Khoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn

22.09.2014

Khoảnh khắc bạn bè -  Kịch ngắn  Phan Toàn

  Kịch ngắn này có tính chất hư cấu, dựa trên những tư liệu như “Văn thi sĩ tiền chiến” (đoạn nói về Phan Khôi) của Nguyễn Vỹ, “Những câu chuyện của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi” (đoạn nói về Phan Khôi) của Vương Trí Nhàn, bài “Tự bạch - Ít nhiều lãng mạn” của Phan Khôi, Giải mã bài Tình già của Lại Nguyên Ân và các tác phẩm như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan…

            Thời gian: Khoảng cuối thập niên 30 thế kỷ 20, một ngày mùa thu, chừng 11 giờ trưa.

            Không gian: Phòng riêng của cô đầu Thu Tuyết, Hà Nội.

            Các nhân vật :

Nhà báo PHAN KHÔI, trạc 50 tuổi,

Các nhà thơ THẾ LỮ, NGUYỄN VỸ, LƯU TRỌNG LƯ,  HẰNG PHƯƠNG  đều  trên dưới 30 tuổi.

Cô đầu THU TUYẾT trên 25 tuổi, một phụ nữ đẹp.

Hai NGHỆ NHÂN trạc 40 tuổi.

 

 

Mở màn - Cảnh một

            Phòng ở của Thu Tuyết khá rộng nhưng bài trí đơn giản. Trên tường có những bức tranh tứ quý như Mai, Lan, Cúc, Trúc và Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ…Một sập gỗ bên cạnh tủ chè. Trên sập có Thu Tuyết, hai nghệ nhân chơi đàn nhị và đàn tranh, ông Phan Khôi đang cầm chầu…Gian bên cạnh kê một bộ phản, trên trải chiếu hoa, giữa đặt bộ bàn đèn, ấm tích và khay trà. Nhà thơ Thế Lữ đang ngồi ở đó. Góc nhà kê một chiếc bàn, hai bên là hai trường kỷ…

            THẾ LỮ (người hơi gầy, mặc veston, có thắt cravate, bỗng kêu lên): Bác Phan gõ trống sai nhịp rồi! Cô Tuyết với hai anh ngừng lại đi!

            PHAN KHÔI (cũng mặc veston nhưng hơi cũ, không thắt cravate, buông dùi, hỏi): Sai thật không, cô Tuyết?

            THU TUYẾT (mặc áo dài, đầu vấn khăn): Vâng, ông gõ sai nhịp đấy ạ. Nhưng không sao, lâu dần sẽ quen. Vả lại, tiếng trống của ông có thần sắc lắm !

            PHAN KHÔI: Thần sắc là thế nào?

            THU TUYẾT: Cũng khó nói, theo em thì tiếng trống của ông mạnh mẽ, khoáng đạt, không ẻo lả như một số quan viên khác. Cái món này ông nên học ông Nguyễn Tuân…

            PHAN KHÔI: Phải, phải, anh chàng Nguyễn ấy tài hoa lắm. Mà sao tôi có cảm giác anh ta đi đâu vắng, phải không anh Thế Lữ?

            THẾ LỮ: Nghe nói Nguyễn đang đi đóng phim tận Hương Cảng…

            PHAN KHÔI (chép miệng): Thế hệ các anh thật lắm người tài hoa! Như anh đấy, làm nhiều loại thơ, mà bài nào cũng hay. Tôi không hiểu được, sao anh có thể chuyển từ giọng điệu hùng tráng, hào sảng mà pha chút bi ai của bài Nhớ rừng sang giọng điệu du dương, trữ tình, thơ mộng của bài Tiếng sáo Thiên Thai được nhỉ ? Tôi nhớ trước đây các nhà thơ thường chỉ có một giọng điệu, hễ buồn thì bài nào cũng buồn, mà mỉa mai châm biếm thì cứ mỉa mai châm biếm…

            THẾ LỮ (cười): Bác quá khen, tôi chỉ thử nghiệm xem mình làm được những gì thôi !

            PHAN KHÔI (vỗ đùi đánh đét): Tôi lại còn nghe nói anh viết truyện trinh thám nữa ! Tôi nói anh đừng giận, tôi ghét nhất truyện kiếm hiệp và không thích truyện trinh thám, mặc dù truyện trinh thám cũng có nhiều sự thật trong đó ! Anh viết được thứ truyện đó, tôi cho là giỏi. Vì anh phải nghĩ sao cho mọi tình tiết được hợp lý, được logique, chớ không thì…

            THẾ LỮ (trêu): Món logique là món tủ của bác, phải không ?

            PHAN KHÔI (cười khà khà): Tủ gì mà tủ, nhưng mình làm báo, nói năng, viết lách phải cho có đầu có đuôi, có lý có lẽ, mà muốn thế phải học môn đó…Nói thế chớ nhiều khi đọc lại, tôi vẫn thấy mình viết hơi dễ dãi…

            THẾ LỮ: Bác nói thế hệ chúng tôi tài hoa, chứ bác mà không thế à? Đang là nhà nho có trình độ, bỗng nhảy phắt sang học quốc ngữ rồi học tiếng tây, rồi làm báo cãi vung thiên địa, ai cũng khiếp…Dân làm báo phục bác lắm đấy, họ bảo ông già này mà xung trận thì không có đứa chết cũng có đứa bị thương. Tôi đọc một số bài bút chiến của bác, cứ nghĩ ông này kiếm đâu ra lắm lý lẽ thế…

            PHAN KHÔI (vươn vai): Thôi, tâng bốc nhau như thế cũng đủ rồi…(nói với Thu Tuyết) Nãy giờ, bọn tôi nói chuyện thơ văn, cô có chán thì đi chơi đâu đó cho rảnh rang đầu óc…

            THU TUYẾT (cười hiền lành): Không sao đâu ạ. Nghe các ông nói, em càng hiểu biết thêm cái nghề của các ông và những cái hay của văn chương chữ nghĩa. Đấy, ví như ông nói về thơ của ông Thế Lữ và truyện trinh thám của ông ấy, em mới hiểu bên trong nó có cái gì. Ông Nguyễn Tuân đến đây cũng hay nói điều này điều nọ thú vị lắm, ví dụ ông ấy giải thích về phở làm chúng em nghe đến phát thèm và thấy mỗi nghề đều có những bí quyết, chứ không đơn giản như thường nghĩ…

            PHAN KHÔI (móc túi tìm ví): Này cô Tuyết, tôi còn 2 đồng, cô bảo đứa nào ra mua cái gì về để tôi với anh Thế Lữ nhắm rượu...Cả cô nữa…Mà 2 đồng có đủ cả rượu và thức nhắm không nhỉ?

            THU TUYẾT (cầm tiền đi vào nhà trong, vừa nói): Chắc cũng tạm đủ cho hai ông…(nói với hai nghệ nhân) Bây giờ hai anh tạm nghỉ, 6 giờ chiều đến nhé !

                        Có tiếng gõ cửa, Thu Tuyết quay ra mở. Hai người đi vào.

            LƯU TRỌNG LƯ (mặc complet, thắt cravate cẩn thận nhưng trông người không được khoẻ, nói giọng Huế): Chào cô Thu Tuyết, cô nhớ tui không?

            THU TUYẾT: Sao không nhớ, ông Lư mới ở Huế ra à? Ông khoẻ không ?

            LƯU TRỌNG LƯ (phẩy tay ra ý phản đối): Mới ốm sơ sơ vài bữa. Mà răng cô kêu tui là ông, tui già lắm à ? (chỉ người cùng đi) Cô biết ai đây không?

            THU TUYẾT: Dạ không biết, ông đây cũng mới ra cùng ông à?

            NGUYỄN VỸ (khổ người đậm, rắn rỏi, nói giọng Nam): Chào cô, tôi là Nguyễn Vỹ, dân viết lách…

            THẾ LỮ (từ trong đi ra): Chà, ông Lư, ông Vỹ, sao cứ đứng ở đây vậy? Bị cô Tuyết hớp hồn à? Vào đi, vào đi!

            LƯU TRỌNG LƯ (chỉ Phan Khôi): Vỹ biết ông kia không?

            NGUYỄN VỸ (suy nghĩ giây lát): Ông Phan Khôi, nếu tôi không lầm…

            LƯU TRỌNG LƯ (cười một hồi dài): Ủa, thế ra mi biết ông ni là Phan Khôi à? Biết hồi nào?

            NGUYỄN VỸ (lắc đầu): Chưa từng quen biết, nhưng tôi đã tưởng tượng ra những khi tôi đọc văn ông trong các báo. Văn ông cứng cỏi nên tôi hình dung ông đúng như thế…

            PHAN KHÔI (bắt tay Nguyễn Vỹ và Lưu Trọng Lư): Tôi không phải chủ nhà nhưng cứ làm láo mời hai anh ngồi. Ngồi trên phản như Thế Lữ đó…Nè, có ông nào mang theo tiền không, đưa thêm cho cô Tuyết ít đồng đi mua đồ nhắm. Tôi vét được có hai đồng, sợ không đủ cho cả bọn…

            LƯU TRỌNG LƯ (vẻ ngượng ngùng): Tui với thằng ni ra đây thấy món chi cũng ngon nên tiêu sạch tiền, tưởng đến đây bám các ông, ai ngờ…

            PHAN KHÔI (khoát tay): Thôi không sao, quân tử thực vô cầu bão mà. Có bao nhiêu xài bấy nhiêu! (nói với Nguyễn Vỹ). Nè, anh Vỹ, tôi rất thích bài Sương rơi của anh, đọc lên cứ như nghe từng giọt nước rớt xuống lá cây…Có điều, giọt sương rất nhẹ, mà sao anh dùng chữ nặng trĩu…

            NGUYỄN VỸ : Thưa bác Phan, đó là vì…

            PHAN KHÔI: Vì trong lòng thi nhân đang có mối ưu tư nào đó đè nặng có phải không ? Nếu vậy thì anh đúng, còn tôi bắt bẻ sai…Còn cái bài Gửi Trương Tửu có người cho là hay thì tôi lại không thích mấy. Tôi làm báo làm văn nhiều năm, ít khi có cảm giác mình bị đọa đày lắm, thế mà anh nói “Nhà văn An Nam khổ như chó”, ác khẩu quá!

            NGUYỄN VỸ: Bác Phan không chú ý rằng tôi viết trong lúc say, mà viết xong vẫn chưa hết say, tôi có đề ở đầu và ở cuối bài thơ đó!

            PHAN KHÔI: Vậy hả, thế thì tôi trách lầm anh rồi, xin anh bỏ qua cho. Say mà viết được chừng ấy câu, quả là đáng phục! (nói với Lưu Trọng Lư) Anh Lư này, thơ của anh nhiều bài hay, thế mà thiên hạ phần nhiều chỉ nhớ bài Tiếng thu là sao hử? Tôi về trong quê, nghe mấy thanh niên có học toàn ngâm ngợi bài này!

            THẾ LỮ (giọng đùa cợt): Vì họ thích hai câu cuối của Lư, bác Phan ạ.

            PHAN KHÔI : Anh giải thích cho tôi nghe đi!

            THẾ LỮ (cười): Là vì đang nói “chinh phu” với” cô phụ” tự nhiên lại có “con nai vàng ngơ ngác / đạp trên lá vàng khô” ở đâu nhảy vô, làm người đọc cũng ngơ ngác theo! Bác biết không, Lư là một chàng thi sĩ đãng trí nhất nước Nam ta. Có lần anh ta đọc thơ mình mà nghĩ là thơ của Thế Lữ đấy! Đó là hai câu “Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh, / Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi”. Mà anh ta không bao giờ để ý thơ của mình in ở đâu, khi nào, tuồng như làm ra rồi vứt bỏ vậy, không đoái hoài gì đến!

            LƯU TRỌNG LƯ (bình thản): Thế Lữ giỏi bịa thật! Hèn chi nghe nói hắn ta chuyển sang viết kịch và đóng kịch, chuẩn bị lập đoàn kịch nữa, ghê không!

            PHAN KHÔI (vẻ ngạc nhiên): Chà chà, anh Thế Lữ này lắm tài thật. Bao giờ diễn vở đầu tiên, cho tôi vài vé nhé!

                                    Lại có tiếng gõ cửa. Hằng Phương vào.

            HẰNG PHƯƠNG (mặc áo dài, tóc vấn trần, giọng lai Bắc): Con đoán đúng y, cậu Hai ở đây! À, chào các anh!

            THẾ LỮ: Bà Hằng Phương xem thử có ai lạ không?

            HẰNG PHƯƠNG (nhìn quanh): Ông Lư, ông Lữ thì tôi biết rồi, chỉ có ông kia (chỉ Nguyễn Vỹ) là lạ, nhưng chắc cũng là dân văn chương…

            PHAN KHÔI (nói với Hằng Phương): Ông đó là Nguyễn Vỹ, cậu gọi là Nguyễn Vỹ Sương Rơi, (nói với Nguyễn Vỹ) còn đây là Hằng Phương, gọi tôi bằng cậu ruột. Hằng Phương là con của em gái tôi với ông Lê Dư, vợ của Vũ Ngọc Phan, nhà nghiên cứu văn học.

            NGUYỄN VỸ: Thực ra thì tôi nghe danh các vị ấy đã lâu, chỉ không biết là có họ hàng thân cận với Phan tiên sinh. Hoá ra có đến bốn vị trong đại gia đình chuyên về văn chương chữ nghĩa, mà lại còn nổi tiếng nữa…

            PHAN KHÔI (nói với Hằng Phương): Chị đến tìm cậu có việc chi ?

            HẰNG PHƯƠNG: Mợ ở trong Quảng mới ra, đến nhà cậu thấy khóa cửa nên bảo xe kéo tới nhà con. Mợ tạm nghỉ ở đó và sai con đến báo cậu biết. Con chắc không có việc gì quan trọng, cậu cứ chuyện trò với các anh rồi về sau…

            PHAN KHÔI: Vậy thì chị cứ ở chơi đây một lát, chúng tôi toàn bàn chuyện thơ văn, chị có thể tham gia…(nói nhỏ) Cậu mời anh em uống rượu mà chỉ còn hai đồng, chị có mang theo tiền thì cho cậu vay ba đồng để mua cho đủ. Mai cậu sang tòa báo lấy tiền trả chị ngay…

            HẰNG PHƯƠNG: Dạ có đây, cậu khách sáo quá!

 

 

                                                            Cảnh hai

            Sáu người, kể cả Thu Tuyết, ngồi quanh mâm thức ăn. Trên mâm có vài đĩa giò chả, lòng lợn tiết canh, rau sống, bát nước xúp, bánh đa nướng. Cạnh mâm là hai chai rượu trắng. Các ông đã cởi bỏ veston, nhưng hai người phụ nữ vẫn để nguyên áo dài.

            PHAN KHÔI (trịnh trọng): Hôm nay bất ngờ gặp nhau ở đây, tôi xin mạn phép thay cô chủ nhà mời các anh chị chén rượu nhạt. Tôi có một vài lời giải thích về tập tục quê tôi. Ở vùng chúng tôi thì gọi anh và em trai của mẹ đều bằng cậu, chị và em gái của mẹ đều bằng dì. Vì thế tôi là anh của mẹ Hằng Phương nhưng Hằng Phương gọi tôi bằng cậu, trong khi ở Bắc Kỳ phải gọi bằng bác. Ở Huế và các tỉnh phía Nam chắc cũng giống như vùng tôi, phải không anh Lư, anh Vỹ ?

            NGUYỄN VỸ: Dạ, theo tôi biết thì cũng gọi như vậy.

            PHAN KHÔI: Lại nữa, ở vùng tôi khi các con cháu lớn ngoài 20 tuổi thì cha mẹ, chú bác thường gọi bằng anh, chị. Cho nên mọi người đừng lấy làm lạ khi thấy tôi gọi Hằng Phương bằng chị. Một điều khác với Bắc Kỳ là chúng tôi bắt đầu đánh số thứ tự con cái bằng số 2, ví dụ nhà có năm người con thì người con cả được gọi là anh hai hoặc chị hai, người thứ năm trở thành anh sáu hoặc chị sáu. Khi nãy Hằng Phương đến gọi tôi là cậu Hai chính là vì lý do đó. Tôi nói lời phi lộ hơi dài dòng, xin các vị đừng chấp, mời nâng chén, cầm đũa…

            LƯU TRỌNG LƯ: Bác Phan giải thích mấy điều đó đều có ích, không ít thì nhiều. Người Bắc vô Nam thì phải hiểu, như cô Tuyết đây (nhìn Thu Tuyết, cười hì hì) mà định làm dâu trong đó thì…thì…

            HẰNG PHƯƠNG: Thì làm sao?

            LƯU TRỌNG LƯ: Thì tự hiểu lấy, chớ còn răng nữa! Thôi, cho tui hỏi bác Phan hai câu. Lâu nay anh em trong làng thơ thường coi bác là người chủ xướng thơ mới, bác nghĩ thế nào, nói bọn tui nghe chơi.

            PHAN KHÔI (đang cầm ly rượu định uống, bỗng ngừng lại): Ai nói vậy là bậy, bậy quá. Tôi chủ xướng hồi nào ? Muốn chủ xướng thì phải ra một cái campagne de presse, một cái tuyên ngôn gì đó chớ, rồi phải viết ra một loạt bài thơ theo phong cách đó, còn tôi có làm mấy việc đó đâu? Anh thấy đó, tôi chỉ làm một bài Tình già rồi thôi, sao gọi là chủ xướng? Đừng nói thế làm tôi mang tiếng!

            LƯU TRỌNG LƯ: Thì chính bác nói “trình chánh giữa làng thơ”là gì?

            PHAN KHÔI (vẻ bực mình): Tôi trình chánh, tức là tôi bày ra đó cho mọi người coi xem thử có đặng không, đặng thì chấp nhận, không đặng thì bác bỏ, vậy thôi. À, mà nếu nói tôi là người đi đầu trong phong trào thơ mới thì cũng chưa chính xác. Ông Trần Tuấn Khải, ông Tản Đà từng làm thơ theo lối cổ phong trước tôi, mà thơ cổ phong thì không gò ép niêm luật như thơ Đường, nếu cho đó là thơ mới thì các ông ấy mới xứng là người đi đầu…

            LƯU TRỌNG LƯ (vái một vái): Em xin chịu ngài! Bây giờ em xin bác thổ lộ đôi điều về bài thơ Tình già. Cái con số 24 năm có ý nghĩa gì? Cái đôi yêu nhau trong bài thơ có thật trong đời không, hay bác bịa ra để đưa vào lối thơ mới?

            PHAN KHÔI : Khoan đã, để tôi hỏi có vị nào thèm thuốc không thì làm quelques pipes, bàn đèn sẵn đó, cô Tuyết sẽ phục vụ…Không hả, vậy thì các vị tiếp tục nhắm rượu, tôi sẽ kể các vị nghe…

            THẾ LỮ: Ai thì không biết chứ riêng tôi rất mê những chuyện bí hiểm, mà chuyện bí hiểm lại do lão nhà báo Phan Khôi kể thì càng hấp dẫn. Cũng không chừng ở đây xảy ra một tấn bi kịch…Thôi bác Phan bắt đầu đi!

            PHAN KHÔI (hơi ngập ngừng): Xin nói trước với các vị là đừng đem chuyện tôi kể đưa lên mặt báo, tôi muốn sau này chính tôi viết ra đầy đủ và công bố, còn bây giờ tôi chỉ kể vắn tắt thôi. Chắc các vị đều biết tôi bị bắt tại Hà Nội năm 1908 do liên quan đến phong trào xin xâu và duy tân những năm đó. Tôi bị giải về giam ở nhà lao Hội An ba năm. Cha tôi rất đau lòng vì việc đó, còn riêng tôi, ngoài những sự lôi thôi về tiền đồ, còn bị bên nhà vợ chưa cưới thoái hôn…

            THẾ LỮ (cảm thán): Phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí!

            PHAN kHÔI: Nhưng hoạ trung hữu phúc, các anh ạ. Ở nhà lao được vài tháng thì một hôm cai tù gọi lên, bảo đến nhà ông chánh quản đề lao viết câu đối. Chưa biết chuyện gì xảy ra, nhưng đang ở tù mà được ra ngoài thì sướng quá, tôi đi ngay. Tới nơi, thấy một đống lụa đỏ trên chiếc chiếu, bên cạnh có nghiên mực và bút lông. Đối diện chiếc chiếu là một cái phản, lão chánh quản ngồi trên đó, một lão già chừng 50 tuổi, mặt to, cằm bạnh, da xám, môi thâm, mắt trợn, tóm lại là rất khó coi. Bên cạnh lão là một thiếu phụ trẻ, trạc tuổi tôi, da trắng, mặt trái xoan, quấn khăn nhiễu từ đầu tới cổ…

            NGUYỄN VỸ: Theo bác Phan thì có đẹp bằng cô Thu Tuyết đây không?

            PHAN KHÔI (cười tinh quái): Có một câu ngạn ngữ không biết của nước nào, nói rằng “đừng có dại mà so sánh nhan sắc của các phụ nữ”, vì vậy tôi xin miễn trả lời câu này (mọi người vỗ tay tán thành, trừ Thu Tuyết)…Tôi kể tiếp nhé. Tự nhiên lão chánh hỏi: “Có biết uống rượu không?”. Tôi nói: “Có thì uống một chút cũng tốt”. Ông ta hỏi cô vợ rồi bảo người nhà đem rượu cho tôi. Sau đó tôi bắt đầu viết. Chữ của tôi khá đẹp làm lão hài lòng, nhưng lúc đầu lão cứ ám tôi khiến tôi rất khó chịu. May sao cô vợ ngăn cản nên lão mới thôi. Viết xong, tôi chào vợ chồng lão và về nhà giam, cũng chẳng suy nghĩ gì về việc đó.

            THẾ LỮ (vỗ vai Lưu Trọng Lư ngồi cạnh): Tôi đoán sắp xảy ra đột biến...

            PHAN KHÔI: Anh Lữ đoán đúng. Mấy hôm sau, người tù lao dịch phục vụ cho nhà lão chánh quản tìm gặp tôi, đưa cho tôi một cái gói. Mở ra, trong đó có mười miếng trầu têm thật khéo và mười miếng cau cài nanh sấu ngon lành. Tôi hỏi ai đưa thì người tù kia nói của bà chánh. Tôi không nhận nhưng anh ta cứ nài nỉ tôi cầm, nói tôi không cầm thì anh sẽ bị bà chánh trị tội. Nói đến mức ấy thì tôi đành phải nhận. Sau đó ít lâu, người tù kia đến bảo tôi bà chánh muốn gặp tôi ở nhà bà. Thế là tôi đi theo anh ta. Anh ta đưa tôi vào một căn phòng nhỏ, bà chánh ngồi sẵn trong đó. Lần này tôi nhìn kỹ thì thấy bà ta, đúng ra là cô ta, đã rất trẻ mà lại thật đẹp…

            THẾ LỮ (xuýt xoa): Ái chà chà, Phan tiên sinh trúng số độc đắc rồi!

            PHAN KHÔI (khoát tay): Sau đây mới thật ly kỳ y như trong tiểu thuyết! Cô bảo tôi ngồi xuống bên cạnh, rồi đưa tay choàng lên vai tôi, hỏi một cách thân thiết: “Anh làm chi mà người ta tù anh ?”. Tôi trả lời, không ăn nhập gì với câu hỏi của cô: “Thưa bà, bà còn thương hại tôi nữa sao ? Nội một cái hoang tôi dám đến đây cùng bà là cũng đủ lắm rồi”. Chúng tôi chưa nói thêm được gì thì người tù lao dịch báo ông chánh đã về. Tôi vội vàng mở cửa sau chạy về nhà giam. Nằm trên bộ ván mà tôi cứ nghĩ mãi về cái cử chỉ thân mật và rất bạo dạn của người thiếu phụ cũng như câu nói hơi ngớ ngẩn của tôi.

            HẰNG PHƯƠNG: Dạn thật! Nếu không phải là cậu Hai nói thì tôi không tin có người phụ nữ nào như thế!

            PHAN KHÔI: Phải, phải, chính tôi cũng nghĩ vậy…Nhiều năm sau, tôi đọc nhiều, quan sát nhiều, mới biết rằng khi yêu, phụ nữ bao giờ cũng thể hiện rất quyết liệt hơn đàn ông. Còn đàn ông, ở tuổi 20 như tôi hồi đó, hình như ngây thơ, hay nói chính xác là ngây ngô lắm…

            NGUYỄN VỸ (gật gù tán thành): Bác Phan kết luận rất chí lý!

            LƯU TRỌNG LƯ: Tui nghĩ bác Phan bị tiếng sét ái tình đánh trúng nên đâm ra ú ớ, nói năng không ra đâu vào đâu…

            HẰNG PHƯƠNG (cười): Tội nghiệp cậu Hai! Rồi sao nữa cậu?

            PHAN KHÔI: Về sau cô ta có gởi cho tôi một lá thư, hẹn gặp tôi ở một tiệm vàng bạc. Trong thư có một câu rất bi luỵ: “Dù yêu nhau mà không được gần nhau, thôi thì sống để dạ, chết đem đi”. Đến nơi, vì đông người nên chúng tôi chỉ nhìn nhau, không nói được câu nào. Tiếp đó, lão chánh quản xuất hiện, kêu cô ta về. Thế rồi lão chánh quản dọn nhà đi nơi khác, tôi càng không có dịp gặp cô ta. Mấy tháng sau nghe tin cô lâm bệnh, điều trị không khỏi, đã từ trần…Một thời gian dài tôi buồn nhớ cô, nhưng rồi cũng nguôi đi…

            THẾ LỮ: Có chỗ này, bác giải thích giùm. Tại sao đang ở tù mà bác đi lại có vẻ tự do như thế?

            PHAN KHÔI: Cái nhà giam hồi ấy gần giống như một cái trại cho phu phen ở, mà tù thì không phải loại quan trọng nên họ quản có phần đại khái. Về phần tôi, sau lần viết câu đối cho lão chánh quản thì bọn cai có vẻ vị nể, họ gọi tôi bằng thầy và cho phép tôi đi ra ngoài nếu tôi đưa ra một lý do nào đó.

            LƯU TRỌNG LƯ: Bác chưa nói đến con số 24 năm trong bài thơ…

            PHAN KHÔI : Sắp nói đây. Năm 1931-1932, tôi cảm thấy bức xúc về nền thi ca của ta, tự hỏi vì sao cứ mãi làm thơ theo đường luật, nên có ý tìm một lối đi khác. Các anh cũng biết đó, tôi chỉ chuyên viết báo, không rành về thơ mà chỉ có tấm lòng thôi.

            LƯU TRỌNG LƯ (tỏ ý phản đối): Bác từng nói bác làm thơ coi được kia mà!

            PHAN KHÔI: (ngạc nhiên). Tôi từng nói thế à? Chắc là lúc đó tôi bốc lên mà khoác lác thôi. Kể tiếp nhé. Hồi đó tôi đang viết cho báo Phụ nữ tân văn, trú tại Tân Định. Một bữa sáng nọ lên xe kéo đi về hướng Bến Thành, vừa ra khỏi hẻm thì thấy một chiếc xe kéo khác chạy ngang qua. Trên xe có một người phụ nữ, mà thật lạ, tôi cảm thấy người đó có cái dáng giống như cô vợ lão chánh quản thời xưa. Lúc đó tôi như bị ma ám, giục phu xe chạy đuổi theo, nhưng phu xe của tôi là một người già, còn anh phu xe kia còn trẻ nên khoảng cách hai chiếc xe cứ xa dần cho đến khi chiếc kia mất hút…Mấy ngày sau, tôi bắt đầu viết bài Tình già, tự nhiên tôi nhớ đến chuyện xưa và cuộc gặp không thành vừa rồi, thời gian giữa hai cuộc đó tính ra là 24 năm, thế là tôi đưa con số đó vào. Tuy bối cảnh và tình tiết có khác với câu chuyện tôi kể với anh chị, nhưng trong tôi cái ý, cái tình thì vẫn nguyên vẹn…Rồi bài thơ được in trên báo Phụ nữ tân văn, số 122, ngày 10 tháng 3 năm 1932, gây ra một trận tranh luận…

            LƯU TRỌNG LƯ: Chuyện hay thiệt đó, nhưng cũng là một tragédie…Nếu hồi đó, bác Phan đánh liều tiến tới thì sao nhỉ ?

            THẾ LỮ: Cũng khó. Một bên là thân phận tù, còn bên kia là quan võ đương chức, hơn nữa cái thời thế bao trùm không cho phép, bác Phan dù có cố chắc cũng không ăn thua…

            NGUYỄN VỸ: Tôi cho rằng trong việc này, bác Phan thất bại nhưng lịch sử thi ca nước nhà lại có được một bài thơ mang sứ mạng dẫn đầu cho nền thơ mới. (nói với Hằng Phương) Chị  có ý kiến gì không, chị đứng về phe nữ phát biểu coi!

            HẰNG PHƯƠNG (giọng xúc động): Chuyện của cậu tôi thế mà bây giờ tôi mới biết. Người phụ nữ mà cậu nói đó quả thật khác thường. Ở đầu thế kỷ 20, khi phụ nữ bị ràng buộc trong bao nhiêu điều giáo lý của đạo Nho, thế mà cô ta dám mạnh dạn tỏ tình với một người con trai chỉ qua một lần gặp gỡ. Phải chăng đó là điều báo hiệu cho một sự canh tân của xã hội. Đáng tiếc là mãi đến những năm 30 mới có nhiều tác phẩm thể hiện niềm mong ước đó…

            THU TUYẾT: Nghe chuyện của ông Phan, em rất xúc động vì mối tình ấy rất đẹp mà lại không thành. Đồng thời em rất phục người thiếu phụ kia, dám làm chủ số phận của mình, không như đa số phụ nữ khác, trong đó có em…(đứng lên) Xin lỗi các ông, vì chốc nữa có mấy quan trên thành đến chơi, em xin phép các ông vào trong chuẩn bị…

            PHAN KHÔI (cười): Nói thế tức là đuổi khéo anh em ta rồi! Hằng Phương, cậu cháu mình về đi, tối nay chắc chị phải cho cậu mợ ăn cơm đấy!

            HẰNG PHƯƠNG (cũng cười): Con phải mời cậu mợ một bữa đàng hoàng để xứng với câu chuyện của cậu chớ! Mà có nên nói chuyện đó cho mợ nghe không cậu?

            PHAN KHÔI (phẩy tay):  Ồ, cái chị này lôi thôi quá! Nói làm chi ? Ta đi thôi! Chào các anh, hôm nào gặp lại nhau nhé!

                                                                        Hạ màn.                                                                      

                                                                                                        P.T

                                                            (viết tháng 11-2012; chỉnh lý tháng 7-2014)

 

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng