Tạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy Lệ

22.09.2014

Tạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật -  Hồ Duy Lệ

Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng ra đời vào tháng 8 năm 1977 – hơn 2 năm sau ngày giải phóng. Sau đó tạp chí Đất Quảng – tạp chí sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Hội, được hình thành và phát hành số đầu tiên vào năm 1978. Tạp chí Đất Quảng phát triển được 19 năm thì vào ngày 1/1/1997 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được tách thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Do tách thành 2 đơn vị hành chính nên “thương hiệu” tạp chí Đất Quảng được giữ lại cho tỉnh Quảng Nam. Còn tại Đà Nẵng, Hội Văn học – Nghệ thuật xin phép Bộ Văn hóa-Thông tin xuất bản tạp chí mới có tên gọi NON NƯỚC (NON NƯỚC là non sông đất nước và cũng là tên gọi khác của núi Ngũ Hành Sơn).

Ngày 1/ 1 /1997, hai đơn vị hành chính vừa tách ra, bắt đầu hoạt động, các cơ quan ban ngành, sau khi được tách ra, từng bước củng cố, ổn định và dần trở lại hoạt động bình thường. Riêng tỉnh Quảng Nam vừa tái lập (một cụm từ lúc bấy giờ tạm gọi), chưa có Hội Văn học - Nghệ thuật nên tạp chí Đất Quảng cũng chưa “tiếp nối” xuất bản kịp thời.  Khi thành lập tỉnh Quảng Nam, thì Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định tôi làm Tổng biên tập Báo Quảng Nam. Sau chừng vài tháng  làm việc, đồng chí Mai Thúc Lân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, gọi tôi lên báo cáo công việc của tờ Báo Quảng Nam. Sau khi hỏi chuyện về công việc, về tình hình nhân sự của Báo Quảng Nam, thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói, đại khái là, Quảng Nam là đất học, đất của văn học - nghệ thuật, mà không có Hội Văn học - Nghệ thuật, không có một tạp chí về văn học nghệ thuật, là thiếu một cái gì đó - thường gọi là món ăn tinh thần, thì không yên được,… Cậu (anh Lân gọi tôi một cách thân mật) là người làm công tác này, cậu đề xuất xem, nay ta phải tính sao cho có Hội, cho có tạp chí...

Khi chưa ‘‘chia tách’’, tôi làm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, vì vậy tôi có thể nói một ít về lĩnh vực này và đề xuất ý kiến của mình với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là người am hiểu và cũng quan tâm đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Tôi nói, thưa anh, Tỉnh ủy muốn có Hội thì có Hội thôi.

 Đồng chí Mai Thúc Lân đặt vấn đề: Quan trọng là nhân sự. Cậu phải đứng ra chọn nhân sự để Tỉnh ủy và UBND tỉnh xem xét và ra quyết định thành lập Ban chấp hành lâm thời, chuẩn bị Đại hội bầu ra Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam. Muốn từ chối vì đang kham chức Tổng biên tập báo Quảng Nam, với quá nhiều việc phải làm, nhưng một phần vì trách nhiệm với Hội, vả lại, không thể từ chối được với ‘‘lệnh’’của Bí thư Tỉnh ủy. Sau khi trao đổi và được sự nhất trí của đồng chí Nguyễn Đức Hạt, lúc bấy giờ là Trưởng ban Tổ chức rồi Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, tôi mời anh Nguyễn Bá Thâm, nguyên cán bộ biên tập của Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng vào Quảng Nam làm Phó Chủ tịch lâm thời Hội, cùng  tôi chuẩn bị Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam lần thứ nhất, diễn ra ngày 19 tháng 8  năm 1997. Và, sau mấy tháng chuẩn bị, vào dịp đón chào Xuân Mậu Dần - tháng 2 năm 1998, thì Tạp chí Văn học của Hội, xin giữ nguyên giấy phép của Bộ Văn hóa - Thông tin đã cấp. Và, Tỉnh ủy Quảng Nam đồng ý và cho phép giữ nguyên cái tên ĐẤT QUẢNG cho tạp chí của Hội. ĐẤT QUẢNG số 1, tức là số123, bộ mới, ra mắt bạn đọc, với một Ban biên tập mới, toàn là người kiêm nhiệm. Anh chị em hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật (hầu hết là thành viên của Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, đang sinh sống trên phần đất Quảng Nam, cũng rất muốn giữ cái tên đã quen thân từ sau ngày giải phóng quê hương năm 1975. Một tên gọi đặt cho một tạp chí Văn học - Nghệ thuật đã được các nhà văn, nhà thơ đàn anh Phan Tứ, Hoàng Châu Ký, Lưu Trùng Dương, Hồ Hoàng Thanh... đề xuất, trao đổi và thống nhất chọn, và anh em hội viên đã tự nguyện cùng nhau đóng góp suy tư và sức sáng tạo của mình để giữ gìn tên gọi ĐẤT QUẢNG thân yêu.

Từ đây, thành phố Đà Nẵng và tỉnh quảng Nam ruột thịt có hai tạp chí song hành. Những người quản lý, tham gia, cộng tác, làm Tạp chí NON NƯỚC và Tạp chí ĐẤT QUẢNG đều luôn mong muốn có nhiều người đọc, thêm nhiều người cộng tác, được nhiều người quan tâm. Làm được mục tiêu ‘‘cuốn’’ người đọc, ngày một nhiều hơn, chính là cách tốt nhất giữ được cái tên Non Nước hay Đất Quảng – hai người anh em ruột thịt trong lòng người đọc, làm cho nhiều người biết thêm về đất Quảng, nhiều người con của đất Quảng đang ở quê nhà hay sinh sống ở đâu, đang làm ăn khá giả hay đang gặp phải khó khăn vẫn luôn nhớ về nơi có những làng quê, bến đò, có núi cao, sông sâu, biển rộng, có ruộng đồng và những trảng cát bạt màu, nơi còn khá nhiều những người dân cần cù, một nắng hai sương mặc dù đã ăn no, mặc ấm, nhiều gia đình khá giả song vẫn còn nhiều vất vả, ngược xuôi. Và trên vùng đất này còn có biết bao nhiêu điều quí giá đầy chất nhân văn, anh hùng và thân yêu mà mỗi khi nghĩ đến lòng ta bỗng lặng đi, rưng rưng, làm cho ta quí hơn con người và mảnh đất quê hương thân yêu của mình.

Tuy đã có hướng và có những điều kiện cần thiết để những ai đam mê văn học - nghệ thuật dấn thân vào, nhưng chưa làm được điều mà nhà văn Nga Rasun Gamzatop đề ra, là: ‘‘Văn học và Nghệ thuật cần xây dựng với trái tim tài năng và trong sạch, với trí tuệ minh mẫn và với sự lao động kiên nhẫn, bền lòng’’.

Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm cả về tinh thần lẫn vật chất và đánh gía đúng mức vai trò của văn hóa nói chung, của Văn học - Nghệ thuật đối với cuộc sống, với công cuộc học tập, xây dựng, phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta vừa có Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 khóa XI thúc giục:  ‘‘Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của anh chị em văn nghệ sỹ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước’’

NON NƯỚC và ĐẤT QUẢNG cùng song hành trên vùng đất thân yêu của mình. Nhiều văn nghệ sỹ của Hội Quảng Nam sống và viết trên đất Đà Nẵng. Nhiều văn nghệ sỹ của Hội Đà Nẵng đi thực tế và viết về đất và người Quảng Nam. Trong hành trình hướng tới Chân lý, điều Thiện và cái Đẹp, các văn nghệ sỹ đã vượt qua bao khó khăn, không ngừng làm việc, nghĩ suy và say mê sáng tạo, bằng nhiều cách tiếp cận với người đọc, người xem qua hàng vạn trang in, hàng ngàn trang sách, thơ, ký, truyện ngắn, truyện dài, kịch, họa...

Đến tháng 9/2014 này, Tạp chí Non Nước đã xuất bản được 202 só, tạp chí Đất Quảng đã xuất bản 126 số. Tính ra, chưa thấm vào đâu, và liệu bao nhiêu trang văn, trong số đó, đến với lớp trẻ, đến với các thư viện trường học?  Đề cập đến cái sự đọc đang là nhu cầu không thể và không nên thiếu của mỗi người, để thấy nhiệm vụ của người viết, người sáng tạo nên những tác phẩm văn chương, có giá trị nghệ thuật cao, có ích cho cuộc sống là lớn lao, khó khăn và nặng nhọc biết chừng nào.

 

H.D.L

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng