Bệnh - Nguyễn Trung
I
Vừa vào dãy hành lang hẹp, tôi nhận ra một người cao to vai xụi, đầu cúi nghiêng một bên, lưng như gập xuống, đi chúi tới trước, sắp va vào tôi. Không kịp quay lại nữa nên tôi đành đứng lại chịu trận.
- Cậu Huy à. Đời là bể khổ! Có bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh mới thấy rầu. Người tham gia bảo hiểm thì tội tình gì mà nhân viên ngành y ghét thế không biết?! Phân biệt đối xử… thế gian chả còn tí công bằng!
Bắt đầu rồi. Tôi đứng lặng, nhìn vào bộ mặt thiểu não của lão, làm như là chăm chú lắm.
- Con: nợ; vợ: oan gia - Lão mở
đoạn hai.
“Ai là người nhà bệnh nhân Võ Phận đến nhận thuốc”- Tiếng thét lanh lảnh từ cuối hành lang khu khám bệnh làm tạm dừng đoạn độc thoại của lão.
Mắt lão như được rọi thêm chút ánh sáng. Mặt lão hớn hở pha lẫn ngượng ngùng.
Bệnh tình hành hạ tôi mấy ngày qua giảm hẳn. Tôi mừng hú, lắp bắp:
- Bác cứ nói thế… Tới lượt rồi kìa.
Trước khi cho tôi thoát, lão còn thêm câu “Cậu nghĩ dễ ăn lắm hả? Tớ dọa gặp giám đốc bệnh viện hỏi cho ra nhẽ mới…”.
Lão bệnh thật rồi. Loại bệnh này chưa đến độ gieo rắc kinh hoàng cho nhân loại như người ta ra rả trên ti-vi dăm bảy năm trước nhưng ở nước ta, nó phủ bóng mờ lên niềm tin và hy vọng, gây ra nỗi chán chường lãnh đạm vô cớ, làm nhụt ý chí con người. Thực tế cho thấy đây là bệnh khó chữa, hay lây. Nói lộ e mất lòng chứ đa phần phụ nữ Việt Nam mắc bệnh này. Khi xưa bệnh than của mẹ làm gia đình tôi héo úa, bây giờ đến lượt vợ tôi. Xót cả ruột! Nhưng bệnh than khi nhiễm vào cơ thể lão – tôi đồ rằng – đã bị biến tướng, trở thành kinh niên mãn tính, quái dị khó lường.
II
- Thầy bị bệnh này đã lâu chưa?
- Gần nửa tháng nay, thưa bác sĩ… Hôm liên hoan tổng kết cuối năm chắc tôi ăn trúng cái gì…
- Thầy đã dùng những loại thuốc nào rồi?
- Thuốc dị ứng… nhưng vẫn thấy ngứa, bác sĩ à.
- Thầy phải làm xét nghiệm máu.
- Bị gan à?
- Cũng chưa biết. Thầy lên lầu, rẽ phải, phòng 7, bên tay trái.
Tới chỗ xét nghiệm, tôi thấy lão đang ngồi với cậu quý tử - sinh viên năm cuối.
- Bác…
Tôi chưa kịp hỏi, lão đã ngắt lời:
- Hoặc dốt nát, hoặc ma mị. Thằng con tôi nằm cả ngày trời, khám tới khám lui chẳng ra bệnh. Toi cơm! - Lão ngáp dài.
Chớp thời cơ lúc lão rơi vào thế không nói được, tôi nhỉ vào tai lão:
- Bác cứ lo quá. Nó mới cưới. Lần đầu quan hệ, đàn ông cứ sốt ngây ngây thế.
Nói xong, tôi quay lưng. Lão chộp tay tôi:
- Cậu biết lúc nãy ai đến thăm thằng Phận không? Tay Công đấy. Nhìn bộ mặt dò xét của hắn, tớ đoán hắn đang âm mưu điều gì đó. Mình sắp hưu, hắn hí hửng lắm - nhăm nhe cái ghế mình lâu nay mà. Nhớ thời nào mình nâng đỡ, vực hắn dậy biết bao lần. Giờ hắn vững rồi mới đâm ra bạc thế. Than ôi, thế thái nhân tình! Gặp mình lúc nào hắn cũng Anh khỏe không? Mình già rồi mà cứ Tết là hắn thăm, mừng tuổi cho mình nữa chứ. Trước sau ai rồi cũng tới ngày đó nhưng mình cay lắm. Cậu thấy có buồn không?
Công chẳng phải vừa - khôn lỏi, thủ đoạn. Tự nhiên tôi thấy lo.
- Em thấy tình cảm mà anh ấy dành cho bác chân thành và đáng trân trọng - Tôi an ủi - Bác đừng nghĩ quá.
Phận cầm kết quả xét nghiệm đưa bố, bảo:
- Bình thường hết. Bác sĩ nói sốt nhẹ, cứ uống thuốc nghỉ ngơi là khỏi thế mà bố cứ nằng nặc đòi nhập viện, thử máu, siêu âm, X quang…
Lợi dụng lúc vợ, con gái, con dâu lão đến, tôi rút êm. Giọng lão léo nhéo trách oán, phiền vợ than con còn bám theo tôi vào tận phòng xét nghiệm máu.
III
Bác sĩ cho tôi nhập viện để theo dõi, tìm nguyên nhân gây mẩn ngứa. Tôi điện thoại cho vợ, “Anh phải nằm viện, khoa nội, dãy C, phòng 17b”. Nàng than trời. Khoảng nửa tiếng sau, lúc tôi đang đọc Tam Quốc, liên tưởng giữa lão với Tào Tháo thì nàng tới, tay dắt con, tay xách đồ. Tôi sắp tìm ra mối liên hệ mong manh giữa Tào Tháo bên Tàu với lão sếp của tôi nên ngây người ra, nhìn trừng trừng. Thằng con cưng đập đập vào má tôi, “Bố, bố. Tỉnh lại đi bố!”. “Sao đến nỗi này hở trời?… Bác sĩ, bác sĩ!” - Giọng nàng thảm thiết. Hai nhân vật trong đầu tôi lập tức biến mất. Tỉnh người, tôi nhát gừng:
- Chết chóc gì mà lo. Gan yếu. Dị ứng.
Nàng ca thán công việc cuối năm học còn chất đống rồi bảo:
- Em gặp sếp… nom rầu lắm - Nàng đưa ly cam vắt tận miệng tôi - Thảm, ly nước cũng tăng giá, tiền giữ xe lên gấp đôi.
Tôi uống. Đắng họng!
- Ông ấy mới nằm tâm sự với anh ở đây.
- Sếp to khỏe thế mà bác sĩ bảo bị suy nhược cơ thể nặng.
- Gánh vác nhiều trọng trách lại hay ưu tư… - Tôi làm lanh - Áp lực lớn, dồn nén lâu, anh sợ ông ấy suy nhược thần kinh chứ chẳng chơi.
- Nghe sếp than hình như Công đang tập hợp mọi bằng chứng hất sếp. Anh anh em em… quấn nhau như ruột non ruột già… tiểu nhân quá… Chết! - Nàng giật thót.
Đúng là “tiểu nhân”. Tôi suýt bật cười. Công mỏng, lùn, mắt lé kim, da tai tái. Công chào nàng, nháy mắt với con tôi rồi bắt tay tôi. Tôi rùng mình. Bàn tay Công nhờn nhờn, lành lạnh, mềm uột thân lươn.
- Ổn chứ?
- Ngứa lắm - Tôi rụt tay lại - Dị ứng toàn thân.
Công xấu người, xấu bụng song chỉ số ranh ma lại cao ngất ngưởng. Tôi đã chứng kiến nhiều lần Công ra đòn đầy bất ngờ và không kém phần ngoạn mục khiến đối thủ mất ngáp.
- Thầy Huy chửi khéo tôi đấy à?
- Không. Bẩn lắm, ngứa lắm! Nghề của chúng mình, sạch sẽ là tiên quyết - Tôi nhấm nhẳng.
IV
Năm đầu tiên tôi về trường An Vũ, lão đã làm hiệu phó lao động của trường được 10 năm. Lão chạy con xe 86 mới cáu tới tận nhà chở tôi đi dự lễ khai giảng năm học mới. Vào tới cổng trường, lão thắng kít xe vì có người lóm thóm đi ra. Cả hai nhào tới trước.
- Gì thế? - Lão hỏi.
- Này, này… - Người kia gõ gõ vào tấm biển xanh treo ngay cổng - Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông.
Sau này mỗi lần thấy tấm biển là tính tự ái trong tôi lại trỗi dậy. Không biết tôi ghét người-nhắc-nhở hay tấm biển xanh nữa?
- Tính hắn thế - Lão bảo - Ưa làm phách, thích thể hiện, sẵn sàng nghiêm trọng hóa mọi vấn đề. Em ông phó phòng giáo dục huyện nhà đấy. Khi hắn mới chân ướt chân ráo, anh hắn gửi tớ “dìu dắt chỉ bảo thêm”. Hắn sáng dạ nên chỉ dăm năm là tớ đã cạn chữ, hết bài. Bảo vệ, đánh trống, giám thị, hoàn thành khóa đào tạo từ xa, bắt đầu phơi phới - đó là con đường của hắn. Thời-đổi-mới trong ngành, hắn trở thành chuyên gia phòng vi tính kiêm photocopy rồi hiệu phó chuyên môn tới giờ…
“Kính mời thầy hiệu phó chuyên môn lên phát động thi đua đợt I”. Lão ngừng lời, vỗ tay đôm đốp. Tôi bắt chước y chang.
- Sếp trưởng sắp hưu có khuyến mãi - Lão tiếp - Công lên là cái chắc. Cậu phải dè chừng… yếu nhân đấy.
Kết thân với lão, tôi phát hiện ra lão mắc bệnh than và hay lo hão. Thông minh có thừa, Công vay ngân hàng, chuyển hết số tiền vay được lúc thành đô lúc thành vàng. Đơn giản vậy thôi, nay bán vàng mua đô, mai bán đô mua vàng - như làm xiếc - mà sau hai năm trả xong nợ còn dư 4 cây và một miếng đất gần chợ. Công mở dịch vụ phô tô hốt bộn nhưng cửa hiệu trưởng khép lại bởi một lý do hết sức vớ vẩn: Công bị thất sủng khi làm đại lý cho thằng bảo hiểm nước ngoài. Lão lên hiệu trưởng chứ không phải Công. Lúc bấy giờ đủ loại bệnh kinh niên mãn tính của ngành giáo dục bị phơi trên các phương tiện truyền thông. Ai cũng bệnh - không bệnh này cũng bệnh kia. Lão tỉnh táo nhất, có trách nhiệm nhất, kiên định trong đấu tranh chống tiêu cực. Sau thời gian chiến đấu với kẻ thù vô hình, lúc thì chém loạn xạ vào khoảng không, khi như phát rừng rậm một mình hay se cát biển Đông, lão nhiễm bệnh than. Hết năm học đầu tiên ở trường An Vũ, tôi đi đến kết luận bệnh lão đang tiến về giai đoạn cuối, khả năng biến tướng, di căn dần lộ rõ.
Lão luôn than thở sự xuống cấp về tư cách đạo đức của thầy lẫn trò.
- Này nhé, - lão dẫn chứng - mỗi lớp chỉ khoảng chục em chịu học. Số còn lại tới trường để chọc ghẹo, quậy phá, tìm “niềm vui”. Hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp là phổ biến nhưng không bi đát bằng hiện tượng giáo viên đứng nhầm lớp. Thực chất những chuyển biến gần đây trong ngành chỉ là việc thay áo cũ, khoác áo mới cho khác đi mà thôi. Kết quả thật bất ngờ: mọi người thủ kỹ hơn, luôn đặt mình trong tình trạng đối phó. Hồ sơ sổ sách sạch sẽ hơn, giả tạo hơn, báo cáo láo trơn tru hơn, hô khẩu hiệu kêu hơn…
- Bác phủ nhận mọi thành quả?
- Thành quả giấy. Tớ đi guốc trong bụng cậu. Với cậu, trường học đơn giản là nơi cậu nhận lương - không hơn không kém. Cậu tưởng tôi mù chắc? À, mà tôi cũng muốn mình vừa mù vừa câm vừa điếc lắm chứ… Được vậy hạnh phúc nào bằng. Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp cậu bán đâu rồi? Thầy Huy ơi, cậu đúng là mẫu nhà-giáo-hai-không điển hình: không đụng chạm, góp ý, phát biểu; không dự giờ, soạn giảng, viết sáng kiến…
- Bác cứ nói thế em “mất dạy” như chơi. Người thầy thời nào cũng vậy thôi. Có điều truyền thống tôn sư trọng đạo được quá xem trọng tới mức để chữ thầy và chữ xấu gần nhau là điều cấm kỵ lâu nay. Thế mới sinh chuyện! Bệnh mãn tính mới tìm thuốc?!... Bác muốn tôi giống thầy Khoa sao?
Nói xong tôi thấy mình thật hèn hạ, đáng xấu hổ. Thực tế tôi còn tệ hơn lão nghĩ. Khi tinh thần dân chủ được phát huy một cách tối đa, tôi luôn đặt mình trong trạng thái dè chừng học sinh và phụ huynh. Tôi thường điều tra ngay từ đầu năm học để tập trung chú ý đối tượng con giáo viên, cán bộ, viên chức nhà nước. Bậc phụ huynh nêu trên rành luật, ưa ý kiến, bị nhiễm bệnh thành tích nặng, lây lan sang cả gia đình, con cái. Rõ khổ! Cho điểm con em họ cứ phải thật cao vào; gặp họ thì cứ phải luôn miệng cháu học xuất sắc, tiếp thu cực nhạy. Rồi cuối năm, trước khi vào sổ điểm, tất cả giáo viên đứng lớp bò ra mà thống kê tính toán, sửa tới chỉnh lui cho đủ chỉ tiêu khoán phần trăm chất lượng. Cứ thế cuộc đời đi dạy của tôi trôi qua trong sự êm đềm giả tạo. Nhưng…
Tháng trước, trời xui đất khiến, tôi không cầm lòng được khi nghe Công nói quá ư chân thành: “Hãy coi tôi như anh em trong nhà… Hãy mạnh dạn góp ý giúp tôi nhận ra những mặt tồn tại để tôi có cơ hội sửa chữa, dần hoàn thiện bản thân”. Dĩ nhiên lúc đầu tôi im lặng. Nhưng - cũng như 9 thầy cô trước - tới người thứ 10 (là nàng) khen xong, tôi buột miệng: “Tôi có ý kiến”.
Ngay lập tức tôi nhận được dấu hiệu của nàng cảnh báo sẽ cấm vận tôi nếu tôi lỡ lời.
Như ăn phải gan trời, tôi nhìn mái tóc mây xõa trên đôi vai gầy của nàng mà tôi đã mất ăn mất ngủ suốt những năm qua, phớt lờ hết thảy hạnh phúc lẫn khổ đau, miệng tôi tuôn ra những lời trung thực:
- Về ưu điểm của đồng chí Công, mọi người đã nghe dư rồi, tôi chỉ nói đến những cái chưa được. Đồng chí có tật hay phủi trách nhiệm, thường xuyên lấy giờ công làm việc tư và làm cho tài sản công tư nhập nhằng. Xin hết!
Lão nhiều lần mang vạ thay Công, căm lắm bèn đứng lên la… tôi:
- Nói có sách, mách có chứng. Góp ý chứ không phải bôi nhọ lãnh đạo nhá!
Tôi hoảng. Việc rành rành ra đấy, ai chả biết, nhưng chứng cứ đâu?
Hồn xiêu phách lạc, tôi nặng nề đứng lên, nghĩ trời sắp sập xuống đầu mình nên giọng lạc hẳn, chả có tí sức thuyết phục:
- Thì… lỗi của mình tìm cách đùn đẩy… còn… giờ làm việc tới mở phòng rồi về nhà phô tô, bán… mà nếu có ngồi phòng làm việc thì cũng mở vi tính đánh máy thuê hoặc sưu tầm, tuyển chọn, cắt dán, đóng thành tập-tài-liệu-ôn-kiểm-tra-một-tiết… bán. Thầy cô thấy đề kiểm tra mà đưa thầy Công duyệt thì còn tính bảo mật không?
Mặt Công đỏ bừng. Mặt lão phấn khích còn đỏ hơn:
- Tài sản…? - Lão nhắc.
- À… Ờ… Cái máy phô-tô-cóp-py mới của trường… sửa tới sửa lui tốn bạc triệu trong khi cái xé… gì gì đó… phải, phải, cảm ơn… second-hand của thầy Công hoạt động 24 trên 24 chẳng ăn thua, cứ chạy tốt!? Thầy cô không thấy có vấn đề sao? - Tôi nỗ lực tìm sự đồng thuận của giáo viên và sự hậu thuẫn của lão.
Toàn thể hội đồng im lặng một cách vô trách nhiệm khiến tôi thất vọng, còn lão khiến tôi chưng hửng:
- Vấn đề gì? Nói rõ đi!
Tôi đứng chết trân, miệng méo xệch. Tới phần góp ý cho hiệu trưởng, tôi không thấy, không nghe được gì nữa. Ban giám hiệu mời cơm cả hội đồng, dĩ nhiên tôi cũng có mặt. Tôi có cảm giác bị hắt hủi, xa lánh rồi bị dị ứng mẩn đỏ và… ngứa.
Sau đó là chuỗi ngày tôi sống trong âu lo thấp thỏm. Nhưng chẳng có đòn chí mạng nào giáng xuống tôi, trời không sập và Công hoàn toàn không có một động thái nào có thể gọi là trả đũa. Bệnh thành tích - như mọi lần - vẫn giúp tôi vượt các chỉ tiêu cán đích với danh hiệu lao động tiên tiến. Cả lão lẫn Công đều nhận xét tốt về tôi trong phiếu đánh giá công chức. Công còn ghi thêm “trung thực, thẳng thắn, có tinh thần phê và tự phê tốt”. Cầm phiếu đánh giá, tôi xấu hổ lắm. Người rộng lượng, vị tha thế mà mình cứ suy bụng ta ra bụng người…
V
Tôi tới phòng lão, giường trống, đồ đạc chẳng còn. Tôi cô đơn. Nghe lão thở than mãi tôi đâm nghiện cái giọng buồn buồn, đều đều của lão. Mấy bữa nay người cứ thẫn thờ, thấy thiêu thiếu cái gì đó. Bệnh dị ứng vẫn hành hạ tôi. Người ta chuyển tôi lên tuyến trên để theo dõi. Nằm chung phòng với tôi toàn bệnh nhân suy gan suy thận. Tôi đâm hoang mang, ba ngày sụt hai ký, người nôn nao khó tả, mắt giật giật liên hồi.
Nàng đến, dáng vẻ khác thường. Không một lời than thở, bộ dạng mỏi mệt, muộn phiền thường ngày của nàng thay bằng dáng vẻ đăm chiêu. Nàng cứ im lặng, tôi đâm lo.
- Anh thấy khỏe mà. Có gì đâu em. Hay em đổ bệnh rồi?
- Anh à - Nàng nắm tay tôi - sếp trốn viện, ban đêm tới trường bẻ khóa tủ thầy Công lấy hồ sơ… Công đã báo cáo lên phòng…
- Lấy cái gì? - Tôi ngồi dậy.
- Anh à - Nàng vuốt tóc tôi - Công âm thầm vẽ đường cho phụ huynh viết đơn kiện… anh… kết hợp vận động tập thể lớp anh chủ nhiệm viết kiến nghị…
- Ông ấy ăn trộm cái gì? - Tôi đứng lên, cáu tiết ngắt lời nàng.
- … Sếp đã nộp đơn xin nghỉ hưu sau khi đốt tập hồ sơ kiện anh. Sếp bảo em nên kin kín đi giải thích cho phụ huynh hiểu. Những người này này.
Tôi giật tờ giấy trên tay nàng. Đúng nét chữ cẩu thả, nghiêng nghiêng của lão. Mắt tôi mờ đi, chân khuỵu xuống.
Khi được đẩy vào phòng cấp cứu, tôi gắng sức hét lên:
- Bệnh hoạn hết rồi.
N.T