Chiếc mâm đồng - Từ Dạ Linh
1. Trưa. Buổi trưa sao mà oi bức. Cái nắng chói chang như bức bách những chú gà giành giật nhau góc khuất sau nhà. Không đủ chỗ nên chúng rủ rê nhóm năm, nhóm ba quây tụ dưới hàng dừa.
Trong nhà ông Tuấn nhìn lên hàn thử biểu treo trên tường, miệng lẩm bẩm, “chà, ba mươi bảy độ năm”. Ông Tuấn đứng dậy bật quạt trần chạy vù vù.
Ở gian nhà ngang bà cụ Huấn chưa ngủ. Bà cụ lấy chiếc quạt giấy quạt lấy quạt để. Bát nước chè đậm sóng sánh để trên chiếc chõng tre bà cụ hay nằm đã vơi đi một nửa.
“Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa. Năm nay, nhìn con trăng mà có quầng ở ngoài thì biết là một năm đại hạn đây. Vậy mà sắp nhỏ có tin đâu. Ngày trước các cụ làm gì có cái “cột trắng, vạch đỏ” để tính nhiệt độ, cái đài “măng đa” để nghe dự báo thời tiết. Vậy mà đố có sai”. Cụ Huấn nghĩ ngợi và lẩm bẩm một mình. Bây giờ mình nói sắp nhỏ có chịu nghe đâu. Cụ lại nói như nói với chính mình. Nói để mà nói, mà kiểm nghiệm lại cuộc đời. Đó là những thước phim đan xen giữa quá khứ - hiện tại, xưa - nay, thế hệ các cụ ngày xưa và cháu con ngày nay, với những bình phẩm mà cả ba vai trò đạo diễn, kịch bản và khán giả cũng thường chỉ là một mình cụ. Tuổi già hầu như ai cũng vậy. Có khi họ nói chuyện với chính họ. Có khi là với cụ hàng xóm. Có khi là đứa cháu cưng của họ. Nhưng thường là độc thoại.
Nếu trong nhà bạn không có người già và chưa quen, các bạn sẽ ngạc nhiên, thậm chí là sờ sợ. Nhưng sống với các cụ quen rồi thì bạn sẽ lắng nghe được cái âm điệu độc thoại chậm, đều và đầy quyến rũ ấy. Bạn cũng sẽ mường tượng được bức tranh vẽ bằng ngôn ngữ. Những gam màu đậm nhạt, truyền thần hay tả thực sẽ được ngôn ngữ nhanh - chậm, ánh mắt vui tươi hay u uẩn, một cái phẩy tay, một dáng điệu… mà không gian và thời gian hiện tại là cái nền để các cụ “phóng bút” lên đó. Tôi tin là bạn sẽ mê những bức vẽ đó. Dẫu xem đi xem lại ngàn lần vẫn không chán. Nghe những tiếng đời ganh đua chộn rộn ngoài kia, rồi nghe những tiếng thì thầm của cuộc sống bình lặng “chín bỏ làm mười” của các cụ trong này, bạn sẽ phát hiện được những điều mới mẻ của cuộc sống, nếu chịu khó để tâm nghĩ suy.
Riêng tôi. Tôi như bị mê hoặc bởi “những bức truyền thần” của cụ Huấn. Là hàng xóm, tôi thường sang thăm cụ những lúc rỗi rãi. Và, thường thì cụ dành phần trái chuối, quả cam hay một vài cái bánh quy bắt tôi phải ăn cho kỳ được. Nếu không cụ lại giận hờn. Bởi vậy, hễ năm, ba lần tôi cũng ăn một lần cho cụ vui.
Cụ Huấn thò mái đầu trắng như cước ra mái hiên và gọi với: Cu Tiến ơi, cu Tiến! Vào nhà, đi đâu đấy con? Cu Tiến không nói năng gì, chạy nấp dưới bóng cây vú sữa. Thằng bé nghịch đáo để, được cái học giỏi và thương bà. Trong nhà ông Tuấn càm ràm: “Con nói rồi, mẹ không lấy roi quất vào mông nó, gọi làm gì cho mệt”.
“Ve…chai…đây. Ai đổi dép đứt, nhôm - nhựa, nồi chảo hư bán không. Ve…chai…đây”. Ngoài đường một phụ nữ cao dong dỏng, chân đất, da tái xanh vừa chạy le te vừa rao. Chiếc nón lá đã rách te tua (chẳng khác gì chiếc nón cời người ta đem treo manh manh), để lộ một gương mặt trái xoan còn khá trẻ.
Trong nhà, ông Tuấn nghe tiếng rao liền bật dậy. “Má sắp nhỏ ơi! Đổi chiếc mâm đồng đó đi. Để làm gì chiếc mâm sứt đó, mua cái khác cho cụ” - Ông Tuấn nói vọng xuống nhà dưới.
Bà Hà cũng không ngủ được, đang nằm đưa võng ru cu Tèo, nghe vậy vội đáp: “Dạ! Nhưng… ”. “Không nhưng với nhân gì cả. Bảo đổi là đổi. Tính bôi bác tôi hả?”. Ông Tuấn to tiếng.
- Con à! Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi, cứ dọn cơm lên đó cho mẹ ăn, đừng đổi chác làm gì! Bà Huấn lên tiếng.
- Mẹ thì được nhưng con lại không được. Còn danh dự của mẹ, của con. Chẳng lẽ nhà này không mua được cái mâm dọn cơm đàng hoàng hay sao. Tiền thì con không thiếu, nhưng không đổi cái mâm đấy đi thì mẹ có chịu ăn cơm trên mâm mới đâu. Nếu mẹ thương con thì hãy nghe con lần này đi.
“Trên cuộc đời này có những vật rất đổi bình thường, nhưng khi nó đã gắn với những kỷ niệm sâu sắc của một đời người thì dường như nó đã có tâm hồn của một con người, lúc đó không gì có thể thay thế được. Nó sẽ là nguồn sống, là máu thịt của con người”. Cụ Huấn lẩm bẩm một mình. Còn ông Tuấn bước ra ngoài hiên vẫy gọi: “Này cô ve chai, vào đây tôi đổi cho chiếc mâm đồng”.
Chị ve chai phần nào đã nghe được câu chuyện nên tần ngần không muốn quay lại. Ông Tuấn gọi một lần nữa. Thôi thì cũng mạnh dạn bước vào, biết đâu ta lại kiếm được món hời, chị ve chai nghĩ ngợi. Bỗng từ đâu cu Tiến chạy vào mếu máo: “Không…không! Ba không được đổi chiếc mâm đồng của nội. Nội quý nó lắm ba ơi!”. Cu Tiến nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. “Bước ra, trẻ con mới học lớp bốn trường làng mà biết gì. Vẽ vời lắm chuyện!” - ông Tuấn nạt. Nó vẫn giậm chân nài nỉ, ông Tuấn rút con roi vắt trên trần nhà quất vào mông nó. Cu Tiến khóc rống lên, không chịu rời khỏi chiếc mâm.
Bà Huấn bước ra xoa đầu cháu rồi nắm tay dắt vào nhà. “Thôi, để ba đổi nó đi con, đừng khóc mà ăn đòn đó. Tội nghiệp cháu tôi”. Giọng nói bà Huấn trở nên buồn buồn. Chị ve chai nhìn sâu vào mắt bà cụ. Chị đã đọc được nỗi buồn sâu thẳm vừa thoáng qua trong đôi mắt mờ đục của một người cao tuổi. Không một dòng lệ nhưng lại “ươn ướt” khắp hai nhãn quan. Buồn đấy, nhưng tuyệt nhiên không hề có sự trách móc ai. Chị ngại ngùng nói: “Cháu không muốn bán thôi anh, em đi”. “Không, nó trẻ con biết gì. Tôi bán, chị mua không?”. Do dự giây lát rồi chị ve chai quyết định: “Tôi mua. Anh bán bao nhiêu?”.
- Sáu chục ngàn chẵn đấy. Ông Tuấn nói dứt khoát.
Cầm chiếc mâm lên so so, chị thấy nặng trịch, không cần cân, chị rút ví đưa sáu chục ngàn cho chủ nhà rồi quảy gánh đi ra. Bước chân của chị ve chai như nặng hơn, như có vật gì níu kéo lại, rã rời.
Trong nhà bà Huấn nhìn theo thất thần, đôi mắt chợt đọng lại những giọt lệ. Cu Tiến thì như bị hút theo đầu quang gánh có quảy chiếc mâm đồng của nội nó. Ông Tuấn bước vào nhà vươn vai cười khì: “Con mua được cho mẹ một cái mâm đẹp gấp mười lần nhé. Mẹ yên tâm”. “Không, con cất lấy mà dùng. Mẹ không cần gì đâu” - bà Huấn trả lời.
2. Chiều. Cả nhà đi làm vắng, chỉ có cu Tiến và cụ Huấn ở nhà. Cu Tiến lẽo đẽo theo nội hết hỏi cái này đến cái khác, rồi nó lại bảo nội kể chuyện xưa cho nghe. Thì ra, thằng bé thấy nét u buồn vương vấn trên đôi mắt lờ đờ và dáng đi chậm chạp của nội nó, nên cứ quanh quẩn làm vui lòng nội. Cụ Huấn chỉ ậm ừ với thằng Tiến cho qua chuyện chứ chẳng muốn nói điều gì. Nét u buồn vẫn đọng sâu thẳm trên gương mặt già nua.
Nhìn vào đôi mắt cụ, tôi cũng nghe lòng mình xốn xang. Bước chân cụ như nặng nề, chậm chạp hơn. Vẫn vui vẻ khi tôi sang thăm đấy, nhưng tuyệt nhiên không còn cái vẻ hoạt bát, cởi mở hiếm thấy ở một cụ già đã qua cái vòng “thất thập cổ lai hy” nơi cụ. Tôi ngồi chơi với cụ chốc lác, hỏi đôi chuyện buâng quơ về thời xuân thì của cụ chỉ cốt làm cho cụ vui hơn. Nhưng phương thuốc hôm nay trở nên vô hiệu nghiệm.
Ánh chiều tà đã chếch ngang, soi rọi từng kẽ lá trên tán cây vú sữa trước nhà. Lúc này mọi người đã sắp về. Tế nhị, tôi cũng tìm đường rút về “lô cốt” cố thủ của mình. Một chiếc lá vú sữa lìa cành rơi xuống đầu tôi, gió đưa chao nghiêng xẹt qua bờ vai rồi hạ xuống vệ cỏ bên đường. Giờ này mà con chim quốc (chim đỗ quyên) ở bụi cây bên nhà cứ kêu nỉ non, da diết đến nhói lòng. Lạ thật, mỗi lần nghe tiếng quốc giục giã là câu chuyện cổ tích về tấm lòng chung thủy của đôi bạn thân ngày xưa lại hiện về trong tôi. Và, tôi lại dõi theo tiếng kêu ấy, men theo bờ bụi đến lúc trời nhá nhem tối. Nhưng hôm nay thì tuyệt nhiên không, tôi lững thững bước vào nhà.
Bên nhà ông Tuấn vọng sang tiếng bà cụ Huấn ru cu Tèo ngủ: “Ầu…cơ… gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Tiếng ru buồn đến nẫu ruột.
3. Đêm. Đêm dần buông xuống khắp làng quê. Trước hiên nhà là một màu đen kịt của màn đêm. Tôi đứng lên bật bóng đèn, một màu sáng mát dịu tỏa lan.
Giờ này ở bên nhà cụ Huấn bắt đầu khua bát chén dọn bữa tối. Tôi ngồi đoán non, đoán già rằng bữa cơm tối nay sẽ nhạt thếch đối với cụ Huấn. Quái lạ. Chuyện hàng xóm mà cứ mang vào người cho mệt thân, tôi cười vào mũi mình. Nhưng không. Với cụ Huấn thì tôi không còn là hàng xóm nữa mà là con, là cháu tự bao giờ chẳng biết.
Nhà bên lại vọng sang tiếng nói của ông Tuấn: “Sao mẹ không chịu ăn cơm? Mẹ tiếc cái mâm bể đấy phải không? Lúc chiều mẹ không nói gì kia mà? Trời ơi, sao tôi khổ thế hả trời!”. “Không, mẹ có nói gì đâu. Mẹ đã no rồi mà con!”. “No gì với lưng chén cơm. Mẹ đừng giấu con làm gì?”…
Đêm đấy tôi trở nên khó ngủ. Không biết do những day dứt ban chiều hay ấm trà đậm đặc kia đã buộc tôi thức? Thôi thì bật đèn lên, dậy pha trà uống tiếp vậy. Nhà bên có lẽ bà cụ Huấn cũng đang thức, lâu lâu cái chõng tre lại phát ra tiếng kêu, kèm theo là tiếng ho sù sụ của bà lão. Tuổi già khó ngủ chăng?
4. Sáng hôm sau, khi ông mặt trời ló dạng lên khỏi ngọn tre, mọi người trong nhà ông Tuấn đi vắng, tôi lại sang thăm cụ Huấn. Từ ngoài sân tôi đã nghe tiếng cu Tiến: “Đêm qua nội thức trở mình cả đêm làm con không ngủ được”. “Xạo nào. Nội vẫn ngủ đấy chứ, nhưng tuổi già mà cháu! Nội có tật hay trở mình, đừng nói bậy ba mày rầy nội nghen!”. Thật đúng như dự đoán, tôi ngẫm nghĩ và bước vào chào cụ.
Mới ngồi đốt chưa tàn điếu thuốc, tôi đã thấy chị ve chai hôm qua trở lại. Sau phút giây tần ngần quan sát, chị vội bước vào. Chị lễ phép gỡ nón ra chào cụ Huấn và gật đầu chào tôi. Sau đó, chị lôi từ đáy quang gánh của mình ra chiếc mâm đồng bị sứt một góc và nói: “Thưa cụ, con biết đây là kỷ vật của cụ, con xin biếu lại cụ”. Cụ Huấn mừng rỡ, đôi mắt sáng lên một tia sáng diệu kỳ. Thú thực, chưa bao giờ tôi thấy cụ vui như thế. Nhưng cụ nhẹ nhàng bảo: “Ấy chết, để tôi gửi tiền lại cho cô. Cảm ơn cô nhiều!”. Nói xong, cụ Huấn lấy từ trong chiếc ví được quấn mấy lần vải ra mấy tờ giấy bạc xanh đỏ đưa cho chị ve chai. “Không, đây là lòng thành của con. Con xin biếu cụ” - chị ve chai nói.
Sau đó, chúng tôi được nghe cụ Huấn kể về “lịch sử” chiếc mâm đồng mà cụ quý trọng. “Ngày xưa khi cụ ưng ông nhà, trong số tài sản mà cha mẹ chia cho có chiếc mâm đồng này. Trong chiến tranh, qua mấy lần di tản, chuyển dời, chiếc mâm đồng vẫn theo cụ. Một hôm, trong bữa cơm chiều dưới hầm tránh bom, một mảnh bom của địch đã phạt đứt một góc chiếc mâm đồng và một mảnh khác vô phúc đã găm trúng ngực ông nhà. Đưa đến viện thì ông ấy tắt thở”.
Kể xong câu chuyện đôi mắt cụ Huấn rưng rưng lệ. Lấy khăn lau đôi giọt lệ, ngậm ngùi cụ nói tiếp: “Trên cuộc đời này có những vật rất đỗi bình thường, nhưng khi nó đã gắn với những kỷ niệm sâu sắc của một đời người thì dường như nó đã có tâm hồn của một con người. Lúc đó, không có gì có thể thay thế được. Nó sẽ là nguồn sống, là máu thịt của con người. Đó là điều mà bà đã chiêm nghiệm từ cuộc đời mình đó các con ạ!”.
Tôi ra về, trong lòng cảm thấy phấn chấn vô cùng. Hơn nửa đời người, đã đọc hết không biết bao nhiêu sách vở cổ - kim, đông - tây, tôi không nhớ nữa, nhưng có lẽ là không ít; vậy mà hôm nay tôi mới thật sự học được bài học ở đời nơi bà lão tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy”. Thì ra, trước đây nội tôi cũng thường dọn cơm trên chiếc mâm gỗ nứt chẳng có gì là sang trọng mà cảm thấy gần gũi là vì nó đã gắn một phần máu thịt đời nội.
Ra vậy, tiền tài vật chất không phải là tất cả. Điều quý là ở cái nghĩa, cái tình ở đời. Một bài học tưởng chừng đơn giản mà mấy ai đã nghĩ trọn, làm trọn.
T.D.L