Trả lại “năm sinh” cho tấm bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc - Nguyễn Dị Cổ
1. Nhân đọc Tạp chí Non Nước, số 215, chuyên đề Văn hóa Ngũ Hành Sơn, thấy có 2 lần nhắc đến tấm bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc và đều cho rằng niên đại của tấm bia này là năm 1641 [tr.14, 59], nên thấy rằng, cần phải kiến nghị việc đồng thời trả lại và sử dụng chính xác “năm sinh” thực tại của nó là 1631 chứ không phải là cái năm 1641 mà lâu nay chúng ta nhầm tưởng.
2. Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc là một trong những văn bia có niên đại sớm ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng còn lại đến nay trên thực địa và cũng là một văn bia ma nhai có đồ họa trang trí cổ-dị với một mái chùa biểu trưng của Phật giáo đang hoằng dương ở vùng đất xứ Quảng đương thời.
3. Văn bản Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc có lẽ được nhắc đến sớm nhất chí ít cũng từ năm 1924 trong công trình B.A.V.H với những đoạn như: “L'autre est gravée sur un retrait du Ba-Nghiêm-Động creux for-mant vestibule à la grotte-sanctuaire principale. La première est l'inscription des Ngu-Uan-Son, et porte la date tân-vị; la seconde inscription, celle de Pho-Da-Son la date canh-thìn.” [B.A.V.H; 1924-1; tr.45]; “Ainsi doit-on fixer, avec pro-babilité plus grande, aux années 1691 et 1700 les chiffres cycliques datant les époques des inscriptions du bonze Hue-Dao-Minh” [B.A.V.H; 1924-1; tr.46].
Sau đó E.F.E.O đã in rập văn bia này từ đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, với ký hiệu thác bản là N0 12622 hiện đang lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tiếp tục in ảnh thác bản trong tập 13 của bộ Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm gồm 22 tập xuất bản từ năm 2006 đến năm 2010 kèm theo tập 7 của bộ Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam đã xuất bản 8 tập từ năm 2007 đến năm 2011. Nội dung phiếu thư mục văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc được xử lý ít ra cũng từ thập niên 70 của thế kỷ trước và ghi trong tập 7 này như sau:
“Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc
伍蘊山古跡佛寂滅樂
Kí hiệu:12622
Thác bản bia xã Du Nhật1 huyện Lễ Dương phủ Thăng Hoa xứ Quảng Nam nước Việt 越國廣南處升華府禮瑜日社, sưu tầm tại chùa thuộc huyện Lễ Dương phủ Thăng Hoa tỉnh Quảng Nam.
Thác bản 1 mặt, khổ 62 x 80cm, gồm 14 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 250 chữ, có hoa văn, không có chữ húy.
Niên đại: Tân Mùi.
Người soạn: không ghi.
Chủ đề: - Xây dựng, trùng tu di tích.
Tóm lược nội dung:
Nội dung ghi việc nước ta có tục thờ Phật, người nào làm việc thiện sẽ được đến nơi cực lạc. Bà họ Trần hiệu Từ Lễ đã cúng 10 quan tiền để làm tượng Phật nhân dịp dân xã sửa chữa chùa vào năm Tân Mùi.
Ghi chú: Thác bản mờ khó đọc” [tr.241]
Văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc có nhiều giá trị tư liệu nên được rất nhiều công trình dẫn dụng, ở đây tạm thời không liệt kê loại này mà chỉ kể đến các bài viết, công trình nghiên cứu trực tiếp về văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc: “Về tấm văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc” (2011) của Đồng Dưỡng2, “Đặc điểm ngôn ngữ văn bản văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc” (2013) của Nguyễn Hoàng Thân3, “Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc - Một văn bia Phật giáo cổ nhất ở Quảng Nam - Đà Nẵng” (2014) của Đinh Thị Toan4… Có thể cho rằng, bài viết của Đồng Dưỡng là công trình nghiên cứu đầu tiên về văn bia này(?) tương đối bao quát trên các phương diện niên đại, bố cục, nghệ thuật trang trí và dịch nghĩa văn bản. Nguyễn Hoàng Thân tập trung khai thác ở khía cạnh khác từ 3 phương diện: kết cấu văn bản, cấu trúc ngữ pháp và từ vựng - điển tích. Nội dung chính bài viết của Đinh Thị Toan là “dẫn nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa văn bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc từ thác bản” [tr.51].
4. Từ năm 1924, A.Sallet đã xác định niên đại của văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc là năm Tân Vị (1691). Nhưng sau này, giới nghiên cứu đã xác định mốc thời gian càng sớm hơn. Hiện có 2 trường hợp khác nhau về niên đại của văn bia này.
Trường hợp thứ nhất, cho rằng năm 1641, có rất nhiều hồ sơ di tích, bài viết, công trình ghi theo niên đại này như: Làng nghề đất Quảng, Ngũ Hành Sơn vùng lịch sử, văn hóa tâm linh, Ngũ Hành Sơn di sản văn hóa và danh thắng, “Bàn về quá trình truyền nhập và phát triển các phái thiền Tào Động và Lâm Tế ở Đà Nẵng thế kỷ XVII, XVIII”5, 2 bài viết đã nhắc ở đầu bài viết này… Năm 1641 không thể thuộc về năm Mùi (Tân Mùi) mà thuộc về năm Tỵ (Tân Tỵ). Có lẽ những người theo quan điểm niên đại 1641 là do có sự nhầm lẫn từ “tân-vị” (1631) thành “tân-tỵ” (1641) chăng?
Trường hợp thứ hai, cho rằng năm 1631, chỉ với vài bài viết: “Về tấm văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc”, “Đặc điểm ngôn ngữ văn bản văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc”, “Tấm bia xưa nhất tại Ngũ Hành Sơn”,6 “Ngũ Hành Sơn: Một trung tâm Phật giáo của Quảng Nam thế kỷ XVII”7, “Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc - Một văn bia Phật giáo cổ nhất ở Quảng Nam - Đà Nẵng”,… Theo tư liệu hiện tại, có thể tạm thấy rằng, từ năm 2011, Đồng Dưỡng là người đầu tiên chỉ ra văn bia này có niên đại là năm 1631, sau đó là ý kiến của Nguyễn Hoàng Thân vào năm 2013, của Nguyễn Công Thuần, Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan… vào năm 2014.
Như vậy, văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc được Huệ Đạo Minh dựng từ năm Mùi chứ không phải là năm Tỵ và có niên đại là năm 1631. Đây là kết quả nghiên cứu khách quan và khả tín, kiến nghị mọi người sử dụng đúng niên đại của nó. Và năm nay là năm Mùi là năm “tuổi” của nó, chúng ta càng dễ nhớ hơn khi thay đổi niên đại của văn bia vô cùng giá trị này.
1Nguyên bản ghi nhầm (nên nhầm cả chữ Hán đi kèm), đúng phải là: Du Xuyên. Và ở đây, xin không bàn đến nội dung của phiếu thư mục này mà sẽ trình bày trong một dịp khác.
2 Đồng Dưỡng (2011) Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc: “Về tấm văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc”, http://vanhoaphatgiaoblog.com/gioi-thieu/ve-tam-van-bia-ngu-uan-son-co-tich-phat-diet-tich-lac.html, 10/12/2011.
3 Nguyễn Hoàng Thân (2013), “Đặc điểm ngôn ngữ văn bản văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc”, Kỷ yếu hội thảo Ngữ học toàn quốc - 2013, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam xb., Hà Nội.
4 Đinh Thị Toan (2014), “Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc - Một văn bia Phật giáo cổ nhất ở Quảng Nam - Đà Nẵng”, Tạp chí Khoa học và Phát triển (Sở KH&CN tp. Đà Nẵng, số 181 http://tckhpt.kcmdanang.org.vn/ index.php/tckhpt/article/view/493.
5 Lê Xuân Thông (2013), “Bàn về quá trình truyền nhập và phát triển các phái thiền Tào Động và Lâm Tế ở Đà Nẵng thế kỷ XVII, XVIII”, Tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số 44/2013.
6Nguyễn Công Thuần (2014), “Tấm bia xưa nhất tại Ngũ Hành Sơn”, http://www.kienthuctieudung.info/vn/news/ chuyen-muc/so-tay-nguoi-ngoan-co/942/tam-bia-xua-nhat-tai-ngu-hanh-son.ktnn, 03/04/2014 - 07:31 AM.
7 Lê Xuân Thông (2014), “Ngũ Hành Sơn: Một trung tâm Phật giáo của Quảng Nam thế kỷ XVII”, tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, (5), tr.68-75, dẫn theo Đinh Thị Toan (từ chú thích trên).
N.D.C