Thầy em - Chế Diễm Trâm
Tôi đã chết vì ba chữ “thầy em ơi…” của nàng. Ai đời nàng điện thoại đến nhà, vợ tôi bắt máy mà nàng chẳng thèm đợi phía đầu dây nhà tôi alô trước, nàng cứ nghiễm nhiên như người cầm máy là tôi: “Thầy em ơi, đến đây mà xử cái bọn người ngợm này đi, em bất lực rồi!”. Cái “bọn người ngợm” mà nàng gọi đây chính là đám học trò tiểu yêu lười học, trốn giờ phụ đạo của nàng. Trường tôi quyết tâm nâng cao chất lượng, chiều nào cũng lùa đàn con cuối cấp đến để phụ đạo, dò bài, đứa nào thuộc bài, làm xong bài tập mới cho về. Tụi nhỏ yếu nhưng lười nên nói với nàng, môn của cô tụi con không sợ, có gì vô phòng thi chém gió là năm điểm dễ như con tê tê. Nàng sợ tôi là trưởng bộ môn luôn hăm he nàng rằng, năm nay mà chất lượng không lên thì đừng hòng chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến gì hết. Thế là chiều nào nàng cũng hò hét tụi nhỏ. Chắc hôm nay tụi nó đuối như trái chuối nằm hết ở nhà rồi nên nàng gọi tôi đến làm chứng và làm ông ngáo ộp hù dọa cái bọn “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi” (thơ Cao Chu Thần ngày xưa chứ hổng phải tôi nói sai lập trường).
- Thầy em ơi!!! Anh phải có cái gì với cô ta thì cô ta mới ngang nhiên gọi thế chứ! Vợ tôi vừa khóc vừa gào lên.
Oan này của tôi, tôi đành so mình với Quan Âm Thị Kính. Tôi chảy nước mắt vì mấy cái véo của vợ ở đùi non - mặt trong của đùi - chứ tôi già rồi, sắp về hưu, đùi tôi cũng già rồi. Vợ tôi hết khóc lóc lại hầm hầm, hết giận dữ lại lạnh băng chi chi tôi cũng im re. Tôi đã “chết lâm sàng” vì không có miệng nói. Nàng Thị Kính ôm con Thị Mầu đi xin sữa chắc cũng ngậm tăm như tôi. Vợ yêu ơi, nếu có kiếp sau chắc không gặp được nhau vì đôi ta người thiên đàng (là tôi) kẻ địa ngục (là vợ, vì đã làm cho tôi oan khuất).
Tôi bực quá lên trường trút hết giận dữ lên nàng: “Em nói vậy mà nghe được à? Ai là thầy em gì của em?”. Tưởng đâu nàng ân hận hoặc sợ hãi, ai ngờ nàng cười rất tỉnh vào mặt tôi: “Chứ thầy không gọi là thầy thì gọi là anh ạ?”. Ừ nhỉ, nàng đã gọi tôi là thầy từ bao năm nay, từ khi nàng mới thuyên chuyển từ rừng xanh núi đỏ về cái trường này, chân ướt chân ráo bước vào cái tổ do tôi quản lý. Nàng cách tôi chừng ít tuổi vậy mà gọi tôi bằng thầy làm tôi thấy mình quan trọng. Vậy thì bây giờ nàng gọi “thầy (của) em ơi” thì có gì là sai. Thôi cho qua lần này.
Tôi chết lần nữa khi trường tôi thay đổi hiệu trưởng. Cái tay hiệu trưởng U50 được điều lên trên để làm sếp cao hơn. Một hiệu trưởng còn mấy năm nữa về hưu được “di quan” về trường tôi theo diện luân chuyển cán bộ. Nghe đâu tay này nhậu nhẹt chia chác sao đó bị lộ nhưng không hiểu sao chỉ bị phê bình rồi cho chuyển. Hắn về hôm trước hôm sau đã mời tôi vào phòng uống nước, chắc trước và sau tôi còn các tổ trưởng khác nữa, để thân thiện. Khi tôi bước vào thì nàng đang uống trà ở bộ salông, thấy tôi nàng đứng lên tỉnh bơ: “Hai thầy em ơi, em về đây, chào hai thầy em…”
Tôi tự dưng đâm bực khi mất cái đặc quyền được làm “thầy em” riêng của nàng. Hắn nhìn theo gót nàng, không, theo lưng nàng, rồi quay lại tôi nhất anh rồi nhé, dưới một người (là hắn) trên muôn người (tám cô, kể cả nàng). Tôi không uống trà đắng nghét của hắn nữa, tôi ra về, vừa dắt xe vừa nghẹn. Tôi thấy tôi sẽ bị chết như lão Bá Kiến chỉ vì ghen. Nổi tiếng khôn róc đời như cụ Bá, chỉ vì bà Tư phây phây đi đâu lâu quá nên bực bội đang muốn cho hết mấy thằng trai trẻ đi ở tù, thành ra đâu có nhận ra Chí Phèo hôm nay không đến xin tiền. Cái hành động vứt bẹt năm hào xuống đất không thể chấp nhận được nên lão bị Chí Phèo lia dao chết ngay. Cái chết ngu vì ghen tuông mù quáng này tôi đọc nhà văn Nam Cao rành lắm.
Tôi thấy hình như ghen tị với hắn, tôi thấy tôi có thể chết vì uất. Tuy tôi với nàng chẳng xơ múi gì nhưng dẫu gì bao lâu nay tôi cũng là sếp của nàng, được nàng đong đưa trên mấy sợi mây “thầy em ơi”, giờ cái thằng bị “di quan” cũng được nàng đưa lên mấy tầng mây “thầy em ơi” hỏi ai không tức.
Tôi về đến nhà mà không vui, không tin nổi tôi không hiểu vì sao tôi không giấu nổi nỗi buồn. Vợ tôi đón tôi bằng nét mặt tái xanh. Tôi rất kinh nghiệm khi vợ tái mặt, tôi đi pha cho vợ ly trà đường để chống tụt huyết áp. Mọi khi vợ vẫn đón ly trà trong tay tôi ra chiều cảm động dù mắt vợ vẫn lim dim. Ai ngờ, lần này, vợ dằn ly xuống bàn đánh nước văng tung văng tóe.
- Đi mà pha trà cho cái cô thầy em ơi đi!
Thì ra, khi “người ở cơ quan” dắt xe ra cổng thì chạm mặt “người ở nhà” định đến để đưa cho tôi chùm chìa khóa nhà, nhà ngoại có việc đột xuất. Người ở cơ quan phận nhỏ hơn lên tiếng chào trước. “Chị ạ, chị đến chơi, thầy em đang uống trà trong phòng hiệu trưởng ạ!”. Tức thì, người ở nhà hiểu là tôi và nàng đã ngồi uống trà với nhau.
Tôi giận quá mất khôn, quát lên:
- Thầy gì mà thầy, trà gì mà trà!
Vợ tôi hình như chỉ chờ có vậy, bật lên nức nở:
- Đúng rồi, đâu có uống trà đâu, uống gì nữa ấy chứ. Đâu có “thầy em” đâu, “chồng em” ấy chứ…
Lẽ ra tôi lại im lặng, nhưng tôi bật cười. Vợ tôi biết chơi chữ, không hổ là vợ ông giáo Văn.
C.D.T