Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn Tám
- Mẹ Phương mất rồi anh ơi. Anh đi viếng cùng thì em mua vé đi luôn”. Tiếng của Quỳnh thảng thốt bên kia đầu máy.
- Đi ngay, người thân đặc biệt mà! – Tôi trả lời theo bản năng chứ thật ra từ ngày quen biết nhau đến giờ chưa lúc nào nghe Phương kể về người mẹ của mình. Chỉ biết Phương không có ai thân thiết trên đất Bắc những năm chia cắt đất nước và ba Phương hy sinh thời chống Pháp. Vậy thôi. Vả lại bà cụ nếu còn sống đến bây giờ cũng đã già lắm rồi. Cụ bà ra đi như đèn cạn dầu hết bấc. Nghĩa tử, nghĩa tận.
Tôi đặt điện thoại trên bàn rồi thả lỏng người xuống giường nghĩ lung tung: Đã nhận lời đi với Quỳnh, bạn thân của Phương là phải đi, dẫu rằng tôi và Phương mấy chục năm không biết tin về nhau. Thi thoảng gặp lại bạn quen, trong câu chuyện họ nói với nhau về Phương nghe tiếng được tiếng mất. Trong tôi, Phương vẫn là Phương của một thời xa lắm. Cái thuở được làm người biết nghĩ, lỡ bước trượt chân sẽ đưa mình đi không bến không bờ. Mỗi lần có ai nói đến Phương, cái núi lửa một thời đã tắt trong tôi đang xục xịch…Tình cảm của tôi và Phương tôi luôn tôn trọng và Phương có chỗ đứng đặc biệt trong tôi. Tuy nhiên, khi nhắc đến Phương vẫn có cái gì đấy gợn gợn không nói ra được. Phương là báu vật, là mối tình uẩn trắc vừa thiêng liêng, hạnh phúc, vừa vô vọng và khắc nghiệt. Hạnh phúc ở chỗ có người để được nghĩ về nhau. Tôi biết Phương năm học cuối cùng ở trường phổ thông. Tôi và Phương có mối tình như đi trên mây. Sau này tôi có viết một tản văn ngắn về mối tình lảng bảng ấy trong bài Hoa cỏ may. Có đoạn: Ngày ấy do nghèo khó nên con người ăn ở với nhau thật thà chân chất. Tôi đã sống những tháng năm như thế bên dòng sông như chảy, như dừng. Một chiều cuối hạ đầu thu se lạnh. Tôi và chị Liễu Mai ngồi bên cửa sổ nhìn ra dòng sông mưa đầu mùa giăng đục rải mành. Hoàng hôn đỏ phía Tây. Những đám mưa bụi bay lờ mờ như muôn vàn cánh hoa thủy tinh li ti màu đỏ bị ai vò nát ném vào cửa kính rơi lả tả rất buồn. Một làn gió lạnh bất chợt ngang qua, tôi kéo lại chiếc khăn quàng nhìn về phía những cây vải như những đống rơm to màu đen bất động. Chị Liễu Mai chỉ về phía xa, tôi nhìn theo tay chị và thấy có một cô gái mặc áo màu xanh da trời, bím tóc bay ngược ra phía sau đang mải mê bứt những bông hoa cỏ may màu xám thả lên trời. Có vậy thôi mà tôi về thơ thẩn suốt chiều hôm ấy. Mỗi lần gặp tôi, chị nửa đùa nửa thật: “Cái số mày hợp với tính con bé áo xanh màu da trời ấy”. Tôi không biết cô bé ấy là ai, tên gì, quê ở đâu. Sau này tôi biết tên em là Phương. Cái tên Phương cứ tô đậm dần trong tôi mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm! Cuối năm ấy tôi vô tình gặp lại em trong một chuyến đi dã ngoại tận Lương Sơn cách trường học hai chục cây số. Tôi nghe tin Phương đi nắng bị cảm cũng từ chị Liễu Mai và tôi tìm cớ sang thăm. Tôi dè dặt nhìn em nằm trong lán trại nét mặt hiền lành thánh thiện. Tôi nghĩ như trời sinh ra để cho tôi được gặp em. Em đẹp hay không tôi không cần biết. Linh cảm mách bảo với tôi kể từ hôm ấy, tôi bị buộc chặt bởi cô gái nhỏ nhắn, dễ thương bé như viên kẹo này. Em vừa gần gũi vừa xa lạ, em giản đơn và bí mật. Tôi là một kẻ tự tin, quyết đoán nhưng trước mặt em tôi cảm thấy hoang mang, lúng túng. Cuối năm ấy chúng tôi mỗi người đi mỗi ngả. Quỳnh vào Đại học Dược, tôi vào trường Đại học Bách khoa và Phương đi xa tận chân trời góc bể. Từ Đông Triều núi đồi tôi về Hà Nội vô tình gặp lại Phương đang ở tập trung. Tôi ngồi bên em lúng túng không biết nói gì. Những câu nói của tôi với em lộn xộn không rõ ý. Sau đó em bảo tôi cứ ngồi đấy và lấy một cái gói bọc cẩn thận đưa cho tôi, trong đó có những gì tôi không biết. Em cũng không nói với tôi một câu nào nhưng ánh mắt nhìn tôi rất lạ. Tạm biệt em, ra về mà tôi như đi trên mây. Nửa tháng sau em lại gửi cho Quỳnh cũng một gói như thế và dặn với Quỳnh khi nào gặp tôi thì trao lại cho tôi. Tôi biết tôi chết vì em chính những thứ em đã gửi cho tôi. Từ đây những thứ vô tri vô giác ấy như có linh hồn trói chặt tôi vào em như nói với trời đất: Từ nay tôi đã có em. Từ nay nếu có người nào đến với tôi, những báu vật ấy sẽ đồng thanh nói rằng tôi đã có chủ. Những thứ ấy như lá bùa treo trước ngực để lúc nào tôi cũng nghĩ đến em. Năm đầu thời sinh viên trắng trong tươi đẹp đến thế. Những cuộc liên hoan văn nghệ, đi dã ngoại, lên rừng đốn cây làm lán đã xích tuổi trẻ chúng tôi lại gần nhau. Và trong những đôi mắt sinh viên ấy tôi đã bắt gặp những ánh mắt khác thường mà cả một thời học ở phổ thông chưa bao giờ gặp. Đó là tín hiệu của tình cảm khác giới. Những lúc ấy tôi lại nghĩ đến Phương. Tình yêu của tôi với em như ma ám. Hình như có ánh mắt của Phương ở đâu đó dõi theo từng cử chỉ ứng xử của tôi với mọi người.
Tôi tự hào về mối tình của mình và giấu kín không kể cho ai biết.
Mối tình của tôi đơn giản vậy thôi mà sao sâu mà đậm. Chẳng có gì là gừng cay muối mặn. Cứ gì những mối tình phải thử thách hy sinh qua chiến tranh chết đi sống lại mới đến được với nhau. Sống suốt mười năm ở phổ thông tôi không học cùng với con gái, Phương cũng không học với con trai. Tôi yêu đơn phương? Cho là vậy, yêu đơn phương có cái hay của yêu đơn phương. Trước hết được yêu, được thương và được nhớ. Trái tim lúc nào cũng thổn thức rung theo cung bậc, không vô cảm đóng băng. Đau khổ đấy nhưng vốn con người sinh ra đã đau khổ rồi, thêm chút đau khổ nữa làm cho con người cứng cáp hơn. Yêu đâu phải là tội lỗi! Nhưng Phương không phải không cảm tình với tôi. Tôi biết trong thẳm sâu trái tim Phương đã nghiêng lệch về phía tôi dù là một chút xíu. Nếu không thì tại sao khi xa nhau Phương gửi gắm vào tôi. Đã có lúc tôi chợt nghĩ hay những kỷ vật kia là thừa thải nhưng không biết quẳng đi đâu và tống hết vào cho tôi - một kẻ tội nghiệp không cha mẹ, thiếu thốn tình cảm, chưa một lần trong đời nhận ân huệ của người khác.
Mùa hè năm ấy em đi biền biệt. Em đi bốn mùa, tôi chờ bốn mùa. Em đi năm năm, tôi chờ năm năm. Bặt tin làm cho tôi thổn thức và càng nhớ.
Tháng sáu, mặt trời không chịu đi về phía Tây mà cứ dừng lại mảnh đất Phổ Khánh quê Phương. Những cây cờ ma trước mắt và tiếng nhạc đám tang như bảo nhà của Phương là đây. Nhà Phương bị kẹp giữa hai con đường quốc lộ số Một và đường sắt Bắc Nam, lưng tựa núi lúp xúp với những loại cây không tên và không lớn nổi. Mảnh đất mà núi lấn đồng, biển lấn đất trôi màu. Mùa hè tắt chậm, mùa xuân qua mau. Gió hun hút mang theo hơi nước biển mặn mặn chát trộn với cái nắng bời bời dội lửa. Cả nhà Phương và Phương đang làm lễ cầu siêu cho mẹ Phương, ai cũng mặc đồ tang, đội khăn trắng toát rợn rợn trong tiếng kèn đám ma ai oán kể lể. Làm lễ cầu siêu cho mẹ xong Phương bước ra im lặng, lãnh đạm như một bức tượng di động. Tôi nhìn Phương và Phương nhìn tôi, hai bên không nói với nhau một lời. Sự lãnh đạm cần thiết giữa nơi xa lạ và người xa lạ. Tôi cùng mọi người vào đốt hương. Trên bàn thờ nghi ngút khói, di ảnh của cụ nhìn thẳng vào tôi như muốn nói gì đó, cụ giống Phương lắm. Tôi tin không ai đoán biết tôi nói gì với bà cụ trong hương khói nhập nhòa. Sau đó tôi lặng lẽ đi về phía núi sau nhà mà mọi người vừa đưa cụ về với tổ tiên ông bà để không ai bận tâm đến mình. Tôi ngồi một mình nhìn ra phía biển Sa Huỳnh nghĩ lung tung. Máy điện thoại của tôi rung lên và tôi biết Quỳnh gọi về. Tôi ngồi vào bàn cho có lệ. Phương nhỏ nhẹ kể về năm tháng ấu thơ trước khi đi xa quê tập kết ra Bắc. Ba Phương chết trận khi Phương bốn tuổi. Mẹ đi bước nữa và Phương ở với ngoại. Ngoại đi đâu Phương lẩm đẩm theo đó như cái đuôi. Ngoại đi cày Phương cũng theo ngoại đi cày giữa nắng trưa rát bỏng. Phương kể Phương ngồi một chỗ trong bụi tre già râm râm, có lúc theo bước chân của ngoại bước thấp bước cao. Giọng Phương nhỏ nhẹ vừa đủ nghe thăm thẳm. Khi Phương kể đến đoạn theo ngoại đi cày giữa nắng trưa tôi phải quay mặt sang hướng khác. Tôi nghĩ đến bài hát viết cho trẻ con ở ngoài Bắc khi còn chiến tranh phá hoại của Mỹ. Bài hát Đưa cơm cho mẹ đi cày của Hàn Ngọc Bích. Một lần ngồi nhà xem ti vi thấy một cô bé bốn năm tuổi hát bài hát ấy, có đoạn: “Mai đây chiến thắng bố về, nhìn thấy con bé lon ton, đưa cơm cho mẹ đi cày”. Tôi nghĩ: Bố em bé có về được không hay lại chết trận như bao đồng đội và không trở về. Tôi lại nhớ đến những tháng năm đi khắp chiến trường miền Trung bị sốt rừng chân run đi không nổi. Những trận càn khốc liệt ở vùng B Đại Lộc tôi và đồng đội phải rúc trong lau lách giữa bãi bồi sông Thu Bồn. Tôi đã qua những nghĩa trang vô danh với những nấm đất thấp lè tè lẫn vào cỏ dại. Tôi đi qua và hình như những ánh mắt của những người chiến sĩ nằm dưới đó nhìn về phía tôi… Cái số tôi sống được đến bây đã phúc đức lắm rồi huống chi gặp lại Phương tình xưa nghĩa cũ. Sau này được đi nhiều nước trên thế giới làm tôi suy nghĩ: Đất nước của họ thanh bình không một vết đạn, những hàng cây cắt tỉa, vườn hoa, tượng đài nghệ thuật còn đất nước mình đi đâu cũng gặp Bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ! Làm sao tôi không xúc động cho được khi nghe Phương kể theo ngoại đi cày giữa trưa, chuyện người cha Phương chết trận…
Tôi không lý giải được tình cảm của mình vì tôi và Phương là hai thái cực. Phương chững chạc, điềm đạm, thật thà và ít nói. Tôi láu lỉnh, bông phèng hời hợt và vô tâm. Phương xa lạ nơi đông người, ồn ào náo nhiệt. Tôi hay xuất hiện nơi có công chúng, bất tận trong những đêm văn nghệ và cuồng nhiệt trên sân cỏ. Phương lấy tình thương, sâu sắc, vị tha để làm nên sự nghiệp và thành đạt. Tôi đam mê vô bổ những chuyện không đâu vào đâu, nhưng cũng chính những thứ vô bổ không đâu ấy đã cấp cho tôi giấy thông hành vào đời bởi dễ tiếp xúc mọi người dù là người khó tính. Phong cách, tình cảm của tôi và Phương như hai cái tai của cối xay lúa chạy vòng quanh! Tình của tôi là thế ư? Có những lúc tôi tự hỏi: Ông trời thương tôi chỉ thương nửa vời, không đến nơi đến chốn để tôi sống vật vưởng như một kẻ đói tình. Ông trời xe duyên cho tôi, nhưng ông trời keo kiết cho ít tơ hồng quá nên đứt gánh nửa chừng. Tuổi xuân đã đi qua không bao giờ lấy lại được nữa rồi.
Tốt nghiệp đại học tôi ở lại trường làm anh giáo viên quèn. Nghe bạn thân Phạm Tấn Muôn báo cho tôi biết Phương không chờ được tôi và đã lấy chồng. Tất cả những suy nghĩ về Phương bị sụp đổ. Tôi không trách Phương mà tự trách mình, thương cho phận mình. Tôi không tin những câu chuyện, những trang tiểu thuyết viết về sự chung thủy trong tình yêu kể cả mối tình của Romeo và Jolet kinh điển. Trên đất khách quê người, tôi không bấu víu được vào đâu và sau đó tôi xin vào chiến trường. Mùa đông năm ấy sương giăng kín trời. Đoàn xe ôtô phủ kín bạt bí mật đưa chúng tôi ra ga Hàng Cỏ đi thẳng vào phương Nam. Sau này và mãi mãi sau này mỗi lần trở về Hà Nội ngang qua ga Hàng Cỏ nghe tiếng còi tàu của chiếc đầu máy hơi nước sùng sục rúc lên, tiếng còi lan xa nghe cô đơn thăm thẳm như trăm mũi đinh vít xoắn vào tim tôi đau nhói.
Cuối cùng tôi được ông trời tạm xếp vào hàng ngũ những người con trai u muội, thủy chung và không bạc tình bạc nghĩa. Được một lời khen như vậy, tôi phải đổi lấy một đời người!
Sau này, Phương biết về tôi thông qua những bạn bè. Phương tin tôi đợi chờ em nên Phương đối với tôi trân trọng. Tôi nhớ có lần Phương thốt ra một câu: “Tính anh như vậy em tin là sống được!” Tôi chỉ cần có vậy. Hơn cả ông trời khen! Đó là câu nói hay nhất được chưng cất qua thời gian. Là câu chuyện cổ hay nhất của đời tôi. Tôi hãnh diện với mối tình phiền toái, rắc rối và đầu đời của tôi.
Đêm Sa Huỳnh đầy sao. Gió biển và gió núi réo gọi nhau trên hàng dừa cháy tơi tả. Ngoài kia biển sáng rực theo những dãy đèn lấp lánh của những chiếc thuyền câu đêm. Đã có lần tôi tự trách mình tại sao yêu biển.Vẫn biết biển mênh mông không bến không bờ và biển có nhiều bến lạ. Chấp nhận yêu biển thì cuộc đời cứ phải lênh đênh. Đùa với sóng, sóng bạc đầu hay ta bạc tóc. Đùa với trăng, trăng khi khuyết khi đầy. Một chút gió thôi, cũng gom lại thành cơn bão.
Tôi cũng biết có những mối tình của những người khác trong chiến tranh lưu lạc giống tôi. Thế hệ mà chỉ biết nghe và làm theo một cách trật tự xếp hàng. Thế hệ chỉ biết vỗ tay hát tập thể và bài hát nhiều hơn cơm áo. Chúng tôi sống bằng niềm tin, mà mất niềm tin là sụp đổ. Cuộc sống trong chiến tranh cứ phải lãng mạn, thi vị, cứ yêu đời mà tồn tại. Cứ gì cha mẹ, anh em, bạn bè vun đắp xếp đặt mà mà thành vợ thành chồng. Trong tình yêu lưa đôi, những điều nói thật, tôi không tin. Những điều nói dối, đêm nằm tôi vẫn mơ. Không giải thích được thì đổ vấy cho số mệnh tại ông trời. Ông trời là của chung ngày nào tôi cũng gặp. Chỉ có tình yêu của tôi bị đánh cắp và bỏ quên…
Phương cứ nhỏ nhẹ kể chuyện cho chúng tôi nghe, rồi tranh luận trên đời này chết không phải là hết, là kiếp luân hồi. Trên thế gian này có người âm hiện về đưa đường chỉ lối. Tôi cũng tin như vậy và không tin như vậy! Trời về chiều. Một làn gió nhẹ thoảng qua nơi chúng tôi ngồi mang theo cái mùi hương khói ngây ngấy lạ lạ. Phương bất chợt dừng câu chuyện và nói:
- Chính cái hương vị ngây ngấy thơm thơm mùi rạ này, khi em đi xa tận đâu vẫn nhớ, nó làm em nhớ nhà đến khắc khoải. Tôi nhìn ra phía xa cánh đồng có những đám khói sau mùa gặt bay lên nối với trời cao lờ mờ nhòa trong nắng. Tôi nghe Phương nói mà trùng ý tôi trong một bài thơ viết về ba của Phương đã hy sinh ở Tràng Định, bên dòng Thủy Tú bên này đèo Hải Vân. Chỉ có đất nước bình yên mới có mùa vàng và có những đống rạ sau mùa gặt khói bay lên trời: “Để chiều nay tôi gặp lại những cây khói ai trồng giữa trời/ Mùi khói rạ ấm nồng tôi mang theo giữa cuộc đời còn lại”.
Cái người ta tưởng còn, lại mất. Cái người ta tưởng đã mất, lại còn. Với tôi điều còn lại bây giờ là cái tình, cái nghĩa. Tôi đã mất đi cái tình của Phương thì ít ta cũng còn lại cái nghĩa. Mất hết hai cái đó, tôi trở thành một gã đàn ông cô đơn, cộc cằn, hẹp hòi và ích kỷ. Khi nghe mẹ Phương mất qua Quỳnh, tôi từ Đà Nẵng vào mặc chiếc áo màu đen dự tang, còn Phương cũng từ Đà Lạt xuống chịu tang. Có thể những người không đến được với nhau có thần giao cách cảm?
Tất cả mọi việc diễn ra không qua nổi đôi mắt của con chim vành khuyên nhí nhảnh, tinh nghịch hay khóc, tuy lớn tuổi là Quỳnh…
N.V.T