Đế Thiên Đế Thích - Trương Văn Khoa

04.11.2015

Đế Thiên Đế Thích - Trương Văn Khoa

19 giờ 30 phút. Chiếc ATR 72 của Vietnam Airlines chao nhẹ trước khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Angkor. Nhìn xuống dưới, thành phố Siem Reap lung linh ánh đèn màu, đẹp như một bức tranh. Ra khỏi máy bay, lách mình vào chiếc taxi chờ sẵn, tôi hòa với dòng xe người xuôi ngược trên đại lộ, hướng về khách sạn Regency Angkor Hotel, cách Angkor Wat khoảng 4,3 km. Khác với Phnompenh, Siem Reap về đêm yên bình và quyến rũ đến lạ thường. Nằm ẩn mình giữa các cánh đồng lúa bao la, cạnh những dòng sông xanh ngắt xen kẽ những dãy núi với cây cối bạt ngàn, Siem Reap là một trong những miền đất du lịch hấp dẫn nhất của Campuchia. Đây cũng chính là cửa ngõ để chúng ta bước vào thế giới cổ tích với hàng ngàn đền đài của đế chế Khmer.

 

ĐẾ THIÊN – ANGKO WAT

Rời khách sạn, chúng tôi đến AngKor Wat, còn gọi Đế Thiên.

Bình minh ló dạng, mặt trời nhuộm vàng từng vạt rừng bao quanh Angkor Wat. Nhìn từ xa, 5 tòa tháp khổng lồ, kỳ vĩ như năm búp sen nhô lên phía sau tường thành rêu phong, cổ kính trên nền trời ửng đỏ. Angkor Wat là đền núi duy nhất ở Campuchia có lối vào chính ở hướng Tây, khiến cho tôi choáng ngợp trước sự uy nghi, vĩ đại của khu đền dước ánh sáng của mặt trời mọc. Nhìn Angkor Wat qua làn sương mai, tôi có cảm giác như lạc vào thế giới thần tiên, bí ẩn, thấp thoáng tượng rắn thần Naga bảy đầu vươn cổ ngay lối đi vào. Thả bộ dọc theo chiếc cầu được làm bằng những tảng đá lớn, chúng tôi hồi hộp bước vào thánh địa của người Khmer có hơn từ 800 năm trước.

Một người dân Khmer nói với tôi rằng, Angkor Wat có nghĩa là kinh đô chùa, thành phố của những ngôi đền, một trong 5 kỳ  quan của thế giới, di tích quan trọng bậc nhất, niềm tự hào của người dân Khmer,  được in hình trên lá cờ của đất nước Campuchia vào năm 1850. Có thể nói, Angkor Wat được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật, kiến trúc Khmer, biểu tượng cho sự trường tồn về lòng sùng kính của con người. Lúc đầu Angkor Wat chỉ để làm mộ thờ vua, thần Visnu của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, ngôi đền trở thành nơi thờ Phật. Đến năm 1991, Angkor Wat được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, sánh cùng với Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), đền Taj Malhan (Ấn Độ) và Kim Tự Tháp (Ai Cập).

Được xây dựng dưới thời vua Suryavarman II (1113-1150), thiết kế của Angkor Wat cân đối, xinh đẹp, nằm trong khu tường thành rộng tới 83.610m2. Hào nước bao bọc Angkor Wat rộng tới 190m, tạo nên một hình vuông dài 1,5 km. Lối chính vào đền có chiều dài 230 m, rộng gần 10 m và cao 5m so với mặt nước hồ. Ngôi đền có diện tích khoảng 200 ha, chu vi gần 6 km, tường đá cao 8m, dày 1m, với năm tòa tháp khổng lồ, tượng trưng cho núi Meru của Ấn Độ. Tháp chính cao 65m, có 7 vòng tượng trưng cho bảy rặng núi thiêng của Meru vươn lên giữa rừng già. Bốn tháp phụ, mỗi tháp cao 40m, có hình dáng của đóa hoa sen đang nở. Toàn bộ kiến trúc Angkor Wat được tạo nên từ những phiến đá xanh rất lớn, kích thước bình quân (1m x 2m) ghép lại với nhau, chạm trổ hoa văn, phù điêu theo điển tích của sử thi Ấn Độ Mahabharata và Raymana.

Người ta nói rằng, để xây dựng nên Angkor Wat, Suryavarman II đã sử dụng hàng ngàn  nô lệ Thái Lan xây dựng ròng rã trong 37 năm với 5 triệu tấn đá. Bằng hình ảnh chụp từ vệ tinh, các nhà khoa học đã lý giải, người Khmer đã đào một con kênh dài để vận chuyển đá từ những ngọn núi cách đó gần 34 km để xây dựng ngôi đền linh thiêng này. Angko Wat chia làm 3 tầng. Tầng thứ nhất tượng trưng cho địa ngục (hay là đất), tầng thứ hai tượng trưng cho nhân gian và tầng thứ ba tượng trưng cho thần linh.

Điểm độc đáo của tầng thứ nhất là những bức tranh điêu khắc bằng tay trên đá. Với chiều cao 2,5m, dài hơn 800 m, mảng tường miêu tả chi tiết điển tích trong kinh Bà La Môn cùng những chiến công của vua Suryavarman II, người tạo dựng ngôi đền. Nhờ được bảo vệ bởi mái trần hành lang chạy dài, xuyên suốt, tuyệt tác này dường như còn nguyên vẹn. Phía trong cùng là hình ảnh của cuộc chiến khuấy biển sữa trong truyền thuyết, những chú khỉ, trận đánh của thần Sita và những điệu múa của các nàng tiên nữ Aspara. Trên tầng này, còn có các hồ nước để nhà vua tắm, tẩy rửa tội lỗi, đến nay đã khô cạn.

Tầng thứ hai là một khoảng sân rộng được bao bọc bởi dãy tường thành. Bên trong là các gian điện thờ các vị thần. Khi vào thắp hương, tôi thấy các vị thần Vishnu giáo to lớn bằng đá đen khoác áo màu vàng. Có lẽ, người dân Campuchia đương thời tưởng là Phật Thích Ca nên đã thờ cúng các tượng thần này theo lễ nghi Phật giáo. Sự nhầm lẫn giữa Hindu giáo và Phật giáo cũng dễ dàng chấp nhận bởi sự giao thoa về tôn giáo qua nhiều thế kỷ. Tầng thứ hai là nơi có rất nhiều tranh Apsara nhảy múa, khoe ngực trần bóng loáng. Một người Khmer đứng bên cạnh đang giảng giải về cách phân biệt nữ thần nào có hoặc chưa có gia đình bằng cách nhìn vào các nếp nhăn ở bụng.

Tầng ba cao nhất, được gọi là thiên đường, nơi cư ngụ của thần thánh nằm ở độ cao 65m, gồm hai hành lang chữ thập cắt nhau thẳng góc ở giữa. Ở điểm giao tiếp của hai hành lang là tháp trung tâm, cuối mỗi dãy hành lang là bốn tháp phụ tạo thành tòa chân trời nổi tiếng của Angkor Wat. Trước kia, nơi này có tượng thần Vishnu bằng vàng ròng nhưng đã bị đánh cắp, nay chỉ còn lại những tượng Phật. Du khách muốn đến khu vực này phải men theo các cầu thang dốc và hẹp. Tại đây có một gian rất huyền bí, nếu du khách đứng sát tường nắm chặt bàn tay, vỗ nhẹ lên ngực, lập tức có tiếng vang vọng như mình đang đánh trống.

ĐẾ THÍCH - ANGKO THOM

Chia tay Angkor Wat, đi về hướng Bắc hơn một cây số, chúng tôi đến Angkor Thom, thành phố vĩ đại, còn gọi là Đế Thích. Đây là thủ đô cuối cùng, lâu đời nhất của đế quốc Khmer, được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ XII, sau Angkor Wat gần 100 năm. Trong một lần khảo cổ, các chuyên gia phát hiện một tấm bia cổ, trên đó ghi lại rằng, Jayavarman VII là một chú rể và thành Angkor Thom là cô dâu.

Năm 1858, Henri Mouhot (nhà thám hiểm, thực vật học người Pháp) đã khám phá thành phố hoang vắng đang ẩn mình trong rừng rậm. Từ cổng thành Angkor Thom, lối vào là rừng rú, cổ thụ dày đặc và dây leo chằng chịt khắp nơi đến nỗi không ai có thể tiếp tục đi sâu vào bên trong. Hỏi vài người dân đang sinh sống trong những ngôi làng gần đó, Mouhot mới biết, đây chính là kinh đô của vương quốc Khmer với hệ thống đền đài đã đổ nát, bị cây cối che phủ qua nhiều thế kỷ. Trước cảnh hoang tàn của một nền văn minh bị lãng quên, Mouhot xúc động, mô tả toàn bộ những gì ông biết được về Angkor Thom trong tập sách “Voyages dans les royaumes du Siam du Cambodge et du Laos”. Tiếc thay, Henri Mouhot bị sốt rét và qua đời vào năm 1861. Mộ của ông cùng số phận phế tích Angkor Thom một lần nữa bị bỏ hoang, rồi biến mất trong rừng rậm Angkor. Cuốn nhật ký của Henri Mouhot được một người hầu thân cận mang về Bangkok để trao lại cho vợ  ông. Năm 1863, tạp chí  “Le Tour du Monde” đã đăng tải một phần hồi ký Henri Mouhot về miền đất Chùa Tháp. Nội dung hấp dẫn khiến cho Louis Delaporte (nhà thám hiểm người Pháp) tìm về miền đất Angkor để khám phá những bí mật còn lại. Sau khi nghiên cứu, Louis Delaporte vẽ họa đồ các kiến trúc Angkor, đồng thời đem đi một số hiện vật, trưng bày ở viện bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp).

Công trình kiến trúc Angkor Thom hình vuông, có diện tích 9 km², kéo dài mỗi cạnh chừng 3 km, được bảo vệ bởi 4 tường thành kiên cố, ghép bằng đá tảng có kích thước cao 8m và dày 1m, chồng khít lên nhau nằm trên bờ hồ Tonle Sap. Mỗi hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều có cổng thành cao 7m và rộng 3,5m, dẫn thẳng đến đền Bayon nằm ở trung tâm hoàng thành. Cổng thứ năm (còn gọi là cổng Chiến thắng) dành cho những đoàn quân thắng trận trở về, nằm cách cổng phía Đông chừng 500 m, dẫn tới Quảng trường Chiến thắng và cung điện Hoàng gia. Đỉnh của mỗi cổng vào (gopuras) là bốn khuôn mặt đá khổng lồ, mắt khép hờ nhìn ra bốn hướng. Riêng cổng phía nam (South Gate) là một trong những biểu tượng nổi tiếng của Angkor, được viếng thăm nhiều nhất bởi đây là lối vào chính của khách du lịch. Hai bên đường dẫn tới gopuras là tượng rắn thần Naga 9 đầu xòe hình nan quạt cùng 2 hàng tượng đá, mỗi bên có 54 pho tượng, thần linh bên trái, ác quỷ bên phải, tạo thành 108 nhân vật thần thoại nắm giữ thân rắn thần Naga trên gối, kéo dài đến cổng thành. Mỗi góc Angkor Thom có những điện thờ (còn gọi là Prasat Chrung) được xây dựng bằng sa thạch để thờ cúng Quán Thế Âm. Các điện thờ có hình chữ thập với một tháp trung tâm nhìn về hướng Đông. Trong Angkor Thom, trừ đền Bayon, tất cả các di tích chính đều nằm ở phía Tây hoặc phía Đông của Quảng trường Chiến thắng. Ngôi đền cuối cùng được xây dựng tại Angkor Thom là Mangalartha, được khánh thành vào năm 1295. Về kiến trúc, Angkor Thom được so sánh "kỳ diệu như Atlantis của Plato" khiến cho các nhà khảo cổ phương Tây nhầm tưởng nó được xây dựng bởi Hoàng đế La Mã Trajan.

Năm 1296, Châu Đạt Quan (Zhou Daguan), sứ giả Trung Hoa đời nhà Nguyên có mặt tại Angkor đã mô tả cảnh tuần hành của vua Indravarman như sau: “Khi nhà vua ra khỏi điện, binh lính đi dẫn đầu; kế đó là cờ, biểu ngữ và âm nhạc. Cung nữ, từ ba đến năm trăm, mặc y phục trang trí hoa, hoa cài trên tóc, cầm đèn cây trên tay, tạo thành một đội. Ngay cả lúc ban ngày, đèn cầy vẫn được thắp đốt. Kế đó là những tỳ nữ, mang giáo và khiêng, nhóm hộ hệ vua, xe kéo bởi dê và ngựa, làm bằng vàng đi kế tiếp. Các quan lại và hoàng tử ngồi trên lưng voi, và đằng trước họ, người ta có thể thấy từ xa, hằng hà sa số gọng dù màu đỏ. Sau họ là vợ và các nàng hầu của vua trong cáng, xe kéo, trên lưng ngựa và lưng voi. Họ có hơn một trăm lọng trang trí bằng vàng. Sau họ là nhà vua, đứng trên lưng voi, cầm gươm thiêng. Ngà voi được bao bọc bằng vàng,...”. Điều này cho thấy, Angkor Thom đã từng là một kinh đô sống động, huy hoàng và đầy quyền lực cùng với một nền kiến trúc, nghệ thuật tột đỉnh dưới triều vua Jayavarman VII. Đến năm 1609, vương quốc Angkor bắt đầu suy sụp, quân đội Thái Lan chiếm đóng, tàn phá khiến Angkor Thom trở nên điêu tàn, bị lãng quên hàng trăm năm.

BÍ ẨN NỤ CƯỜI BAYON

Ngôi đền ấn tượng nhất, đem lại nhiều cảm xúc cho tôi trong quần thể Angkor Thom là đền Bayon. Các tháp đá tạc hình khuôn mặt nhìn về bốn hướng, hé nụ cười huyền nhiệm, quan sát chúng sanh, dường như muốn che chở cho miền đất Cao Miên.

Nếu như Angkor Wat với năm ngọn tháp lớn trở thành biểu tượng của vương quốc Campuchia thì những ngọn tháp đền Bayon là niềm tự hào của người dân Khmer. Đền Bayon được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 dưới sự giám sát của quốc vương Jayavarman VII, một trong những vị vua vĩ đại nhất của đế quốc Khmer. Bayon là đền thờ quốc gia của Angkor Thom, kinh đô cuối cùng của đế chế Angkor, được đặt chính giữa thành phố này với vai trò là trung tâm Phật giáo. Cấu trúc của Bayon gồm 3 tầng, gạch đá đổ nát nằm ngổn ngang khắp nơi, 2 tầng dưới bố trí theo hình vuông, tô điểm bằng những phù điêu trên tường. Tầng 3 được sắp xếp theo hình tròn với nhiều tháp với các mặt đá khắc hình khuôn mặt. Dãy hành lang ở tầng dưới là một kho tàng nghệ thuật với 11.000 bức phù điêu chạm khắc trên tường đá chạy dài 1.200m, mô tả những trận đánh với người Champa, cảnh diễu hành của hoàng gia, đời sống văn hóa và xã hội của một nền văn minh Anhkor bị lãng quên hàng thế kỷ.

Bayon không giống như các ngôi chùa khác được người Khmer xây dựng. Điểm khác biệt của ngôi đền này là đền thờ quốc gia duy nhất thuộc trường phái Đại Thừa (các nước Đông Nam Á chủ yếu theo trường phái Tiểu Thừa). Sau khi vua Jayavarman qua đời, các đặc điểm của đền Bayon thay đổi theo tín ngưỡng tôn giáo của những người kế thừa ông. Chính vì vậy, Bayon được bổ sung thêm nhiều yếu tố của Ấn Độ giáo, Phật giáo nguyên thủy vốn không nằm trong thiết kế xây dựng ban đầu. Truyền thuyết kể rằng, Bayon thể hiện sinh động của sự tích Đức Phật phóng mình lên không trung tại Sravati, rồi hóa thân thành hàng ngàn Đức Phật tỏa ánh hào quang lấp lánh, xoay quanh như một chòm sao. Chính vì thế, 54 ngọn tháp tại Bayon đã được tạo dựng thành một mê cung tròn đồng tâm, khắc hàng trăm khuôn mặt với nụ cười huyền bí đi vào lịch sử của miền đất cổ kính này.

Bước qua cổng thành Angkor Thom đầy rêu phong khoảng 1,5 km, Bayon sừng sững với những trang trí chạm khắc bằng đá đẹp đến vô cùng. Dọc hai bên đường dẫn vào Bayon là những bức tượng khổng lồ ôm ngang lưng rắn thần chia thành hai hàng cân xứng, bên trái là các vị thần, bên phải là ác quỷ. Một vài pho tượng đã bị hủy hoại bởi thời gian cùng những biến động của lịch sử. Hầu hết các pho tượng này đều quay lưng lại đền, ngã người ra sau với dáng điệu mạnh mẽ mô tả lại điển tích “khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh” mà vua Jayavarman VII cùng thần dân Khmer từng mong mỏi.

Tôi đứng ngẩn ngơ, đắm say trước những gương mặt khổng lồ, hiền lành với nụ cười bí ẩn có hơn từ 700 năm trước. Con người dường như bé nhỏ trong mê cung của 54 ngọn tháp (hiện nay chỉ còn 37 tháp) được xây bằng đá ghép, cao từ 23m đến 45m. Mỗi tháp có bốn mặt thần Lokesvara (còn gọi là thần Avalokitesvara) tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về 4 hướng. Tất cả có 216 gương mặt với 216 nụ cười lặng lẽ, thông tuệ và hiền lành. Nụ cười Bayon thông điệp nghìn thu mà Bayon muốn để lại cho nhân loại khát vọng về hòa bình và lòng từ bi. Người ta nói, những nụ cười đầy bí ẩn đó giống như nụ cười nàng Mona Lisa trong bức danh họa La Joconde của danh họa Leonardo Da Vinci. Một số học giả nhận định, những khuôn mặt khổng lồ trong đền Bayon giống nhà vua, những người mộ đạo lại nói, đây chính là hình ảnh của Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara hay Lokesvara). Cho dù thế nào đi nữa, những nụ cười bí ẩn tại Bayon đã trở thành kỳ quan của nhân loại.

Henri Parmentier (quản thủ khu Angkor), người đã dành hầu hết cuộc đời trưởng thành của mình cho việc tái xây dựng một Angkor điêu tàn, từng thốt lên, Bayon hết sức ấn tượng và lãng mạn, du khách thường bị ám ảnh bởi những cảm xúc “ghê rợn”. Ông cho biết, vào những đêm trăng sáng, ngôi đền huyền bí như lạc vào một thế giới khác. Khi đến đây, người ta có cảm giác như trở lại miền cổ tích với những câu chuyện thần tiên về thần Indra xây dựng đền thờ để tổ chức đám cưới của con trai mình với con gái của vua rắn Nagas.

Lần theo những con đường quanh co, ngang qua từng tháp lớn, nhỏ, tôi có cảm giác như lạc vào thế giới của thần linh. Bất cứ lối rẽ nào, du khách cũng phải trực diện với những đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Một trong bốn khuôn mặt nhìn ra bốn hướng với nụ cười thần bí tạc ngay trên tháp trung tâm được nhiều du khách đứng cạnh để chụp hình. Có lẽ, người ta tin rằng, nơi đây sẽ  đem lại nhiều may mắn cho người đứng bên cạnh. Len lỏi từng bậc thang, tôi bước xuống dưới chân ngọn tháp chính, bên trên bức tường nối các hành lang chạy xuyên cắt nhau như một mê cung, còn lại nguyên vẹn nét sinh động của hàng trăm, hàng ngàn vũ nữ Apsara được chạm trổ trên các phiến sa thạch. Bàn tay mềm mại, tấm lưng thon, nụ cười hé mở và đôi chân như vẫn theo nhịp trống xa xăm vọng về từ ngàn năm trước.

Hoàng hôn buông xuống, những bức tượng trong đền Bayon tối dần như chìm vào giấc ngủ. Không gian buồn, cô quạnh. Một chút vấn vương, tiếc nuối khi tôi phải rời xa Bayon, dấu tích vàng son một thời của vương triều Jayavarman VII. Vượt lên thách thức thời gian cũng như bao thăng trầm của lịch sử, Bayon sẽ là ngôi đền kỳ lạ, lãng mạn bậc nhất, một công trình kiến trúc đầy sáng tạo của đất nước Chùa Tháp. Về sau và nhiều năm sau nữa, nụ cười miên viễn Bayon vẫn mãi mãi là điều bí ẩn đối với nhân loại.

 

ĐỀN THIÊNG TA PROHM

Buổi chiều, thành phố Siem Reap chìm dần vào sương khói. Một mình tôi lang thang tìm đến Ta Prohm, một ngôi đền linh thiêng nằm trong quần thể Angkor, nơi được người dân Khmer cung kính gọi là Lăng mộ Hoàng hậu. Con đường dẫn vào khu vực đền cây cối um tùm, len lỏi giữa khu rừng nhiệt đới hoang vắng, đầy bí hiểm. Điêu tàn, hoang phế  là cảm nhận đầu tiên của bất kỳ một lữ khách nào khi đến viếng Ta Prohm. Và đó cũng cũng là lý do tại sao Hollywood lại chon nơi này để Angelina Jolie, nữ diễn viên nổi tiếng, đóng bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” (Tomb Raider) cho dù chỉ có 30% thời gian được quay tại đây. Bộ phim hoàn thành, công diễn vào năm 2001, đem lại cho Hollywood 300 triệu USD. Và cũng nhờ hiệu ứng của bộ phim này, lượng du khách trên thế giới bắt đầu đổ xô về Ta Prohm. Chỉ riêng trong năm 2001, du khách nước ngoài đến ngôi đền này tăng vọt đến 250.000 (trước đó chỉ có 50.000 - 60.000 khách mỗi năm). Tất nhiên, số tiền thu về từ miền đất cổ xưa này lên tới hàng trăm triệu USD. Cũng kể từ thời điểm này, nhờ “viên ngọc quý” Angkor, ngành du lịch Campuchia trở thành mũi nhọn kinh tế hàng đầu, đứng sau công nghiệp dệt may của đất nước Chùa Tháp này.

Đền Ta Prohm (được gọi là Rajavihara) nằm trong quần thể Angkor, được vua Khmer Jayavarman VII xây theo phong cách Bayon (dài 1.000 m, rộng 650 m) để làm tu viện và trường học Phật giáo Đại thừa. Sau khi lên ngôi vào năm 1181, Jayavarman VII bắt đầu tạo dựng các đền đài, tạo nên quần thể kiến trúc vĩ đại với 600 công trình nằm rải rác trong một vùng rừng núi rậm rạp rộng 45km2. Ta Prohm là một trong những ngôi đền đầu tiên được xây dựng vào năm 1186, lãng mạn bậc nhất trong các đền đài ở Angkor. Tương truyền rằng, để xây ngôi đền, nhà vua đã tiêu tốn đến 5 vạn lượng vàng, 5 vạn lượng bạc và vô vàn đá quý để tưởng niệm Hoàng hậu Jayarajachudanami (mẹ vua Jayavarman VII) và người thầy của vua có tên là Jayamangalartha. Vào những đêm trăng sáng, 4 bức tường bằng đá có gắn kim cương quanh ngôi mộ mẹ vua phản chiếu rực rỡ. Sau này, những viên kim cương này cùng với các cổ vật quý giá khác tại ngôi đền đã bị đánh cắp.

Thời thịnh trị, với tên gọi ban đầu Rajavihara (có nghĩa là hoàng gia), đền Ta Prohm có hơn 12.500 dân sinh sống xung quanh. Họ sống thanh bình, có nhiều sản vật, tài nguyên phong phú như vàng, ngọc trai và vải vóc. Cuối thế kỷ 13, những cuộc chiến tranh liên miên xảy ra, cùng với sự chiếm đóng của quân đội Thái Lan, Miến Điện khiến ngôi đền bị tan nát theo thời gian. Vương triều Angkor sụp đổ, đền Ta Prohm dần trôi vào quên lãng gần 700 năm sau đó. Mãi đến đầu thế kỷ XX, cùng với sự hồi sinh của Angkor, đền Ta Prohm được thế giới biết đến như một viên ngọc quý của nhân loại. Vẫn cảnh vật như xưa, những rễ cây Tung và Kơnia ma quái bao trùm lấy ngôi đền khiến những người yếu bóng vía khó có đủ can đảm để bước sâu vào những hành lang dài hun hút.

Từ cổng chính, tôi thả bộ gần 500 mét dưới những tán lá cây tỏa mát. Vài trẻ em bán dạo sách và kỷ vật, một nhóm nhạc công (những nạn nhân bị tàn tật do bom mìn sau chiến tranh) trải chiếu bên lề đường, lặng lẽ ngồi hòa tấu các bản nhạc với nhạc cụ truyền thống của người Khmer. Không gian buồn xen những hoài niệm xót xa về một dĩ vãng thái bình của miền đất Cao Miên hàng ngàn năm trước. Bước qua chiếc cổng nhỏ nằm giữa bức tường thành đá ong cao khoảng 5 mét một bộ rễ cây Tung khổng lồ, bám phủ mái đền đá xanh, chảy tràn ra nhiều hướng như những con rắn thần Naga nơi đền Angkor Wat. Rễ luồn vào cửa hông, vách đá, bò ra khoảng không rồi vươn lên, nối nhau qua các nóc đền, quyện với đá, tạo thành một cảnh quan phế tích tuyệt vời chưa từng có. Tôi như bị hút hồn, đứng ngẩn ngơ, chờ đến lượt đứng vào chụp ảnh với bộ rễ khổng lồ có một không hai trên thế giới. Bên trong, nhiều du khách trầm trồ, nuối tiếc khi được hướng dẫn xem một chiếc linga khổng lồ bị lật ngang, dấu tích còn lại của một cuộc truy tìm báu vật. Loanh quanh một hồi, tôi được một người dân Campuchia dẫn vào bên trong một hành lang dài, tối và ẩm thấp. Tại đây, nếu đập nhẹ tay lên ngực sẽ nghe được tiếng đập vọng phản lại rất mạnh qua những bức tường thành. Người dân địa phương nói rằng, thuở xưa kia, nhà vua sùng đạo Phật, thường đến nơi đây những đêm rằm để cầu nguyện. Có lẽ vì thế, bên trong lối rẽ ngang của hành lang, một vài du khách đứng khấn vái, nguyện cầu quanh các linga và yoni còn sót lại trong đền thờ. 

Có lẽ lần đầu đến đây nên tôi mê mẩn với không khí trầm mặc, u tịch có từ ngàn năm của ngôi đền chứa đầy huyền thoại này. Cho dù đôi bàn chân đã mỏi nhưng mắt tôi vẫn không rời khỏi những đường nét uyển chuyển, sống động của một lối kiến trúc bí ẩn, mê hoặc lòng người. Đến khi bước ra lối vào chính điện, đứng ngắm lại toàn cảnh, tôi vẫn thán phục trước sự lôi cuốn và hấp dẫn đến từ mọi góc cạnh của ngôi đền cổ hoang sơ này.

Rời Ta Prohm trong hoàng hôn tĩnh lặng, tôi trở về trung tâm thành phố. Đường phố đã lên đèn, thấp thoáng những cô gái Khmer lặng lẽ đến chùa để cầu nguyện. Siem Reap dường như huyền ảo, dịu lại hơn sau cơn mưa nhỏ vừa đủ để lòng người chùng xuống. Miền đất xa vắng, yên ả đến lạ thường, thoảng chút gió từ dòng sông Siem Reap thổi về, mơn man một vùng ký ức đẹp lung linh. Ngày mai, tôi lại chia tay những nàng Apsara quyến rũ ở xứ sở Chùa Tháp này, để lại đằng sau miền đất cổ xưa, chôn giấu một nền văn hóa Ăngko đầy bí ẩn.

T.V.K