Những bến và đò cùng vài nét lịch sử liên quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xưa - Lê Duy Anh
Bến đò Lỗ Giản (còn có tên là Lỗ Giáng), thuộc xã Lỗ Giản (Lỗ Giáng), huyện Diên Phước, sau thuộc tổng Lỗ Giáng, huyện Hòa Vang và nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Thuyền từ bến đò này có thể đến các làng thuộc tổng Lỗ Giáng xưa1. Và cũng từ bến đò này, theo dòng sông về làng Phong Nam thuộc xã Phong Lệ (nay thuộc xã Hòa Châu) cùng các làng Cẩm Nê, Yến Nê (nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang).
Bến đò Cẩm Lệ nằm giữa 2 huyện Hòa Vang và Diên Phước. Thuyền chèo qua xã Phong Lệ cùng đến các làng Diên Sơn, An Trạch, Lệ Trạch thuộc tổng Thanh An, huyện Hòa Vang (nay thuộc quận Cẩm Lệ).
Bến đò Thạch Bồ, thuộc xã Thạch Bồ. Nay phần hữu ngạn sông Yên thuộc xã Hòa Tiến, phần tả ngạn sông Yên thuộc xã Hòa Phong và bến đò La Châu, đò qua dòng sông Yên, thôn La Châu nay thuộc xã Hòa Khương, ở phía nam bến đò Cẩm Lệ. Hai bến đò đều nằm dọc theo bờ sông Cẩm Lệ, từ bến đò này có thể đi thuyền đến các xóm làng lân cận.
Bến đò Hóa Quê nay thuộc địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Ngày xưa người dân có thể chèo thuyền qua các dòng sông Cẩm Lệ và Cổ Cò tức Lộ Cảnh Giang, đến các làng Khuê Bắc, Khuê Đông (Khái Đông), nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, và Khuê Nam, sau thuộc xã Hòa Xuân, huyện Hòa Vang, nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.
Bến đò Khái Đông2. Thuyền chèo đến các làng Nại Nam, Khuê Trung, Trung Lương, Bá Tùng, Lỗ Giáng.
Bến đò làng Sơn Thủy nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Từ đây có thể đi thuyền đến các làng Mân Quan (Mân Quang), Trung Lương. Nói về làng Trung Lương, lịch sử xưa chép rằng: Ngôi cổ miếu dân gian quen gọi là Miễu Một, thờ Hoàng giáp (văn tế ghi chép là Thám hoa) Phi vận Tướng quân Nguyễn Phục, bậc trung thần có nghĩa khí, phụ trách vận chuyển lương thực tiếp tế cho đoàn quân Đại Việt trên đường Nam chinh, bình Chiêm mở cõi thời minh quân Lê Thánh Tông, do bị chậm trễ mà bị xử chết oan.
Nhân dân vùng này ngưỡng vọng trước đấng trung thần tài ba, các bậc tiền bối địa phương, trong cuộc khẩn điền kiến bộ lập làng bèn đặt danh xưng của làng là “Trung Lương”.
Bến đò Mỹ Thị nằm kế cận chợ Mỹ Thị xưa, thuyền từ bến chèo đến các làng Hóa Sơn, Nại Nam, Cẩm Lệ, Cồn Dầu. Làng Mỹ Thị nguyên trước có tên là “Cát Bạt Võng Xứ”, tức vùng đất cát để ngư dân phơi lưới chài. Dân làng Mỹ Thị đa số đều làm nghề đánh bắt cá, số ít chèo đò. Nhưng nơi đây đã ghi vào lịch sử nhiều sự kiện như: thời Tây Sơn có kho dự trữ lương thực của nhà Tây Sơn, nơi từng xảy ra những trận đánh ác liệt với quân chúa Nguyễn. Có đồn Giang Châu, cũng còn gọi là đồn Mỹ Thị là một đồn kiên cường trụ vững chống quân xâm lược Pháp tiến công Đà Nẵng vào những năm 1858 - 1859. Dân làng Mỹ Thị có thể gọi là nòng cốt của Ủy ban kháng chiến Khu Đông và Sông Đà. Làng Mỹ Thị có những nhân vật lịch sử được thành phố Đà Nẵng đặt tên đường như: Quan Triều liệt Đại phu Lê Hữu Khánh, vốn là thầy dạy của hai vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân. Ấm Hàn Lê Châu Hàn (còn gọi là Lê Cảnh Thái hay Lê Cảnh Hàn) và Viên Thông Lê Cảnh Vận, là hai nhân vật nổi danh của thời khởi nghĩa Duy Tân (1916), Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Độ và vợ chồng Thiếu tướng tình báo Trần Tiến Cung - Nguyễn Thị Phán…
Các bến đò của làng Nại: Làng Nại xưa gồm có 3 làng: ở tả ngạn sông Hàn là làng Nại Hiên Tây và làng Nại Nam; ở hữu ngạn sông Hàn có làng Nại Hiên Đông. Dân chúng của 3 làng này thường giao lưu gặp gỡ nhau bằng những thuyền chèo, nhất là trong những ngày lễ lược Xuân kỳ - Thu tế.
Bến đò Nại Hiên Đông thường ngày đưa khách sang sông Hàn đến Cồn Trạm và Bến Mía (chợ Hàn), đồng thời buôn bán thủy hải sản lên nguồn Lỗ Đông, đến Tí, Sé, Hiên, Giằng. Đồng thời bến đò này cũng là nơi giao nhận công văn, giấy tờ của tàu thuyền nước ngoài cập cảng Đà Nẵng chuyển đi Huế…
Bến đò Phò Nam (còn có tên gọi là Đào Kê - Bến Môn). Thuyền chèo qua lại trên dòng sông Lỗ Đông, thôn Phò Nam, nay thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Bến đò Mương Lở nằm ở ngã ba giữa các làng Mân Quan (dưới), Cổ Mân (dưới) và Nại Hiên Đông. Làng Mân Quan (dưới) xưa thuộc xứ Vĩnh Yên (nay thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Ngoài làng Mân Quan (dưới) còn có một làng Mân Quan (trên), nay thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn). Làng (Mân Quan) xưa có 6 tiền nhân gồm các họ: Lê - Trần - Nguyễn - Võ - Thái - Đinh, có công đầu trong việc khai phá mở đất lập làng, gọi là “Lục tộc Tiền hiền”. Hằng năm dân chúng của hai địa phương này thường lui tới với nhau nhất là trong những ngày giỗ kỵ. Bên cạnh làng Cổ Mân (dưới) nay thuộc phường Mân Thái (quận Sơn Trà) còn có một làng Cổ Mân (trên), nay thuộc phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Hằng năm dân chúng của hai làng này thường giao lưu gặp gỡ nhau, nhất là vào những ngày tế lễ tiền nhân gồm các họ: Trương - Phan - Nguyễn - Phạm là những họ có công đầu trong việc tạo lập làng Cổ Mân. Bến đò Mương Lở không chỉ là sự giao lưu thuyền chài giữa các làng Mân Quan và Cổ Mân mà bến này còn là nơi tập kết thuyền chèo đánh cá của ngư dân bãi ngang các làng: Nam Thọ, Tân Thái, Mỹ Khê. Hằng năm mỗi khi đánh bắt cá tại bãi Bấc (Vũng Bắc), gặp gió chướng trên, tức gió mùa đông bắc, gành Nghê nổi sóng lớn (sóng thần), ghe thuyền không thể qua được, phải ngược dòng về cửa Hàn, cập bến neo đậu tại Mương Lở.
Bến đò Mân Quan (dưới) dân chúng địa phương thường gọi là đò ngang, thường qua lại giao lưu cùng dân chúng địa phận xã Thạch Thang nay thuộc phường Thuận Phước và đến mua sắm tại chợ Hàn, xã Hải Châu.
Bến đò An Đồn và An Tân là 2 bến đò thuộc hai thôn An Đồn và An Tân của xã An Hải. Dân chúng của hai thôn này hằng ngày thường qua lại mua sắm vật dụng, thức ăn tại chợ Hàn, xã Hải Châu.
Bến đò Thủy Tú còn gọi là đò “Cu Đê” hay “Câu Đê”, bến đò này thuộc địa phận làng Thủy Tú, nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Từ bến đò này, dân chúng xuôi ngược dòng sông “Cu Đê” (Câu Đê) đến Chợ Nguồn (Phò Nam), Trường Định hay đến tận Đồng Bò (U Bò) thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, nay thuộc quận Liên Chiểu và đến tận nguồn Bàu Bàn. Năm Đinh Vị (Mùi) - 1307, Công chúa Trần Huyền Trân gả cho Chiêm vương Chế Mân, khi Chế Mân chết, được Tướng quốc Bộc xạ Trần Khắc Chung (Đỗ Khắc Chung) cứu thoát về Đại Việt. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, cập bến Non Nước, xuôi dòng sông Hàn đến bến Cu Đê “Câu Đê”, ngược dòng sông, dặm băng theo Dốc Miếu đến Phú Lộc thuộc tỉnh Thừa Thiên (nay tại Phú Lộc có lăng và tượng thờ công chúa).
Cu Đê, chính là nơi thời Lê Trung Hưng, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Khánh Đức thứ 3 - 1651, Cai cơ Lê Tấn Định (còn gọi là Lê Công Định), con thứ của Quận công Lê Hào, từng làm Tổng trấn biên phòng kiêm Ngự thủ Cu Đê. Tấn biển Cu Đê là nơi trọng yếu, cửa lạch rộng và sâu. Năm Ất Mùi - 1775, Chúa Duệ Tông là Nguyễn Phúc Thuần sắc phong Nguyễn Phúc Dương làm Tân Chính Vương, đóng đồn tại Cu Đê “Câu Đê”. Bấy giờ bị Tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc, liên kết với quân Tây Sơn, đánh chiếm Quảng Nam. Chúa Nguyễn phải lánh mình theo đường biển chạy vào đất Gia Định… Bên dòng sông Cu Đê có địa danh Chợ Nguồn, ghe thuyền lui tới tấp nập. Năm Ất Dậu - 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, 25 nhà yêu nước của dinh Quảng Nam như: Tiến sĩ Trần Văn Dư, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, Cử nhân Phan Bá Phiến, Thống binh Hồ Học… bí mật họp tại rừng sâu chợ Nguồn, khai sinh Nghĩa hội Quảng Nam kháng Pháp (1885 - 1887).
Bến đò Nam Ô xưa gọi là đò Hoa Ổ, nằm ở địa phận làng Nam Ô (nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Đò này đưa khách lên thượng nguồn Cu Đê, cùng giao lưu buôn bán với chợ Nguồn.
Bến đò Hải Châu tức bến chợ Hàn. Từ bến này, dân chúng theo đò ngang sang chợ Hà Thân, cũng như giao lưu cùng dân chúng các làng quê 7 xã thuộc hữu ngạn sông Hàn.
Bến đò Đò Xu nằm trên địa phận thôn Đò Xu, kế cận thôn Cồn Dầu (nay thuộc quận Cẩm Lệ). Đò đưa khách sang sông Cẩm Lệ, ngược dòng đến sông Vĩnh Điện và xuôi dòng đến sông Cổ Cò (Lộ Cảnh Giang). Tương truyền rằng, du khách và dân chúng đi lại trên đò chèo này, thường chỉ trả tiền bằng tiền xu. Từ đó địa phương có bến đò được gọi là Đò Xu.
Bến đò Túy Loan nằm kế cận chợ Túy Loan, nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Đò đưa khách sang sông đến các thôn ấp quanh vùng. Nằm trên địa phận bến đò và chợ Túy Loan có lăng miếu thờ Nghĩa trang liệt sĩ Ông Ích Đường (cháu nội của Tiểu phủ sứ Ông Ích Khiêm), thủ lĩnh dẫn đầu cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng (1908), do tác động của phong trào yêu nước Duy Tân. Trước khi bị xử chém, ông để lại lời nói kiên cường bất khuất:
Giết Đường này còn Đường khác
Còn mía thì lại còn Đường
Còn giặc thì cũng còn Đường
Còn Đường thì còn đánh Tây.
Bến đò Hà Thân là bến đò trọng yếu, đò đưa khách của 7 làng quê hữu ngạn sông Hàn, thuộc tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước ngày xưa, gồm các xã: Nam An tức Nam Thọ, Tân An tức Tân Thái, Phước Trường, Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị và An Hải. Nay thuộc địa bàn của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Đò ngang đưa khách bằng thuyền chèo 2 mái, 3 mái hoặc 4 mái tùy theo thuyền lớn nhỏ. Hoặc đưa khách bằng ghe bầu (thuyền bầu) chuyển vận lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật dụng ngược dòng sông Hàn, theo sông Cổ Cò đến phố thị Hội An, hoặc thuyền lấy nước ngọt tại giếng Bộng làng Nại Hiên Tây, theo các sông Vĩnh Điện, Câu Nhi, ngược dòng đến miền cao như Hiên, Giằng, Tí, Sé. Truyền tụng: “Mít non gởi (chở) xuống, cá chuồn chở lên”.
Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng: Thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725), làng An Hải có người học trò nghèo Lê Cảnh, sớm mồ côi cha, thường qua lại đò Hà Thân… nhằm giúp mẹ cải thiện cuộc sống, hằng đêm, Lê Cảnh cầm bó đuốc đến cái cồn đất nổi giữa dòng sông Hàn (cồn này nằm giữa các thôn An Mỹ, An Thị của làng An Hải) để soi bắt cá tôm nằm ẩn theo bờ nước, cồn cát, nên từ đó, cồn nổi này có tên là “Cồn Soi”. Theo thời gian, Cồn Soi này không còn nữa. Học trò Lê Cảnh rất chăm chỉ học hành, trở thành người đầu tiên của xứ Đàng Trong đỗ Hương tiến (tương đương Cử nhân sau này). Làm quan từng trải các chức: Cai bạ dinh Quảng Nam, Cai bạ chính dinh Thuận Hóa. Vốn là vị quan thanh liêm, mẫn cán. Do đó, sau khi ông qua đời, được truy tặng chức “Tham Nghị” (tương đương Thủ tướng ngày nay). Bà Phi Yến Lê Thị Răm, vợ vua Gia Long, mẹ hoàng tử Nguyễn Phúc Cải, là cháu 4 đời (đời thứ 4) của quan Tham nghị Lê Cảnh. Hiện tại Côn Đảo có miếu thờ và bia nói về bà. Làng An Hải của xứ Bà Thân còn có 2 nhân vật kiệt xuất nổi danh, đó là: Thiếu phó Quận công Trần Quang Diệu và Thống chế Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại. Theo sở nguyện của nhân dân 7 xã hữu ngạn sông Hàn, cử 2 hương hào là Lê Văn Trực và Trần Văn Chiêu, đại diện thân lâm đến đồn Châu Đốc, diện kiến với Thống chế Thoại Ngọc Hầu, nêu lý do và sự kiện xin tái lập chợ Bà Thân, được Thống chế Thoại Ngọc Hầu đích thân về quê nhà An Hải, xem địa thế, ban hành trát lập chợ Bà Thân vào ngày 20/4/1827, niên hiệu Minh Mạng năm thứ 8.
Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết rằng, Lê Cảnh người huyện Hòa Vang, mồ côi cha từ lúc bé, tư chất lại đần độn, mẹ khuyên đi học, nhưng khổ nỗi học không nhớ, thường cắp sách qua lại bến đò làng An Hải. Có một đêm người lái đò mộng thấy một ông già bảo rằng: “Sáng nay có quan Hàn lâm qua đây, sao không dậy đến xem”, thức dậy thì đã thấy Lê Cảnh ngồi đấy rồi, liền nói rằng: “Sau này anh phú quý xin đừng quên tôi”. Lê Cảnh ngạc nhiên hỏi lại, thì người lái đò bảo cho biết về việc thần báo mộng. Lê Cảnh nói “Tôi tư chất đần độn, có đâu dám mong cao thế”. Rồi khiêm tốn mà đi. Lê Cảnh theo học trường làng, ngày đêm cố học không lúc nào trễ. Một hôm nghe trong bụng lộp bộp như tiếng pháo, từ đấy tư chất sáng láng, ngày học ngàn câu rất mau tiến bộ. Đời Hiển Tông hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu), thi hương đỗ, được trao chức Hàn lâm viện, làm quan đến Ký lục Chính dinh, có chính tích tốt. Đời Túc Tông hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu), chết tại chức, tặng tham nghị, không có con nối, Cảnh làm quan hai đời chúa, học hành văn chương được đời tôn trọng.3
Ngày xưa cũng tại bến đò này thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam là Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu bị tặc tướng Nguyễn Thân bắt gông cổ đưa về bến đò Hà Thân, trên đường ra Kinh đô Huế. Bấy giờ, đội trưởng nghĩa binh là Phan Văn Đạo, nhằm cứu thủ lĩnh bèn đem một đội nghĩa binh về trú ẩn tại đình làng An Hải, kế cận chợ Bà Thân và bến đò Hà Thân, chẳng may bị giặc phát hiện tấn công, đội trưởng Phan Văn Đạo cùng một số nghĩa binh tử trận tại đình làng An Hải. Thời kháng chiến chống Pháp, làng An Hải nổi danh liệt sĩ anh hùng, nhà tình báo chiến lược Lý Văn Tố (tên thật là Lý Văn Liễn), từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Khu Đông trước khi lãnh đạo Cục Tình báo Trung ương...
Bến đò Hà Thân, khoảng từ năm 1965 ngoài thuyền chèo còn có thuyền máy và phà máy chở người và xe cộ sang sông Hàn. Đến năm 2000, cầu quay sông Hàn4 được khánh thành thì bến và đò Hà Thân chấm dứt, chỉ còn lại trong ký ức của nhân dân Đà Nẵng.
1 Tổng Lỗ Giáng xưa, gồm có 11 xã và 1 ty. Đó là: Bạch Gián, Bình Khang (Khương), Cẩm Lệ, Giáo Phường, Hóa Khuê Tây, Hóa Khuê Đông, Lỗ Giản, Minh Châu, Miếu Bông, Mỹ Thị, Quế Lâm, Tân Thuận (nay thuộc quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn).
2 Đại Nam nhất thống chí ghi là đò Quán Khái Đông trong đò sông Cẩm Lệ.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, (Phan Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006.
4 Cầu quay sông Hàn bắt đầu xây dựng năm 1998, đến ngày 29.3.2000 thì hoàn thành. Đây cũng là ngày đánh dấu bến và đò Hà Thân qua lại trên sông Hàn chấm dứt.
L.D.A