Nhìn lại một chặng đường - Võ Văn Hòe
Trong 5 năm qua, Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng không ngừng cố gắng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội: sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, phát huy, phát triển, truyền dạy và quảng bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng đến với các tầng lớp nhân dân.
Hội Văn nghệ dân gian thành phố còn non trẻ nhưng có thuận lợi nhất là đội ngũ hội viên có bề dày nghiên cứu và đề tài nghiên cứu tương đối phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, do được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố đối với loại hình văn học dân gian này, nên Hội đã tổ chức hiệu quả một số công trình nghiên cứu có giá trị.
Hiện nay, Hội và mỗi hội viên đang trong tiến trình vươn lên để khai thác vốn văn hóa truyền thống địa phương mà cha ông người Quảng để lại có hơn 600 năm lịch sử. Tất cả thành viên của Hội mong muốn phải làm sống lại những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương Đà Nẵng - vùng đất sinh ra con người đầy bản lĩnh không chỉ trong xây dựng mà còn thể hiện trong chiến đấu, đã vượt qua những thử thách tạo nên những kỳ tích trong hai cuộc kháng chiến giữ nước và hiện nay tập trung ý chí và nghị lực xây dựng một thành phố văn minh hiện đại, giàu đẹp và thân thiện. Tiền nhân đã ra công khai phá tài bồi, nay Hội ra sức khai thác vốn quý trong gia tài văn học dân gian đồ sộ, phong phú, góp một phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hội đã tiếp tục thực hiện ba đề tài trong Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng: Tập tục lễ hội, Nghề và làng nghề truyền thống và Ẩm thực đất Quảng. Sau đó xuất bản tiếp tập Văn hóa dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, tác giả tác phẩm; Văn hóa dân gian Đà Nẵng - cổ truyền và đương đại … Trong 5 năm qua, bằng sự nỗ lực nhằm quảng bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian địa phương, Hội đã thực hiện 6 đặc san Văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng, tạo diễn đàn cho hội viên trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.
Về tác phẩm của hội viên có thể kể đến các công trình, tác phẩm:
- Về tác phẩm phim văn nghệ dân gian, có: Phóng sự Hành trình theo chân Bác (Đặng Quốc Phồn); Hoạt động của Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng (Trịnh Tuấn Khanh, Thiện Tâm, Đặng Dợm); Phim nghệ thuật: Giai điệu miền Trung (Trần Hồng, Thiện Tâm, Trịnh Tuấn Khanh); Các phim chân dung của các nhà nghiên cứu: Trần Hồng (Trung tâm THVN tại Đà Nẵng và Trịnh Tuấn Khanh); Võ Văn Hòe (VFS, Truyền hình HTV thành phố Hồ Chí Minh và Thu Trang), Trương Đình Quang (Trung tâm THVN tại Đà Nẵng) và một số phim phản ảnh các loại hình lễ hội trên địa bàn trong và ngoài thành phố: Lễ hội Ka tê Ninh Thuận (Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Thiện Tâm, Đặng Dợm, Đỗ Vinh); Lễ hội Phong Lệ mục đồng (Nguyễn Thiện Tâm); và phim miêu tả các hoạt động văn hóa: Hát sắc bùa (Trung tâm THVN tại Đà Nẵng); Người Ve nơi đại ngàn (Trịnh Tuấn Khanh, Đỗ Vinh); Nét đẹp dân gian Chăm (Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Thanh Minh); Nghệ nhân dân gian – báu vật văn hóa sống (Trịnh Tuấn Khanh); Hương sắc bản làng (Trịnh Tuấn Khanh),… tất cả đã thể hiện sinh động sự cố gắng của các hội viên trong sưu tầm, nghiên cứu phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
- Về tác phẩm sách văn nghệ dân gian thể hiện các đề tài nghiên cứu sưu tầm, ghi chép văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng, có: Văn hóa dân gian Hòa Vang (Võ Văn Hòe); Địa danh thành phố Đà Nẵng (Võ Văn Hòe); Văn hóa xứ Quảng Một góc nhìn (Lưu Anh Rô-viết chung); Tiếng địa phương trong ca dao, dân ca đất Quảng (Đinh Thị Hựu); Hò khoan xứ Quảng (Đinh Thị Hựu); Đình Đà Nẵng (Hồ Tấn Tuấn); Âm nhạc Chăm – những giá trị đặc trưng (Văn Thu Bích); Dân gian bia miệng lưu truyền (Lê Hoàng Vinh); Quanh lũy tre làng (Lê Hoàng Vinh chung với Lê Anh Dũng); Sắc bùa xứ Quảng (Phạm Hữu Bốn); Chuyện kể dân gian xứ Quảng (Phạm Hữu Bốn); Lễ hội – văn hóa dân gian đất Quảng (Lê Duy Anh); Hò đưa linh (Trần Hồng); Âm nhạc dân tộc Chăm – sự giao thoa giữa nhạc Cham và nhạc Việt (Trần Hồng); Ca nhạc kịch bài chòi (Trương Đình Quang); Bài chòi xứ Quảng (Trương Đình Quang, chung với Đinh Thị Hựu); Một số nghề, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực vùng đất Khánh Hòa (Ngô Văn Ban); Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam (Ngô Văn Ban); Hồn quê xứ Vạn (Võ Khoa Châu); Vạn Ninh- đất và người (Võ Khoa Châu); Câu đối dân gian và câu đối Hán-Nôm (Phan Thế Tập); Trong vườn văn học dân gian (Phan Thị Miều); Bảo tồn và phát huy lễ hội của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (Võ Văn Hoàng); Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam bộ (Võ Văn Hoàng); Quanh Lũy tre làng (Lê Anh Dũng, chung với Lê Hoàng Vinh); Hát bả trạo hò đưa linh (Trương Duy Hy, chung với Trương Đình Quang), Văn hóa Đà Nẵng từ những mảnh ghép (Chi hội VNDG Trường ĐHSP Đà Nẵng, Nguyễn Hoàng Thân chủ biên),… Bên cạnh đó, còn có các đề tài được sự tài trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Văn hóa dân gian Việt – Chăm nhìn trong mối quan hệ (Võ Văn Hòe Trần Hồng, Hồ Tấn Tuấn) và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng: Vè đấu tranh ở Đà Nẵng (Đinh Thị Hựu),… đã tập trung hình thành nên diện mạo của Hội trong 5 năm qua mà Hội chúng ta có được như hôm nay là rất quan trọng và có ý nghĩa phát triển. Một số công trình tác phẩm đã được đánh giá cao, được Hội VNDG Việt Nam và địa phương tặng giải thưởng.
Hơn 600 năm qua, tại vùng đất chưa mưa đà thấm này, cha ông người Quảng đã để lại một gia tài văn hóa văn nghệ dân gian rất phong phú, đa dạng, phản ảnh nhiều mặt của cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng chưa khai thác hết. Những người cao tuổi am hiểu vốn văn hóa văn nghệ dân gian đã dần mai một, ra đi mang cả vốn quý đi cùng. Do vậy, Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng tha thiết kêu gọi những ai quan tâm đến lĩnh vực chuyên ngành dân gian lý thú này hãy chung tay giữ gìn, phát huy, phát triển vốn văn hóa dân gian đừng để vốn quý ấy trôi đi trong hối tiếc?
V.V.H