Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…

22.09.2014

Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…

Trước thềm Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố nhiệm kỳ 2014-2019 , tạp chí Non Nước có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số Hội chuyên ngành chung quanh vấn đề: Làm sao nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội và nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên? Sau đây là nội dung trả lời

 Ông Nguyễn Trường Hoàng - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu:

Nhiệm kỳ qua Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã cố gắng tổ chức các hoạt động sáng tác, biểu diễn, nhưng so với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng và sự phát triển không ngừng của thành phố thì hoạt động văn hóa nghệ thuật không theo kịp đà phát triển năng động của thành phố. Những người làm văn hóa nghệ thuật và anh chị em nghệ sĩ rất mong sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ đầu tư cho Văn hóa Nghệ thuật để  chúng tôi có điều kiện sáng tác, dàn dựng những tác phẩm chất lượng cao hơn. 

            Một điều trăn trở nhất của anh chị em nghệ sĩ là thế hệ trẻ bây giờ không mặn mà với nghệ thuật, nhất là sân khấu truyền thống do đó việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển nghệ thuật sân khấu gặp không ít khó khăn.        Tác giả viết kịch bản ngày càng ít dần, tác giả trẻ chưa được đào tạo có bài bản nên còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư, đãi ngộ khuyến khích của nhà nước và thành phố còn hạn chế nên giới trẻ không muốn đến với nghệ thuật sân khấu.

 

            Ông Hồ Đình Nam Kha - Chủ tịch Hội Mỹ thuật:

Điều trăn trở lớn nhất của tôi, là làm sao mọi người cùng đồng lòng, đoàn kết, nâng cao nhận thức, góp sức xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.

Muốn có những tác phẩm chất lượng tốt, trước hết phải có nhiều hoạt động phong trào như: triển lãm, trại sáng tác v.v…Cần tạo nhiều sân chơi cho hội viên, tạo hưng phấn làm việc đến mọi người. Chính vì vậy Hội cần tổ chức nhiều cuộc triển lãm hơn nữa, để có nhiều tác phẩm tốt hơn phục vụ công chúng yêu mỹ thuật thành phố Đà Nẵng hôm nay và mai sau.

 

       Ông Lê Huân - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa:

Quy chế của Sở Nội vụ thành phố chưa coi Hội chuyên ngành chúng tôi là hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp mặc dù chúng tôi là thành viên của tổ chức Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật, là Hội có tính đặc thù,  là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Tuy vậy chúng tôi,  những nghệ sĩ sáng tạo vẫn luôn trăn trở để nâng cao nhận thức, hiểu biết chính trị để khám phá, sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị.

       Chất lượng của một hội, một ngành nghệ thuật trước hết phải căn cứ vào kết quả sáng tạo, có nhiều tác phẩm hay. Ngoài sự nỗ lực tự thân của mỗi nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn chúng tôi rất cần tới sự hỗ trợ về kinh phí. Mỗi tác phẩm múa ra đời để diễn được cho đông đảo công chúng thưởng thức đòi hỏi rất nhiều công sức và kinh phí đầu tư.

Một điều trăn trở nữa, đối với nghệ sĩ biểu diễn, hiện nay trên thành phố chúng ta nhiều lớp diễn viên múa được đào tạo ở trường văn hóa- nghệ thuật ra nhưng không được diễn ở sân khấu chuyên nghiệp. Các em phải đi diễn cho nhà hàng đám cưới để mưu sinh. Sự đào tạo rèn nghề 3, 4 năm thật là lãng phí. Các khóa đào tạo dần thưa vắng, mỗi khóa chỉ khoảng 7, 8 em theo học vì bởi học xong không biết về đâu?           

     Sự chỉ đạo, quản lý văn hóa của thành phố không chú trọng việc phát huy, phát triển nội sinh. Nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ lễ hội của thành phố đều đi thuê ngoại tỉnh thực hiện, kể cả việc sáng tác và biểu diễn trong khi Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Âm nhạc có đầy đủ các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và hàng trăm diễn viên có khả năng sáng tạo, biểu diễn và có tình yêu, có sự gắn bó mật thiết với sự phát triển văn hóa thành phố.

 

       Ông Võ Văn Hòe - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian:

Để tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian trong những năm đến, vấn đề cần làm và làm thường xuyên:

1. Nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ; không chỉ sưu tầm, ghi chép vốn văn hóa dân gian còn lưu giữ trong nhân dân mà còn phải tổ chức nghiên cứu vận dụng chúng vào cuộc sống đương đại, để đảm bảo thực hiện được tôn chỉ mục đích của Hội là sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá và truyền dạy vốn văn hóa dân gian đến với các tầng lớp nhân dân. Làm được như vậy mới có thể nói đến chuyện: giữ gìn, phát huy, phát triển.

2. Phải phát triển thêm hội viên, hiện nay toàn bộ số hội viên trung ương là người cao tuổi (13/13). Trong nhiệm kỳ qua không phát triển được hội viên trẻ nào. Điều này là sự lo lắng kéo dài. Thêm vào đó, không phải  không có tác phẩm mà khó khăn ở chỗ không có các điều kiện kinh phí để công bố tác phẩm.

 

            Ông Huỳnh Hùng - Chủ tịch Hội Điện ảnh           :                      

1. Sáng tạo nghệ thuật là lĩnh vực của từng cá nhân nghệ sĩ. Ngay cả tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình nhất thiết phải có nhiều người tham gia nhưng vai trò của cá nhân cũng có ý nghĩa quyết định.

Nhiệm kỳ qua, anh chị em hội viên điện ảnh mang về cho Đà Nẵng cả trăm giải thưởng các loại, trong đó có cả giải thưởng quốc tế, nhiều giải thưởng cao, cấp quốc gia. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, tác phẩm hay vẫn còn ở phía trước, vẫn còn là mục tiêu phấn đấu của anh chị em hội viên.

Để có được những bộ phim “đi cùng năm tháng”, người nghệ sĩ phải hòa mình, phải “dấn thân” vào giữa dòng đời để từ đó phản ánh một cách chân thực, sâu sắc, sinh động những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, đang bức xúc.

Như trên đã nói, chất lượng tác phẩm nghệ thuật trước hết phụ thuộc vào tài năng của từng cá nhân văn nghệ sĩ, tuy nhiên, nếu được hỗ trợ, động viên cả tinh thần và vật chất (qua việc đầu tư sáng tác, quảng bá, trao giải thưởng…) thì người nghệ sĩ có cảm hứng hơn, có điều kiện hơn để thai nghén rồi sản sinh những đứa con tinh thần cho xã hội. Không ai khác, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành phải làm thực tốt nhiệm vụ này.

2. Đặc điểm chủ yếu của các hội nghệ thuật chuyên ngành là hội viên tham gia hoạt động một cách tự nguyện, tự giác. Anh chị em thấy vui, thấy thích, thấy hữu ích thì gắn bó với Hội, đến với Hội như một ngôi nhà thân thiết của mình.

Để cho sinh hoạt Hội thực sự thú vị và hữu ích thì vai trò của Ban Chấp hành, đặc biệt là Chủ tịch Hội rất quan trọng. Kinh nghiệm của Hội Điện ảnh các nhiệm kỳ qua chứng minh rất rõ điều này. Tham gia Ban Chấp hành Hội phải là những người rất nhiệt tình, rất tâm huyết, và là những người có uy tín cao trong giới văn nghệ sĩ cũng như trong xã hội. Chỉ có như vậy thì Hội mới đủ khả năng đoàn kết, tập hợp được đội ngũ để sáng tạo nghệ thuật có chất lượng.

 

Ông Trần Ái Nghĩa - Chủ tịch Hội Âm nhạc:

Nhiệm kỳ qua, Hội Âm nhạc Đà Nẵng  đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, điều trăn trở của tôi, cũng như của các nhạc sĩ  và người yêu nhạc Đà Nẵng đó chính là: Sự phát triển của âm nhạc Đà Nẵng chưa tương xứng với sự phát triển chung của thành phố.

Nguyên nhân từ đâu? Mấy chục năm qua, số lượng tác phẩm sáng tác về Đà Nẵng ngày càng nhiều, đã lên đến con số hàng ngàn với nhiều thể loại âm nhạc. Nhưng người yêu nhạc Đà Nẵng đã nghe, hát và yêu những tác phẩm hay của các địa phương bạn, của cả nước, còn những tác phẩm khí nhạc (nhạc không lời), bài hát hay của Đà Nẵng, công chúng quê nhà không biết nên chưa yêu và có tìm…cũng không thấy! Dù hàng năm, Đà Nẵng là địa phương có nhiều nhạc sĩ đoạt được giải thưởng cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng như của các địa phương và ngành nghề khác. Nguyên nhân chính là sự đầu tư và quảng bá cho âm nhạc Đà Nẵng còn quá nhiều hạn chế! Thiết nghĩ tác phẩm âm nhạc ngoài tài năng của người sáng tạo, nó phải được vang lên, được chăm chút chu đáo và đúng mực, trước khi gửi tới người cảm thụ. Chứng minh cho nguyên nhân trên về việc quảng bá bài hát: Gần 40 năm, Đà Nẵng chỉ mới có được 1 VCD “ Sông Hàn tình yêu của tôi “với 10 ca khúc! Và mười ca khúc ấy may mắn đã đến được trái tim của người yêu nhạc Đà Nẵng những năm qua.

            Niềm hy vọng cho âm nhạc bay lên cùng thành phố… Đó chính là sự quan tâm đầu tư và quảng bá âm nhạc ở Đà Nẵng trong thời gian tới cả về vật chất lẫn tinh thần một cách thích đáng. Về phía Hội Âm nhạc chú trọng sự đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong hoạt động nghề nghiệp một cách chân thành. Ngoài sự say mê trong sáng tạo âm nhạc, trách nhiệm với tác phẩm, công trình của mình, nhạc sĩ còn có bổn phận định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng và ngăn chặn những sản phẩm âm nhạc xấu, kém chất lượng làm ảnh hưởng đời sống âm nhạc của cộng đồng. Để  Hội Âm nhạc đúng nghĩa là Ngôi nhà chung của các nhạc sĩ Đà Nẵng.

 

- Xin cảm ơn. Hy vọng những vấn đề còn khúc mắc này sẽ sớm được giải quyết. Chúc Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố thành công tốt đẹp.

                                                                       

                                                                                                Huỳnh Hoa thực hiện

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng