Tago - Người thoáng hiện - TS. Lâm Vinh
Trong vòng chưa đầy hai năm, 2012 – 2013, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cho ra mắt hai tập thơ của nhà thơ vĩ đại Rabinđranat Tago (Rabindranath Tagore) là Bầy chim lạc (Stray Birds) và Mùa hái quả (Fruit - Gathering), và năm 2015 này là Người thoáng hiện (The Fugitive), do Bùi Xuân dịch. Quê hương Tago – đất nước Ấn Độ đang tiến vào thế kỷ này như một cường quốc, đang tăng cường những quan hệ rất trong sáng và có hiệu quả với nước ta, mong rằng những tập thơ Tago chuyển ngữ Tiếng Việt sẽ như những cánh én mang tình hữu nghị đến với bạn.
Việc dịch giả Bùi Xuân dịch “một hơi” ba tập thơ của Tago (và còn tiếp tục dịch) không phải là một ngẫu nhiên. Anh là một nhà nghiên cứu lịch sử. Khi nghiên cứu về các tộc người ở miền núi cao Quảng Nam, anh phát hiện được những tập tục và ngôn ngữ của họ rất gần gũi với Ấn Độ. Đồng thời anh lại là nhà thơ. Ấn tượng sâu sắc đầu tiên của anh về Tago là từ khi còn học phổ thông, anh được đọc tập Lời dâng (tức Thơ dâng) do Đỗ Khánh Hoan dịch. Nhưng cũng chẳng làm được gì, nếu những say mê đó không kèm theo sự kiên trì tự học tiếng Anh, để có thể dịch được thơ Tago. Thêm nữa, vốn có tính cần cù và khiêm tốn, nên anh nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành của những người thầy, người bạn, là chuyên gia về văn học phương Đông hoặc chuyên gia về Anh ngữ như: Lưu Đức Trung, Nhật Chiêu, Nguyễn Hải, Tôn Thất Lan, Huỳnh Văn Hoa, Võ Văn Thắng, Nguyễn Thu Phương…
Chuyện những tập thơ Tago ra đời liên tục là như vậy. Nhưng chủ yếu ở đây xin phép nói về tập thơ Người thoáng hiện.
Ấn Độ, một quốc gia, nhưng là cả một lục địa, là một cội nguồn của nền văn minh châu Á, có nóc nhà thế giới Hymalaya, có sông Hằng huyền bí huyền thoại, có kho tàng vô giá về sử thi, về kinh Phật và… có thơ Kaliđasa, Tago…. Thế giới biết nhiều về Tago từ khi tập Thơ dâng nhận được giải Nobel năm 1913. Đây là nhà văn châu Á đầu tiên được trao giải Nobel văn học, mãi hơn 50 năm sau mới có nhà văn châu Á thứ hai nhận được giải này. Hiếm có một nhân vật có tài năng đa dạng và sự cống hiến lớn lao cho nền văn hóa dân tộc và nhân loại như “người khổng lồ” Tago. Không chỉ sáng tạo hàng nghìn tác phẩm văn chương và nghệ thuật, ông còn là người chiến sĩ tiên phong trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền dân tộc và quyền con người, như Thánh Găngđi (Mahatma Gandhi) đã từng nói: “Tago là người lính canh vĩ đại của nhân gian”. Những ngày này, người Ấn Độ và Băng la đét vẫn hát hai bài quốc ca của cùng một tác giả: Tago.
Để đọc – hiểu, và đọc – cảm được một tác phẩm của Tago như Người thoáng hiện thật không đơn giản, vì nhà thơ này đã hấp thụ được những tinh hoa của một nền văn hóa, văn chương từ mấy nghìn năm trước, từ Veđa - Upanisad, Ramayana… Muốn hiểu Tago cũng có khi phải ngược dòng tri thức trở về những cội nguồn đó. Vậy những thu hoạch sau đây cũng chỉ mới là đoạn đầu của chiếc phao, phần lớn chiếc phao còn chìm dưới mặt nước.
So với vài tập thơ vừa xuất bản, tập Người thoáng hiện có phức tạp hơn về hình thức kết cấu và đề tài. Vậy đầu tiên nên làm công việc tháo gỡ:
Ba Phần: Người thoáng hiện I, Người thoáng hiện II, Người thoáng hiện III (NTH I, II, III) như một lộ trình cố ý, tác giả đưa ta vào thế giới của tình yêu và tình người, của thiên nhiên muôn màu, hé lộ từng khung cửa, để ta gặp những cảnh huống, những con người, thật bất ngờ thú vị, nhưng cũng có khi thật u buồn, xót xa căng thẳng.
Qua ba Phần, mỗi phần có một số Bài, và nhỏ hơn bài, là Đoạn. Hầu hết bài chỉ đánh số thứ tự, không đặt tên, chỉ có những bài mang hình thức “thoại kịch” mới có tên. Cuối mỗi phần là một chùm thơ ở thể “Dịch thuật”.
Ba phần của tập thơ là ba chặng đường, từ chặng đầu tương đối êm dịu, hiền hòa, với những bài, những đoạn thưa thớt, những câu chuyện căng thẳng vừa phải, đến chặng cuối là những bài, những đoạn dài ngắn dồn dập, căng thẳng trong cuộc đấu tranh thiện ác đầy kịch tính, khiến ta liên tưởng đến một bản nhạc xônát (sonate) cổ điển, thường có ba chương như ba phần của tập thơ. Có gì gần gũi giữa tập thơ Người thoáng hiện với Xônát Ánh trăng – xô nát hay nhất của Bétthôven (Beethoven), nhất là diễn tiến từ êm dịu ban đầu đến cao trào khi kết thúc, như một nhà âm nhạc học Nga đã nhận xét, đó là “tấn bi kịch của tâm hồn”(*). Sự so sánh tuy chỉ là tương đối, nhưng cũng không xa lắm, vì ta biết thơ và nhạc từng là cặp song sinh, nay vẫn thế; Tago không chỉ là nhà thơ, ông cũng là nhạc sĩ, trong thơ ông, ta thường cảm nhận được nhạc tính và ông thường miêu tả chen vào hình ảnh là những tiếng đàn, lời ca tiếng hát. Còn so sánh với Bétthôven thì cũng không xa. Có nhà văn châu Âu từng đặt Tago cạnh Gớt (Goethe), và người Đức vẫn xem Gớt và Bétthôven là “hai mặt trời của nước Đức”.
Trong ba bài mở đầu là trụ cột của ba phần, hai bài thuộc phần I và II có đề tài tương tự, đề tài tình yêu, nhưng bài mở đầu phần ba là “những mảnh ghép của cuộc sống” – nói theo cách của Đài VTV. Như một cuộn phim vừa quay xong chưa kịp làm mông ta (montage – dựng phim), ta gặp những sự kiện và hình ảnh đượm một sắc thái u buồn. Mở đầu cho phần này, phát đi liên tục những lời hiệu triệu “Hãy đến”, “Hãy đến”, “Hãy hiện ra”… “như tiếng cười của sấm chớp, tiếng gào của bão tố”, “hãy tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh đang mệt mỏi của chúng tôi, và chế ngự cái chết”. Đầu tập thơ là cuộc gặp gỡ người đẹp thoáng hiện muôn đời đến đây là cuộc gặp gỡ với “Người xa lạ muôn đời”. Ta được đi theo một cuộc diễu hành của những lâu đài đổ nát, vương miện của các vị vua, những túp lều, mùa gặt, chuyến đò, con đường làng, đàn gia súc, con chim bói cá, con trâu nằm lặng lẽ, những dân làng rách rưới và “cô bé hàng xóm đến với trái đất này như tiếng cười nổi loạn của thần thánh”, một người mẹ cõng người con tật nguyền, cơn xoáy lốc bất ngờ làm “một cậu bé bị nghiền nát dưới bánh xe ngựa”, “người đàn bà trên ban công ngã xuống sàn nhà la hét”, “tiếng khóc của những người đàn bà” vì “cái chết của người con trai”… Tất cả những mảnh đời – diễn ra như một xã hội Ấn Độ đương thời thu nhỏ - trong thời kỳ nhà thơ chăm lo và đấu tranh cho công bằng và hạnh phúc của đồng bào mình.
Chỉ một đoạn ngắn nhưng khó có thể miêu tả hay hơn về dãy Hymalaya: “trong tuổi thanh xuân của thế giới, Hymalaya, bạn sinh ra từ kẽ hở bầu vú của đất, và ném những thách thức cháy bỏng của bạn lên mặt trời”, “đứng yên chào vô hạn”, “ngồi trong cô đơn giống như một độc giả vĩ đại, mà trên lưng nằm mở ra một cuốn sách cổ với vô số các trang sách đá” trên đó kể các câu chuyện “đám cưới vĩnh cửu của các tu sĩ thần thánh, Shiva, Bhavani”… Không gì hơn khi lịch sử Ấn Độ vĩ đại được ghi tạc trên đá của đỉnh cao Hymalaya.
Chủ đề cơ bản của tập thơ, cũng là chủ đề muôn thuở: Tình yêu. Đúng như Xuân Diệu đã nói, “làm sao cắt nghĩa được”, nhưng chẳng đừng được, ai cũng muốn cắt nghĩa. Những lời của người tình trẻ như được hát lên thiết tha: “Tình yêu của em, em sẽ giấu kín anh trong đôi mắt của em, em sẽ xe sợi hình ảnh anh giống như một viên đá quý bằng niềm vui của em và gắn nó lên trên ngực mình”. “Anh ở trong tim em từ khi em còn tấm bé, trong tuổi trẻ em, trong cuộc đời em, qua tất cả giấc mơ của em”… “Anh là thuyền em là biển, và cũng là người chèo thuyền… hãy để cho biển dâng sóng và quẳng anh lên trên sóng của nó, anh sẽ bằng lòng” (NTHII, bài “dịch thuật” – giống một tứ thơ của Xuân Quỳnh). Tình yêu mạnh lắm: một nhà sư khổ hạnh vì có kỷ niệm về một cuộc gặp gỡ với cô gái hái củi mà từ chối cả việc lên Thiên đường! (III, 24). Không chỉ bạn trẻ, cả người lớn tuổi – như người viết bài này, đọc những câu thơ tình yêu của Tago cứ muốn đọc đi đọc lại hoài, nó vừa đẹp, vừa gợi tả, vừa gợi cảm, như người ta nói, “muôn nỗi của tình yêu”. Đâu chỉ có niềm vui, có cả nỗi buồn, sự thiếu vắng, chia ly, mất mát. Vì nhà thơ nói về tình yêu đôi bạn, luôn gắn với đất đai sông núi mây trời trăng sao và cả các đấng thần linh, để tình yêu luôn nhận được sự nâng niu che chở. Do vậy kẻ cô đơn không còn thấy cô đơn, kẻ tuyệt vọng không còn tuyệt vọng, cảm thấy được vỗ về, an ủi.
Từ tình yêu “riêng tư”, mở ra tình yêu “cộng đồng”, nhưng một cộng đồng có chọn lọc: người thơ dành cảm tình cho những người nghèo khổ đang sống trong các túp lều, dành cho những nghệ sĩ, tu sĩ chân chính, và luôn nhắc tới trẻ em một cách thật trìu mến.
Những bài thơ ở mục “dịch thuật” cuối ba phần, dành cho tiếng nói của tình yêu. Vẫn xu thế chung như một sự kết thúc bi kịch của phần ba, bài “dịch thuật” (III, số 33). Trước khi có chữ chấm hết tập thơ (The end), vang lên lặp lại 3 lần 1 câu: Ôi người tình của tôi, người yêu dấu của tôi, thân thiết nhất của tôi trong cõi đời này!.
Đây là bài cuối cùng của tập thơ, nghe như một bài ca từ biệt tình yêu và cuộc sống. (Giá có nhạc sĩ và ca sĩ nào phổ nhạc và song ca để chúng ta được thưởng thức bài thơ cuối cùng này cùng với âm nhạc).
Về thể loại, trước hết có lẽ nên nói về thể thơ văn xuôi. Với Tago, là sự nối tiếp và sáng tạo từ những lời thơ thời sử thi, với người dịch, là sự vận dụng nhịp điệu âm thanh của ngôn ngữ Việt một cách nhuần nhị, nên thể thơ văn xuôi rất đắc địa, tạo cho người đọc có cảm giác như bị chìm đắm trong một dòng sông thơ đang chảy, giữa đôi bờ đầy hoa, kinh qua những thác ghềnh. Sở trường của tập thơ là thể văn đối đáp. Đây là hình thức phổ biến của lối thơ của các quốc gia cổ đại, thời văn triết bất phân. Nhưng Tago đã hiện đại hóa thể đối đáp thành những câu hát “giao duyên” hoặc những màn thoại sân khấu. Giao duyên linh hoạt, lúc “anh” và “em” nói với nhau, lúc “anh” hoặc “em” chỉ nói một mình hoặc phân trần với ai đó, một người thứ ba. Còn thể đối đáp sân khấu là những câu chuyện kịch được dàn dựng hẳn hoi. Mở đầu là vài dòng tóm tắt cốt truyện, sau đó màn thoại bắt đầu. Tư tưởng tác giả thể hiện rõ nhất ở những màn kịch này, những tư tưởng chưa hề cũ ngay cả với thời đương đại. Gay cấn nhất thường là những câu chuyện xảy ra trong hoàng cung, với những vai vua, hoàng hậu, những kẻ đầy mưu mô đen tối và tội ác cùng những sám hối ăn năn muộn màng, với những lời thoại rất dữ dội, gợi lại không khí của Hăm lét, Mắcbét, Vua Lia – những bi kịch của Sếchxpia (Shakespeare).
Một số câu chuyện kịch:
— Con gái nhà hiền triết đem lòng yêu thương người học trò của cha mình, thuyết phục anh từ bỏ quyền lực, danh vọng và cả mớ kiến thức có rất nhiều hứa hẹn sau khi “tốt nghiệp”, để ở lại với tình yêu (NTH I, đoạn 20)
— Cha mẹ là tín đồ Bà la môn cấm con gái sống với người chồng theo đạo Hồi, nhưng người con không nghe, quyết bảo vệ tình yêu và bênh vực chồng. Cuối cùng, người cha thừa nhận con gái đúng, ông không còn tư tưởng thành kiến kỳ thị tín ngưỡng: “Chồng của con gái tôi, dù là một tín đồ Hồi giáo, đã trung thành với đức tin của mình” (NTH II, đoạn 29).
— Một ông vua nghe những lời giễu cợt xa xôi của anh hề, đã rút gươm trừng trị, khiến anh không bao giờ nói được nữa (NTH II, đoạn 31)
Hai câu chuyện dài gây xúc động nhất:
— Vua và hoàng hậu, do lừa đảo khiến người anh em họ hàng bị cướp mất đất đai. Hoàng hậu xin vua hãy giết người con trai – hoàng tử, để trừ mối họa. Vua thương con, ăn năn tội lỗi, bác bỏ yêu cầu đó. Hoàng hậu hoảng sợ, gào lên cầu nguyện một cách vô vọng, “hòa bình đau khổ”, “sự dập tắt phi thường của hận thù”, “sự giải thoát cuối cùng”…. (NTH II, đoạn 32)
— Đứa con riêng bị người mẹ - hoàng hậu, bỏ rơi lúc mới sinh, nay là một vị tướng. Hoàng hậu đến dụ con trai dấy binh chiếm đoạt ngai vàng. Người con bác bỏ hành vi độc ác thứ hai này của người mẹ: “Con đã tuyệt vọng và đau khổ. Vào đêm con sinh ra, người bỏ con trần truồng, vô danh, tủi nhục. Hãy bỏ con một lần nữa mà không thương xót”…. (NTH III, đoạn 28)
Điều làm cho thơ khó hiểu, là từ bút pháp ly kỳ, biến hóa được tiếp tay bằng những thủ pháp tu từ (tuy đã qua chuyển ngữ ); từ thực đến ảo và ngược lại, từ ảo đến thực; từ gần gũi thân quen thoắt biến thành xa lạ, mênh mang, vô hạn; người đó rồi thần thánh đó; người thơ nói với chúng ta, nói với cả cây cỏ chim muông và nói với “người” – là ai? không rõ: Người đẹp ấy là “Người thoáng hiện”, là thực hay hư? Với “tấm thân vô hình” lướt đi… Nhưng rồi, ta vẫn gặp lại “nàng”, một cô gái Bengan bình thường với “đôi bàn chân trần nhỏ bé tung tăng trên mặt đất”, ta vẫn thấy nàng đi kín nước với âm thanh quen thuộc : “tiếng lanh canh của chiếc vòng đeo tay chạm vào vò nước”. Nhưng rồi nàng lại “hiện lên từ đại dương quyến rũ… với chiếc cốc của cuộc sống ở tay phải và chén thuốc độc ở tay trái. Con quỷ biển được ru ngủ như con rắn bị mê hoặc, đặt cả ngàn chiếc đầu của nó xuống chân nàng” (NTH I, 3). Nói về một bầy chim di trú: “khi như một thanh đại đao cháy rực ngọn đồi được bọc trong cảnh ảm đạm của buổi chiều tà” “tôi cảm thấy trong bản ngã của mình sự vội vã của loài chim bay qua biển, vượt qua giới hạn của sống còn, trong khi thế giới di trú kêu lên với vô số giọng nói, “Không phải ở đây, nhưng ở nơi khác, trong lồng ngực của Xa Xôi” (NTH III, 29)…
Một điều rất nhất quán, về Tago, khi ta đọc Người thoáng hiện hoặc những tập thơ khác, vẫn nhận thấy được tư tưởng, tâm hồn, bóng dáng của người nghệ sĩ, người công dân của ông ẩn hiện trong từng trang chữ.
Chỉ là một trong số năm mươi tập thơ, làm sao nói đủ những điều cần nói, nhưng trong một tập cũng đã thấy được sự lớn lao của tư tưởng và tài năng của tác giả.
Cuối bài, tôi xin có lời giải thích: Ở trên là những lời chia sẻ với bạn đọc về những điều tôi thu hoạch được sau khi đọc tập thơ Người thoáng hiện. Người viết bài này không phải là chuyên gia về văn học Ấn Độ, về Tago, chỉ là bạn vong niên của Bùi Xuân (tôi trội hơn Xuân hơn hai giáp). Từ chỗ là đồng hương, chúng tôi cùng cộng tác nghiên cứu những danh nhân của đất Quảng, cùng đàm đạo về thơ, tôi thích những tứ thơ lạ của “nhà thơ tỉnh lẻ” nhưng đã có thơ đăng trên các tạp chí văn học có uy tín, và sau đó, tôi bị lây “bệnh mê Tago” của anh, và chúng tôi trở thành tri kỷ. Anh Xuân bảo tôi viết giới thiệu tập thơ, nhưng tôi không dám, chỉ viết thu hoạch như một độc giả để san sẻ với bạn đọc, mong được thông cảm và chỉ giáo.
(*) Về Xô nát Ánh trăng: Chương 1 “là những chùm ba ngân vang nhịp nhàng, một chương chậm mang tính chất suy tưởng sâu xa”. Chương 3 là chương “rực lửa”,” những chủ đề kịch tính sôi nổi, hối hả, mãnh liệt, hoặc đau thương hay suy tưởng, nói lên một cách sâu sắc tấn bi kịch của tâm hồn” Pôpôva, nhà âm nhạc học Nga (Lan Hương dịch).
L.V