Khai thác đặc trưng cảnh quan tự nhiên góp phần tạo lập bản sắc đô thị Đà Nẵng - Tô Văn Hùng

04.11.2015

Khai thác đặc trưng cảnh quan tự nhiên góp phần tạo lập bản sắc đô thị Đà Nẵng - Tô Văn Hùng

Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội, giao lưu văn hóa và hội nhập, trong quá trình toàn cầu hóa… đã và đang đặt ra cho đô thị Việt Nam nhiều nhiệm vụ hết sức to lớn trong đó việc tạo lập, giữ gìn và phát huy các giá trị đặc trưng của đô thị là một vấn đề cần được nghiên cứu và giải quyết1. Trong thời gian gần đây, Đà Nẵng nổi lên như một “hiện tượng” về phát triển đô thị trong thời kỳ đổi mới. Xét về tổng thể, quy hoạch đô thị Đà Nẵng đạt nhiều thành quả đáng khích lệ, hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo mối liên kết phát triển khá tốt giữa các hệ thống kinh tế, văn hóa và xã hội. Có thể khẳng định rằng, quá trình hiện thực hóa đồ án quy hoạch Đà Nẵng đã đem lại diện mạo đô thị mới và chất lượng cuộc sống mới. Quyết định mang tính đột phá “bắc cầu sang bờ bên kia sông Hàn” đã đưa đô thị Đà Nẵng vươn ra biển, bao lấy bán đảo Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, chiếm hữu lấy vùng đất bốn bề là nước, dành đất phía sau lưng cho đồng ruộng, cho núi đồi, cho rừng. Phương thức đổi đất lấy hạ tầng đã nhanh chóng hình thành bộ khung hạ tầng của Đà Nẵng chỉ trong một thời gian ngắn, tạo điều kiện để đô thị hôm nay rộng lớn gấp nhiều lần so với quy mô trước đây. Việc giải phóng bờ biển, nối Hải Vân, Sơn Trà với Điện Ngọc, cho biển và bờ cát bao la hòa nhập vào thành phố và giải quyết khá tốt mối quan hệ giữa kiến trúc và thiên nhiên đã tạo ra không gian cảnh quan đô thị hài hòa với thiên nhiên. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng đô thị trên diện rộng có thể có những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và mục tiêu phát triển bền vững đô thị Đà Nẵng, nhất là nguy cơ đánh mất bản sắc đô thị.

Thực trạng tổ chức không gian cảnh quan đô thị Đà Nẵng với những tồn tại

có thể đúc kết thành các vấn đề cụ thể như sau: 

- Sự suy giảm về môi trường sinh thái

Trong thời gian qua, việc mở những tuyến đường đô thị quá lớn và đi quá gần sát với mép biển đã tạo nên sự ngăn cách giữa biển và công trình, nhiều cây số bờ biển vĩnh viễn bị con đường xóa đi. Việc chia lô bán biển, nạn giao đất cho các công ty khai thác các khu nghỉ dưỡng liên tiếp và san sát như bức tường thành bít kín bãi biển trên suốt trục ven biển Hoàng Sa - Trường Sa. Đất đồi núi, rừng cây phòng hộ có nguy cơ rơi vào tình trạng khai thác quá mức. Việc khai thác triền núi Sơn Trà để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, đổ đất lấn biển hay bơm cát lấn sông để tăng quỹ đất tại những vùng đất địa chất yếu diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua làm phá vỡ cấu trúc cảnh quan tự nhiên. Các khoảng không gian trống tự nhiên hoang sơ dần bị xóa sổ, rừng dương trên các đồi cát ven biển đang bị biến mất... Tất cả các điều này sẽ gây nên tác động xấu đến môi trường tự nhiên vốn rất nhạy cảm của vùng đất miền Trung khắc nghiệt2.

- Nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học

Đà Nẵng có mức độ đa dạng sinh học cao ở cả các hệ sinh thái trên cạn cũng như dưới nước, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng: tình trạng xây dựng tràn lan, hệ thống các khu vui chơi, nghỉ dưỡng với khối tích quá lớn cùng với giải pháp vật liệu chủ yếu là bê tông cốt thép sơn phết màu nhảm nhở, vi phạm những nguyên tắc cơ bản về mỹ thuật lẫn kết cấu. Tuyến cáp treo khánh thành với nhiều kỷ lục thế giới, mở ra cho ngành du lịch nhiều cơ hội phát triển tuy nhiên theo nhiều chuyên gia cho rằng, đây là con đường ngắn nhất cho sự xâm phạm môi sinh ở Bà Nà. Tình trạng săn bắt trái phép động vật hoang dã khu bảo tồn sinh thái bán đảo Sơn Trà vẫn đang diễn ra thường ngày. Các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ chưa được kiểm soát tốt3. Hệ thống đường giao thông dày đặc ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã làm chia cắt sự liên tục của một số khu rừng trong khu bảo tồn, điều này đồng nghĩa với nơi sống của các loài động vật rừng, đặc biệt là Chà vá chân nâu bị chia cắt.

- Sự đánh mất chất lượng và giá trị của cảnh quan đô thị

Là vùng đất hội đủ nhiều lợi thế từ vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên, đặc trưng địa hình cho đến văn hóa - lịch sử, kinh tế - xã hội tuy nhiên kiến trúc cảnh quan Đà Nẵng chưa tạo dựng được dấu ấn cảnh quan đô thị đặc trưng. Các dự án quy hoạch đô thị, du lịch bị xé nhỏ, khu biệt thự làm ảnh hưởng đến tổng thể chung. Ở nhiều nơi đường đã mở, mà cuộc sống phố phường thì chưa có sức sống. Chất lượng sống của các trung tâm, các cộng đồng dân cư chưa cao, chưa tạo được bản sắc văn hóa và lối sống riêng cho cộng đồng này; tổ chức không gian cảnh quan đô thị chưa chú trọng đến các xi-lu-et để tạo nét đặc trưng cho đô thị, công trình sơ sài về ngôn ngữ kiến trúc, nhà chia lô đồng đều, nhàm chán làm xấu đi bộ mặt đô thị.

- Hệ thống quy hoạch không bắt kịp với sự chuyển đổi đô thị nhanh chóng

Sau cải cách kinh tế năm 1986, những thay đổi của cấu trúc kinh tế ở Việt Nam từ hệ thống trung ương đến địa phương đã tạo nên những thay đổi lớn. Thành phố Đà Nẵng gồm khu đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh với mật độ dân số trung bình4 ngoại vi là vùng nông thôn rộng lớn chiếm 1/3 diện tích toàn thành phố, tập trung chủ yếu huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, các khu đô thị được mở rộng nhanh chóng ra các vùng ngoại thành, đặc biệt theo hướng Nam và Tây Nam. Mặc dù hầu hết các khu vực này còn trống và dân cư thưa, nhưng các khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng đã bắt đầu phát triển dọc ven biển ở phía Nam. Có thể thấy rõ rằng sự phát triển không gian hiện nay có thể tạo ra sự gia tăng quá mức không gian đô thị. Nếu kiểu phát triển này cứ tiếp diễn, thì nguy cơ xâm hại môi trường cảnh quan thiên nhiên là rất lớn.

- Thiếu sự tích hợp không gian xanh vào quy hoạch đô thị

Không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của thành phố môi trường, đô thị sinh thái, trong đó cấu trúc đô thị luôn hiện hữu các không gian xanh, mặt nước với tỷ lệ phù hợp, thảm xanh có độ che phủ cao. Thực tế cho thấy, hệ thống không gian xanh đã không được xác định như là những thành phần của chiến lược quy hoạch dài hạn cho đô thị Đà Nẵng, điều này thể hiện khá rõ ngay trong các đồ án quy hoạch và trong quá trình triển khai xây dựng các khu vực đô thị. Diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người hiện nay là 5,02 m2, trong khi đó tiêu chuẩn cây xanh bình quân đầu người cho đô thị loại 1 là 10 - 12 m2 (TCVN 362 : 2005). Việc phân chia đất đai hầu hết dành cho xây nhà và giao thông đi lại. Giải pháp quy hoạch thiếu chú trọng bảo toàn hệ thống cấu trúc xanh đô thị, nhất là hệ thống sinh thái tự nhiên (Bà Nà - Núi Chúa, Bán đảo Sơn Trà, vành đai nông nghiệp ven đô thị...). Quy hoạch hệ thống sinh thái tự nhiên chưa được nghiên cứu trong khi đó phân khu chức năng đô thị đã được thực hiện.

Trên cơ sở nghiên cứu đặc trưng hệ thống sinh thái cảnh quan tự nhiên của Đà Nẵng, tiếp thu kiến thức tiên tiến trên thế giới và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị trong thời gian qua, tôi xin đề xuất một số nguyên tắc phân vùng và giải pháp mang tính định hướng góp phần bổ sung cho những phương pháp quy hoạch, thiết kế cảnh quan đô thị hiện nay5 với mục tiêu góp phần tạo lập bản sắc đô thị Đà Nẵng.

1. Tổ chức không gian cảnh quan đô thị ven biển

Với 2 mặt tiếp xúc với biển với chiều dài bờ biển khoảng 30km và đường bờ biển dài ôm trọn thành phố, Đà Nẵng có điều kiện để xây dựng các không gian kiến trúc cảnh quan mang đậm sắc thái đô thị Biển. Vịnh Đà Nẵng có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều tiết khí hậu của thành phố, có tác dụng như một kênh dẫn gió từ biển vào thành phố và đưa không khí từ thành phố ra biển.Tuy nhiên, đây cũng là nơi hứng chịu khá lớn sức tàn phá của gió bão. Ngoài ra, lịch sử phát triển đô thị đã hình thành các khu làng nghề gắn với các không gian lễ hội truyền thống, đây cũng là yếu tố tạo nét đặc trưng và thu hút du lịch.

Cấu trúc không gian cảnh quan có đường biên tự nhiên theo hình dạng mặt nước. Thực tiễn cho thấy không nên phát triển công trình kiến trúc bám sát suốt chiều dài mặt tiền của biển, mà nên ưu tiên phát triển theo các cụm tập trung và đưa một số trung tâm vào sâu hơn trong đất liền. Xu hướng phát triển bám sát suốt chiều dài mặt biển, ngăn cản người dân tự do ra biển, là xu hướng quy hoạch giúp thu hút lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, nhưng thật sự lại gây thiệt hại lâu dài cho thành phố và người dân địa phương. Cách phát triển nhiều khu đô thị phân tán dọc mặt tiền biển không phải là giải pháp hữu hiệu về mặt kinh tế, vì giá thành xây dựng hệ thống hạ tầng, công tác quản lý bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trở nên khó khăn hơn. Bãi biển phải được xem như khu vực công cộng. Cần đảm bảo ít nhất trên 50% khu vực mặt tiền biển là khu vực bảo tồn thiên nhiên, không xây dựng dự án du lịch. Cần trồng lại dải cây xanh phòng hộ ven biển để giảm thiểu các tác hại của bão. Bên cạnh các khu bảo tồn sinh thái, cần tổ chức những công viên xanh song song với việc hạn chế diện tích bê tông hóa không cần thiết, không những làm cho đô thị nóng lên mà còn là nguyên nhân làm bạc màu đất đai đô thị. Ngoài ra, Biển Đà Nẵng bình quân một năm phải gánh chịu trên 10 cơn bão, bão đổ bộ vào ven biển thường kèm theo nước dâng, phát sinh do cơ chế hiệu ứng nước dồn khi gió thổi mạnh, đồng thời phụ thuộc vào sự giảm khí áp. Nước dâng phụ thuộc vào tốc độ gió, hướng gió, tốc độ di chuyển của bão và địa hình đáy biển vùng ven bờ. Tốc độ gió trong bão càng mạnh, hướng của gió càng thẳng góc với đường bờ thì ảnh hưởng của bão càng mạnh. Việc mở tuyến đường chạy dọc biển thiếu khoảng lùi cần thiết để tạo khoảng đệm cây xanh phòng hộ là một sai lầm. Thực tế chúng ta không thể thay đổi hay dịch chuyển nhưng tổ chức lại hệ thống chức năng dọc tuyến là điều nên làm: thay đổi cơ cấu tuyến tính bằng dạng tập trung theo nhóm, xen lẫn là mảng xanh giúp cản gió và hạn chế xâm thực của hơi mặn, tổ hợp nhà cao tầng với chức năng khách sạn, văn phòng, khu phức hợp tại các nút quan trọng tạo điểm nhấn không gian và hạn chế tác động gió bão cho khu dân cư ở lớp sau, phân đoạn thích hợp tuyến cảnh quan ven biển kết hợp công trình kiến trúc nhỏ, giải pháp trang trí, cây xanh, chỗ nghỉ chân... nhằm tăng cường hoạt động chức năng và thuận lợi cho người đi bộ.

2. Tổ chức không gian cảnh quan đô thị ven sông

   Hệ thống sông ngòi của Đà Nẵng cơ bản gồm có 2 hệ thống sông Hàn và sông Cu Đê với hình dạng răng lược, các nhánh suối nhỏ và dốc ở thượng nguồn đổ vào các sông chính, xuôi ra cửa biển. Không gian cảnh quan đô thị gắn với yếu tố nước đa dạng, là cơ hội có thể phát triển nhiều loại hình quy hoạch kiến trúc đa dạng. Công cuộc xâm lược của thực dân Pháp về một phương diện nào đó đã tạo ra một cú hích cho công cuộc đô thị hóa thực dân ra toàn cõi Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Từ hai con đường chính dọc Sông Hàn, cấu trúc đô thị Đà Nẵng dần phát triển và làm cho phong phú hơn. Các con đường lần lượt được mở rộng nhưng xu thế hướng dần ra sông, ra biển thì không hề thay đổi. Các cây cầu liên kết hai bờ sông với nhau biến sông Hàn trở thành một dòng sông đô thị đồng thời trả lại ý nghĩa ban đầu của nó như một trục tổ hợp bên trong thay vì như một ranh giới bên ngoài đô thị. Và để làm rõ hơn ý nghĩa của nó, trục đô thị tự nhiên này được tăng cường bằng cách thêm nhiều công trình mới, tổ chức các tuyến cảnh quan ven sông… hình thành nên nội thất đô thị. Tuy nhiên, tổ chức hình thái không gian cảnh quan khu vực ven sông, hồ trong thời gian đến cần chú trọng các nguyên tắc:

- Tận dụng sự chia cắt về không gian đô thị của dòng sông nhằm tạo lập không gian kiến trúc đặc trưng 2 bên bờ Đông và Tây: Bảo tồn các giá trị kiến trúc bản địa ở khu vực phía Tây sông Hàn; Phát triển hình thái kiến trúc hiện đại, tạo diện mạo mới cho khu vực phía Đông sông Hàn.

Thực trạng xen cấy các chức năng thương mại, dịch vụ trên tuyến cảnh quan có tính lịch sử này và có xu hướng ngày càng gia tăng cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều công trình kiến trúc cao tầng là nguy cơ gây tình trạng vượt “ngưỡng sinh thái”. Hay thực trạng quy hoạch với lối chia lô mặt tiền đã phá vỡ cấu trúc cảnh quan tuyến ven sông. Bên cạnh đó, hình ảnh của hệ thống quảng cáo càng tạo nên một hình ảnh kiến trúc xô bồ, nhếch nhác... là nguyên nhân chính góp phần đánh mất giá trị cảnh quan của dòng sông Hàn vốn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có nghiên cứu một cách nghiêm túc, trên cơ sở hài hòa các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.

- Tổ chức giao thông đường thủy phục vụ du lịch, các dịch vụ ven bờ không gây ô nhiễm môi trường sinh thái dòng sông. Tổ chức giao thông đi bộ và giao thông công cộng thuận tiện nối kết hai bên bờ sông với nhau, hoặc từ biển đến sông. Phân luồng và tổ chức giao thông trên tuyến ven sông cũng là yếu tố quan trọng đến hiệu quả khai thác không gian.

- Khai thác hình thức chiếu sáng các công trình kiến trúc (cầu qua sông Hàn, kiến trúc cao tầng) hay đường phố ven sông mang lại giá trị thẩm mỹ cảnh quan về đêm, góp phần thu hút hoạt động cảnh quan tạo nên sức sống cho đô thị du lịch. Tuy nhiên, việc lạm dụng về số lượng và hình thức chiếu sáng có nguy cơ gây nên tình trạng ô nhiễm thị giác. Đảo bảo tính hài hòa giữa không gian cảnh quan tự nhiên và các nhân tố nhân tạo, các nguyên tắc đảm bảo cân bằng thị giác, cảm thụ thẩm mỹ không gian...cần được chú trọng trong các giải pháp can thiệp không gian cảnh quan khu vực này.

3. Tổ chức không gian cảnh quan đô thị đồi núi

Đà Nẵng là một thành phố mà yếu tố núi và nước đều tụ và khởi xuất từ phía Tây. Núi tỏa từ Tây sang Đông. Có 3 mạch núi chạy từ phía Tây sang Đông. Nhánh trên cùng tụ lại tại dãy Sơn Trà, dãy giữa nhô lên tại Bà Nà, tụ xuống trung tâm Đà Nẵng, dãy dưới chạy từ phía Tây Nam bọc lại. Cũng như các đô thị biển khác, khu vực ưu tiên phát triển trong giai đoạn phát triển mở rộng là khu vực gần bờ biển cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

- Các công trình kiến trúc có tầng cao trung bình với các loại hình dịch vụ, nhà ở tập trung nhiều vào các khu vực này. Đối với hướng nhìn từ biển thì các công trình này đóng vai trò yếu tố “Hình” chủ đạo của không gian, còn dải Hải Vân, bán đảo Sơn Trà như tấm phong hình nền màu xanh đóng vai trò yếu tố “Nền”. Hình và nền góp phần tạo dựng một bóng dáng đô thị đặc trưng cho Đà Nẵng. Nền với đường chân trời là đồi núi sẽ góp phần làm mềm mại những tháp bê tông, các trục đường phố mới mở khô cứng thẳng tắp.

- Chú trọng nét mềm mại của thế núi sẽ góp phần dung hòa tính chất khô cứng của đường phố và các khối nhà cao tầng xen kẻ với khoảng xanh của biển và bầu trời. Đặc biệt, với nét uốn lượn của dãy Hải Vân làm nền cùng với tổ hợp khu cao tầng dọc bờ biển tuyến Nguyễn Tất Thành sẽ tạo nên một hình ảnh đặc trưng cho Đà Nẵng.

- Khu vực Bán đảo Sơn Trà ở độ cao dưới 50m với đặc trưng dốc thoải phù hợp với một số mô hình khu nghỉ dưỡng cao cấp xen lẫn với nhà ở kiểu biệt thự mái dốc bám dọc theo sườn núi. Tuy nhiên, mật độ khai thác hạn chế và có giải pháp gìn giữ nguyên vẹn hệ sinh thái tự nhiên khu vực bán đảo, nhất là bảo tồn các loài sinh vật quý hiếm trong khu vực này.

- Thiết kế cảnh quan lấy ngọn Ngũ Hành Sơn lịch sử làm trung tâm phát triển khu Tây Nam (Việc đóng khung và chia cắt ngọn núi như hiện tại đã phá hủy cảnh quan tự nhiên vốn có); Lấy bán đảo Sơn Trà tạo yếu tố “nút” cho không gian phía Đông và ngọn Núi Bà Nà là điểm hội tụ phía Tây thành phố.

4. Tổ chức không gian cảnh quan đô thị giao thoa giữa núi, sông và biển

Đặc trưng hình thái không gian

cảnh quan đô thị Đà Nẵng là sự giao thoa của các yếu tố tự nhiên núi, sông và biển với bầu trời xanh làm phong hình. Về hình thái không gian cảnh quan cơ bản hình thành dựa trên 2 hệ thống cấu trúc giao thông:

- Cấu trúc thứ nhất: Các hệ thống chạy dọc biển từ dãy Sơn Trà tới Ngũ Hành Sơn và từ Sơn Trà ngược về biển Nam Ô. Đây là hệ thống kết nối cấu trúc không gian cảnh quan núi - biển.

- Cấu trúc thứ hai: hệ thống đường phố chạy từ đất liền ra biển, nối biển với sông. Đây là hệ thống kết nối cấu trúc không gian cảnh quan sông - biển.

Cả hai hệ thống này kết nối với nhau thành một cấu trúc hỗn hợp, mang trong mình thông điệp nhận thức rõ ràng: sông - núi - biển là một hệ thống cảnh quan tự nhiên hài hòa, không tách biệt mà lại đan xen hòa quyện vào nhau. Giải pháp thiết kế cảnh quan đô thị Đà Nẵng phải chú trọng sự liên kết mang tính tổng thể này.

Kết luận

Những thành công trong thời kỳ đầu của quá trình đô thị hóa mở rộng đã mang lại cho Đà Nẵng nhiều thành quả vượt bậc, nhưng trong giai đoạn hiện nay, đô thị hóa chuyển đổi theo chiều sâu, thì việc thiếu kiểm soát trong khai thác tài nguyên dẫn đến nguy cơ phá vỡ cấu trúc cảnh quan tự nhiên, vốn là tài sản vô giá không thể tái tạo lại được. Sự thành công của việc tổ chức không gian cảnh quan đô thị chính là tạo nên được các sắc thái riêng của không gian, khai thác được tính đặc trưng của cảnh quan tự nhiên để phối kết trong tạo lập không gian đô thị hiện đại, văn minh. Điều này đòi hỏi các nhà chuyên môn, quản lý đô thị phải cập nhật hệ thống lý thuyết về kiến trúc cảnh quan tiên tiến, những hiểu biết sâu sắc về hệ thống sinh thái cảnh quan, đồng thời nhất thiết phải có sự rung động và xúc cảm khi thực hiện các đồ án cảnh quan và vượt lên trên cả là tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ mai sau.

 

1 GS.TSKH.KTS Nguyễn Mạnh Thu.

2 Tô Văn Hùng (2010) “Tổ chức Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc cho thành phố Đà Nẵng trong tương lai”, Đề tài NCKH cấp Bộ MS B2010-ĐN01-24.

3 Nguyễn Thị Tường Vy, Võ Văn Minh, Nguyễn Văn Khánh (2010) Tổng quan về đa dạng sinh học ở thành phố Đà Nẵng và một số định hướng bảo tồn, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Đà Nẵng; Số: Tập 1, số 5 (40).

4  Theo Viện QH & XD Đà Nẵng, mật độ dân số Đà Nẵng năm 2010 là 721,52 người/km2.

5 Tô Văn Hùng (2015),  “Tổ chức KTCQ đô thị theo hướng sinh thái - lấy Đà Nẵng làm địa bàn nghiên cứu”, LATS, Hà Nội

 

T.V.H