Phía bên kia - Nguyễn Đông Nhật

22.09.2014

Phía bên kia - Nguyễn Đông Nhật

gửi những con đường đã đi qua


 

Có ai trong đời mà chưa một lần đứng trước một dòng sông, để nhìn về phía bên kia? Và, phía bên kia là bên nào?

Không hề có... sự thực ấy; nhưng lại vẫn có, bởi, là do cái sự "định vị" mà thôi. Bên kia, là do bởi bên này. Của những đô thị dần hình thành theo thời gian, tự những ngày xa, và tự... bây giờ.

Và, liên tưởng cứ như con ngựa, dẫn về những không cùng tận của không - thời - gian, chiều nay.

 

*

NGÀY XƯA. Trong cái khoảng không cùng tận của ngui ngút dòng trôi ấy, biết đâu mà gọi là ngày xưa? Con người đã ghi lại dấu tích của mồ hôi và cả máu trên cát trắng duyên hải. Để trên đường Nam tiến của tộc Việt, có những ngôi chùa gửi thêm những tiếng u trầm vào nghĩa sống; có người thi sĩ với câu hỏi như một khát vọng nối liền giữa hư không với con người: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận / Chẳng biết xa lòng có những ai (Phạm Hầu); có bao nhiêu làng nghề với bàn tay những nghệ nhân tài hoa đã đánh thức giấc ngủ ngàn năm của gỗ - đá để làm nên những sản phẩm có linh hồn... Và bao nhiêu dấu ghi khác nữa...

Biết bao những tên đất - tên người trên suốt những dặm dài ven biển, của chiều dài ngàn năm. Để làm nên lịch sử và tất cả những gì ẩn chứa trong khái niệm văn - hóa - biển.

 

*

BÂY GIỜ. Lẽ nào, lòng không gợn lên một ít vui, khi nhìn những cây cầu nối về phía bên kia. Chiếc cầu, có thể là con đường, nhưng từ trong cái nghĩa sâu xa, đó là những bàn tay. Bàn tay, là để nối kết những bàn tay. Cũng như, cuộc sống là những giấc mơ này gọi những giấc mơ khác. Để những nơi giao hòa giữa biển cả với núi rừng trở thành những khu du lịch thơ mộng, nơi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng phải “kêu lên”: Ơi cây rong xanh của biển chiều nay / Tôi làm sao bắt gặp được em bên kia ngưỡng cửa cuộc đời mình…

 

*

NGHĨ SUY. Nếu cái đà sống (elan vital) của một cộng đồng là tổng thành của những giấc mơ thì tinh anh của sự mộng mơ lại phải được dựng nên từ tấm lòng hướng về phía đám đông và vì lợi lạc của người khác. Cũng có nghĩa là, mọi nỗ lực hướng về Ngày Mai chỉ có ý nghĩa khi Biết Lắng Nghe. Và, để có thể đón nhận những tiếng nói khác, phải biết Dừng Lại - Ngó Lui. Và Suy Nghĩ. Trước khi Nhìn Tới. Nếu được như vậy, ý thức dự phóng sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Để Nhìn Xa hơn trong một định nghĩa đa chiều kích về Hạnh Phúc: Đời sống của nhân quần đâu phải chỉ là những con số thống kê về áo cơm và những tiện nghi vật chất. Mà chính xác hơn, hạnh phúc chính là Niềm Vui, là sự nhẹ nhàng khi ở cuối một ngày của đất trời ban tặng, ta biết ta đã làm việc hết lòng, là niềm phấn khích khi mỗi sáng thức dậy, biết đón chờ những giờ khắc của công việc có ích...

 

*

Ở BÊN NÀY. Bên kia, là gió, là ánh sáng của hy vọng, trên một vùng đất còn có thể "rộng tay" hơn cho những dự định. Bên này, ngổn ngang hơn, vì phải làm ra cái mới trên một nền cũ. Biết mấy khó khăn. Không nói việc cao xa, chỉ một cơn mưa ồ ạt không kéo dài, nhiều con đường phố đã ngập tràn nước... cống rãnh hôi hám. Chuyện có vẻ vặt vãnh ấy, lẽ nào lại là chuyện nhỏ trong bài toán quản lý đô thị? Và, một việc nhỏ khác: Tại sao "những trụ cột tương lai của đất nước" lại phóng nhanh vượt ẩu kinh hoàng đến thế? Điều ấy, không hề là chuyện nhỏ, mà đúng ra, lại là chuyện… kỳ cực khó sửa sai. Người sống ở thành phố, nhưng đã được là thị dân chưa? Sự "đối mặt" giữa thành phố biển sinh thái và nhà cao tầng phải "giải" thế nào đây cho hợp lý? Văn hóa, không hề là cái xác chữ, mà phải là một thái độ văn minh, trong nhiều góc độ và trên nhiều bình diện...

Mọi suy nghĩ - luận bàn, đáo cùng, cũng phải quay về trên nền tảng của một triết lý sống: Tâm lành - Ý sáng. Sống kiêu hãnh làm Người, nhưng không hề được phép kiêu ngạo... Nhưng, dường như, sự kiêu ngạo (luôn có nguồn gốc từ sự… thấp tri) lại đang ở vào buổi thắng thời !?

 

*

Giờ đây, đứng trước biển và nhớ lại màu hoa nở hồng trên con đường cong như một cánh cung. Nhớ lại những được - không, còn - mất trong đời… Và đón nhận hơi gió mặn đang thổi khô lưng áo mặn? Đến bao giờ và bằng cách nào, hai vị mặn ấy mới tan vào nhau trong một chung cùng? Ngoài biển xa kia lại hiện lên câu hỏi: Tôi khóc những chân trời không có người bay / Lại khóc những người bay không có chân trời.

Chân trời ư? Ai đang ở nơi những chân trời? Những người nông dân cần cù chịu đựng của chúng ta đang ở chân trời nào?

Và gió vẫn thổi về từ bước chân những lưu dân, từ những năm tháng nào xa ngút? Như những lời chứng. Lặng lẽ, mà không hề phai.

Và, thời khắc của một mùa phục sinh đang trở lại…

N.Đ.N

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng