Đọc Thuyền độc mộc của nhà văn Bùi Công Dụng - Phạm Thị Kim Trâm

04.11.2015

Đọc Thuyền độc mộc của nhà văn Bùi Công Dụng - Phạm Thị Kim Trâm

Tôi đã dành thời gian đọc liên tiếp những cuốn sách của nhà văn Bùi Công Dụng: Quyền lực, Đất chùa, Thuyền độc mộc. Mỗi cuốn sách nói về một lãnh vực khác nhau nhưng có thể nói rằng những tác phẩm này đều cùng chung đề tài chống tham nhũng. Nhiều người cho rằng bộ tiểu thuyết chống tham nhũng của Bùi Công Dụng là gồm 3 cuốn này cũng đúng, vì nó  đều đề cập đến một vấn đề rất nóng bỏng, rất thời sự trong cuộc sống đương đại, đó là ý chí thực thi luật pháp của công dân và ngay cả những cán bộ trong bộ máy công quyền, một điều mà có lẽ rất nhiều người đang quan tâm.

Nếu Quyền lực đề cập đến những quan chức hàng sở với mưu mô bòn rút tiền từ những dự án của một khu kinh tế; Đất chùa nói về những quan chức hàng tỉnh với việc ngụy tạo hồ sơ chiếm đoạt đất đai, ăn chặn tiền bồi thường của người dân thấp cổ bé họng, thì Thuyền độc mộc lại viết về những quan chức hàng trung ương với việc dùng quyền uy trấn áp cơ sở giáo dục để trục lợi. Qua đó toát lên một vấn đề xã hội ở đủ các tầng nấc, đó là tính pháp lý trong hành xử của những người đại diện cho bộ máy công quyền.

Thật thú vị, khi Thuyền độc mộc đề cập đến lĩnh vực giáo dục. Đó là lĩnh vực mà bản thân tôi đang công tác và gắn bó gần hết cả cuộc đời với sự nghiệp trồng người cao cả này. Nhưng dường như  tôi chỉ quen với hệ thống giáo dục phổ thông công lập nên cũng khá xa lạ với loại hình giáo dục tư thục, mà lại là những vấn đề giáo dục ở cấp bậc đại học. Cho nên tôi không khỏi bất ngờ  khi bắt gặp trong tiểu thuyết một loại người chỉ biết đặt mục tiêu “vì lợi nhuận”, luôn có ý đồ “đầu tư” và “buôn bán giáo dục” ngay trong Hội đồng quản trị của một trường đại học tư thục. Từ việc vun vén, trục lợi cho bản thân để rồi họ không từ mưu mô, thủ đoạn nào, luôn tìm cách phá rối kỷ cương, nề nếp của nhà trường. Hơn thế nữa, họ còn muốn len lỏi, chiếm đoạt cả ngôi trường non trẻ này (nhóm Trần Chí, ông Nguyễn Chuyên, Lan Thụy …). Những tư duy và khái niệm mà lần đầu tôi được hiểu đã được phân tích một cách sống động và nghiêm túc như thế.

Mâu thuẫn trong tư duy canh tân giáo dục đó được hình thành ngay từ những trang mở đầu cuốn sách với hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện. Không đặc tả dài dòng lan man, hình như tác giả muốn để dành đất cho những cuộc phản biện pháp lý trước uy lực công quyền. Mâu thuẫn nội bộ của Hội đồng quản trị nhà trường nhiều khi lên đến đỉnh điểm khi ông Chủ tịch Nguyễn Nguyên đã phải phát biểu trước khi tuyên bố giải tán một cuộc họp của Hội đồng quản trị:  “Không có đâu trên đất nước này, người tố cáo lại đòi làm thư ký ghi biên bản cuộc họp giải quyết những điều do chính mình tố cáo. Chỉ có một việc rất nhỏ là chọn thư ký để ghi trung thực lại toàn bộ nội dung cuộc họp thôi mà chúng ta cũng không làm được, thì làm sao chúng ta giải quyết những chuyện lớn… (Trang 138)

Thật thương yêu, kính phục, ngưỡng mộ những con người đức độ, tâm huyết, uyên bác, quyết tâm đổi mới nền giáo dục nước nhà từ những nhân vật chính diện trong tiểu thuyết như ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Nguyên, thầy Hiệu trưởng tiến sĩ khoa học Nguyễn Như Vân, Chánh văn phòng Thanh Tùng... Trong cuộc chiến vào những năm đầu thành lập trường Đại học Tây Hồ có lúc, có vẻ đơn độc giữa bão tố, sóng gió biển khơi, nhưng rồi họ đã kiên quyết, bền bỉ, vững vàng để đưa con thuyền giáo dục vượt qua mọi gian nan, thử thách, như tựa đề giàu hình ảnh con thuyền độc mộc mà tác giả đã chọn.

Điều thú vị đối với tôi khi đọc Thuyền độc mộc chính là việc tác giả đặt tác phẩm trong một bối cảnh rất quen thuộc. Ngay đầu truyện, sông Vu khiến tôi nhớ và liên tưởng đến một con sông ngàn đời chảy qua những miền đất thân thương của quê hương tôi. Lúc đầu, tôi đã ngờ ngợ về thành phố Yên Thành được giới thiệu là một thành phố yên bình và cổ kính. Sau đó, bắt gặp những dòng viết về thành phố này của tác giả: “Yên Thành là một thành phố cổ kính. Dáng dấp xưa vẫn còn phủ đầy rêu phong những ngôi nhà trên từng con đường, ngõ phố…” (Trang 24). Hình ảnh con người của thành phố cũng được phác họa bằng vài nét chấm phá: “Người dân vẫn buôn bán hiền hòa bên cạnh những du khách và với những vị khách nước ngoài dập dìu ngày ngày xuống phố…” (trang 32)  tôi có cảm nhận Yên Thành mang dáng dấp một thành phố quê hương của tôi, nơi tôi đã sống, đã gắn bó với một thời cắp sách đến trường, là nơi thật êm đềm, quá đỗi thân quen và để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc thật khó quên…

Trong truyện, tôi vẫn chú ý và ngưỡng mộ nhất là nhân vật Bí thư thành ủy Nguyễn Lâm, có nét gì đó mang bóng dáng của con người nổi tiếng của quê hương tôi mà báo giới nhiều lần ca ngợi. Dù xa quê mấy mươi năm rồi nhưng tôi vẫn được nghe, biết, càng thêm ngưỡng mộ chân dung và tên tuổi của ông. Chỉ mấy dòng tác giả giới thiệu về nhân vật Bí thư thành ủy, tôi càng hiểu thêm về tính cách của ông: “là người đau đáu cho công tác giáo dục ở địa phương…” (trang 34), “một người sắc sảo, rất hiểu tâm tư của các vị lãnh đạo trường này,..” (trang 62), “Bí thư Nguyễn Lâm hầu như quên hết những áp lực, ông chỉ mê say bàn sự phát triển của giáo dục.” (trang 68). Tính cách của ông càng được khắc họa sắc nét, cao trào ở Chương 21: “Một nhân vật thông minh sắc sảo, lại trực tính. Ông này luôn nhìn thấu ruột gan của kẻ đối thoại, ..”. Thái độ điềm tĩnh, từ tốn, ý kiến và lập luận của ông trong cuộc họp với Viện Canh Tân để thực hiện Kết luận thanh tra của Viện là vô cùng cứng cỏi, thẳng thắn, bảo vệ đến cùng cho ngôi trường Đại học Tây Hồ, bênh vực cho lẽ phải một cách thẳng thắn, minh bạch khiến những kẻ uy quyền, vô cảm, dùng nguyên tắc xơ cứng để quy kết sự việc kia phải tái mặt, rụng rời tay chân...

Dù chỉ là nhân vật đứng phía sau, nhưng rõ ràng ông Bí thư Nguyễn Lâm đã cùng với Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Nguyên và Hiệu trưởng Như Vân đứng trên một trận tuyến pháp lý chống lại các thế lực công quyền.

Trong các tác phẩm của Bùi Công Dụng luôn có những cuộc xung đột, cuộc chiến dai dẳng, quyết liệt giữa một bên là những người tài đức, tâm huyết, năng lực, trình độ, còn một bên là những kẻ bất tài, uy quyền, gian manh, trục lợi… Nhưng rồi cuối cùng, truyện vẫn kết thúc có hậu khiến người đọc thở phào, thích thú, hả hê khi đạo đức và chính nghĩa luôn thuộc về lẽ phải, cái  thiện luôn chiến thắng cái ác.

Truyện của Bùi Công Dụng luôn hấp dẫn người đọc bởi lối viết rất chân thực, thẳng thắn. Phương pháp mở rộng biên độ thật phong phú, sắc sảo và tường tận nhưng vẫn mang tính kết gắn cao. Có lúc tôi giật mình về vốn sống và những suy nghĩ của anh. Lĩnh vực nào anh cũng quan tâm. Không chỉ dừng lại ở mức độ biết mà còn biết rõ nữa!

Cuộc sống cứ tấp nập theo guồng quay, khó tìm được những giây phút thảnh thơi. Tuy vậy, con người cứ phải sống chậm lại để quan sát, thương yêu, giải trí đôi chút…mà cảm nhận cuộc đời vẫn rất tươi đẹp, cái ác sẽ tiêu tan và cái thiện vẫn luôn luôn lung linh xao xuyến....

Có phải tác giả cũng nghĩ vậy chăng?

 

P.T.K.T