Một gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến Loan

22.09.2014

Một gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học -  Châu Yến Loan

Ngay từ khi mới thống nhất giang sơn, thấy rõ tầm quan trọng của trí thức đối với đất nước “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, vua Gia Long đã chú ý đến việc phát triển giáo dục, lập thêm nhiều trường học ở các tỉnh để đào tạo nhân tài. Năm Gia Long thứ nhất 1802, trường tỉnh Quảng Nam được thành lập ở xã Câu Nhí, huyện Diên Phước, đến năm 1835 thời Minh Mạng dời về Thanh Chiêm nên thường gọi là trường Đốc Thanh Chiêm.

Trong công cuộc phát triển Văn hóa, Giáo dục của Quảng Nam, các Nho  sĩ từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An đã đóng góp rất nhiều công sức nên được người dân ở đây quí mến gọi bằng cái tên rất tôn kính thân thương là “Ông đồ Nghệ”. Họ không chỉ dạy dỗ, truyền bá đạo lý thánh hiền, một số người còn được bổ dụng làm Đốc học, đặc biệt là một gia đình xứ Nghệ đã có hai ông cháu làm Đốc học Quảng Nam đó là Đinh Phiên và Đinh Văn Chất.

 

Đinh Phiên (1764- 1833)

Sinh năm 1764 tại làng Ông La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), ông thuộc đời thứ 9. Họ Đinh ở La Giáp là một dòng tộc nổi tiếng về học hành, khoa bảng, nhiều người đỗ đại khoa, làm quan lớn.

(Theo Gia phả họ Đinh Văn ở làng La Giáp (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) do ông Đinh Văn Niêm cung cấp).

Lúc đầu ông có tên là Giáp, sau đổi là Nguyễn Phiên, sau nữa đổi là Hồng Phiên, tự là Trọng Tường, hiệu Chỉ Hiên, bút hiệu Tường Phủ. Khoa thi năm Quý Mão niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) đời vua Lê Hiển Tông, ông đậu Hương cống (cử nhân) tại trường thi Nghệ An, khoa này Nguyễn Du đậu Sinh đồ (tú tài). Năm 1787, ông thi Hội khoa Đinh Vị đậu Tam trường trúng cách (tương đương Phó bảng thời Nguyễn) được bổ Toản tu Quốc sử quán triều Lê.

Thời Tây Sơn, ông không ra làm quan mà lui về quê mở trường dạy học.

Thời Nguyễn, vào tháng 5 năm Ất Hợi, Gia Long thứ 14 (1815) “Lấy Hương cống đời Lê là Đinh Phiên làm Đốc học Quảng Nam” (ĐNTL, T1, tr 901).

Năm 1817, Lai viễn kiều (Chùa Cầu) ở Hội An được sửa chửa trùng tu lại, ông đã viết bài văn bia Trùng tu Lai viễn kiều ký bằng chữ Hán, bút hiệu Đinh Tường Phủ đến nay vẫn còn lưu truyền. (Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 34, năm 2012, tr 61- 62).

Tháng 3 năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819) ông được bổ Đông các học sĩ rồi được phái đi sứ nhà Thanh cùng Cần Chính điện học sĩ Nguyễn Xuân Tình: “Lấy ký lục Quảng Nam là Nguyễn Xuân Tình làm Cần chánh Điện học sĩ sung Chánh sứ đi cống nước Thanh, Đốc học Quảng Nam là Đinh Phiên làm Đông Các học sĩ, Tri phủ Nam Sách là Nguyễn Hựu Bình làm Hàn Lâm thị độc sung Giáp Ất phó sứ” (ĐNTL, T1, tr 896). Khi tới Tương Đàm, ông làm bài thơ “Tương nam Tương Đàm đa hữu Giang Tây khách kỳ địa hạ sơ tương đấu sát thương đãi thất bách số trung hưng chí thử viên thuật sở văn”, chép lại thảm kịch xảy ra ở Tương Đàm, do ngôn ngữ bất đồng giữa khách buôn Giang Tây và dân bản địa, mâu thuẫn xung đột dẫn đến ẩu đả, đến nỗi hơn 700 người mất mạng. Bài thơ được GS Zhan Zhihe (詹志和) trường Đại Học Sư Phạm Hồ Nam- Trung Quốc đánh giá “là một trong hai bài thơ ghi chép sự kiện có ý nghĩa trọng đại nhất”

(Thơ đi sứ chữ Hán của Việt Nam trong mối quan hệ với Văn hóa Hồ Nam- http://khoavanhocngonngu.edu.vn/home/index.php?option

Trong chuyến đi sứ này ông có làm tập thơ Hán Cao Tổ, một số câu đối  còn truyền lại đến nay cùng một số bài thơ được in vào các đồ sứ Trung Hoa như câu “Nghêu ngao vui thú sơn hà / Mai là bạn cũ  hạc là người thân”,  được in nguyên chữ Nôm vào đồ gốm, mà người đời sau lầm tưởng là của Nguyễn Du, vì Đinh Phiên và Nguyễn Du là bạn đồng hương, đồng khoa cũng vừa là sui gia. Con trai Đinh Phiên là tiến sĩ Đinh Văn Phác, lấy Nguyễn Thị Tiềm là con gái Nguyễn Du.

Thời vua Minh Mạng, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng ở triều đình, quan trọng nhất là được vua sai soạn định khuôn mẫu, thể thức các cáo sắc cho triều đình: Tháng 10 năm Canh Thìn, Minh Mạng thứ nhất (1820) “Sai Đông các học sĩ Đinh Phiên và Hàn lâm thị độc Cao Huy Diệu soạn định thể thức cáo văn, sắc văn cho văn giai và võ giai” (ĐNTL, T2,tr 97), chức này đã giúp cho Đinh Phiên có điều kiện để  soạn Ngọc Phổ cho vua Minh Mạng, được vua “châu phê”. Ngày 20 tháng 11 năm 1820, Minh Mạng thứ nhất,  Nguyễn Đinh Phiên đã dâng lên vua 11 bài trong Ngọc Phổ, bài đầu là “Đế hệ thi” và 10 bài sau là “Phiên hệ thi” bằng các mỹ tự dùng để đặt tên theo hình thức song danh cho con cháu trực hệ của nhà vua và con cháu của mười hoàng tử anh em (bản dịch từ chữ Hán, Châu bản triều Nguyễn, tờ 223 đến 235). Vua Minh Mạng đã sửa chữa, thay đổi câu chữ nhiều lần để hoàn chỉnh, nhất là bài “Đế hệ thi”.

Tháng 5 năm Tân Tỵ, Minh Mạng thứ 2 (1821), ông được chọn làm Toản tu, tham gia biên soạn sách Liệt thánh thực lục (viết về các chúa Nguyễn), rồi làm Thị trung Trực học sĩ (tức hầu cận cho nhà vua liên quan đến vấn đề từ chương). Đến tháng 6 làm thêm công việc ở Bộ Lại. Cuối năm 1821, ông là Giám thí kỳ thi Hương ở kinh đô và nhiều tỉnh khác như Nghệ An, Sơn Nam. Năm Nhâm Ngọ, Minh Mạng thứ ba (1822), nhà vua mở ân khoa thi Hội, đây là khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn, Đinh Phiên được sung chức Tri Cống cử. Tại kỳ thi này con trai của Đinh Phiên là Đinh Văn Phác đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ.  Ông cũng là người được giao chăm lo việc ở Bộ Lễ

Tháng 12 năm Quý Tỵ, Minh Mạng thứ 4 (1823) Đinh Phiên do không kiểm tra phát hiện được các thuộc cấp sắp lẫn mấy cái sắc phong của Tây Sơn vào bản tấu nên bị đánh 100 trượng, bị cách chức,  phát đi Hà Tiên để làm việc chuộc tội, sau vua xét lại công lao của Đinh Phiên nên phát phối đi Quảng Ngãi.

Năm năm sau, Mậu Tý (1828), Đinh Phiên được phục chức Chủ bạ ở Trấn Ninh, rồi sung Huấn đạo Bình Dương.

Tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt, chống lại triều đình, được phong làm Lễ bộ Thái khanh. Ông thay Lê Văn Khôi thảo hịch kêu gọi dân chúng ủng hộ cuộc nổi dậy, đánh đổ nhà Nguyễn, khôi phục nhà Lê được nhiều người hưởng ứng.

Quân triều đình phản công mãnh liệt, cuộc khởi nghĩa thất bại, giữa tháng 8 năm 1833, Đinh Phiên ra đầu thú. Ông bị chết trên đường áp giải về kinh đô, bị phanh thây, bêu đầu ở Gia Định và Nghệ An rồi vứt xuống sông. Vợ và 4 con trai của ông trong đó có tiến sĩ Đinh Văn Phác cũng bị hành hình tại chợ Nghệ An. Các học trò của ông như Nguyễn Đức Phương, Giáo thọ Phước Long, Nguyễn Năng Tĩnh, Giám sát Ngự sử đạo Nam Ngãi, Nguyễn văn Dư, Giáo thọ Vĩnh Tường đều bị bãi chức.

 

Đinh Văn Chấp (1893-?)

Sinh năm Quý Tỵ (1893), là cháu gọi Đinh Phiên bằng ông cố. Gia tộc họ Đinh ở La Giáp liên tục qua 5 thế hệ có 5 người thi đỗ Tiến sĩ:

Đinh Phiên, đỗ Tiến sĩ đời Cảnh Hưng (1720-1784). Giữ chức Đốc học Quảng Nam từ 1815 đến 1819, thời Gia Long.

Con của Đinh Phiên là Đinh Văn Phác, sinh năm 1802, đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Minh Mạng. Khi thân phụ bị tội, ông bị truy đoạt mọi bằng sắc, đục bỏ tên trên bia tiến sĩ và bị hành hình.

Con của Đinh Văn Phác là Đinh Văn Chất sinh năm Đinh Mùi (1847), đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Ất Hợi (1875), niên hiệu Tự Đức thứ 28. Ông làm quan đến chức Tri phủ Nghĩa Hưng. Năm 1883 quân Pháp đánh Nghĩa Hưng ông chống cự mãnh liệt, quân Pháp không chiếm được phủ. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, từ quan về quê tổ chức nghĩa quân chống Pháp, lập căn cứ ở Thanh Chương. Năm 1887 ông bị Pháp bắt và “tru di tam tộc”.

Khi gia đình Đinh Văn Chất bị hành quyết thì Đinh Văn Chí, con trai của ông mới 5 tuổi được người bà con cứu thoát đem sang Phúc Kiến - Trung Quốc lánh nạn hơn 10 năm mới trở về nước, khai sụt tuổi và đổi tên thành Đinh Văn Chấp.

Đinh Văn Chấp, đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý (1912), niên hiệu Duy Tân thứ 6. Đỗ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng Giáp) khoa Quý Sửu (1913), niên hiệu Duy Tân thứ 7, lúc mới 21 tuổi.

Ông Đinh Văn Chấp làm quan được giữ chức Đốc học Quảng Nam.

Năm 1917, ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, có mở kỳ thi cho những học sinh bảy tuổi, thi cả chữ Hán, Việt văn và toán do ông nghè Đinh Văn Chấp chấm. Cậu bé Bửu đỗ cao và từ đấy nổi tiếng học giỏi.

Cậu bé xuất sắc đó chính là Giáo sư Tạ Quang Bửu. Ông sinh ngày 23/7/1910 tại làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cha là cụ cử nhân Nho học Tạ Quang Diễm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đào (tức nữ sĩ Sầm Phố). Bà đã sáng tác  nhiều bài thơ vịnh cảnh nghèo, gửi gắm chút tình non nước in trên các báo Tiếng Dân, Phụ Nữ Thời Đàm...

Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học uyên bác trên nhiều lĩnh vực,                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     không chỉ trong khoa học tự nhiên mà cả trong các khoa học xã hội như lịch sử, cổ học và đã có những đóng góp lớn lao cho đất nước. Ông mất ngày 21 tháng 8 năm 1986, hưởng thọ 76 tuổi.

Năm 1930 Đinh Văn Chấp bị tố cáo khai man lý lịch nên bị chuyển ra làm Án sát Hà Tĩnh. Sau đó ông từ quan về quê nghiên cứu Phật Giáo và dịch thơ của các Thiền sư thời Lý Trần.

Ông Đinh Văn Chấp rất giỏi thơ văn và tinh thông Phật giáo, ông đã dịch nhiều bài thơ bằng chữ Hán ra tiếng Việt vừa sát nghĩa lại vừa hay, tiêu biểu như dịch bài thơ sau đây của Sư Vạn Hạnh:

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

                    

                                                                         Sư Vạn Hạnh

 

Có không tựa chớp chiếc thân này,

Muôn vật tư mùa khéo đổi thay.

Khí vận thịnh suy nào chút sợ,

Xem dường giọt móc đỗ trên cây.

                       

                                                                        Đinh Văn Chấp dịch

 

Ông Đinh Văn Chấp cũng có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung. Năm 1932, sau khi vua Bảo Đại hồi loan, do sự thúc đẩy của Hoàng thái hậu Đoan Huy (tức bà Từ Cung) nhà vua đã ban chiếu cho thành lập Hội An Nam Phật Học. Ngoài chư tôn hòa thượng, thượng tọa, các cụ  Hoàng giáp Đinh Văn Chấp, bác sĩ Lê Đình Thám, những người trong Hoàng tộc như Ưng Bàng, Bửu Bác, Viễn Đệ, Tôn Thất Tùng, Tráng Đinh, Các nhân sĩ ở kinh đô như bà Cao Xuân Sang (tức bà Hồ Thị Hạnh, sau nầy là Sư bà Diệu Không), ông Nguyễn Khoa Tân v.v..là những nhân tố tích cực đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng phong trào.

Ông mất năm 1953.

Con của Đinh Văn Chấp là Đinh Văn Nam tức Hòa thượng Thích Minh Châu, Tiến sĩ về Phật học tại Pháp.

Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 tại làng Kim Thành, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lúc thân phụ đang làm Đốc học Quảng Nam.

 

Đinh Phiên và Đinh Văn Chấp đã đào tạo được nhiều môn sinh tài giỏi và để lại cho hậu thế những áng thơ văn có giá trị.

Trong thời gian Đinh Phiên và Đinh Văn Chấp làm Đốc học, sĩ tử Quảng Nam đã đạt được những thành tích khả quan trong các kỳ thi Hương và thi Hội:

Thi Hương:

-                      Khoa kỷ Mão, Gia Long thứ 18(1819), trường Quảng Đức đổi tên là Trực Lệ, lấy đỗ Cử nhân 17 người, Quảng Nam đỗ 4 người:

1)                     Nguyễn Văn Điển, người làng Thanh Hà, huyện Điện Bàn, vị thứ 15/17.

2)                     Nguyễn Văn Thành, người làng Trà Nhiêu, huyện Duy Xuyên, vị thứ 03/17.

3)                     Nguyễn Xuân Hải, người làng Hải Châu, huyện Hòa Vang, vị thứ 14/17.

4)                     Doãn Văn Xuân, người làng Quảng Phú, huyện Lễ Dương, vị thứ 12/17.

-                      Khoa Ất Mão, Duy Tân thứ 9 (1915), trường Thừa Thiên lấy đỗ Cử nhân 32 người, Quảng Nam đỗ 5 người:

1)                     Võ Uất, người làng Quảng Lăng, huyện Điện Bàn, vị thứ 07/32.

2)                     Trần Nhã Diệm, người làng Mân Quang, huyện Điện Bàn, vị thứ 10/32.

3)                     Nguyễn Đình Tập, người làng Trung Mỹ, huyện Duy Xuyên, vị thứ 14/32

4)                     Hồ Mậu, người làng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, vị thứ 19/32.

5)                     Phan Đình Chi, người làng Trường An, huyện Hòa Vang, vị thứ 28/32.

-                      Khoa Mậu Ngọ, Khải Định thứ 3(1918), khoa thi Hương cuối cùng,

trường Thừa Thiên lấy đỗ Cử nhân 22 người, Quảng Nam đỗ 3 người:

1)                     Phạm Phú Tiết, người làng Đông Bàn, huyện Điện Bàn, vị thứ  

07/22.

2)                     Hồ Ngận, người làng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, vị thứ 3/32.

3)                     Lương Trọng Hối, làng Đồng Thành, huyện Quế Sơn, vị thứ 02/22.

Thi Hội:

-                      Khoa Kỷ Mùi, Khải Định thứ 4(1919), khoa thi Hội cuối cùng, lấy đỗ

7 Tiến sĩ, 16 Phó bảng, Quảng Nam trúng truyển 2 Phó bảng

1) Phạm Đình Long, người xã An Tây, huyện Quế Sơn.

2) Nguyễn Hà Hoằng, Quê xã La Qua, phủ Điện Bàn

 

Từ thời nhà Hồ, nhà Lê, người dân xứ Nghệ đã nặng tình với mảnh đất Quảng Nam, nhiều gia đình đã rời bỏ quê hương di dân vào đây khai cơ lập nghiệp trở thành những vị tiền hiền của các làng xã, nhiều “ông đồ xứ Nghệ” đã đem đạo học thánh hiền vào quảng bá cho người dân vùng đất mới, trong đó có hai ông cháu Đinh Phiên và Đinh Văn Chấp. Ông cố làm Đốc học Quảng Nam lúc mới bắt đầu vương triều Nguyễn, cháu làm Đốc học vào giai đoạn gần cuối, hai ông cháu, hai bậc đại khoa xứ Nghệ đã đem tài sức của mình vun đắp cho nền văn hóa Quảng Nam thêm rực rỡ.

 

C. Y. L

 

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng