của tiếu lâm dân gian, vẫn thường có sức vượt lên cao mọi nỗi bi kịch ở đời. Phạm Tiến Duật thường có biệt tài làm dịu không khí chiến tranh căng thẳng bằng cách pha trò có duyên và ngồ ngộ kiểu ấy: “ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc / Nhìn nhau , mặt lấm cười ha ha!”…
Như vậy, nếu nói về bút pháp và rộng hơn là thi pháp, thì các nhà thơ thời chống Mỹ đã biết chọn lọc và sử dụng thành công chất liệu của đời sống hiện thực sống động thường ngày, rồi đúc kết để nâng tầm nó lên tới phong cách sử thi và anh hùng ca. Họ cũng sử dụng khá phổ biến bút pháp tự sự với những giây phút thăng hoa của cảm xúc trữ tình nội tâm, biết biến hóa từ các thể thơ truyền thống sang cách nói mới mẻ hơn (từ cách giao vần, tiết tấu, thay đổi độ dài câu chữ tới cả hình thức thơ leo thang, thơ không vần, thơ văn xuôi mang tính độc thoại nội tâm). Cũng từ nhu cầu cần phải chứng minh, lý giải, giãi bày…với thời cuộc, nên bên cạnh cảm nhận và suy tư về thân phận con người, thơ chống Mỹ cũng mạnh dạn dấn mình vào lối nói chính luận, thậm chí triết luận, nhưng không sa vào cách nói duy lý và rao giảng mô phạm ( didactique) khô khan, trái lại, vẫn luôn tìm cách đúc rút triết lý từ chính hiện thực ngồn ngộn bốn bề và cảm nhận trực giác nhưng đa diện từ đời sống, có pha chút lãng mạn cách mạng và chất humour dân gian. Về ngôn ngữ, thơ thời chống Mỹ đã cố gắng đưa nhiều khẩu ngữ, các chất liệu ngôn từ bình dân, các khía cạnh“ bùn đất” tượng thanh tượng hình của ngôn ngữ đường phố và chiến trận, vốn từ vựng sống động từ các vùng đất tuyến lửa, thậm chí cả vùng sâu vùng xa,vùng dân tộc ít người,v.v…để làm giàu cho ngôn ngữ thơ, đồng thời cũng đại chúng hóa thứ ngôn ngữ vốn rất quen tu từ và mang tính bác học của thơ ca quý tộc và sách vở từ nhiều thế kỷ trước, thậm chí dám vượt qua cả thứ ngôn ngữ thị dân các đô thị và của tầng lớp trí thức chịu nhiều ảnh hưởng Tây học của thơ lãng mạn 1930- 1945. Có thể coi đây là cuộc tổng động viên mang tính “tập đại thành” của các thi pháp, các trải nghiệm về thơ trên bề dày ba mươi năm, nếu tính từ đầu thời kỳ thơ chống Pháp 1946 đến hết thời kỳ thơ chống Mỹ 1975.
B.V