Bên sông Hàn - Huỳnh Viết Tư

04.11.2015

Bên sông Hàn - Huỳnh Viết Tư

Cuộc sống đưa đẩy chúng tôi trôi dạt, mỗi người một nẻo đường kiếm sống. Cái nắng, cái nóng gay gắt của những cơn gió Lào rồi hết bão đến lụt, quanh năm ra sức chống chọi với thiên nhiên đã khiến nhiều gia đình kéo nhau lên Tây Nguyên và xa hơn, vào tận miền Nam sinh sống…Tần vào thành phố Hồ Chí Minh để sinh cơ lập nghiệp. Gần ba mươi năm nếm trải bao đắng cay của cuộc đời để có được như ngày hôm nay, trở thành một doanh nhân thành đạt. Còn tôi, học hành xong, sau nhiều năm lưu lạc đến các miền đất lạ, làm đủ mọi nghề để kiếm sống và nuôi vợ con, rồi một ngày nhìn lại mới nhận ra không có nơi nào hơn quê hương mình nên quay về theo nghề công chức và làm trọn đạo con trưởng của dòng tộc. Chừng như có nợ duyên ràng buộc, tôi lạc vào nghiệp báo, nghiệp văn… Bao năm xa cách, bất ngờ chúng tôi gặp lại nhau ở thành phố cảng này. Nhớ lại chuyện cũ như mới ngày hôm qua. Thế mà, nhìn lại mái đầu hai đứa, muối đã nhiều hơn tiêu…

Tần rủ tôi ra ngồi ở một nhà hàng bên bờ sông Hàn lung linh ánh đèn đêm. Tần bảo tôi, khi nào về miền Trung thì anh cũng ghé lại Đà Nẵng để ngồi bên sông Hàn, cứ như là về thăm lại người yêu vậy!

Dòng sông lượn cùng dãy núi Sơn Trà tựa như cánh cung hướng ra biển Đông. Nó là niềm tự hào, biểu trưng cho sức sống và khát vọng tiến về phía trước của người dân đất cảng… Lịch sử Đà Nẵng gắn liền với các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đà Nẵng là nơi đầu tiên từng đón hai kẻ thù thực dân, đế quốc lớn đặt chân xâm lược Việt Nam bởi đây là cánh cửa mở ra biển Đông và còn là con đường giao thương thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á. Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nổ súng vào thành Điện Hải và An Hải tại cửa Hàn, sau đó cho quân đổ bộ. Hơn một trăm năm sau, đế quốc Mỹ lại đổ bộ vào đây trên chiến hạm USS Constitution theo kế hoạch Staley - Taylor, thực thi chiến lược Chiến tranh đặc biệt… Chiến tranh kết thúc, vượt lên mọi trở lực để phát triển Đà Nẵng trở thành cửa ngõ hòa bình với thành phố hiền hòa và là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Tôi kể cho Tần nghe về một truyền thuyết được nhiều người nhắc đến:

- Từ quả trứng rồng, vỏ quả trứng tách ra thành năm ngọn Ngũ Hành Sơn, sừng sững mà linh thiêng; con rồng chui ra từ quả trứng rồi tìm đường ra biển và dấu vết để lại trên đường đi đã tạo nên dòng sông Hàn thơ mộng. Một câu chuyện huyền thoại nhưng thấm đẫm tình cảm gắn bó của người dân Đà Nẵng với dòng sông… Mình sống ở thành phố này, ngày ngày ngắm mãi dòng sông Hàn mà chẳng bao giờ thấy chán!

Dưới ánh đèn muôn sắc, sông Hàn càng đẹp về đêm, nhất là những đêm trăng tròn. Ánh đèn đủ sắc màu lan tỏa từ những tòa nhà cao tầng ở hai bên bờ sông chiếu xuống mặt nước cộng với ánh trăng làm cho mặt sông như bừng tỉnh, ánh lên nét huyền ảo. Bên kia bờ Đông sông Hàn, ngọn Sơn Trà án ngữ nơi cửa biển với những ngọn đèn chiếu sáng trên đỉnh núi như mắt trời đang ngắm nhìn dòng sông và canh gác biển bờ Tổ quốc. Thỉnh thoảng gió từ biển đưa về như bàn tay thiếu nữ níu giữ khách lãng du nán lại cùng hòa điệu với cảnh giới hữu tình“Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi…” và để hiểu thêm lòng người Đà Nẵng “Có qua bao lận đận, mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu/ Có hiểu được lòng nhau, mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình...” (*). Phải chăng cùng với sóng và gió, vị mặn mòi của biển khơi đã làm nên khí chất kiên cường, tấm lòng bao dung và sự đồng tâm, son sắt vì cái chung cho vùng đất đầu biển cuối sông này?

Từ tòa nhà Indochina Riverside chúng tôi nhìn ra hướng biển. Bờ biển Đà Nẵng như đường cong diệu vợi và sông Hàn tựa vết cắt cách điệu diệu kỳ mà tạo hóa ban cho thành phố. Trong ánh đêm sâu thắm của sông Hàn, tôi và Tần thức đến tận khuya bởi vẻ đẹp đến nao lòng của sông nước và thầm ước sao dòng sông mãi yên bình xuôi về biển cả…

Tôi đọc cho Tần nghe bài thơ “Thành phố níu chân người” vừa sáng tác: “Em có nghe chiều Sơn Trà biển hát/ gió Bà Nà mơn man lời hò hẹn/ Hải Vân sừng sững dáng hình Tổ quốc/ gọi Hoàng Sa thương nhớ đất quê nhà…/ bú ngụm sữa từ vú hồng hoang của Mẹ/ ta nặng lòng duyên nợ Quê hương!...”.

Tần gật đầu vỗ vai tôi, vẻ đồng cảm. Nhìn đồng hồ đã mười hai giờ khuya, ngày mới đang bắt đầu. Những con tàu neo đậu hai bên bờ sông lặng thinh chờ cầu Sông Hàn tách nhịp để xuôi dòng. Tôi và Tần cũng mang cùng nỗi mong chờ ấy. Đúng một giờ sáng nhịp cầu khẽ khàng quay, chúng tôi dõi theo các con tàu lừng lựng rẽ nước. Lòng sông Hàn trở nên thênh thang hơn trước đôi bờ chênh chao gợn sóng. Dẫu đã từng nghe nhưng trong tôi vẫn không nén được cảm giác ngỡ ngàng khi nhìn thấy nhịp cầu quay…

Tần nói thích nhất là về Đà Nẵng vào dịp diễn ra Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế trên sông Hàn. Anh kể có một lần đi công tác, nhân thể về quê chơi đã được xem Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế năm 2010, là một trong bảy lễ hội quốc gia hướng đến đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Anh được xem màn trình diễn của Đội Đà Nẵng-Việt Nam với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn”. Trên nền nhạc đậm chất Á Đông dựa theo truyền thuyết Rồng - Tiên và lịch sử đấu tranh của thành phố trẻ bên dòng sông Hàn cùng ánh sáng lung linh từ những hiệu ứng pháo mới lạ đã tạo nhiều cung bậc cảm xúc hào sảng nhằm ngợi ca đất nước, ngợi ca dòng sông Hàn biểu trưng cho sự đồng thuận của Đà Nẵng… Dưới ánh sao trời, sông Hàn bừng sáng trong sắc pháo hoa và ngân vang trên nền nhạc du dương của màn trình diễn. Mãi đến giờ, ấn tượng ấy vẫn chưa phai mờ trong anh. Qua cuộc thi và những gì cảm nhận được trong những ngày viếng thăm thành phố, anh đã hiểu được chính sự đồng thuận này là gốc rễ để tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống như hôm nay mọi người vẫn thường nói về Đà Nẵng. 

Đêm ấy, tôi và Tần ngồi bên chai rượu tâm giao. Đường phố thưa hẳn bóng người qua lại, chỉ còn những vì sao trên trời và những ngọn đèn trên các ngả phố  cùng dòng sông thao thức lắng nghe hai chúng tôi kể về vũ điệu những cây cầu giữa lòng thành phố…

 

(*) Lời trong ca khúc “Đà Nẵng tình người” của nhạc sĩ Đình Thậm, lời thơ Ngân Vịnh.

H.V.T