5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công Minh
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng
nhiệm kỳ 2009-2014
Vừa tròn 5 năm, kể từ Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố lần thứ VII nhiệm kỳ 2009-2014 đến nay: 9/2009 - 9/2014. Đồng hành cùng nhịp sống thành phố trong quãng thời gian phát triển đầy năng động, văn học nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng dường như cũng thêm khởi sắc; đội ngũ những người làm VHNT dường như được tiếp thêm sức mạnh, cùng đoàn kết, hợp tác, tâm huyết, sáng tạo, khắc phục những khó khăn trở ngại, làm nên nhiều sản phẩm tinh thần mới với chất lượng ngày càng cao, góp phần xây dựng con người và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần thành phố. Mặc dầu vẫn còn nhiều yếu kém bất cập, nhưng những gì anh chị em văn nghệ sĩ thành phố đã làm được trong 5 năm qua là rất đáng tự hào.
Xin bắt đầu bằng một vài con số. Kết thúc nhiệm kỳ VI, chúng ta có 647 hội viên, trong số đó có 285 người là hội viên các Hội chuyên ngành Trung ương. Kết thúc nhiệm kỳ VII, hội viên tăng lên trên 1.013 hội viên (trong đó Hội Kiến trúc sư có 516 hội viên), hội viên Trung ương là 337. Phần lớn hội viên đều có trình độ cao đẳng, đại học, một số hội viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Một con số khác: Nếu như chất lượng của một giai đoạn phát triển VHNT được thể hiện một phần quan trọng qua các danh hiệu cao quý và các giải thưởng cấp nhà nước mà các văn nghệ sĩ đã nhận được thì có thể nói 5 năm vừa qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng được mùa về các danh hiệu và giải thưởng với 8 Giải thưởng Nhà nước, 2 nghệ sĩ Nhân dân, 12 nghệ sĩ Ưu tú, nâng tổng số tác giả được Giải thưởng Nhà nước cho đến hết nhiệm kỳ VII lên 10 người, 3 nghệ sĩ Nhân dân và 23 nghệ sĩ Ưu tú.
Bằng tiếng nói nghệ thuật, văn nghệ sĩ thành phố đã thể hiện ý thức chính trị và trách nhiệm công dân, góp phần xây dựng đạo đức lối sống, biểu dương những gương điển hình tiên tiến, phê phán những hiện tượng tiêu cực, cổ vũ cho các chương trình mang tính nhân văn như Chương trình “5 không”, Chương trình “3 có”, Chương trình xây dựng thành phố môi trường v.v…Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh” được quán triệt sâu rộng và duy trì thường xuyên. Đề tài xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang đã tạo một không khí sáng tác sôi nổi trong anh chị em văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành; bước đầu xuất hiện một số tác phẩm tốt.
Đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng vẫn được tiếp tục đầu tư sáng tác. Bản sắc truyền thống vẫn được phát huy. Bên cạnh đó, các tác giả đã tập trung vào những đề tài về con người và cuộc sống thành phố hiện tại, kể cả những đề tài mang tính thời sự nóng hổi như đề tài biển đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.
Về chất lượng, tuy không đồng đều, nhưng ở tất cả các chuyên ngành đều có những tác phẩm được đánh giá tốt, một số tác phẩm giành giải cao ở trong nước và quốc tế. Nhiều công trình dài hơi, mang tính tổng kết giai đoạn đã liên tục ra đời với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Mảng nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật tuy còn hiếm hoi nhưng cũng đã có một số đầu sách được dư luận chú ý. Đáng biểu dương và là nét mới của nhiệm kỳ là một số tác phẩm đã vượt qua phạm vi giải thưởng trong nước, vươn tới các giải thưởng ngoài nước như giải thưởng văn học Đông Nam Á, giải thưởng văn học sông Mê Kông, huy chương vàng của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP, giải cao nhất hạng mục phim tài liệu Châu Á tại Liên hoan phim Quốc tế ở Nhật Bản.
Bên cạnh mảng sáng tác, hoạt động quảng bá tác phẩm được đầu tư thích đáng. Chúng ta đã xuất bản hàng trăm đầu sách; tổ chức và cử tham gia nhiều liên hoan âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật, triển lãm ảnh nghệ thuật, kiến trúc ở trong nước, khu vực và nước ngoài…Với sự hỗ trợ có hiệu quả của Quỹ sáng tạo Trung ương do Liên hiệp hội điều phối, cùng với sự năng động tìm tài trợ, nhiều cá nhân đã phát hành các tập thơ, các đĩa CD, VCD giới thiệu ca khúc mới, tổ chức các triển lãm cá nhân và nhóm tác giả trong và ngoài thành phố. Nhiều vở kịch ngắn về nếp sống văn minh đô thị cũng được phát trên các chương trình truyền hình, có tác dụng giáo dục tốt. Các hình thức sinh hoạt âm nhạc đường phố, triển lãm ảnh bên bờ sông Hàn cũng đã trở thành hoạt động thường xuyên nhân các dịp lễ hội. Liên hiệp hội đã tạo được nề nếp phối hợp với Đài phát thanh truyền hình thành phố (DRT) và Đài truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng xây dựng chuyên mục định kỳ giới thiệu tác giả tác phẩm của văn nghệ sĩ thành phố. Với các cơ quan báo chí địa phương, nhất là Báo Đà Nẵng, Đà Nẵng cuối tuần, Công an thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Văn hóa Thể thao và Du lịch, Người làm báo, văn nghệ sĩ thành phố cũng đồng thời là những cộng tác viên tích cực. Cùng với Tạp chí Non Nước, Trang thông tin điện tử vannghedanang.org.vn, những kênh thông tin trên đã góp phần quan trọng và thực sự có tác dụng trong việc quảng bá tác phẩm, đưa văn học nghệ thuật đến với công chúng rộng rãi.
Công tác đào tạo, bồi đưỡng được chú trọng, cả về chính trị, thời sự và những lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do Trung ương và địa phương tổ chức. Hoạt động giao lưu VHNT trong nước và nước ngoài được quan tâm nhằm mở rộng tầm hiểu biết của hội viên.
Về công tác xây dựng nội bộ, nhiệm kỳ qua đã cơ bản kiện toàn cơ quan thường trực Liên hiệp Hội, đảm bảo các hoạt động đi vào nề nếp. Các cơ quan ngôn luận như Tạp chí Non Nước ra mỗi tháng một kỳ, Bản tin ra hàng tháng và Trang thông tin điện tử đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Điều đáng phấn khởi là chúng ta đã hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp trụ sở làm việc, đảm bảo cho các Hội chuyên ngành đều đã có trụ sở giao dịch và đã được bố trí phương tiện làm việc tối thiểu với trang thiết bị tạm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và từng bước hiện đại.
Trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp hội đã có mối quan hệ gắn bó thường xuyên để nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành Trung ương; của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, của Thưởng trực Ủy ban Mặt trận TQVN thành phố và các các sở ban ngành liên quan, nhất là các Ban Tuyên giáo, Dân vận, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Tài chính, Kho bạc, Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố…Đây là một trong những nhân tố quan trọng giúp Liên hiệp các hội VHNT thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời không ngừng cải thiện điều kiện hoạt động, cải cách hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác VHNT.
Những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua là đáng tự hào. Nhưng cũng còn không ít yếu kém bất cập khiến mỗi chúng ta băn khoăn trăn trở. Vấn đề chất lượng tác phẩm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người sáng tác và người quản lý VHNT. Vẫn còn thiếu những tác giả mới, đạt được uy tín cao trên từng chuyên ngành. Tình trạng trung bình, “nhàng nhàng”, “tầm tầm” vẫn còn phổ biến. Giữa các chuyên ngành, giữa các thể loại trong từng chuyên ngành vẫn còn thiếu cân đối về thành tựu: người làm thơ đông, viết văn xuôi còn ít; âm nhạc chủ yếu ca khúc, rất ít tác phẩm khí nhạc; sân khấu chủ yếu nghệ thuật dân tộc, chưa có nhiều tác phẩm hiện đại; lực lượng chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, viết kịch bản thiếu trầm trọng; lực lượng chuyên tâm nghiên cứu, lý luận phê bình rất mỏng.
Bên cạnh đó, những hạn chế yếu kém như hoạt động phổ biến, quảng bá tác phẩm; công tác quản lý hội viên và công tác điều hành hoạt động hội chưa chặt chẽ, sâu sát; việc thực hiện chủ trương xã hội hóa chưa đạt hiệu quả cao
Những năm đến, tình hình trong nước và thành phố tiếp tục mở ra nhiều cơ hội và thuận lợi đan xen với nhiều thách thức và khó khăn phải vượt qua. Lĩnh vực đời sống tinh thần, đời sống văn học nghệ thuật sẽ xuất hiện những vấn đề mới, đòi hỏi phải giải quyết. Bối cảnh tình hình mới sẽ có tác động nhiều chiều đến tâm lý sáng tạo và xu hướng sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố.
Trên cơ sở những định hướng lớn từ các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật thời gian qua, nhất là Nghị quyết số 33/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; được sự quan tâm ngày càng sâu sát và cụ thể của Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, với phương châm Đoàn kết, Đổi mới, Dân chủ, Nhân văn, nhiệm kỳ 2014-2019, văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng sẽ hoạt động theo phương hướng chung là: Phấn đấu xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng thành một trong những nguồn lực nội sinh quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố. Tập trung đầu tư để có nhiều tác phẩm có chất lượng, phản ánh sinh động quá khứ hào hùng và hiện thực năng động của thành phố nhằm động viên, cổ vũ sự nghiệp xây dựng Đà Nẵng giàu mạnh, văn minh, hiện đại; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện, đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng cao theo hướng chân-thiện-mỹ .
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Sáng tác và quảng bá các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh” yêu cầu phải tiếp tục được nâng lên một tầm mức mới với chất lượng mới. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Tất cả đều nhằm vào cái đích chung là đầu tư nâng cao chất lượng sáng tác, nghiên cứu, phê bình, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Trong điều kiện mới, việc tiếp cận đời sống thực tế tuy khó khăn nhưng bài học của cả một giai đoạn văn học cho chúng ta thấy rằng con đường gần nhất đến với tác phẩm có chất lượng vẫn là tạo điều kiện để văn nghê sĩ được tắm mình trong thực tế đời sống sôi động và đầy kịch tính đang diễn ra, kết hợp giũa thực tiễn với việc học tập lý luận nhằm nâng cao bản lĩnh sáng tạo. Để tạo điều kiện kịp thời giới thiệu, quảng bá tác phẩm, cần nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung và hình thức Tạp chí Non Nước và Trang thông tin điện tử của Liên hiệp Hội. Chú ý cải tiến khâu phát hành, quảng bá Tạp chí Non Nước. Hàng loạt những vấn đề chưa giải quyết rốt ráo cùng với nhiều thách thức đặt ra trong quá trình phát triển như quan tâm đúng mức đến công tác lý luận, phê bình; công tác đào tạo, bồi dưỡng về tư tưởng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ, nhất là anh chị em trẻ; vấn đề cơ chế ưu đãi thu hút tài năng nghệ thuật kết hợp với đào tạo tài năng mới; vấn đề chính sách hỗ trợ cho những văn nghệ sĩ cao tuổi; vấn đề phát triển hội viên đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ; vấn đề xây dựng và triển khai đề án xã hội hoá hoạt động văn học nghệ thuật một cách có bài bản và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới v.v... cũng đang đặt ra cấp bách trước thềm Đại hội để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ.
*
Mỗi kỳ Đại hội là thêm một dấu mốc trên bước trưởng thành; nhìn lại và đi tới với những bước đi vững chãi hơn. 5 năm sắp tới của nhiệm kỳ 2014-2019 sẽ đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng mà văn học nghệ thuật phải hoàn thành để đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển bền vững thành phố. Với những thành quả đáng tự hào đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, với ý chí, tâm huyết và nhiệt tình sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ được tập họp đoàn kết trong các tổ chức Hội chuyên ngành, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn trở lực, đồng hành cùng các tầng lớp nhân dân thành phố, làm nên những thành tựu to lớn hơn nữa trên lĩnh vực văn hóa tinh thần, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, xây dựng con người Đà Nẵng.
B.C.M