Tấm lòng của Nguyễn Hàm Ninh với Đà Nẵng - Châu Yến Loan

01.06.2015

Tấm lòng của Nguyễn Hàm Ninh với Đà Nẵng - Châu Yến Loan

Nguyễn Hàm Ninh được biết đến nhiều qua giai thoại “Răng cắn lưỡi” ám chỉ việc vua Tự Đức giết anh là Hồng Bảo.

Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà, ngôi báu lẽ ra phải thuộc về Hồng Bảo, anh của Tự Đức, nhưng Tự Đức (Hồng Nhậm) lại đăng quang. Sau đó Hồng Bảo bị giam vào ngục đến chết với tội danh “Âm mưu liên lạc với Pháp, lật đổ ngai vàng của em”.

Một hôm vua Tự Đức đãi yến, trong khi đang ăn bỗng vô ý cắn phải lưỡi liền bảo các đình thần làm thơ vịnh về sự cố này nhưng không được nhắc đến hai chữ “lưỡi” và “răng”. Nguyễn Hàm Ninh làm bài thơ:

Sinh ngã chi sơ, nhĩ vị sinh,

Nhĩ sinh vi hậu, ngã vi huynh,

Đồng thời cộng hưởng trân cam vị,

Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình.

(bản dịch)

 Ta ra đời trước, chú chưa sinh;

 Chú phận làm em, ta làm anh.

Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng

chung hưởng;

Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình. (4)

Nghe đọc thơ xong, vua Tự Đức biết Nguyễn Hàm Ninh ngầm lên án mình nhưng không có lý gì để hạch tội nên phán:

“Thơ rất hay, trẫm thưởng cho nhà ngươi mỗi câu một lạng vàng. Nhưng ý thơ thâm hậu nên nhà ngươi phải chịu phạt, mỗi câu một roi!”.

Nguyễn Hàm Ninh (阮咸寧) là danh sĩ triều Nguyễn, tự là Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai, Anh Toàn Tử, sinh năm Mậu Thìn (1808), làng Phù Ninh, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay là làng Trung Thuần, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Năm Kỷ Sửu (1829), ông đỗ Tú tài, đến năm Tân Mão (1831), đỗ Giải nguyên tại trường Thừa Thiên và được bổ dạy học tại Quốc Tử Giám khi mới 23 tuổi. Năm Quý Tỵ (1833), làm tri huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, gặp lúc thân phụ qua đời, ông về cư tang.

Năm Bính Thân (1836), vua Minh Mạng thấy ông là người hiền tài nên triệu ông ra bổ chức Quốc học độc thư và dạy học cho Thái tử.

Năm Mậu Tuất (1838), ông được chuyển giữ chức Tôn nhân phủ Chủ sự.

Năm Canh Tỵ (1840). Ông xin cáo quan về trí sĩ tại quê nhà.

Đến năm Tân Sửu (1841), Hoàng thái tử Miên Tông là học trò của ông lên ngôi, ông lại được vời ra giữ chức Hành tẩu ở Nội các.

Năm Ất Tỵ (1845), ông nhận chức Hình bộ Thị lang rồi Lang trung bộ Lại, sau chuyển qua bộ Lễ, cuối cùng thăng Án sát tỉnh Khánh Hòa. Ở đây ông phạm tội bị đày đi Đà Nẵng:

“Thự Án sát tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Hàm Ninh có tội bị mất chức. Ninh lúc mới đến nhận chức, có đi lễ các nơi chùa cổ, đền thiêng, nghe nói có một chiếc thuyền của người Tây Dương đến đỗ ở ngoài bể, trong thuyền chỉ có độ 16 người. Ninh bảo thuộc hạ rằng: “Ta nghe nói người Tây Dương rất có lòng tốt, không ngại gì, nhân tiện đến để an ủi.” Ninh mới ủy người tìm chúng lên bờ, tặng cho một thanh đoản kiếm, rồi cho thuyền về trước. Kế đó Ninh cùng thự Phó vệ úy Vũ Thành, tri huyện Vĩnh Xương Hoàng Minh và hơn 20 người viên biển, cùng xuống thuyền. Vừa ngồi yên, người Tây Dương thốt nhiên cầm dao súng sấn đến trói cả lại, tra khảo đòi tiền bạc, làm đủ mọi thứ khổ nhục. Ninh thế không làm sao được, đâm đầu xuống biển tự tận. Người Tây Dương lại cứu sống lại, giữ hơn 10 ngày, yêu sách không được, mới tha cho về. (Thuyền Tây Dương) lại giương buồm mà đi. Việc đến tai vua. Vua than rằng: “Người Tây Dương đến đó, chỉ là kiếm củi lấy nước mà thôi. Nguyễn Hàm Ninh là một viên quan to ở tỉnh, không có duyên cớ gì mà khinh thường đến, để mắc mưu chúng! Thân danh của Ninh vẫn không đáng kể, nhưng còn quốc thể thì sao?”. Lập tức sai bắt Ninh khóa tay, giải về, giao cho bộ Hình trị tội. Đến khi án dâng lên, Ninh và Vũ Thành, Hoàng Minh đều bị cách chức, phát vãng đến 2 thành Điện Hải, An Hải sung làm quân. Bố chính Ngô Văn Địch, Lãnh binh Đỗ Tiệm không ngăn ngừa trước khi xảy việc, đều phải giáng một cấp. Bổ Lang trung bộ Binh Đặng Bá Vân làm Án sát tỉnh Khánh Hòa. (3)

Sau đó, ông được phục chức cũ, được cử làm trước tác ở Viện Hàn Lâm, nhưng một lần nữa lại bị cách chức, chỉ trong vài ngày được đổi về Huế làm Trai đàn hiệu lực tại chùa Thiên Mụ.

Làm quan được ít lâu, ông lại xin cáo quan về quê hưởng thú thanh nhàn, bạn cùng bầu rượu túi thơ để vui với tuổi già.

Ngày 15/12 năm Đinh Mão (1867), ông qua đời, thọ 59 tuổi.

Các tác phẩm chính của ông:

Tĩnh Trai thi tập - Tĩnh Trai văn tập, Dược sư ngẫu đề, Phản thúc ước.

Ngoài ra, ông còn có nhiều thơ xướng họa với các công chúa Mai Am, Huệ Phố, Qui Đức ở Huế.

Những năm cuối đời, Nguyễn Hàm Ninh dựng một ngôi nhà cỏ dưới chân núi gọi là Cừ khê thảo đường (Ngôi nhà cỏ ở khe Cừ) để:

“Khai song thanh hiểu khan vân khí,

Xuất quách tà dương tiện

điểu hoàn”

Sáng sớm mở cửa đã thấy mây khói

Bóng chiều vừa tắt ngoài thành

chim chóc bay về”

Giấu mình nơi thâm sơn cùng cốc, mong tìm sự an nhàn:

 “Ẩn cốc thê khâu tự tại nhàn”

Nhưng tình hình đất nước ngày càng đen tối khiến cho tâm trí ông đâu có nhàn được. Ông luôn canh cánh bên lòng nỗi lo nước, thương dân. Ông rất quan tâm đến thời cuộc của nước nhà. “Có lần, vào tiết Thanh minh, nhà thơ Miên Thẩm ra Quảng Bình tìm thăm Nguyễn Hàm Ninh. Hai ông cùng đàm đạo văn chương thế sự. Trong câu chuyện, Miên Thẩm báo tin cho ông biết: “Tàu Tây Dương đang ngấp nghé ngoài biển Đông, rắp tâm xâm lược nước ta, triều đình đã cử tướng tài chuẩn bị đối phó”. Nguyễn Hàm Ninh bèn rủ bạn cùng trèo lên một ngọn núi khá cao ở Lệ Sơn (thuộc xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) để nhìn ra biển Đông. Đứng trên đỉnh núi, ông làm ngay bài thơ rồi dõng dạc đọc cho bạn nghe:

“Lệ sơn xuân vọng”

 “Cổ thú yên thâm túc vũ dư,

Nham hoa vô tế nhiễu khâm cư.

Thiên phong vãn chiếu liên bình lục,

 Vạn lý phù vân quyển thái hư.

Nam quốc sơn hà chung bất động,

 Tây nhung kỹ lãng dục hà như?

 Tự văn cửu bệ cần thôi cốc,

Nhật vọng Cam Tuyền tấu tiệp thư”. (4)

Bài dịch:

Đồn cũ sương mù, rả rích mưa,

Cỏ hoa quanh quẩn chỗ nhà xưa.

Nghìn cơn gió thổi  qua đồng nội,

Vạn dặm mây vần cõi thái sơ.

Non nước yên bình luôn vững chãi

Tây nhung xâm lược dạ chưa bưa?

Đã nghe chín bệ xua thần tướng,

Ngày vọng phong đài tin thắng đưa. 

(Nguyễn Thiếu Dũng dịch)

Bốn câu cuối:

“Nam quốc sơn hà chung bất động,

Tây nhung kỹ lãng dục hà như?

Tự văn cửu bệ cần thôi cốc,

Nhật vọng Cam Tuyền tấu tiệp thư”

lời thơ hùng hồn khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập hòa bình của dân tộc và niềm tin chiến thắng kẻ thù xâm lược, phảng phất âm vang bài thơ Thần Lý Thường Kiệt đã đọc trên sông Như Nguyệt năm nào:

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư,

Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư,

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Đến khi Thực dân Pháp bắn phá Đà Nẵng rồi tiến vào Nam chiếm Cần Giờ, Nguyễn Hàm Ninh rất đau buồn, tâm sự đó đã được thể hiện qua bài thơ Cảm sự:

Cảm sự

Thùy kiến Tây minh chiến hạm lai? 

Hải cương kỉ xứ động xuân lôi.

Cần Giờ dĩ thất kim thang hiểm,

Đà Nẵng không lưu phong hỏa đài.

 

Tam kỉ long xà (1) hoàn chướng tế,

Tứ lân phong hạc (2) mạn kinh sai.

Giao liên Lộc Dã cao sưu địa,

Nhị thập dư niên hựu kiếp hồi.

 

Ai khiến tàu Tây đến chốn này?

Mấy vùng ven biển sấm lung lay!

Cần Giờ đã mất hào sâu hiểm,

Đà Nẵng còn trơ phong hỏa đài.

 

Ba bộ rụng rời cơn chướng họa,

Bốn phương tin dữ hoảng hồn ai.

Đồng Nai đường đến khôn tìm dấu,

Hai chục năm dư dễ vãn hồi?

(Nguyễn Thiếu Dũng dịch)

Tuy đã từng bị đày ải ở Đà Nẵng, sống những ngày làm lính hiệu lực cơ cực, nhưng khi giặc Pháp xâm chiếm nước ta, tấn công Đà Nẵng, với tấm lòng yêu nước thiết tha, ông không thể vui với cảnh gió mát trăng thanh ở quê nhà, mà vẫn nặng lòng với mảnh đất mình từng bị lưu đày gian khổ. Ông theo dõi từng diễn biến của cuộc chiến, mong ngóng tin tức đưa về:

Cần Giờ dĩ thất kim thang hiểm,

Đà Nẵng không lưu phong hỏa đài.

để rồi buồn bã thất vọng trước cảnh một phần đất nước đã nằm trong tay giặc. Bốn câu thơ cuối không còn hùng hồn mạnh mẽ, tràn trề niềm tin chiến thắng như bài Lệ Sơn xuân vọng mà hàm chứa một nỗi buồn man mác, là tiếng thở dài của một kẻ sĩ trước cảnh nước nhà bị xâm lăng mà mình đành bất lực:

Tam kỉ long xà (1) hoàn chướng tế,

Tứ lân phong hạc (2) mạn kinh sai.

Giao liên Lộc Dã cao sưu địa,

Nhị thập dư niên hựu kiếp hồi.

 

 

(1) Long Xà, năm Thìn là long, năm Tỵ là rắn, chỉ nỗi lo sợ

(2) Phong hạc; chỉ tin tức chiến tranh

(3) Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển LXIV, tr. 963, nxb Giáo Dục)

(4) Mai Văn Hoan “Giật mình đọc lại Nguyễn Hàm Ninh”   (http://www.vanvn.net).

C.Y.L