Kiến trúc Đà Nẵng - thực trạng và xu thế - Hồ Thế Vinh

04.11.2015

Kiến trúc Đà Nẵng - thực trạng và xu thế - Hồ Thế Vinh

Đà Nẵng là một Thành phố lớn ở vùng duyên hải miền Trung - Trung Bộ, ở vị trí trung tâm về mặt địa lý so với cả nước, với 3 đặc điểm chủ yếu: Địa hình núi cao; Địa hình trung du; Địa hình đồng bằng. Ngoài các dạng địa hình chủ yếu ở trên Đà Nẵng còn có dạng địa hình bồi tích cát biển bao gồm các đụn cát chạy dọc theo bờ biển chủ yếu tập trung ở bờ biển  Nam Ô, Thanh Khê…

Trước năm 1975, Đà Nẵng là đô thị quân sự, phục vụ cho chiến tranh và sau năm 1975 đến 1997 là giai đoạn tái thiết cho thành phố. Vì vậy những công trình mang tính nghệ thuật hầu như không có. Một trong những biểu hiện dễ nhận biết nhất của kiến trúc thời kỳ này là dấu ấn của vật liệu. Đó là vật liệu trát mặt ngoài bằng đá granito, cửa sắt, nền gạch hoa và tường quét vôi ve. Vì vậy, trong thời kỳ này màu sắc công trình không đa dạng, thường dùng màu gốc của vật liệu làm màu nền cho công trình. Mặt đứng công trình khai thác ngôn ngữ kiến trúc hiện đại kết hợp với vật liệu địa phương. Các kiến trúc hơi khô cứng, đơn giản và được trát chủ yếu bằng vật liệu đá rửa lạnh lùng. Sử dụng mảng khối gãy gọn, kết hợp các chi tiết trang trí nhiệt đới hóa như hệ lam, hoa bê tông che nắng, chắn gió theo phương vị ngang và đứng, hợp lý về công năng. Những công trình còn lại trong giai đoạn này chủ yếu là các chung cư, khách sạn, trường học, dinh thự và nhà làm việc. Có thể nói, các công trình trong thời kỳ này mang phong cách Kiến trúc hiện đại nhiệt đới ẩm, đã được Việt hóa bằng các đường nét, không gian của kiến trúc Người Việt. Một số công trình mang nét kiến trúc Siêu cách tân của Frank Lloyd Wright. Ngoài ra, cũng phải kể đến một số ít các kiến trúc cũ còn sót lại có dấu ấn với phong cách chính quốc và phong cách Đông Dương từ thời Pháp thuộc như Tòa thị chính, Bưu điện, Nhà đèn,...

Sau năm 1975, đặc biệt là từ sau năm 1997, thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, trở thành trung tâm vùng của miền Trung và Tây Nguyên. Bắt đầu thời kỳ này, quy hoạch và kiến trúc Đà Nẵng có sự thay đổi và phát triển vượt bậc. Từ một đô thị quay lưng với biển, Đà Nẵng trở thành đô thị hướng biển. Chính vì vậy, kiến trúc đô thị biển và du lịch biển giai đoạn này phát triển nhanh và chiếm ưu thế. Tư duy sáng tác của các kiến trúc sư cũng thay đổi theo bởi làn sóng thông tin từ bên ngoài lan tỏa vào. Trong đó, tham gia vào công tác tạo dựng bộ mặt kiến trúc của thành phố Đà Nẵng là đội ngũ kiến trúc sư được đào tạo và đến từ hai miền Nam, Bắc của đất nước với nhiều phong cách riêng phát triển thành các xu hướng kiến trúc khác nhau. Bao gồm:

- Trước 1975, các công trình được thiết kế chủ yếu do các kiến trúc sư từ Sài Gòn theo trường phái phương Tây và các kỹ sư công binh từ Mỹ.

- Từ 1975 - 1997, các công trình được thiết kế theo hai trường phái, là các kiến trúc sư tốt nghiệp từ Sài Gòn và Hà Nội. Thời kỳ này mang đậm nét kiến trúc thời bao cấp và ảnh hưởng kiến trúc hiện đại của các nước Đông Âu.

- Từ 1997 đến nay, dưới sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, kiến trúc hiện đại Đà Nẵng chịu ảnh hưởng của nhiều trường phái, nhiều vùng và quốc gia khác nhau.

Dù được thiết kế với nhiều đội ngũ kiến trúc sư ở nhiều trường phái khác nhau và trải qua các thời kỳ, nhưng có thể nói, xu hướng và hình thức thể hiện Kiến trúc tại Đà Nẵng vẫn có một nét riêng. Nó hầu như khước từ toàn bộ hệ thống ngôn ngữ “cổ điển” nhưng không khước từ hệ thống ngôn ngữ của kiến trúc dân tộc. Từ những gì vốn có của kiến trúc bản địa, vật liệu địa phương, tự tìm cho mình một ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ kiến trúc nhằm giải quyết công năng của công trình kiến trúc đô thị biển, sự hợp lý của dây chuyền sử dụng và của hệ thống kết nối vật liệu, chuộng cái đẹp giản dị, cái đẹp là kết quả sự hợp lý về công năng sử dụng. Xu thế kiến trúc trong các giai đoạn về sau là sự thay đổi về vật liệu và cách thể hiện không gian (Tìm tòi, áp dụng những hệ kết cấu mới như dây căng, dàn không gian, dàn thép dự ứng lực vào các công trình nhà nhịp lớn, không gian được giải tỏa tối đa), thay đổi sự chiếm đóng của vật liệu đá granito (thường từ năm 1997 về trước) trong suốt gần nửa thế kỷ. Vẫn áp dụng các loại hình thông thoáng, một đặc thù của kiến trúc nhiệt đới nóng ẩm. Sử dụng các bộ phận cấu thành nên đặc trưng của kiến trúc nhiệt đới như các băng ngang to bản thay thế cho hệ lam ngang và tấm chớp che hành lang. Tường kính có cửa mở được thay thế cho tường hoa bê tông tại vị trí cầu thang và không gian chuyển tiếp. Riêng hành lang bên ngày càng ít được sử dụng do công trình cao tầng đang phát triển. Tuy nhiên hành lang bên và ban công vẫn còn sử dụng cho các công trình cần thiết như khách sạn du lịch biển, bệnh viện, chung cư, nhà làm việc... Màu sắc công trình đa dạng hơn nhờ vào hệ thống vật liệu mới được đưa vào công trình.

Từ những đặc điểm trên, ta thấy Kiến trúc Đà Nẵng - nhất là trong các giai đoạn gần đây - không còn mang tinh thần lý luận của  kiến trúc hiện đại có từ thập niên 20 của thế kỷ trước, xuất phát từ Châu Âu và Bắc Mỹ. Thay vào đấy nó khai thác hệ thống ngôn ngữ của kiến trúc dân tộc, mang tính bản địa sâu sắc, đồng thời vẫn ứng dụng những ưu điểm chung mà các xu hướng khác vẫn vận dụng. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế chung trong sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, để phát huy được hơn nữa bản sắc dân tộc đồng thời phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế và khoa học kỹ thuật đặc thù của chúng ta hiện nay, các xu hướng mà chúng ta cần phải khuyến khích áp dụng là: Kiến trúc hiện đại nhiệt đới ẩm, Kiến trúc hiện đại - mới và Kiến trúc hiện đại - dân tộc. Những xu hướng khác như Kiến trúc sinh thái cũng cần được phát huy… Thực hiện tốt được điều này, có lẽ cũng là nỗi niềm và mong muốn của người dân đối với những người làm công tác kiến trúc tại thành phố Đà Nẵng trong suốt quá trình phát triển của mình. Như nguyên chủ tịch Hội liên hiệp Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) Vassilis Sgoutas trong một lần đến thăm và làm việc với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Hà Nội, phát biểu: “Xu thế toàn cầu hóa là không thể đảo ngược, nhưng mỗi địa phương phải tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa của mình trong đó có kiến trúc”.

H.T.V