Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của từ “cải lương” - Trần Phước Thuận

04.11.2015

 Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của từ “cải lương” - Trần Phước Thuận

Đây là một loại hình nghệ thuật sân khấu được cải cách mới từ hát Bộ (đừng nhầm với hát Bội), nội dung của hát Bộ được kết tinh bằng hình thức ca diễn của Ca ra bộ cộng với cách xây dựng nhân vật và bố trí lớp lang của các loại tuồng cổ và kịch nói phương Tây, đây cũng là những yếu tố cơ bản của Cải lương nhưng đã được nâng thêm một bước nữa để trở thành một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, đó là nghệ thuật sân khấu Cải lương. Đối với vấn đề này Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã viết trong Hồi ký 50 năm mê hát cải lương của ông như sau “Các điệu ca ra bộ, hát bộ và cải lương sau này đều chịu ảnh hưởng các buổi hát những kỳ bãi trường do các trường trung học Taberd, Mỹ Tho, trường tỉnh Sóc Trăng dưới thời ông đốc Tây Francois Gros dạy và tập hát theo kiểu Tây phương, sau người mình áp dụng qua điệu hát mới, trước khi đặt tên đó là hát cải lương”.

Nhưng từ lúc hai chữ cải lương được đề cập cho đến khi một đoàn hát đầu tiên mang tên này ra đời là một thời gian khá lâu.

Ở phần thứ III trong tác phẩm Sám giãn người đời của Sư Vãi Bán Khoai có bốn câu thơ lục bát “Đừng xem hát bộ, cải lương. Để sau coi hát của Vương Minh Hoàng. Cải lương là thói điếm đàng. Hát bộ diễu xóm diễu làng xưa nay”. Ở đây không bàn đến việc phê phán cải lương của tác giả, chỉ muốn nói nghệ thuật cải lương đã được người ta biết đến trong những năm đầu thế kỷ XX. Theo sách Thất sơn mầu nhiệm của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu (Nxb. Từ Tâm tái bản lần thứ nhất năm 1955 tại Sài Gòn) thì vào khoảng năm Tân Sửu (1901) và Nhâm Dần (1902), Sư Vãi Bán Khoai thường giả dạng thường dân đi bán khoai ở xứ Cao Miên và kinh Vĩnh Tế để tùy cơ khuyến thiện người đời, nhưng từ đó về sau người ta không còn thấy ông nữa. Những câu hát của Sư Vãi Bán Khoai theo điệu vè vãn sau đó đã được ghi lại thành tác phẩm Sám giãn người đời (cũng gọi Sám giảng hay đúng hơn là Sấm vãn). Như vậy, từ năm 1901 trở về trước người ta đã đề cập đến hát cải lương.

Báo Nông Cổ Mín Đàm ngày 14 tháng 4 năm 1917 có đăng một bài diễn thuyết mang tên Cải lương hí nghệ của Lương Khắc Ninh kêu gọi cải cách nghệ thuật, trong đó có một đoạn viết “Chớ chi một ít thầy hiệp lại, nhơn công chừng ít giờ tập hát theo tân thời, trước là chơi, hạ là có tiền xài, ba nữa là cải lương cái điệu hát. Chuyện tới đây không khó, đó học trò trường Taberd đến lúc phát phần thưởng nó hát theo Lang Sa. Rất đỗi là hát theo ngoại quốc, trẻ em còn làm được hà huống người An Nam mà hát An Nam không được sao”. Trong bài viết này đã thấy xuất hiện các cụm từ “hát theo tân thời” , “cải lương cái điệu hát” đã gây sự chú ý cho các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người quan tâm tới việc cách tân đờn ca tài tử và ca ra bộ lúc bấy giờ. Tiếp theo đó, ngày 11 tháng 9 năm 1917, một vở kịch mang tên Vì nghĩa quên nhà đã được công diễn, đây là vở kịch mô phỏng hài kịch phương Tây, báo hiệu buổi bình minh của nghệ thuật cải lương đã ló dạng.

Trước những năm 20 của thế kỷ XX thì đa số các đoàn hát đều ghi thêm chữ Ban sau cái tên đoàn hát của mình như: Văn Hí Ban, Tái Đồng Ban, Sĩ Đồng Ban, Kỳ Lân Ban, Tân Phước Ban…, nhưng để chỉ loại hình nghệ thuật mới này, người ta thường gọi là “gánh hát kim thời” hoặc “gánh hát tân thời”.

Mãi tới năm 1920, mới có ông Trương Văn Thông (1888 - 1962) là một nghiệp chủ có bề thế tại làng Tân Quy Đông, tổng An Thạnh Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) đứng ra lập một đoàn hát với bảng hiệu: Đoàn cải lương Tân Thinh - Sa Đéc. Cũng từ thời điểm ra đời của Đoàn Tân Thinh, người ta lại dùng từ “đoàn” thay cho từ “gánh hát” trước kia. Hai soạn giả cột trụ của đoàn cải lương Tân Thinh là Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu đã nghĩ ra hai câu đối để giải thích hai chữ cải lương rất mới mẻ vào lúc đó như sau:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Nội dung của hai câu đối này thật đúng theo ý của ông Nguyễn Khắc Ninh đã nêu ra trên Nông Cổ Mín Đàm ngày trước, kể như đã tiến được một bước khá dài trong cải cách nghệ thuật. Vào những năm đầu, đoàn cải lương Tân Thinh đi lưu diễn ở đâu, trước cửa rạp đều có treo hai câu đối này dưới bảng hiệu. Từ đó về sau các đoàn hát của loại hình nghệ thuật mới nhận thấy dùng tên gọi này rất thích hợp nên đều bắt chước theo, gọi là “đoàn cải lương”. Năm 1920, chính là thời điểm ra đời của Đoàn Cải lương.

Nghệ thuật sân khấu cải lương ngày nay - một kết tinh kỳ diệu, một tổng hợp tinh hoa của toàn thể nghệ nhân nghệ sĩ miền Nam, nhưng trong đó công lao của nghệ nhân nghệ sĩ Bạc Liêu đã chiếm một phần không nhỏ, vì nơi đây từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân nghệ sĩ tiền bối, từng cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ cho đờn ca tài tử, từng gầy dựng thành phong trào sáng tác thật hùng hậu từ những thập niên đầu thế kỷ XX.

 

T.P.T