Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn Nở

22.09.2014

Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn Nở

Trong những năm qua, trên khắp các nẻo đường của đất nước đều in đậm dấu chân của các tay máy Đà Nẵng. Với lòng yêu nghề cùng những chuyến đi thực tế, họ đã đem về cho nhiếp ảnh thành phố những kết quả đáng trân trọng.

Xông pha trên mọi nẻo đường.

Những tháng ngày biển Đông “dậy sóng” vừa qua, các hội viên Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những chuyến đi thực tế sớm nhất. Họ đã đến tận những nơi đảo xa, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, nhằm ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, thể hiện tình yêu của mình với biển đảo quê hương. Ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như bao tay máy khác, NSNA Thân Nguyên luôn khao khát được đến tận nơi, ghi lại những hình ảnh từ thực địa, nhưng vì điều kiện không cho phép, anh không vì thế mà gác lại những đam mê. Để thể hiện tình yêu của mình đối với biển đảo quê hương, anh cùng một số anh em khác, chạy xe máy từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, đón tàu ra đảo Lý Sơn, đến nơi, các anh cùng ăn, cùng ở với những ngư dân trên đảo, tìm hiểu và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ về văn hóa, lịch sử và cuộc sống của người dân nơi đây.

Không riêng gì NSNA Thân Nguyên, trao đổi với chúng tôi, NSNA Ông Văn Sinh, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học- Nghệ thuật Đà Nẵng khẳng định: Trong những năm qua, không có nơi nào trên dải đất hình chữ “S” thiếu dấu chân của các nhiếp ảnh gia Đà Nẵng, từ điểm cao nhất của cực Bắc Tổ quốc - Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau, từ lễ hội đua voi ở Tây Nguyên đến mùa hoa ban nở ở Tây Bắc, từ những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải đến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn (Quảng Ngãi)… đều trở thành đề tài bất tận cho các NSNA Đà Nẵng. Có những chuyến đi do Hội tổ chức, nhưng cũng có những chuyến đi vì đam mê khám phá, đam mê sáng tạo mà các hội viên Hội NANT Đà Nẵng không ngại khó, ngại khổ, lặng thầm dấn thân để đem lại những “khoảnh khắc vàng”.

Sau các chuyến đi, hội viên Hội NANT thành phố đã tích cực tham gia các cuộc thi khu vực, quốc gia, quốc tế. Đây là dịp để khẳng định trình độ tay nghề, đánh giá tác phẩm của hội viên, đồng thời cũng là dịp để giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, các NSNA Đà Nẵng đã đem về cho thành phố những “khoảnh khắc vàng”, gồm: 9 giải thưởng quốc gia (2 giải A, 1 giải B, 6 giải C); 26 giải thưởng quốc tế (2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ và 19 bằng danh dự); 21 giải thưởng khu vực (1 HCV, 3 HCB, 5 HCĐ, 13 giải khuyến khích); 9 giải thưởng văn học - nghệ thuật của thành phố (4 giải B, 2 giải C, 2 giải khuyến khích); 45 giải thưởng tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp thành phố. Qua nhiều năm tham gia các cuộc thi ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, toàn quốc và quốc tế, lực lượng nhiếp ảnh Đà Nẵng đã giành được nhiều giải thưởng cao, nhiều huy chương vàng, bạc, đồng... Đồng thời, nhiều năm liền, nhiếp ảnh Đà Nẵng giành giải nhất toàn đoàn tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ghi nhận những thành quả tích cực, trong nhiệm kỳ qua, Hội NANT Đà Nẵng được Chủ tịch UBND thành phố tặng 4 Bằng khen.

 

Đưa tác phẩm đến với công chúng.

Bên cạnh các hoạt động sáng tác, với kinh nghiệm của mình, Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng luôn xác định rõ, khâu phổ biến tác phẩm góp phần quyết định sự phát triển của Hội, làm tốt công tác phổ biến tác phẩm là góp phần thúc đẩy sáng tác và cũng là tái đầu tư phần nào cho hội viên. Với sự cố gắng của Ban chấp hành, của tất cả hội viên trong Hội, và nhờ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của thành phố, nhất là phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng... nên Hội đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm, nhiều ấn phẩm về ảnh đã được Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản, nhiều ảnh, nhóm ảnh nghệ thuật được giới thiệu trên Báo Đà Nẵng cuối tuần… Trong nhiệm kỳ qua, Hội NANT đã tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 25 cuộc triển lãm, trong đó có nhiều triển lãm với quy mô lớn và phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của thành phố như: triển lãm “Những khoảnh khắc đẹp pháo hoa quốc tế Đà Nẵng” hằng năm; triển lãm chủ đề “Đà Nẵng tầm cao mới” chào mừng 35 năm ngày giải phóng thành phố; triển lãm “Đà Nẵng đẹp và chưa đẹp” phục vụ chương trình xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, hưởng ứng chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố; trưng bày triển lãm bộ ảnh nghệ thuật về xây dựng nông thôn mới với chủ đề “Hòa Vang ngày mới” tại Trung tâm huyện Hòa Vang nhằm hưởng ứng Chỉ thị 18 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới”. Phối hợp tổ chức cuộc thi “Đà Nẵng- danh thắng và tiềm năng du lịch”, qua đó xây dựng bộ ảnh đẹp về du lịch nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của thành phố Đà Nẵng. Các cuộc thi đều được sự bảo trợ về mặt nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Qua các cuộc thi và trưng bày triển lãm, không những góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố mà còn động viên hội viên tích cực sáng tác, thúc đẩy phong trào, nâng cao tay nghề và tạo điều kiện cho hội viên được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học- nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các NSNA Đà Nẵng thuộc CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn phối hợp với CLB Nhiếp ảnh thành phố Vinh (Nghệ An) tổ chức triển lãm bộ ảnh với chủ đề “Đà Nẵng, Nghệ An làm theo lời Bác” nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người. Ngoài ra, NSNA Ông Văn Sinh, NSNA Phan Ngọc Hợi, nhiếp ảnh gia Trần Phước Chính cũng đã tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân, để lại dấu ấn sâu sắc cho công chúng yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh.

 

Chú trọng nâng cao nghiệp vụ.           

Ngoài ra, Hội NANT Đà Nẵng luôn chú trọng đến công tác nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên. Hội đã tham gia đầy đủ các đợt học tập, nghiên cứu quán triệt các nghị quyết liên quan đến văn hóa, văn học nghệ thuật cũng như tình hình hoạt động văn học - nghệ thuật trong cả nước của Đảng, của thành phố do Ban Tuyên giáo và Liên hiệp Hội tổ chức…; qua đó, đã giúp nâng cao nhận thức và định hướng sáng tác cho các hội viên, đồng thời, tư tưởng hội viên luôn ổn định, chưa có biểu hiện gì trong phát ngôn cũng như thể hiện trong tác phẩm. Nhiệm kỳ qua, Hội đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức được 3 lớp tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn, mỗi lớp từ 5 đến 7 ngày với các chủ đề như: Chia sẻ kinh nghiệm sáng tác để tham gia các cuộc thi quốc gia, quốc tế; Ảnh ý tưởng; Phương pháp đọc ảnh, phương pháp xử lý ảnh hậu kỳ... Qua các lớp tập huấn này, hội viên đã được nâng cao trình độ và tiếp cận được với công nghệ hiện đại. Cùng với việc mở các lớp tập huấn, Hội cũng đã tổ chức trên 20 chuyến đi thực tế sáng tác dài ngày, như: về các thôn, xã của huyện Hoà Vang, các địa danh của mọi miền đất nước; cử nhiều hội viên tham gia các trại sáng tác do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức, như: Trại sáng tác về công tác thẩm định ảnh tại Nha Trang; Trại Xử lý ảnh hậu kỳ cho tác phẩm ảnh nghệ thuật tại Quy Nhơn; tham gia đợt sáng tác theo chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học- nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Liên hiệp Hội tổ chức với chủ đề “Hành trình theo chân Bác”- hành trình Nhật ký trong tù của Bác tại các thành phố như: Quế Lâm, Liễu Châu của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; cử hội viên tham gia nhiều trại sáng tác tại Tam Đảo, Vũng Tàu, Đại Lải- Vĩnh Phúc... Sau nhiều chuyến đi thực tế sáng tác, các hội viên được thu thập nhiều tư liệu, vốn sống để có những tác phẩm tốt tham gia các cuộc thi của thành phố, khu vực, quốc gia, quốc tế và phục vụ công chúng.

Đ.V.N

 

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng