Một hai điều còn băn khoăn về nhà văn Phan Khôi và truyện ngắn Ông Năm chuột - Phan Nam Sinh
Gần đây tôi có thư hỏi nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, tác giả bộ sách Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo một ít vấn đề về Phan Khôi và tác phẩm của ông. Cám ơn ông Ân đã không ngại tốn thời gian, trả lời tôi rất tỉ mỉ, chi tiết. Tôi nhờ thế mà biết thêm hoặc hiểu rõ hơn những điều chưa biết hay chưa thật tường tận về Phan Khôi.
Tuy vậy, một hai điều trong thư ông Ân vẫn còn làm tôi băn khoăn. Nhận thấy đây là vấn đề thuần túy học thuật, vả lại cũng chẳng có gì to tát, tưởng có đem ra công khai cũng không hại gì, nên dù chưa hỏi ý kiến ông Ân, tôi vẫn viết ra đây, hy vọng nhận được ý kiến của các nhà nghiên cứu để vấn đề được sáng tỏ hơn.
1- Về truyện ngắn, tiểu thuyết hay là văn hư cấu của Phan Khôi nói chung, ông Ân cho biết, nguyên văn: Phan Khôi có lúc đã thử bút theo lối viết truyện, viết văn hư cấu; nhưng hướng đó tuy Phan Khôi có thể làm được, song khó hy vọng thành công lớn; cho nên đặt bên cạnh văn nghị luận của ông thì văn viết truyện hư cấu ít hứa hẹn hơn nhiều. Có lẽ vì vậy ông đã thôi không theo đuổi nữa.
Cũng như ông Ân và nhiều người khác, tôi có nhận ra sự khác biệt giữa văn nghị luận và văn hư cấu của Phan Khôi, cả về số lượng lẫn chất lượng nhưng các dấu hiệu chứng tỏ chính ông cũng nhận ra điều đó nên đã tự ý dừng lại, hay nói như ông Ân là đã thôi không theo đuổi nữa thì tôi chưa biết và cũng không thấy ông Ân giải thích trong thư.
Đọc Phan Khôi, tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy ông vì nhận ra văn hư cấu của mình ít hứa hẹn bằng văn nghị luận nên đã thôi không theo đuổi nữa cả! Bởi dừng lại, hay đã thôi không theo đuổi nữa thì sao tới tháng 1 năm 1958, trên tuần báo Văn của Hội Nhà văn Việt Nam Phan Khôi lại có truyện ngắn Ông Năm Chuột và như ông cho biết, một số bài trong tập Nắng chiều, viết lại từ những trang ghi chép của ông hồi còn trên Việt Bắc, gửi nhà xuất bản Hội Nhà văn một tháng trước đó lại rất gần với truyện ngắn, cũng có nghĩa là rất gần với văn hư cấu như nhận xét của những ai may mắn được đọc tập bản thảo này, trong đó có tôi hồi mười sáu, mười bảy tuổi?
Vì vậy, tôi cho rằng một thời gian dài 19 năm, tính từ tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra (1939) hay 18 năm, tính từ truyện Bà Hỏa đăng trên Dân Báo (1940) như thư ông Ân cho biết đến truyện ngắn Ông năm Chuột (1958) Phan Khôi không viết văn hư cấu là do chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh đất nước cũng như đời sống riêng của Phan Khôi và một phần là từ hoạch định của chính ông.
Như mọi người đều biết, hai năm sau khi xuất bản Trở vỏ lửa ra, tức năm 1941, tình hình đất nước và đời sống riêng của Phan Khôi có nhiều biến động. Nhật vào Đông Dương, máy bay Đồng minh ném bom Sài Gòn - Gia Định, Phan Khôi phải vội vàng đưa vợ con về quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và gần như thôi hẳn việc viết lách; chỉ thi thoảng mới có một hai bài gửi các báo ở Sài Gòn hay Hà Nội. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi Toàn quốc kháng chiến, Phan Khôi theo Đoàn Văn hóa Cứu quốc lên Việt Bắc. Công việc chính của ông lúc này là nghiên cứu ngữ ngôn văn tự, hầu hết thời gian ông đều dành cho công việc, kết quả là cuốn Việt ngữ nghiên cứu ra đời tại Hà Nội năm 1955. Việt Bắc lúc đó lại là vùng đất hoàn toàn xa lạ với Phan Khôi; ông chưa quen thung thổ cũng như phong tục tập quán và con người ở đây thì làm sao viết được truyện ngắn hay tiểu thuyết? Hơn nữa, đây lại là thời gian văn nghệ sĩ còn đang tìm đường, chỉnh lại tâm hồn như kiểu Thế Lữ đã có lần nói với Phan Khôi nên hầu hết chỉ làm việc hành chính, không ai có tác phẩm nào đáng chú ý, kể cả các nhà thơ, nhà văn sáng giá của giai đoạn trước. Phan Khôi cũng nằm trong hoàn cảnh ấy thì sao có thể viết được truyện ngắn hay tiểu thuyết, một loại văn đòi hỏi phải rất am hiểu đời sống và con người?
Vả lại, không giống với các nhà duy tân khác đầu thế kỷ XX, Phan Khôi rất coi trọng phản biện xã hội, xem đó là thứ vũ khí song hành và rất sắc bén để thực hiện mục đích khai trí của phong trào Duy Tân, một tổ chức mà trong một thời gian dài có tới hơn sáu năm, ông tích cực tham gia. Vì thế độc giả không chỉ thấy ông hào hứng giới thiệu mặt tích cực mà còn thấy ông kịch liệt phê phán mặt tiêu cực của các nền văn minh, của đời sống xã hội; mặc dù trước đó ông từng thử bút ở loại văn hư cấu và đã khá thành công với các truyện ngắn viết bằng Hán văn như Hoạn hải ba đào (Sóng gió bể hoạn) hay Mộng trung mộng (Mộng trong giấc mộng) đều đăng trên Nam phong năm 1918, chỉ trong vòng tám tháng ông cộng tác với tạp chí này. Chính phẩm chất đó đã buộc ông chọn lối văn nghị luận để thực hiện nhiệm vụ mà mình đặt ra. Chỉ đến khi Phê bình lãnh đạo văn nghệ (1956) được đăng trên Giai phẩm mùa thu bị kịch liệt phê phán, đồng nghĩa với việc ông không còn đất để phản biện được nữa, Phan Khôi mới trở về cùng lối văn hư cấu và đã rất thành công với truyện ngắn Ông Năm Chuột. Khối lượng văn nghị luận của Phan Khôi vì thế mà nhiều hơn hẳn văn hư cấu và điều này đã gây ra sự ngộ nhận ở không ít người.
Tôi cũng biết văn hư cấu của Phan Khôi chưa thể sánh với truyện ngắn hay tiểu thuyết của các tác giả nổi tiếng cùng thời; nhưng dẫu có thế, tôi vẫn chưa tin là Phan Khôi sau khi cân nhắc giá trị văn nghị luận và văn hư cấu của mình đã thôi không theo đuổi nữa như lời nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Bởi, một người gần như bắt đầu và kết thúc sự nghiệp bằng văn hư cấu và đã khá thành công ở thể văn này, đặc biệt là truyện ngắn, khi bằng chữ Hán, khi bằng chữ Việt, sao lại có thể dễ dàng cắt đứt duyên nợ với nó làm vậy?
2- Về truyện ngắn Ông Năm Chuột, ông Ân viết, nguyên văn: Nhưng đọc kỹ, có thể thấy Ông Năm Chuột là gần với kiểu truyện ký hơn là truyện hư cấu đơn thuần.
Phải nói ngay rằng, một thời gian dài tôi cũng có suy nghĩ không khác gì ông Ân. Ngay cả lúc viết tiếp thư trao đổi với ông, tôi vẫn còn nghĩ như thế. Nhưng tìm hiểu kỹ hơn, tôi thấy vấn đề đã khác đi, hình như phải ngược lại điều ông Ân nhận xét mới đúng!
Phân tích điều nhầm lẫn này, tôi thấy từ bao lâu nay, suy nghĩ của mình về thể loại Ông Năm Chuột đã bị chi phối bởi cách tác giả tự xưng ngôi thứ nhất, tính chân thật của chi tiết và bối cảnh câu chuyện làm mất đi tính chính xác. Hơn một trăm năm mươi lần tác giả xưng tôi rồi mình, tự mình đã choán hết đầu óc; thêm năm, bảy chi tiết chân thật đến mức kỳ lạ và bối cảnh nhiều liên quan tới gia tộc tác giả nữa, thế là dẫn tới nhầm lẫn khó tránh khỏi.
Việc tác giả xưng tôi hay mình, tự mình đã ảnh hưởng thế nào tới việc xét đoán thể loại tác phẩm vì đã quá rõ ràng nên không nhắc lại nữa. Chỉ xin kể câu chuyện có liên quan tới tính hiệu quả của các chi tiết trong truyện ngắn Ông Năm Chuột. Một người bạn tôi hồi học Phổ thông, cháu ngoại Bác sĩ Lê Đình Thám, người cùng xã Điện Quang với Phan Khôi, kém Phan Khôi mười tuổi, kể lại: hồi đọc Ông Năm Chuột tại Hà Nội, cụ Thám đã tỏ ra rất thích thú. Một trong nhiều lý do là cụ thấy nó giống hệt với những gì mình từng biết về Năm Chuột ngoài đời.
Thêm nữa, bối cảnh câu chuyện lại liên quan tới nhiều nhân vật trong gia tộc Phan Khôi, cả cái tốt lẫn cái xấu của họ. Cái ông làm tới Tổng đốc Hà Nội vừa chi, mà không có tiền lợp nổi cái nhà của ông bà để lại đã tróc ngói như lời Năm Chuột chính là cụ Hoàng Diệu, ông ngoại Phan Khôi. Người có cha chết vì đánh Tây mà trở đi làm quan với Tây, đàn áp Nghĩa hội; mới là Tri phủ có ba năm, về “chung dưỡng”, mua được những mười mấy mẫu đất, tôi biết là hạng đất tốt nhất mà Năm Chuột nhắc đó, không ai khác ngoài cụ Hoàng Đệ là cậu ruột Phan Khôi. Còn cái người chỉ trích Năm Chuột là cái thằng láo quá nhưng chịu, không biết Kim thạch chí biệt là sách Năm Chuột tôn thờ để từ đó giỏi nghề thợ bạc lại chính là cụ Phan Trân, thân phụ tác giả.
Chính cách xưng tôi, chi tiết hệt như nguyên mẫu và bối cảnh câu chuyện liên quan nhiều tới gia tộc Phan Khôi nên nếu có ai đó đã nhận cho Ông Năm Chuột là truyện ký thì cũng không phải là họ không có lý.
Điều bất ngờ và cũng rất thú vị khiến Ông Năm Chuột không phải là ký cũng lại nằm ở chính các chi tiết đó. Hầu hết các chi tiết trong Ông Năm Chuột như đã nói, đều rất thật nhưng cũng lại rất đặc biệt, đạt tới giá trị của những chi tiết trong văn hư cấu và điều đó đã góp phần tạo nên tính cách nhân vật, một Năm Chuột không giống bất kỳ ai, trong đời và trong văn chương, độc đáo thuộc loại bậc nhất trong văn học hiện đại Việt Nam.
Nơi mắt các vị khoa bảng, chức sắc trong làng, Năm Chuột là kẻ bất hảo, vậy mà nghề nghiệp tinh thông, nghị luận sắc sảo, am tường nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và sách vở nhưng khi ranh ma, láu cá thì cũng chẳng ai bằng! Xin cử ra một ít chi tiết để bạn đọc nào chưa đọc Ông Năm Chuột khỏi phải cho là tôi nói quá.
Một tay thợ bạc nhà quê, nhờ đọc mỗi một cuốn sách và chỉ một lần xem thoáng qua đôi vòng thật mà làm được đôi vòng giả, cốt bạc giống hệt đôi vòng chạm vàng mười chính hiệu; từ cân nặng, tuổi vàng cho đến nét chạm và cái ký hiệu bằng chữ nơi cổ vòng, đem mà đánh tráo, có thánh cũng không biết thì quả là tài thật! Tài hơn là anh ta không chỉ làm mà còn hiểu rất rõ công việc mình làm; từ vì sao không làm bằng cốt đồng để được lợi hơn mà phải làm bằng cốt bạc nhưng đồng cân lại cũng như đôi vòng thật và cái vóc của nó cũng chỉ như thế, không to hơn, nghe thông thạo như nhà chuyên môn, từng được học về tính chất các thứ loài kim và phép hợp kim vậy! Thế nên, mới có chuyện nhiều thợ bạc danh tiếng ở Huế cũng phải chịu thua như lời tác giả cũng không có gì là quá đáng!
Còn cái tài biện luận của Năm Chuột thì khỏi phải nói, nó không chỉ sắc sảo mà còn đặc biệt nhanh nhạy nữa. Hãy xem một, hai đoạn đối đáp giữa tác giả và Năm Chuột, tuy có hơi dài nhưng nếu không thế thì không biết lấy gì để chứng minh cái tài của anh ta như tôi vừa nói:
- Ai có đời, cha chết vì đánh Tây mà con trở đi làm việc với Tây!
Nghe câu này, tôi cảm động quá. Tôi không dám chống lại ý anh ta, chỉ nói như vớt vát một ít:
- Thấy bà ngoại tôi kể chuyện, lúc ông ngoại tôi mất rồi thì cảnh nhà sa sút quá đỗi, nếu cậu tôi không làm như thế thì đến lụn bại mất.
Anh ta bĩu môi, cái môi đã trề rồi, còn bĩu nữa, rất khó coi:
- Ra chỉ có làm quan mới cứu vãn được nghiệp nhà. Thế thì bao nhiêu người không làm quan, họ đều đi ăn mày hết.
Thêm một đoạn nữa, cũng trích từ cuộc trò chuyện giữa tác giả và Năm Chuột:
- Quan lớn nhà ta (chỉ thầy tôi) sao lại không làm quan nữa? Ông có nhớ lúc ngài bỏ quan mà về là bao nhiêu tuổi không?
Tôi lấy làm lạ sao hắn lại hỏi mình điều ấy. Song cũng cứ theo mình biết mà trả lời:
- Thầy tôi tuổi Nhâm Tuất, cái năm cáo bệnh mà về là năm Kỷ Hợi, mới có ba mươi tám tuổi. Sở dĩ không làm quan nữa, có lẽ là tại không chịu làm với Tây. Nhưng Năm Chuột hỏi vặn tôi một câu rất oái oăm:
- Ở làng này còn có hai ông nữa đều làm đến tri huyện, đều bỏ quan mà về trước tuổi hưu trí, vậy thì ông cũng cho rằng hai ông ấy cũng không chịu làm quan với Tây hay sao?
“Thằng cha khó chịu thật!” tôi nghĩ bụng. Không biết đối đáp thế nào với hắn, tôi phải nói một câu mà tự mình cũng thấy là non nớt quá:
- Việc hai ông ấy thì tôi không biết.
Anh ta vẫn cười cái lối xỏ lá rất khả ố. Ngớt cơn cười mới bình tĩnh nói:
- Tôi cũng có nghe và biết về chánh tích và nhân phẩm của quan lớn nhà ta, nhưng tôi lại có một sở kiến khác, nói ra, ông đừng tưởng tôi cố ý làm đôi vòng thật thành ra đôi vòng giả thì tôi mới nói.
- Thì ông cứ nói đi.
- Làng Bảo An, người ta nói, không có đất phát quan lớn. Mà kinh nghiệm xưa nay rành rành như thế. Từ trước bao nhiêu ông làm tới tứ phẩm trở lên đều bị cách tuột hết. Cho nên Đồng Khánh, Thành Thái đến giờ ông nào cũng làm đến phủ huyện rồi kiếm cách từ chức mà về. Nếu nói không chịu làm quan với Tây thì không làm từ đầu, chứ không có lẽ lúc mới ra làm, không biết rằng mình sẽ làm với Tây. Hai ông huyện kia cầy cục mãi đến ngoài bốn năm mươi tuổi mới về, còn quan lớn nhà ta về sớm là vì mới ba mươi tám tuổi đã làm Tri phủ.
Những điều Năm Chuột nói đó tuy đụng chạm tới gia tộc Phan Khôi nhưng tất cả đều rất thật, rất có lý, tác giả dẫu có muốn cãi cũng không cãi được. Bởi tất cả đều được xây dựng trên nền tảng của luận lý học và cái triết lý yêu nước, ghét Tây của chính Năm Chuột.
Lại một câu nữa của Năm Chuột không thể bỏ qua. Ấy là câu Năm Chuột trả lời Phan Khôi khi ông có ý trách sao anh ta chỉ nghe và hỏi chứ không tỏ ý kiến, mỗi khi ông đem chuyện văn học nói với y:
- Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói. Tôi không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề thợ bạc cho tôi.
Tiếc vì trí tưởng tượng của tôi không được dồi dào như các nhà phê bình giữa thế kỷ trước nên không nhận ra đâu là ý đồ Phan Khôi muốn mượn lời Năm Chuột đòi trả văn nghệ cho văn nghệ, văn nghệ phải tách rời chính trị hay muốn xướng ra một nguyên tắc mới trong quan hệ Văn nghệ - Chính trị theo kiểu Phan Khôi - Năm Chuột. Tôi chỉ lờ mờ nhận ra, Năm Chuột vậy mà có cái nhân cách của một trí thức chân chính, cỡ lớn. Thử hỏi, lặng yên nghe người ta nói khi mình không biết hoặc biết ít và thao thao bất tuyệt, nhưng toàn nói bậy, nói bá láp, cái nào hơn? Vậy nên tôi tán thành ý kiến của nhà nghiên cứu Vu Gia: Cách xử sự của anh thợ bạc Năm Chuột là đúng mực và có văn hóa, không có gì phải suy diễn và quy chụp ở câu nói này cả.
Qua chuyện này, tôi tưởng Năm Chuột có đọc Luận ngữ của Khổng Tử nên nắm rất vững phương châm xử thế đời nào cũng đúng của Ngài: Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, chính là biết vậy! (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã!). Một người từng đọc Kim thạch chí biệt, đạt tới cái trình độ biết thưởng thức bài Mại trúc diêu trong bộ mười cuốn Thương sơn thi tập của ông hoàng họ Nguyễn, nếu đọc thêm Khổng Tử nữa thì cũng có gì lạ đâu! Vậy nên, câu Năm Chuột nói đó nếu có cái hàm ý đòi trả văn nghệ cho văn nghệ, văn nghệ phải tách rời chính trị thì chẳng chờ tới Phan Khôi, hơn hai ngàn năm trước Khổng Tử cũng đã nói rồi!
Không thể chối cãi Năm Chuột là tay ăn cắp rất láu cá nhưng kiểu ăn cắp của anh ta dù sao cũng còn có đôi chút… quân tử.
Đúng mười ngày tôi lại đến. Hai bên thỏa thuận với nhau về điều kiện làm việc rồi, cô ta mở tủ lấy đôi vòng và vàng diệp ra đặt trên sạp, rồi gọi tôi đến đứng bên cạnh xem cô cân. Cân đôi vòng nặng một lạng hai - tôi chắc dạ lắm, vì đôi vòng giả của tôi cũng đúng một lạng hai - cho nhích một chút, định giao cả cho tôi. Tôi chưa nhận, xin cho xem đôi vòng đã. Cô ta đứng dậy cầm bó vàng diệp cả chỗ một lạng hai cất vào tủ. Trong lúc đó, tôi lấy đôi vòng giả ra đặt trên bàn tay trái, đậy vuông lụa trắng lên trên. Khi cô ta quay ra đưa đôi vòng cho tôi, tôi chìa bàn tay có vuông lụa ra nhận lấy cũng như lần trước. Tôi đi ra chỗ sáng ngồi xuống làm bộ xem lại đôi vòng, cô ta cũng đi theo. Xem xong tôi đứng lên. Cô ta sấp lưng đi về chỗ sạp. Tôi đi sau, lật cả vòng và vuông lụa từ bàn tay trái qua bàn tay phải, thành ra đôi vòng giả nằm trên, cứ thế mà trả lại cô ta, và tôi gấp nhanh vuông lụa có đôi vòng thật ở trong mà bỏ vào túi.
Ăn cắp táo tợn và láu cá tới thế là cùng! Nhưng cũng tùy từng chỗ, từng người mà Năm Chuột ra tay. Nạn nhân của Năm Chuột bao giờ cũng là bọn ăn cướp như tổng đốc, bố chánh, án sát, quan phủ, quan huyện; còn như cái làng Bảo An của tác giả, chắc là không giàu bằng các làng khác và cũng ít quan lớn thì gã tuyên bố thẳng là…không thèm.
Nào đã ai bắt được Năm Chuột ăn cắp đâu, vậy mà những nhà giàu vùng quê tác giả, tuy vẫn biết Năm Chuột là thợ khéo nhưng không ai dám thuê hắn làm cái nghề của hắn cả, chỉ vì sợ hắn ăn cắp. Vì đó mà quanh năm, Năm Chuột phải vác lò bễ đi các nơi, nhất là các nơi đô hội như Huế, Đà Nẵng, Hội An để hành nghề. Ấy là bởi chính Năm Chuột tung tin ra đó! Thật kỳ quặc thay cho cái người không khảo mà xưng là Năm Chuột!
Đã bảo ăn cắp mà còn có chút lương tâm thì khó tin thật. Nhưng Năm Chuột là người như thế đó! Chỉ một nhoáng, gã đã tỉnh queo, không hề có chút bận tâm, lấy đi của cô hầu Tổng đốc Quảng Nam Nguyễn Hữu Thảng hơn một lạng vàng, vậy mà cho tới lúc gặp tác giả sau đó mười mấy năm, gã vẫn còn ân hận vì đã làm cho ông bạn đồng nghiệp nào đó từng làm cho cô hầu ông Tổng đốc đôi vòng thật lại hóa ra là người thợ bất lương thiện.
Nhưng đạt tới mức độc nhất vô nhị ở Năm Chuột phải kể tới cái kiểu vệ sinh thân thể kỳ lạ của hắn. Người thường, ai chẳng tắm bằng nước nhưng Năm Chuột tắm bằng lửa. Người ta tắm bằng nước, nhưng tôi quanh năm tắm bằng lửa. Hơ thế này cho đổ mồ hôi ra, kỳ sạch ghét, thì cũng chẳng khác tắm bằng nước. Ấy là lời Năm Chuột giải thích khi tác giả tới thăm, thấy hắn ở trần, ngồi cạnh cái lò bễ đang hơ cả người trên lửa. Tôi nghĩ vui, biết đâu nhờ cái kiểu tắm kỳ quặc này của Năm Chuột mà người ta phát minh ra các kiểu phòng tắm hơi hiện đại như ngày nay.
Vậy là từ các chi tiết của đời sống thực, nhờ biết chọn lựa, gia giảm, khắc chạm, tác giả đã biến chúng thành những chi tiết của truyện hư cấu, tạo nên một Năm Chuột đầy cá tính, không thể trộn lẫn với bất kỳ nhân vật nào khác, thậm chí đã đạt tới mức các điển hình nhân vật trong văn học hiện đại chúng ta. Thế thì, nếu có nói ngược lại nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, rằng: Đọc kỹ, có thể thấy rõ Ông Năm Chuột là truyện hư cấu nhưng còn chút hơi hướng của kiểu truyện ký, thì cũng không chắc đã là điều phi lý vậy!
Tôi lại càng tin hơn vào kết luận của mình khi biết rõ lúc Ông Năm Chuột đăng trên tuần báo Văn của Hội Nhà văn Việt Nam thì Nguyễn Công Hoan là Chủ nhiệm, Nguyên Hồng là Thư ký Tòa soạn và nghe đâu nhà văn Bùi Hiển là người biên tập chính, như lời người con trai ông ấy nói với tôi. Cả ba vị này đều là những cây bút sừng sỏ về truyện ngắn, là các ông hoàng của truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Chẳng lẽ các vị ấy lại không nhận ra Ông Năm Chuột là truyện ký để rồi khoác lên mình nó cái áo truyện ngắn như ông Ân và tôi đã từng làm ngược lại?
Còn nếu cái danh xưng truyện ngắn là của Phan Khôi, do Phan Khôi gửi tới Tòa soạn và được cả ba vị này chấp nhận, không phản đối, không sửa thành truyện ký thì điều tôi nói có khả năng lại càng đúng hơn nữa!
Tóm lại, theo tôi Ông Năm Chuột thuộc loại truyện hư cấu mà không thuộc kiểu truyện ký, và một thời gian dài nữa người ta sẽ vẫn còn nhắc tới nó, không phải chỉ vì nó liên quan tới Phan Khôi hay Nhân văn - Giai phẩm mà còn vì tính chất mẫu mực của truyện ngắn Ông Năm Chuột.
P.N.S