Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi: Ám ảnh từ những nếp gấp lạnh - Lê Huỳnh Lâm

04.11.2015

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi: Ám ảnh từ những nếp gấp lạnh - Lê Huỳnh Lâm

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định năm 1973 về ngành sơn dầu. Ông sinh năm 1947 tại Vĩnh Phú theo gia đình vào miền Nam sống năm 1954, định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1988 theo chương trình đoàn tụ. Tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đã được khẳng định và xuất hiện trong danh sách Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam từ trước 1975, từ năm 1988 đến bây giờ ngoài nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ, ông đã trở về triển lãm tại Việt Nam nhiều lần. Những thập niên trở lại đây tên ông xuất hiện ở một số trang báo đã gây ít nhiều sự chú ý. Nhưng thật ra do hạn chế về không gian nên tôi chưa có dịp tiếp xúc với tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi mà chỉ nhìn một số ít tranh của ông trên một số website thuở internet và mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ, thời điểm đó tôi chưa thật sự ấn tượng về số tranh rất ít mà tôi đã xem qua. Tình cờ xem loạt minh họa độc đáo của ông trên báo Nghệ thuật mới số 12 và có người rất ngưỡng mộ tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đã gợi nhắc, nên tôi tìm lại, bất ngờ khi thấy bức tranh “Out Of Darkness” đã hút ánh nhìn và tâm trí tôi vào trong đó. Tôi thốt lên “kinh khủng quá”. Qua mạng internet tôi tìm thấy rất nhiều tác phẩm của ông, trong đó có bức hình họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi cầm đàn guitar hát, họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng đang ngồi nghe, được biết ngoài sáng tác về hội họa, một thời ông đã từng vẽ minh họa cho nhiều báo, tạp chí, thiết kế bìa sách và vẽ truyện tranh, ngoài ra ông còn sáng tác nhiều ca khúc và có giọng hát rất có hồn. Ông là thành viên Gallery & Studio Cây cọ Nghệ thuật Lowell, MA; Hội viên Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ Weston, Massachusetts; Hội viên Hiệp hội Nghệ thuật Newton, Mỹ.

Sau khi nhìn loạt tranh của ông, nhắm mắt lại để mỗi bức tranh lần lượt hiện ra trong tâm trí, theo dõi sự rung cảm của trái tim, tôi tự hỏi tại sao đến bây giờ mình mới biết đến hội họa của Nguyễn Trọng Khôi. Được biết, ông đang có triển lãm tại La Tour Effel (Đà Nẵng), với hơn 30 bức tranh sơn dầu cỡ vừa từ Boston (Mỹ) về trưng bày với công chúng yêu mỹ thuật Đà Nẵng. Triển lãm khai mạc vào chiều ngày 11.9, phòng tranh này sẽ mở cửa đến 19.9. 2015.

Giới mỹ thuật ở Huế thường đùa rằng, khi không vẽ được hiện thực thì cứ trừu tượng cho đỡ suy nghĩ, mà khỏi bị lời ra tiếng vào. Thật tình để vẽ được tranh trừu tượng là cả một vấn đề. Nghệ thuật hội họa nói riêng và các nghệ thuật khác nói chung luôn tự thân vận động theo sự vận động của xã hội. Mỗi thời đại, có một cách thể hiện nghệ thuật, không lẽ thế hệ trẻ bây giờ lại ngồi nghe cải lương, không thể cứ giai điệu rề rà, ảo não mãi được, mà phải jazz, rock, ráp, giao hưởng,... Trong hội họa cũng vậy, các trường phái cũng xuất hiện theo từng thời đoạn của xã hội đặc biệt rõ nét nhất ở châu Âu, từ phục hưng, cổ điển cho đến siêu thực, biểu hiện, hiện đại, trừu tượng,... Với hội họa, khi trí tưởng tượng người nghệ sĩ vượt thoát khỏi không gian đời thực thì mới có cơ may tạo ra hội họa khác lạ cho mình. Nhưng đời thực là gì? Đời thực ở những đất nước phát triển luôn chậm hơn các nước tiến bộ hơn một thế kỷ. Từ hiện thực con trâu của những thế kỷ trước ở cánh đồng lúa mì cho đến hình ảnh chiếc máy cày, máy bay bơm thuốc. Ta thử nhìn lại hiện thực trên mỗi cánh đồng Việt Nam trong mấy thập niên trở lại, vẫn là con trâu cặm cụi cúi mặt kéo cày. Vậy đời thực ở đây chỉ là ước lệ trong mỗi thời đoạn hoàn cảnh xã hội. Điều này cũng giải thích tại sao, khoa học nói chung và hội họa nói riêng của những nước đang phát triển luôn bám đuôi ở tốp cuối của nền khoa học và mỹ thuật thế giới. Trở lại với hội họa của Nguyễn Trọng Khôi, có thể nhìn thấy năng lực sáng tạo của tác giả qua rất nhiều thể loại.

Với loạt tranh tĩnh vật, phong cảnh, thì tĩnh vật trong tác phẩm của ông ngoài kỹ thuật và sự biểu đạt về không gian,... còn gợi lên những kỷ niệm giúp người xem liên tưởng đến một quá khứ ảm đạm qua gam màu lạnh và buồn, hay một tương lai bấp bênh, trần trụi ẩn chứa trong những biểu tượng, những khoảng xám mơ hồ và những băn khoăn của tác giả cũng như của một thế hệ. Chỉ cần những viên bi, tác giả đã dẫn người xem quay về với thế giới của tuổi thơ, nhưng lại gợi lên sự suy tư sâu lắng bằng cách sắp đặt có chủ ý. Bức “cánh đồng bạch mã” là một khung trời lãng mạng trong gam màu sầu muộn như một cảnh hồi tưởng trong điện ảnh với nét mặt trầm lặng của cô gái và xa xa là những chú ngựa trắng đang gặm cỏ. Hình ảnh em bé được quấn trong chiếc khăn, nằm cô độc giữa không gian xám, loang lổ những đốm vàng cam hoen ố đã gây ấn tượng mạnh nơi người thưởng thức. Ở đây, có thể là ám ảnh về một tuổi thơ bi đát, về thân phận của những đứa trẻ lạc loài, khi ánh mắt tôi dán chặt vào bức tranh này bất chợt giai điệu trong bản nhạc “Scarborough Fair” du dương vọng đến. Đôi khi tôi cảm giác loạt tranh tả thực của Nguyễn Trọng Khôi là những giấc mơ nối nhau trong trí tưởng.

Một serial tranh khỏa thân của Nguyễn Trọng Khôi đã dẫn người xem về với thế giới hoang dã đầy ám gợi. Khi nhìn hình ảnh hai đứa bé tắm bên giếng xưa là cả một tuổi thơ hồn nhiên hiện về cùng tiếng nước vỡ ra. Hay bức “trên đỉnh núi” là cảnh hoang sơ của người con trai và người con gái đang tồn sinh. Cũng như bức tranh cậu bé há miệng đang hét giữa khoảng không úa vàng, hay bức người tiều phu ngủ trên núi, tác phẩm thiếu nữ ngồi bên bờ vực cùng những cánh chim lượn trên bầu trời ảm đạm đã cho thấy tranh khỏa thân của tác giả đầy chất lãng mạn biểu hiện. Nhiều tác phẩm mang hàm lượng văn hóa lớn trong tranh của Nguyễn Trọng Khôi như bức tranh có những người chơi cồng chiêng ở vùng cao, hoặc những bức tranh với những biểu tượng là các cổ tự, những dụng cụ thô sơ, đã được ông thể hiện rất sinh động trong tông màu lạnh. Cũng không thể bỏ qua được những nếp gấp đặc biệt trong tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, cái cách diễn đạt khác lạ, tạo nên các nút thắt, và sự lồi lõm trên bề mặt vật chất hay chỉ cần hai hình thể rời với các nếp gợn, lật của mảnh toan trong không gian trắng, đã dẫn đưa người xem liên tưởng đến sự rời rạc trong cuộc sống mà tác giả đang muốn kết nối lại hoặc là sự gợi tưởng đến một thế giới của tuổi thơ trong suốt.

Điều quan trọng nhất của người nghệ sĩ là sự sống của tác phẩm, sự sống ở đây không phải là tuổi thọ vật chất của tác phẩm mà chính là tuổi thọ của cảm xúc. Có quá nhiều văn nghệ sĩ ở mặt đất này, nhưng tác phẩm vượt thời gian thì không nhiều. Với họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, màu sắc và hình thể trong tác phẩm của ông đã ám ảnh người xem, gây nên những trăn trở và dẫn dắt người xem vào thế giới hội họa của tác giả. Ở đó, người thưởng ngoạn nhận ra vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, nét thơ mộng của tâm hồn con người, và trong đó cũng hằn lên những vết thương đang được băng bó cùng nỗi muộn phiền ngơ ngác trên từng khuôn mặt. Trong mỗi bức tranh của người họa sĩ tài hoa này như tiềm ẩn một nét cô độc lạnh lùng ám ảnh người xem ngay cả khi họ rời ánh nhìn khỏi những khung tranh trước mắt mình. Nhìn lại các tác phẩm hội họa của Nguyễn Trọng Khôi, tôi nhận ra rất nhiều thể loại trong đó gồm: phong cảnh, tĩnh vật, siêu thực, biểu hiện, trừu tượng,...

Điều kỳ diệu trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Khôi là ông chỉ cần vẽ những sự vật gần gũi, nhỏ bé mà chứa đựng cả vạn vật và truyền tải được cảm xúc trong đó, tài năng của người nghệ sĩ là vậy, từ những điều đơn giản, bình thường đã gây ảnh hưởng và để lại cảm xúc mạnh nơi người xem.

L.H.L