Thăm Phật viện Đồng Dương - Trương Văn Khoa
Phật Viện Đồng Dương cách nhà không xa lắm nên thời thơ ấu, tôi thường đến vào buổi chiều. Hoàng hôn nơi đây đẹp và buồn. Ngày ấy, chừng 14 tuổi, một mình len lỏi dạo quanh những đền đài đổ nát, tôi lang thang ra Ao Vuông để ngắm sen nở. Bà tôi kể rằng, những người Chăm đã đào ao này để lấy đất sét làm gạch
xây nên tháp Đồng Dương. Hồ trong vắt, hình vuông, rộng khoảng 4 ha, án ngữ ngay trước cổng Tháp Sáng. Không gian điêu tàn, cô quạnh gợi nhớ lại miền đất Chăm Pa thuở xưa.
Thành phố lộng lẫy của thần Indra
Phật viện Đồng Dương là một di tích quan trọng bậc nhất của vương quốc Chăm Pa, bao gồm các hệ thống tháp nằm gần nhau ở làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Vào thế kỷ thứ 9, năm 875, vua Chăm Indravarman II cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Vua Indravarman II, người sáng lập ra triều đại Indrapura đã thúc đẩy Phật giáo phát triển mạnh khắp vùng bắc Chăm Pa. Chính vì thế, gần nửa thế kỷ kể từ năm 875 đến năm 915, triều đại này đã để lại nhiều công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc, được các nhà khoa học đặt tên là giai đoạn Đồng Dương hay phong cách Đồng Dương. Có thể nói rằng, Đồng Dương là một quần thể kiến trúc Phật giáo Chăm Pa lớn nhất Đông Nam Á. GS Lê Duy Sơn (trường Đại học Khoa học Huế), người có nhiều năm nghiên cứu về tháp Chăm nói chung và Phật viện Đồng Dương nói riêng đã cho biết, nơi đây từng được ca ngợi là một "thành phố trang hoàng lộng lẫy như thành phố của thần Indra trên thiên giới".
Năm 1901, L.Finot, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật tìm thấy ở Đồng Dương. Trong đó, có tượng Phật bằng đồng cao 108 cm mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM. Một năm sau đó, năm 1902, H. Pamentier, nhà khảo cổ học người Pháp tiếp tục khai quật khu Đồng Dương và tìm thấy khu kiến trúc chính của thánh địa này cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá khác,…Theo H. Pamentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, kéo dài khoảng 1.300 m. Khu đền thờ chính Đồng Dương hình chữ nhật kích thước (155 mét x 326 mét) gồm có ba nhóm kiến trúc được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch kế tiếp nhau theo trục từ tây sang đông. Trong ba cụm đó, cụm phía Tây và cụm phía Đông còn lại nhiều dấu tích kiến trúc và điêu khắc.
Cụm phía Tây gồm tháp thờ trung tâm, các tháp phụ và điện thờ nhỏ. Các tháp nằm dọc theo chân tường bao quanh. Tháp thờ chính là loại tháp tầng truyền thống của Champa gồm nền, thân và các tầng. Quanh tường của nền tháp chính được trang trí bằng các hình tháp và hình đầu voi xen kẽ nhau. Nội thất của tháp hình vuông, có hai ô khám lớn ở mặt Bắc và mặt Nam. Gian thờ có một đài thờ lớn bằng đá, đây là một trong những tác phẩm điêu khắc lớn đẹp, có giá trị về Phật giáo. Ngoài ngôi tháp thờ chính còn có dấu tích của các kiến trúc khác như: Tháp Nam, tháp Bắc, tháp Tây Nam, tháp Tây Bắc, tháp Trung tâm, tháp cống, ngôi nhà dài và các miếu thờ nhỏ quanh các chân tường,…
Cụm phía Đông bao gồm ngôi nhà dài, một trong những kiến trúc quan trọng nhất, chạy theo hướng Đông – Tây có mở hai cửa ra vào ở hai đầu hồi Đông và Tây. Gian nhà được chiếu sáng bằng hai dãy cửa sổ ở hai phía tường dài. Mặc dầu không để lại nhiều dấu tích kiến trúc và điêu khắc nhưng nhiều tượng Dvarapala bằng đá là những tượng môn thần đẹp và gây ấn tượng nhất không chỉ của Đồng Dương mà còn cả lịch sử nghệ thuật Chăm Pa. Cụm phía Đông là khu kiến trúc có chức năng như một tu viện Phật giáo thực thụ. Tại cụm này, ngoài ngôi nhà dài không có một dấu tích ngôi tháp nào. Gian nhà dài được dựng trên hai dãy tám cột, có hai cột chính lớn, các cột đều bằng gạch và vuông. Đài thờ Vihara nằm ở cụm này có tượng Phật Thích Ca ngồi trên ghế, hai bàn tay đặt trên đầu gối theo kiểu vua Chăm Pa ngồi trên ngai vàng. Mặt trước của bệ tượng được trang trí một nhân vật có bốn đầu và tám tay. Xung quanh tượng Phật có các tượng La Hán, tu sĩ đứng và quỳ. Đền thờ chạm trổ những cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời của Phật Thích Ca.
Cụm Trung tâm, kiến trúc đã đổ nát gần hết, chỉ để lại dấu tích các bức tường, thềm cửa.
“Báu vật” của nữ thần Đồng Dương
Năm 1978, người dân huyện Thăng Bình (Quảng Nam) xôn xao vụ cổ vật “đồng đen” ở xã Bình Định. Một nhóm người dò tìm phế liệu tại Đồng Dương đã tìm thấy một bức tượng bằng đồng thau, cao 114 cm, nặng chừng 100 kg. Pho tượng được tìm thấy là một phụ nữ, có gương mặt tròn, mái tóc được búi cao hình chóp, phía trên có hình Phật, giữa trán có con mắt thứ 3. Thân trên của tượng để trần, bộ ngực lớn và tròn, thân dưới tượng mặc sarong dài chấm mắt chân, tấm choàng xếp nếp hình luống cày, cuộn vào trong lật một múi ra ngoài. Bức tượng đứng thẳng, hai tay để trần dọc theo thân, cánh tay đưa về phía trước. Theo các nhà nghiên cứu, đây là bức tượng Bồ tát Laskmindra-Lokesvara, bức tượng Nữ thần bằng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Chăm Pa, quan trọng nhất ở Đông Nam Á.
Người dân xã Bình Định (huyện Thăng Bình) lưu giữ bức tượng này trong suốt một thời gian dài như là một tài sản vô giá của làng. Ba năm sau đó, năm 1981, thông tin bị tiết lộ ra ngoài, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ra quyết định thu hồi. Các ngành chức năng yêu cầu người dân phải giao nộp và đưa bức tượng ra Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa Đà Nẵng để lưu giữ. Lúc bấy giờ, có thông tin cho rằng bức tượng là tài sản riêng của làng, hiện không được Nhà nước quản lý mà đã rơi vào tay cá nhân nào đó nên nhiều người dân ở Đồng Dương đã khiếu kiện. Để giải quyết tình trạng rắc rối này, các Ban, Ngành ngày ấy đã cho xe đưa tất cả những người khiếu kiện ra tận Đà Nẵng để “tai nghe, mắt thấy” cổ vật của làng đang bảo quản tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Pa.
Một chi tiết đáng chú ý, hai tay của tượng đã biến mất trước khi các cơ quan chức năng tìm thấy. Theo một người dân trong làng, khi đào lên, một tay bức tượng cầm nhánh cau, tay kia cầm một quả đào (quả lựu)? Sau này, một cụ già trong làng, người chứng kiến dân làng đào bức tượng nữ thần vào năm 1978 cho biết, vật cầm trên tay của bức tượng không phải là nhánh cau với quả đào mà là hai búp sen. Điều này đúng với nhận định của các nhà nghiên cứu Chăm Pa. Đến bây giờ, dư luận ở địa phương cho rằng, báu vật trên tay của bức tượng ấy đã được UBND xã lưu giữ đến nhiều đời Chủ tịch. Người dân trong làng đến giờ cũng không biết “báu vật” bằng vàng đó đang ở đâu?
Kể từ ngày ấy, làng Đồng Dương rộ lên “cơn sốt” tìm kiếm kho báu, vàng bạc, cổ vật,…Người trong làng và những nơi khác đổ về đào bới, tàn phá các di tích, mồ mả của người Chăm. Giờ đây, cả một tòa tu viện Phật giáo uy nghi, lộng lẫy giữa đô thành của vương triều Indrapura – Chăm Pa chỉ là một phế tích, hoang tàn và tan nát theo thời gian.
Những bí ẩn về Ao Vuông ?
Những đêm trăng sáng, ngồi nghe các cụ già trong làng kể về cổ vật, vàng Hời, những nấm mộ hình mu rùa đầy ma quái của người Chiêm Thành, tuổi thơ tôi cứ cuốn hút bởi những câu chuyện cổ tích về một miền đất thánh gần 500 năm. Ngoài những câu chuyện kể về Phật Viện Đồng Dương, tôi còn nghe nhiều “đồn thổi” quanh hồ nước huyền bí này.
Lúc bấy giờ, trong làng, nhiều người dân thường bị đau nặng khi họ vô tình tắm rửa, bơi lội ở hồ nước mát lạnh đến rợn người này. Mỗi lần như thế, họ thường sốt li bì, mê sảng mấy ngày liến, có người chết. Ba tôi chỉ một lần rửa mặt ở Ao Vuông vào buổi trưa, sau phát bệnh, đau đến 3 tháng mới qua khỏi. Bởi thế, nỗi ám ảnh về hồ nước “ma quái” đó cứ theo tôi mãi đến giờ. Mỗi lần về thăm quê, tôi không bao giờ bước chân xuống Ao Vuông cho dù nó rất quen thuộc. Trong ký ức, hồ nước ngày ấy rộng chừng 4 ha, mọc đầy sen, nở hoa thơm ngát vào mùa hè (bây giờ có thể xem hình chụp từ trên cao bằng kỹ thuật Google Earth). Ao Vuông nằm sau lưng UBND xã Bình Định Bắc, cách cổng Tháp Sáng khoảng chừng 500 m về hướng Đông. Đáng chú ý, đất sét quanh hồ rất tuyệt, dẻo và mịn màng. Tôi thường lấy đất về để nặn tượng (một trò chơi của trẻ con miền quê). Mỗi lần như thế, tôi rất sợ, lén lút vì bà tôi nghiêm cấm những đứa trẻ trong gia đình “lấy trộm” đất của người Chiêm Thành.
Truyền thuyết kể rằng, chính người Chăm đã đào Ao Vuông để lấy đất sét, làm ra những viên gạch đầu tiên, xây dựng nên Phật Viện Đồng Dương. Người dân họ Trà sống quanh Phật Viện Đồng Dương khẳng định, cha ông của họ xưa kia đã lấy đất sét từ khu vực ao Vuông để làm gạch xây tháp. Không biết nung bằng công nghệ gì nhưng đến nay, gạch vẫn còn nguyên vẹn, không mục nát, đóng rêu. Sau này, các nhà địa chất của công ty gạch men Cosevo phát hiện nơi đây là mỏ cao lanh chất lượng cao. Họ tập trung khai thác, phá nát những cảnh vật đẹp đã tồn tại hàng trăm năm trước
Phía Nam Phật Viện Đồng Dương có một suối nhỏ gọi là Ruột Gà. Lúc nhỏ, tôi rất sợ đi dọc theo con suối này vì người già trong làng kể, nơi đó là lò thiêu xác của người Chăm. Họ kể rằng, vào những đêm trăng lạnh, ma Hời thường hiện hồn về, rên la rất thảm thiết, thương xót cho một dĩ vãng thái bình của Chiêm Thành. Sau năm 1975, dân tìm vàng lùng sục, phát hiện dấu tích những lò gạch dọc theo suối Ruột Gà. Một số chuyên gia cho rằng, đó là lò nung gạch hoặc luyện vàng của người Chiêm Thành trong quá trình xây dựng công trình.
Một câu chuyện cuốn hút tôi là “đường ngầm” nối giếng cổ với Ao Vuông. Một hậu duệ của người Chăm nhớ lại, cách đây gần 40 năm, khi giếng cổ chưa bị lấp, nước đầy, trong và mát lạnh. Giếng không bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán nhất. Dân trong làng thường lên đây lấy nước về dùng. Giếng cổ chính là nơi người Chăm dùng lấy nước để rửa tượng Phật, sinh hoạt cho toàn Phật Viện. Giếng không đáy. Đúng giữa giờ Ngọ (12 giờ trưa), nếu ai đó thả trái bưởi, chừng 1 tiếng đồng hồ, nó sẽ nổi lại ở Ao Vuông.
Giải thích về sự huyền bí này, một cụ già tộc Trà trong làng cho biết, dưới lòng Phật Viện có một “đường ngầm” nối Ao Vuông với Tháp Giếng. Tháp nằm phía sau Tháp Sáng, cách Ao Vuông chừng 1km về hướng Đông. Ông nhớ lại, lúc nhỏ ông thường trèo lên Tháp Giếng. Tháp cao 5 m, mỗi cạnh rộng khoảng 1m. Tháp được xây nhiều tầng cấp để người lấy nước có thể đi lên trên miệng giếng. Cụ giải thích, nước giếng không bao giờ cạn là do nó được thông với Ao Vuông. Sau này, nhiều giả thuyết cho rằng, “đường ngầm” ở Đồng Dương có thể là con đường thoát hiểm của hoàng tộc. Một quan điểm khác nhận định, đây là một kỹ thuật cấp nước cho giếng. Với nguyên lý “bình thông nhau" cùng kỹ nghệ phát triển, người Chăm đã đúc những ống gốm dẫn nước, rồi đặt ngầm, nối nhau trong lòng đất. Những ống này sẽ lấy nước từ khu vực nước có chất lượng, cao trình bằng với cao trình nước mà họ muốn khống chế.
Hè năm 1986, một số người hiếu kỳ quyết tát cạn Ao Vuông để xem đường ngầm này. Họ dùng máy bơm hút cạn ao. Đáy Ao Vuông lộ ra, đầy cá, có những con cá lóc to, đen thui, nặng trên 10 kg. Tuy nhiên, trên đầu cá có nhiều ký tự ngoằn ngoèo bằng chữ Phạn, có những con có dấu chữ thập (?). Dân làng sợ “cá thần”, bèn thả xuống lại, thắp hương cầu khấn để “tai qua, nạn khỏi”. Kể từ ngày ấy, chẳng ai dám đánh bắt hoặc câu cá ở hồ nước của người Chiêm Thành kể cả khám phá con “đường ngầm” dưới lớp bùn đen dày cả thước.
Sau này, giếng cổ bị vùi lấp. Người dân vùng này không còn ai có ý tưởng tát nước ở Ao Vuông để đi tìm sự thật. Suối Ruột Gà cũng trở nên hoang vắng, không dấu chân người. Những điều bí ẩn cách đây hàng trăm năm của người Chiêm Thành về Phật Viện Đồng Dương đã không còn ai nhắc đến.
Vàng Hời
Những người “đụng” vào vàng của người Chiêm Thành đều phải chết bi thảm. Đó là lời nguyền được truyền miệng từ xưa đến nay của người dân Thăng Bình. Những ngôi mộ bí ẩn hình mu rùa nằm rải rác ở các miền đất hẻo lánh, ẩn giấu những câu chuyện rùng rợn ám ảnh mãi tôi suốt thời niên thiếu.
Khi chết, người Chăm được hỏa thiêu, họ không “địa táng”. Do vậy, dân tìm vàng, cổ vật cho rằng, người Chăm làm những ngôi mộ như vậy để ngụy trang, cất giấu vàng. Bởi thế, sau 1975, dân các nơi đổ về Đồng Dương lùng sục, phá tan mồ mả, đền đài của người Champa trong suốt một thời gian dài. Năm 1990, tại một ngôi làng nhỏ, nhóm 4 người đã tiến hành khai quật một ngôi mộ hình mu rùa. Cả đêm đào bới, họ chỉ thấy cát trắng tinh dưới huyệt mộ. Cách đó không xa, một nhóm tìm vàng khác đã phát hiện dưới đáy huyệt một đường hầm có đường kính khoảng 1m sâu hun hút hướng về vách núi. Không tìm thấy vàng, họ bò vào đường hầm bí ẩn này. Do quá sâu, thiếu dưỡng khí, những người kinh nghiệm đã quay trở lại, lấp mộ, chờ cơ hội khai quật một lần nữa. Sau này, khu mộ cùng đường hầm xuyên núi này đã ngập chìm dưới lòng hồ chứa nước Đông Tiển. Không tìm thấy gì từ những ngôi mộ Chăm, họ tiếp tục đào bới dọc suối Ruột Gà, dịch xuống núi Ngang để tìm những mảnh vàng, đồ trang sức và châu báu bị vùi sâu trong những đống gạch đất. Những năm sau đó, các ngôi mộ Chăm lần lượt bị đào bới. Đến nay, hầu hết các ngôi mộ cổ hình mu rùa của người Chiêm Thành gần như bị xóa sổ bởi những kẻ săn vàng Hời. “Giấc mộng vàng” kéo dài trong một thời gian dài với sự tham gia của hàng ngàn người. Vùng đất Đồng Dương tan hoang kể từ ngày ấy.
Cuối năm 1988, ông T (Lò Sứ, xã Bình Quý, Thăng Bình) phát hiện một chiếc ấm bằng vàng sau một lần rà tìm phế liệu. Chiếc ấm được bán cho một tiệm vàng ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình). Ông T giàu lên, bỏ nghề rà tìm phế liệu. Chuyện “hủ vàng” lộ thiên lan truyền, khiến nhiều kẻ săn vàng trở lại Phật Viện Đồng Dương để tìm kiếm. Sau đó không lâu, một lần đi dọc quốc lộ 1A, ông T bị tai nạn, chết không toàn thây. Lời nguyền về cái chết do người Hời đòi lại vàng lại được nhắc đến một lần nữa.
Người dân ở thị trấn Hà Lam cũng không quên cái chết do tai nạn kinh hoàng của con một chủ tiệm vàng lớn, nơi chuyên thu mua vàng từ tháp cổ Đồng Dương. Nhờ một người tộc Trà mách bảo, chủ tiệm vàng bí mật đem tất cả số vàng Hời đã mua được chôn trở lại chân tháp cổ. Kể từ ngày ấy, gia đình của họ mới bình yên, bản thân chủ tiệm vàng “tai qua nạn khỏi”. Một lần, có vị khách sang trọng đi xe biển số Hà Nội đến Phật Viện Đồng Dương để tham quan. Thấy Tháp Sáng còn sót lại một phần bức phù điêu có hoa văn rất đẹp, ông bèn cạy lấy mang về làm kỷ niệm. Không biết chuyện gì đã xảy ra, người khách đó đã vội vàng từ Hà Nội quay trở lại Đồng Dương, âm thầm trả lại những gì đã lấy. Cách đây không lâu, có 2 “đại gia” Đà Nẵng lên tận Đồng Dương mua tượng Chăm cổ, trên đường về ban đêm, họ đã đâm vào trụ điện. Tai nạn khủng khiếp ấy khiến một người chết, một người bị trọng thương.
Những câu chuyện tương tự như vậy được đồn thổi, truyền miệng ngày càng ly kỳ, ma quái và đầy ám ảnh khiến nhiều người phải run sợ. Người họ Trà ở Đồng Dương khẳng định, chỉ có họ mới được quyền lấy tài sản của người Chăm với điều kiện sử dụng tại chỗ. Nếu mang ra khỏi khu vực, họ sẽ gặp nạn ngay lập tức cho dù chỉ là một viên gạch. Lời nguyền của người Chiêm Thành về vàng Hời và cổ vật được truyền tụng. Người dân quê tôi ngày ấy mỗi lần qua Tháp Sáng đều cúi đầu, không dám liếc mắt nhìn vì sợ những tai họa khôn lường sẽ giáng xuống đầu họ bất kỳ lúc nào.
Phương án trùng tu
Jeanne Leuba, một học giả Pháp chuyên nghiên cứu lịch sử, văn hóa Champa, đã viết: “Một trong số rất nhiều những chủng tộc bí hiểm ở phương Đông cho đến ngày nay vẫn còn rất ít người biết đến, một trong những chủng tộc lý thú nhất mà nguồn gốc chính thức của họ vượt khỏi sự hiểu biết hiện nay của chúng ta, một dân tộc mà sự phát triển qua một thời đại đã bị xáo trộn bởi các dân tộc lớn, một dân tộc mà cho đến ngày nay chúng ta đang nghiên cứu các di tích.... Đó là dân tộc Chăm”.
Năm 2000, Phật viện Đồng Dương được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia. Thế nhưng những gì còn lại của di tích này chỉ là một mảng tường tháp cổng (dân địa phương gọi là “Tháp Sáng”), nền móng và các dấu vết kiến trúc. Tất cả đã bị tàn phá bởi con người và thời gian.
Theo GS Hoàng Đạo Kính, việc phục dựng lại di tích Phật viện Đồng Dương hoàn toàn không đơn giản. Nếu trùng tu thánh địa Mỹ Sơn là công việc thách thức cho các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế thì Đồng Dương sẽ vô cùng gian nan. Cái khó của di tích Phật Viện Đồng Dương là sự hoang tàn, đổ nát gần như bình địa. Tài giỏi, cẩn trọng và nhiệt huyết như các nhà trùng tu H.Slimann, N.Balanos cũng phải đắn đo lắm mới dám chạm tay vào. Theo ông, điều đầu tiên là chúng ta cần phải nhìn nhận đây là một di tích lịch sử, là chứng nhân tiêu biểu và đặc sắc nhất, có một không hai, chứa đựng những thông tin được thể xác hóa. Phật Viện Đồng Dương, nếu ta giải mã được, sẽ là nguồn tri thức về một nền văn minh đang trôi tuột vào dĩ vãng. Công việc phục chế, trùng tu phải theo bài bản khảo cổ học kinh điển, tiếp cận tổng thể, đồng bộ, tránh sự thiên vị về phương diện này hoặc quan điểm kia, đề cao tính khách quan lịch sử, dành chỗ cho con cháu mai sau tiếp tục công cuộc thâm nhập vào dĩ vãng mà không bị làm cạn kiệt.
Tháng 8 năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã có một cuộc hội thảo bàn về công tác quy hoạch, khôi phục lại khu di tích Phật viện Đồng Dương. Đây là một đề tài nghiên cứu vô cùng giá trị của các nhà khoa học và các cơ quan chức năng về văn hóa, kiến trúc lịch sử Chăm-Pa và nhân loại. Chúng ta phải có cách ứng xử chuyên biệt và khoa học đối với di tích như cách nói của TS Trương Quốc Bình: “Trước hết phải đối xử với di tích quốc gia Đồng Dương theo đúng quy định của Luật Bảo vệ di sản, tạo ra nhận thức rộng rãi từ người dân địa phương đến các cộng đồng rộng lớn hơn”. Mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn, tiến hành khai quật và trùng tu. Sau những cuộc hội thảo khoa học, chính quyền và các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương phải bắt tay vào công việc với thái độ nghiêm túc, cầu thị để thực hiện cho bằng được công trình khoa học này: “Phải cứu cho được, giữ cho được nhưng không tùy tiện mà phải có bước đi thật khoa học, lập tư liệu khoa học lưu trữ, coi Đồng Dương là di tích kiến trúc – khảo cổ học. Khảo cổ và bảo quản trùng tu phải tiến hành đồng thời. Không thể khai quật rồi để đấy, phải giữ được hiện trạng và càng phải ít can thiệp để tránh nhầm lẫn, tránh làm giả di tích!” (GS Hoàng Đạo Kính). Phát biểu về công việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả đã khẳng định quyết tâm “Trước mắt tỉnh sẽ lập đề án, khoanh vùng, khảo cổ bảo quản trùng tu, tôn tạo, chống đỡ cứu vãn các di tích hiện có, đồng thời xã hội hóa các khu vực phụ cận thành khu văn hóa tâm linh tín ngưỡng”.
Có thể nói rằng, kế hoạch trùng tu di tích Phật Viện Đồng Dương sẽ vô cùng phức tạp. Công việc này cần có một phương án khả thi, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Trước mắt, chúng ta cần thực hiện các giải pháp truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của xã hội đối với di tích. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm tích cực vận động chính quyền, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để tìm nguồn kinh phí và hỗ trợ trong công tác bảo tồn di tích Chăm Pa nổi tiếng này. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đang có phương án xây dựng một nhà bảo tàng để trưng bày các cổ vật ngay trên mảnh đất Phật Viện Đồng Dương.
Không biết Dự án trùng tu Phật Viện Đồng Dương đã thực hiện đến đâu nhưng đến nay, cảnh vật vẫn điêu tàn, hoang vắng. Mỗi lần về lại Thăng Bình (Quảng Nam), lên những đồi sim bạt ngàn ở vùng trung du (Bình Định, Bình Trị,...), ngang qua khu phế tích, tôi lại nhớ đến những dòng thơ của Chế Lan Viên:
“Một ngày biếc, thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời
Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than…
(Trên đường về)
T.V.K