“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh Thủy

22.09.2014

“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân  - Trương Thanh Thủy

Ngôn từ trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân điềm đạm, mực thước của người từng trải, hiểu biết sâu sắc về lịch sử, về dân tộc học, về đất Quảng Nam. Điều đó làm cho sáng tác của nhà văn vừa gần gũi với người đọc trên mọi miền đất nước vừa thể hiện được những nét riêng của một nhà văn được đồng nghiệp, bạn bè mến yêu gọi là “ông thầy Quảng”. Chất Quảng thể hiện rõ ở cách sử dụng lời ăn tiếng nói hàng ngày: chân chất, sát thực tế, không cầu kì ước lệ mà vẫn không thô tục trong hành văn.

Từ lúc thiếu thời đến khi trở thành nhà văn, nơi chôn nhau cắt rốn đã hình thành trong Nguyễn Văn Xuân một lớp văn hóa nền, văn hóa vùng. Khi cầm bút, chiều sâu văn hóa ấy đã tràn vào sáng tác của nhà văn qua lớp ngôn ngữ của đời sống sinh hoạt hàng ngày phong phú, đa dạng. Đọc tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân, chúng ta có dịp làm quen với lời ăn tiếng nói của người xứ Quảng qua ngôn ngữ của nhân vật và của chính người kể chuyện.

Ta bắt gặp trong tác phẩm của ông những cách gọi tên nhân vật đi kèm với việc bộc lộ thái độ của tác giả đối với nhân vật rất Quảng Nam:“mụ”, “thằng", “lũ”, “mi ”...

Hầu hết các nhân vật trong tiểu thuyết và truyện ngắn của nhà văn được gọi thẳng tên đi kèm với một từ chỉ cách xưng hô: chị Mừng, anh Phương, anh Bỉnh, chú Niên, bác Liễn, anh Cát, chị Sinh… Điều này có điểm khác biệt so với lối xưng hô quen thuộc ở miền Nam: tên đi kèm với thứ tự trong gia đình (ông Hai Cử, anh Tư Hưng, chú thiếm Bảy Thạch…). Đặc biệt hơn, trong cách gọi tên thì người Quảng Nam thường gọi người con thứ bốn trong gia đình bằng tên Bốn (chứ không gọi Tư như miền Nam). Có thể nói, cách xưng hô gọi thẳng tên nhân vật, không kèm theo thứ tự trong gia đình là một trong những biểu hiện của đời sống văn hóa tinh thần của người xứ Quảng. Khi giao tiếp với nhau, họ nói thẳng vấn đề, gọi ngay tên người, sự vật, sự việc… không rào đón vòng vo, không màu mè tình cảm giả tạo. Đó là lối ứng xử của những người bộc trực, thích rạch ròi, phân minh.

Kết hợp những đặc điểm vừa nêu với lối tả sinh hoạt hàng ngày bằng lời lẽ giản dị, mực thước, tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân rất bình dị mà có sức hấp dẫn người đọc.

Đọc một đoạn đối thoại trong Bão rừng ta sẽ thấy rõ được điều này:

“- Nó có phải con của thằng già dê này đâu.

- Già dê nào?

- Thì thằng chồng mụ chủ chứ già dê nào nữa.

- Thế ra bà chủ mới lấy ông chủ đây à?

- Hừ, lấy nhau từ hồi nảo, hồi nào. Giờ thì thằng con đầu hai mươi tuổi, học bên Tây kìa”.

Hay một đoạn văn khác kể về cuộc trò chuyện của những người phu đồn điền, trong đó có bác Liễn là người bệnh sốt rét rất nặng:

“Bác Liễn mỉm cười, hai mắt nhấp nháy một cách tinh nghịch, bảo Liếng:

- Bây giờ mầy có giỏi thì đi mượn con dao về tao cạo qua mấy cái râu này.

Liếng tru tréo lên:

- Đau liệt giường mà còn làm điếm. Thôi con lạy cha. Người bệnh kỵ nhất là soi gương, cạo râu đó cha à.

Bác hoa năm ngón tay mỏng đét phản đối:

- Mày nói dốt lắm. Đó là đàn bà, con gái mới sợ đồng căn đồng kiếp. Chứ tao đã hai thứ tóc rồi còn sợ cái quái gì.

Thông qua những đoạn đối thoại trên, ta thấy từ cách xưng hô đến lời nói của nhân vật đều rất gần gũi, quen thuộc với người dân xứ Quảng: mộc mạc, bình dị. Nhà văn đã truyền tải tâm tư tình cảm, tính cách của nhân vật từ nguyên mẫu có thực ngoài đời vào văn chương. Họ là những người hiền lành, bộc trực, nghĩ sao nói vậy. Bao niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống họ đều thể hiện ra ngoài. Trong lời ăn tiếng nói của họ lại pha nét hỏm hỉnh đáng yêu của những con người “hay cãi”. Bằng cách dùng từ xưng hô, dùng ngôn ngữ diễn đạt gần gũi với cuộc sống hàng ngày, nhà văn đã cho người đọc hình dung về cuộc đời đang diễn ra hết sức sinh động.

Nhà văn đưa vào tác phẩm rất nhiều khẩu ngữ, đặc biệt không ngại ngần khi đưa những lời ăn tiếng nói đậm chất khẩu ngữ đến độ “thô tục” vào trong lời nói của nhân vật. Tiêu biểu là lời nói của nhân vật anh bồi trong Bão rừng, như từ “Đ….mẹ” và những lời thô tục như “kệ cha nó”, “chó”, “trâu”, “đái”, “cứt”…..được nhà văn sử dụng như chất liệu của ngôn ngữ đời thường làm nên diện mạo muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Nhưng cần thấy rằng việc sử dụng loại từ “thô tục” này hoàn toàn có chủ đích, phù hợp với nội dung câu chuyện, tính cách nhân vật chứ không phải là cách dùng từ bừa bãi. Anh bồi trong Bão rừng hay chửi thề nhưng chỉ chửi thề khi nói tới bà chủ đồn điền. Còn trong quan hệ, lời ăn tiếng nói hàng ngày với những người đồng cảnh ngộ thì anh chưa bao giờ sử dụng thứ ngôn ngữ này. Điều này chứng tỏ đối với anh bồi và những người yếu thế như anh thì “chửi thề” trong lời nói là một cách ngấm ngầm chống đối, phản kháng, không cam chịu của những người thấp cổ bé họng.

Những từ thô tục trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân luôn xuất hiện “hợp tình, hợp cảnh”, khiến người đọc có cảm giác “phải như vậy” thì mới là chất hiện thực trong tác phẩm. Trong Chạy đua với tử thần, ta cũng thấy được điều này, những lời đối thoại của hai người thanh niên đang hầm hầm nhìn nhau trong nhà lao:

- Đồ ăn mày! Tổ cha mi! Tại mi!

- Đồ chết chém! Mai nó bắn vô lưng mi mi chết cho đáng.

[….]

- Đánh nhau chết trước, khỏi chết sau.

- Chỉ sợ không chết được mà rồi mất một đêm sống!

- Sống một đêm, phải đó, kệ cha nó, ráng mà sống.

Chất Quảng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân còn bộc lộ rõ nét trong việc vận dụng phương ngữ. Có một số từ ngữ trong văn xuôi của Nguyễn Văn Xuân dường như chỉ thấy xuất hiện trong cộng đồng người Quảng: xanh nghít, lận, ai biểu, , mút chùn chụt, cô lẫy, ăn nói cà xốc, rấn rốn cãi, lóc cóc chạy, đường kiệt, ai xúi xử, bày biểu, lổng chổng, lúi húi, len lét,...

Khi xem xét các từ ngữ có nét đặc trưng của xứ Quảng thì ta nhận thấy những từ ngữ này thường kết thúc bằng những vần thuộc thanh trắc. Có phải vì thế mà khi nghe người Quảng nói ta thường cảm thấy cái cứng cáp trong lời nói, ngữ điệu.

Nguyễn Văn Xuân sử dụng nhiều biện pháp tu từ để tạo hiệu quả nghệ thuật cho tác phẩm, nhưng tiêu biểu hơn cả là việc vận dụng thành ngữ và sử dụng lối ví von so sánh.

Thành ngữ, tục ngữ vốn là những đơn vị ngôn ngữ tồn tại trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Những sáng tác của Nguyễn Văn Xuân viết về cuộc sống thực của người dân Quảng Nam nên khi tìm hiểu về sáng tác của nhà văn không thể không nói đến những thành ngữ trong một số tác phẩm của ông.

Trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân, số lượng thành ngữ được nhà văn sử dụng nhiều nhất trong tiểu thuyết Bão rừng và rải rác trong các truyện ngắn khác của ông. Sở dĩ như thế bởi lẽ ở Bão rừng tác giả tập trung viết về đời sống dân phu ở một đồn điền cà phê. Ngôn ngữ trong tác phẩm là ngôn ngữ đời thường, tiết tấu chậm, đều đặn như nhịp sống. Thế nên, khi đối thoại, các nhân vật trong Bão rừng đã vận dụng những thành ngữ, những cách so sánh quen thuộc trong dân gian để câu chuyện trở nên sinh động, dễ hiểu.

Trong quá trình vận dụng thành ngữ, có khi Nguyễn Văn Xuân giữ nguyên mẫu thành ngữ, nhưng cũng có khi ông sử dụng theo cách riêng. Những thành ngữ được sử dụng nguyên mẫu như: “vung tay quá trán”, “mèo đàng chó điếm”, “tích thiểu thành đa”, “ăn chưa no, lo chưa tới”, “còn nước còn tát”. Còn các thành ngữ được sử dụng theo cách riêng của nhà văn thì phần lớn là thêm vào các quan hệ từ cho rõ nghĩa hơn: Chờ thì được, ước thì thấy (chờ được, ước thấy); Tốt mã nhưng rã đám (tốt mã rã đám); Phép vua còn thua lệ làng (Phép vua thua lệ làng); Ở hiền thì gặp lành (Ở hiền gặp lành).

Việc thêm các quan hệ từ vào trong thành ngữ là thói quen khi nói chuyện của người dân Quảng Nam (theo lối tách và ghép từ). Họ thường nhấn mạnh vào điều mình đề cập để tác động trực tiếp đến người nghe.

Ngoài vận dụng thành ngữ, ta còn bắt gặp lối ví von so sánh trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Lối ví von so sánh này vừa làm rõ sự vật sự việc, vừa tạo được sự sinh động cho ngôn ngữ văn xuôi ông.

Khi tả về tiếng kêu kinh hoàng, sợ hãi của mụ La vì con voi điên, tác giả viết: “mụ kêu e é như chính con voi đang hò hét”. Hay tác giả nói về bản chất gian ngoa, hiểm  độc, tham lam của mụ La: “thối tha hơn phân chó". Lúc mụ mắng các anh người nhà “thân tín“ theo hầu thì “mắng như tát nước vào mặt”.

Tác giả miêu tả chiếc áo sơ mi của người Ra-đê tên là Lư đang mặc: “cổ áo vàng khè như móng tay anh đại nghiện thuốc lá”.

Khi nhân vật chị Sáu bị cơn sốt rét rừng, run cả giường chiếu thì nhà văn so sánh: “Chiếc khăn giăng trên đó cứ như bị động kinh”.

Để nói về việc đánh bạc của công nhân đồn điền như một việc tất nhiên, tác giả viết: “ở đồn điền không đánh bạc giống như ở cửa quan không ăn hối lộ”.

Những thành ngữ, tục ngữ, kết hợp với lối nói ví von so sánh làm cho văn phong của Nguyễn Văn Xuân giàu tính hình tượng, mang tính khái quát khá cao. Những thành ngữ, tục ngữ, lối nói ví von so sánh này được Nguyễn Văn Xuân sử dụng có mức độ, có chủ đích trong một số sáng tác cụ thể. Nhờ vậy nhà văn phát huy được mặt tích cực của ngôn ngữ sinh hoạt đời thường trong tác phẩm của mình. Điều đó làm cho tác phẩm của ông gần gũi, dễ hiểu đối với người đọc.

Ngôn từ trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân đậm chất Quảng Nam, đồng thời ông cũng rất thành công trong việc vận dụng thành ngữ và sử dụng lối ví von so sánh. Chính điều này đã làm nên sức sống tác phẩm Nguyễn Văn Xuân.

T.T.T

 

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng