Sắc mai... - Nguyễn Đông Nhật

04.11.2015

Sắc mai... - Nguyễn Đông Nhật

Về lại cái thị xã êm và buồn ngày xưa, thường ngồi ở một quán cà - phê - ngã - tư ngoại vi. Trong sự yên tĩnh lúc đầu ngày, tưởng chừng nghe được hơi thở của lá xanh sau đêm đang gửi các tín hiệu vô hình đến những áng mây chuyển - dịch - bất - động trên cao xanh kia. Và, những câu thơ viết giữa mùa xuân năm nay của anh bạn Nguyễn Toàn chợt hiện ra. Như một câu hỏi lấp lánh: Hồng mai hoa hồng mai hoa… Thử địa vị tằng hữu / Nhữ tòng hà xứ lai? (Hoa mai hồng ơi, hoa mai hồng ơi… Chốn này chưa từng có / Ngươi từ đâu đến đây?).

Chốn “cố quận” của loài hoa mai hồng vốn từ ngàn dặm xa, sao lại lạc loài cười nở giữa trời Nam? Mà, Quê Nhà là sự phân biệt gì, để khiến xui nên bao nỗi niềm chi, mà cứ suốt đời không thôi day dứt? Thương một loài hoa lạc, là tấm lòng của đôi mắt biết sẻ chia. Để rồi sẽ đến với câu hỏi khác: Dã lân nhữ tao ngộ / Đơn đơn nhất chích thân / Phong trần thiên lý ngoại / Nam phương giai tha hương / Cố giao nan tầm mích / Du du thiên địa gian / Thùy nhân vô thị khách? (Cũng thương ngươi cảnh ngộ / Lẻ loi riêng một thân / Ngàn dặm phơi gió bụi / Trời Nam cùng tha hương / Trang lứa tìm đâu thấy / Giữa đất trời mênh mông / Ai không là khách lữ!). Khi đã tự biết tra vấn chính - mình - trong - mối - tương - liên với kẻ khác, thì từ câu hỏi ấy, ở cuối con đường kiếm tìm, sẽ hé lộ ánh sáng của sự thức tỉnh: Phải chăng, ta đang ngày một xa dần cố quận?

 

Những cột mốc năm tháng vừa hiện ra như những dấu ghi cần thiết trong cuộc nhân sinh, trên con đường đi tìm ý nghĩa của đời sống; lại cũng vừa tạo nên những ảo tưởng thời gian, kiến lập thành thói quen chẻ chia, phân biệt. Thời gian, cùng với không gian là sự giam cầm mà trong đó, tâm thức con người luôn luôn đong đưa trên cái quả lắc hồi nhớ - vọng tưởng không ngừng nghỉ. Thời gian - không gian, như thế, phải chăng là ký ức? Và, ký ức là sự tích chứa không thể hủy diệt mà chỉ có một lần may mắn duy nhất trong 35 ngày của gần 150 lần ngồi - và - thở, bản thân tạm rời bỏ được nó. Lần ấy, có cảm giác như đã mơ hồ chạm được vào bên ngoài Sự Yên Tĩnh. Không diễn tả được, nhưng đấy là một niềm vui, khác với những niềm vui đã từng biết trước đó. Chợt nhớ câu thơ của học giả Phan Khôi, người mở đầu Thơ mới: “Dừng tim, bặt óc, lặng dòng tình”. Lạ thay, vì sao một nhà tân học lại viết được câu thơ rất “thực chứng” trong việc tu tập? Điều “lạ thay” ấy, lắm khi, lại chẳng hề đáng ngạc nhiên chút nào, nếu không bị cái óc phân - biệt - hình - thức chi phối.

Nhưng buồn thay, rồi lại phải trở về với chốn bụi bay, loay hoay trong đó cùng những sức nặng trói - buộc - quyến - rũ chưa thể dứt bỏ. Nhưng, như vô vàn giấc mơ đã không hề mất đi, cũng giống như chúng chưa hề tồn tại, rồi đến một lúc nào đó, những phút giây ngắn ngủi của cái Niềm Vui đã gặp ấy sẽ tái hiện, như vệt muối thầm lặng của Điều Tự Hiểu. Để trở thành một bệ - phóng - dự - cảm khác, trên Con Đường ngui ngút kia.

 

Mùa hạ - Mùa thu. Hay những mùa khác? Những gọi - tên khác? Chỉ là quy ước, điều kiện. Mà, có mấy ai ở bên ngoài những thúc phược ấy? Nhưng, vẫn có thể có được sự vượt thoát ngay trong chính những ràng buộc kia. Con Đường, như thế, chính là Sự Trung Thực. Không với ai khác. Chỉ với chính tấm gương bên trong mà mỗi một người cần không ngừng soi bóng mình. Như lời bậc Đạo Sư Vĩ Đại  đã hiển lộ: Tàng thức mang mang / Thùy năng câu thúc (Tàng thức mênh mông / ai là người có thể kiểm soát được). Không ai, nếu không là chính mình. Và, chính mình là chi, cái sinh linh nhỏ bé yếu đuối kia? Ngươi đã đi đến đâu, đang ở điểm nào, giữa mịt mùng gió bụi trong cuộc đi dài kia? Hãy nhớ lời của Người Chỉ Đường, uy nghiêm mà từ hòa: Giới luật.

Có tiếng chuông rộng ngân hiền trong khoảnh khắc đầu ngày, thấm vào những con phố còn mơ ngủ thấm vào những lối đi vắng êm của chốn ngoại vi.

 

Ngồi buổi chiều với giàn hoa giấy, bể dâu còn lại những con đường nhớ - quên, những ảnh bóng vụn rời đứt nối. Một người thân sắp - đang phút cuối của cuộc tử sinh. Tin thời sự về sóng gió trên biển Đông. Dòng sông Thu Bồn đang hoen ố do lòng tham của những kẻ khai thác vàng sa khoáng. Mẩu tin nhắn lấp lánh trong đêm của người bạn nơi xa. Một phụ nữ lặng lẽ làm ra những hũ tương chao khiêm tốn gửi biếu nhà chùa… Tất cả đã làm cho ngày - sống bớt đi các góc cạnh sắc buồn, bởi vì dường như cuộc đời mỗi lúc mỗi dịu dàng đau hơn.

Một buổi chiều vừa tắt. Để sẽ trở về những ngày tháng khác. Như sự lặp lại, mà như khác.

Và, không hiểu vì sao, cái màu hoa mai đỏ lạc loài ấy bỗng như thoáng nét hương sen không bờ, làm tan đi bao nhiêu se se nghi ngại.

 

(*) Hồng mai là loại mai của Trung Quốc (nhập vào Việt Nam) có hoa màu đỏ giống như mai phương Nam, thân nhỏ, trồng trong chậu, hoa cũng năm cánh nở vào mùa xuân.

 

N.Đ.N