Thêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân An

22.09.2014

Thêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà?  - Trần Xuân An

1.

 

Sơn Trà (địa danh) là một bán đảo ở Đà Nẵng. Trong nhiều sách sử, và cả văn bản hành chính hiện nay, Sơn Trà vẫn được ghi là Sơn Trà. Tuy nhiên, mặc dù người dân Đà Nẵng vốn không phát âm sai phụ âm đầu, đến nỗi TRÀ biến thành CHÀ, nhưng quả thật, đa số người Đà Nẵng từ xưa (ít ra là trước 1975) đến nay vẫn gọi là SƠN CHÀ, chứ không gọi là Sơn Trà. Tại sao? Đã có nhiều người bàn luận với nhiều cứ liệu và cách luận giải khác nhau. Tôi chỉ xin cung cấp thêm một cứ liệu tôi mới phát hiện như sau:

 

Tôi mới tìm ra một cứ liệu khá thú vị về địa danh Sơn Chà. Hóa ra có một loại cây, trái có tên dân gian thường gọi là cây sơn chà, trái sơn chà. Trong cuốn “Tự vị An Nam - La-tinh” (Dictionarium Anamitico Latinum, 1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), có đến hai mục từ phụ như trên: cây sơn chà, trái sơn chà, được kí âm bằng bộ chữ cái La-tinh và giải nghĩa sang tiếng La-tinh (1):

 

“Cây sơn chà: Thứ cây gần giống như cây cau, người Bồ [Đào Nha] gọi là Romania”.

“Trái sơn chà: Thứ trái cây giống như cây ô-liu, người Bồ gọi là Romania”.

 

Một mục từ gần gũi khác:

 

“Cây chà là: Thứ cây gần giống như cây cau”.

 

Có thể cây sơn chà, trái sơn chà chính là một loại chà là ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, hiện nay vẫn còn tồn tại, khác với các loại chà là ở các vùng địa lí khác. Loại chà là được gọi là sơn chà này, chỉ mọc lúp xúp chen lẫn với các loại cỏ dại, trên đồi trọc (xem: yeuquangngai. net), khác loại chà là cao lớn (như cây cọ, cây dừa ở ta) mọc tại Ai Cập, Trung Đông, Ấn Độ... Tuy thế, sơn chà của chúng ta cũng cho trái như chà là các vùng khác, với hương vị gần y như vậy. Chúng ta cũng biết là còn có loại chà là biển, mọc ở vùng ven bờ biển, như ở rừng Sác (thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM.), nếu tra cứu trên Google tìm kiếm.

 

Phải chăng vùng bán đảo Sơn Chà (Sơn Trà), vừa là địa hình đồi trọc vừa thuộc vùng ven biển, nhoài xa ra biển, ngày trước vốn có nhiều loại cây sơn chà này? Vì thế nhân dân Đà Nẵng đặt tên cho bán đảo ấy là SƠN CHÀ và tự lâu đời cho đến nay vẫn gọi đúng địa danh như thế trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, chứ không vì nguyên do nào khác, như nhiều tác giả của nhiều bài báo đã bàn? Nói thế, chúng ta cũng có thể khẳng định, trong những trường hợp khác, tri thức dân gian khi chưa được kiểm chứng, có thể có ít nhiều sai lạc, nhưng trường hợp này, hẳn khó có thể có chút sai lạc nào.

 

Dĩ nhiên thông tin tìm thấy trong “Tự vị An Nam - La-tinh” với các chữ quốc ngữ “cây sơn chà”, “trái sơn chà”, “cây chà là” theo mẫu tự La-tinh thuở còn sơ khai đã dẫn trên (đúng y nguyên từng kí tự, dấu thanh) cũng chỉ là một cứ liệu để góp phần lí giải trường hợp sai lệch địa danh “Sơn Trà / Sơn Chà”.

 

2.

 

Tuy vậy, để cho khỏi gợn lên chút băn khoăn, thắc mắc nào khác, có lẽ cũng cần dè dặt khẳng định là cứ liệu từ “Tự vị An Nam - La-tinh” cũng chỉ giúp chúng ta hiểu rằng, địa danh “Sơn Chà” theo cách gọi dân gian thực sự có ý nghĩa. Sơn Chà không phải thuộc vào loại địa danh mất hẳn hoặc rất khó khăn trong việc tìm nội dung ý nghĩa (như Cùa, Sình, Truồi, Kẻ Sặt…). Đồng thời, việc tìm ra nội dung ý nghĩa của địa danh Sơn Chà cũng góp phần giúp hậu thế tin chắc đó không phải là một địa danh bị phát âm sai.

 

“Tự vị An Nam - La-tinh” không trực tiếp giúp cho chúng ta việc xác định Sơn Chà có phải là một địa danh chính xác hay không. Để xác định điều này, ngoài việc khẳng định đó là địa danh theo dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng (tục danh, tên thường gọi của một vùng đất, vùng nước, theo dân sở tại), chúng ta phải tìm các văn bản hành chính dưới triều Nguyễn và dưới chế độ cũ (1954-1975) như loại giấy địa bạ, thuế thổ trạch, giấy khai sinh, căn cước, trước bạ, môn bài…

 

Ở đây, xét trên lĩnh vực sách sử, thì như đã nói, nhiều sách sử, với mức độ phổ biến khá rộng khắp, kể cả sách giáo khoa hiện thời, đều ghi là Sơn Trà. Nếu truy tìm ở loại sách thuộc loại tư liệu gốc thường chỉ được giới nghiên cứu chuyên sâu sử dụng, như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí”, sẽ thấy “Sơn Chà” cũng rơi vào một loại “lỗi kĩ thuật” xuất hiện khá nhiều trong việc ghi chép địa danh dân gian thành chữ Hán trong văn bản, chẳng hạn như “Thanh Quýt” thành “Thanh Quất”, “Bến Nghé” thành “Ngưu Chử”… Đó là loại “lỗi” bao gồm cả sự dị biệt trong âm Hán – Việt ở Đàng Trong so với Đàng Ngoài và sự sai biệt do kiêng huý, nhưng vẫn được hiểu như là mặc định thông thường trong việc sử dụng chữ Hán ở nước ta. Vì thế, không ngạc nhiên khi ở “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí” địa danh Sơn Chà lại được ghi là Trà Sơn (theo kết cấu từ ghép trong chữ Hán) (2) (3).

 

Nói cách khác, đó là lỗi kĩ thuật trong việc chuyển ngữ, từ tiếng Việt dân gian thành chữ Hán trong văn bản sách rồi lại được phiên dịch ra tiếng Việt, người dịch lại không có điều kiện đi điền dã tại các vùng đất liên quan trong văn bản…

 

Tuy nhiên, có một tư liệu cũng thuộc loại tư liệu gốc cho chúng ta sự yên tâm, tin tưởng. Đó là “Quốc triều chính biên toát yếu” (4) do Quốc sử quán triều Nguyễn tóm lược, biên soạn bằng Hán ngữ và cũng chính Quốc sử quán triều Nguyễn dịch ra tiếng Việt ở dạng chữ quốc ngữ theo mẫu tự la-tinh (chữ quốc ngữ ABC). Chính tư liệu gốc này giúp chúng ta khắc phục được lỗi kĩ thuật chuyển ngữ trong các cuốn sách nói trên.

 

Trong “Quốc triều chính biên toát yếu”, Sơn Chà không phải bị ghi là Trà Sơn hay Sơn Trà, mà đúng là Sơn Chà. Có đến hai đoạn đề cập đến địa danh này:

 

“Năm Canh Thân thứ XIII (1860), tháng giêng, tàu binh Đại Pháp ở vũng Sơn Chà chạy đi, nhưng còn ở lại Chơn Sảng và Đà Nẵng. Ngài dụ khiến 2 đạo quân thứ Quảng Nam và Hải Vân nhắm thế mà chỉnh bị” (5).

 

“Tháng 3, Đại Pháp sai đốt các đồn An Hải, Điện Hải tại núi Sơn Chà, rồi những tàu binh đậu vũng Sơn Chà đều chạy đi hết. Ngài dụ quan Quân thứ và các địa phương chỗ nào có hải phòng phải phòng bị cho nghiêm ngặt” (5).

 

Địa danh “Sơn Chà” được hai lần nhắc đến trong hai trích đoạn trên đã giúp chúng ta thật sự không còn chút băn khoăn, thắc mắc nào nữa, khi xác định Sơn Chà, chứ không phải Sơn Trà như trên giấy tờ hành chính hiện nay; và còn không nghi ngờ gì nữa, đó chính là một địa danh, không những trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng, mà từ xưa cũng là một địa danh hành chính chính thức.

 

 

                                                                           T.X.A

 

(1) Xin xem mục từ CHÀ, sđd., bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Nxb. Trẻ, 1999, tr. 64.

 

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, bản dịch: Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh, tập 2, Viện Sử học và Nxb. Thuận Hoá xuất bản, Huế - 1992, tr. 345-346, 368, 371 và 379. Trích tr. 345-346: “Núi Trà Sơn: […] Phía đông liền biển, phía đông nam có một hòn núi tiếp liền trông xa như hình sư tử, tục gọi là hòn Nghê. Tương truyền trên núi có ngọc, đêm đến thường chiếu sáng xuống biển. Phía tây có hòn Mỏ Diều, có pháo đài Phòng Hải ở đây, phía bắc là núi Cổ Ngựa, đối nhau với hòn Ngự Hải đứng sững ở cửa biển. Phía tây cửa biển là vũng Trà Sơn, là chỗ trú ẩn cho tàu thuyền. Núi rất nhiều lam chướng, có hơn 10 giếng nước độc…”; trích tr. 368: “Vũng Trà Sơn: ở phía bắc huyện Hoà Vang, lại có tên là vũng Đà Nẵng, phía đông là núi Trà Sơn, phía bắc là núi Hải Vân; phía tây là tấn Cu Đê, dài rộng ước 29 dặm linh, phía đông nam là vụng Trà Sơn, là vụng biển lớn, vừa rộng vừa sâu, có thể chứa được hàng ngàn thuyền ghe, phía ngoài có núi che, không phải lo về sóng gió, tàu thuyền đi lại gặp lúc chưa tiện gió, phần nhiều đỗ ở đây…”. Hai trích dẫn này và trích dẫn ở chú thích (3) bên dưới nhằm xác định vị trí địa lí của Sơn Chà: đó là Sơn Chà, cho dù nó được ghi là Trà-sơn, Trà Sơn hay Sơn Trà.

 

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, chính biên”, bản dịch Viện Sử học, tập XXIX, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội – 1974, tr. 96: “Thuyền quân của Tây dương ở Trà-úc kéo đi. Nhưng vẫn còn mấy toán đóng ở 2 xứ Chân-sảng, Đà-nẵng. (Các đồn Định-hải, An-hải, Trà-sơn, đều thuộc Đà-nẵng). Vua dụ sai 2 quân thứ Quảng-nam, Hải-vân xem hình thế mà chỉnh bị việc phòng giữ”. Xin lưu ý địa danh “Trà-sơn” được nêu rõ và xác định trong đoạn trích.

 

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Quốc triều chính biên toát yếu” [QTCBTY] (bản dịch tiếng Việt của Quốc sử quán), [chủ biên: Cao Xuân Dục, biên soạn: Trần Đình Phong (hiệu chính), Đặng Văn Thuỵ, Lê Hoàn, biên tập: Nguyễn Đức Lý, Nguyễn Tư Tái], Nxb. Thuận Hoá – Huế, 1998.

 

(5) QTCBTY, sđd tr. 422 & tr. 423.

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng