Hành trình tìm và gặp sau chiến tranh - Trần Trung Sáng

01.06.2015

Hành trình tìm và gặp sau chiến tranh - Trần Trung Sáng

Những ngày tháng 4 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc gặp gỡ những nhà báo nổi tiếng thế giới từng tác nghiệp trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, do Vụ Thông tin báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức. Bên cạnh nhiều hoạt động giao lưu, chia sẻ hồi ức về chiến tranh, có lẽ một trong những vấn đề được hầu hết các nhà báo trong nước và quốc tế quan tâm nhất, đó là: làm sao tìm sự cảm thông, hòa hợp để hàn gắn được vết thương đã tàn phá quá dài lâu?

Ông Peter Arnett, cựu phóng viên chiến trường của hãng tin AP (Mỹ), năm nay 81 tuổi, từng đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ vào loạt bài về chiến tranh Việt Nam, cho biết: “Tôi đến Việt Nam khi tôi còn là một phóng viên trẻ tuổi. Và đến Việt Nam tôi đã học được bài học về sự thật. Tôi viết về sự thật, những gì thật sự diễn ra ở chiến trường Việt Nam để phục vụ cho độc giả người Mỹ và thế giới. Tôi đưa tin về chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn 1962-1975. Tôi từng tham gia buổi duyệt binh đầu tiên mừng chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Tôi rất xúc động khi trở về Việt Nam lần này”.

Còn Tim Page - nhà báo Anh, người từng có mặt trên khắp các chiến trường miền Nam từ hồi đầu thập niên 60 đã bày tỏ bộc bạch: "Hồi chụp ảnh chiến tranh Việt Nam tôi đã bị thương nhiều lần. Có lần suýt chết khi ruột lòi ra ngoài. Tôi mang trong mình đất nước này, dân tộc này. Tôi đã tận mắt chứng kiến chiến tranh, vì thế tôi trân quý hòa bình biết bao. Ngày hôm qua, tôi đi bộ ở Sài Gòn để chụp ảnh. Phải thật lòng nói rằng,  tôi thấy băn khoăn khi nhìn những tấm apphich, panô vẫn còn đầy chất chiến tranh. Tôi mong được thấy nhiều hơn những tấm apphich, panô về hòa bình, thống nhất. Dân tộc Việt Nam chiến đấu để được sống trong hòa bình phải không?".

Tim Page chào đời tại Kent (Anh) vào năm 1944. Trong thời gian săn ảnh chiến tranh tại miền Nam Việt Nam và Campuchia, do nhiều lần mạo hiểm vào sinh ra tử nên các nhà báo ngoại quốc đã nói rằng ông không thể sống quá tuổi 23. Tháng 4/1969, lúc ông nhảy ra khỏi trực thăng để phụ khiêng các binh sĩ bị thương lên máy bay, một mảnh pháo lớn đã cắm phập vào đầu của Tim. Nhưng ông may mắn thoát chết, chỉ mất một năm giải phẫu não và hồi phục sức khỏe tại Mỹ. Chính trong thời gian nằm viện này, Tim Page bắt đầu tham gia sâu hơn vào phong trào phản chiến dấy lên bởi các cựu binh và phế binh Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam. Tim Page từng là đề tài chính của nhiều phim tài liệu, hai phim tiểu sử và là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có cuốn Requiem đăng lại nhiều ảnh chụp bởi các nhà báo đã gục ngã trong các năm chiến tranh chống quân Nhật, Pháp và Mỹ ở Việt Nam. Requiem còn là đề tài triển lãm ảnh trong Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại thành phố Hồ Chí Minh. Tim Page nói: “Tôi có những đồng nghiệp mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Hiện tôi đã bỏ nhiều năm để tìm kiếm thông tin về họ nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan nào. Tôi hy vọng sẽ tìm được phần còn lại của họ trước khi nhắm mắt xuôi tay. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy chiến tranh ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này với bất kỳ lý do nào nữa”.

Bức ảnh “Hai người lính”

Với những nhà báo Việt Nam từng trải qua những thời khắc khốc liệt của cuộc chiến, ông Chu Chí Thành, tác giả sách ảnh "Ký ức chiến tranh" (ấn hành năm 2010) thổ lộ với mong ước giản dị: "Thời gian trôi đi, những gì tôi chứng kiến đã lùi vào dĩ vãng, và ngày mới bình yên đang tỏa sáng trên hai bờ biển Thái Bình Dương. Quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ ngày càng trở nên gần gũi, hiểu biết lẫn nhau hơn. Chính vì vậy chúng ta cần nhìn lại những gì là đau thương, là trái với đạo lý con người để chúng ta ngăn chặn nó, và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn trên trái đất".

Trong những ngày kỷ niệm 40 năm lịch sử này, nhắc lại một trong những tác phẩm để lại kỷ niệm đáng nhớ nhất, ông Chu Chí Thành đã kể câu chuyện về bức ảnh “Hai người lính”: “Có một buổi sáng đầu năm 1973, tôi đi tuần cùng chiến sĩ giải phóng quân và gặp một người lính bên kia. Anh ấy bảo: “Anh phóng viên chụp cho chúng em xin một bức ảnh kỷ niệm nhé!”. Nói rồi, anh vui vẻ khoác vai người lính ở bên kia bờ chiến tuyến...Với tôi, đó là minh chứng sinh động cho ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Một người lính giải phóng quân đầu đội mũ tai bèo và một người lính Việt Nam Cộng hòa trong trang phục rằn ri - hai con người ở hai chiến tuyến đối nghịch đã sát vai bên nhau. Mọi khoảng cách đều được xóa bỏ” (thời điểm tháng 4-1973, tức chỉ khoảng hơn một tháng sau ngày hiệp định Paris được ký kết, chiến sự được tạm dừng ở vùng ranh giới hai miền).

Nhà báo Chu Chí Thành nói, mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất, ông không ngớt nhờ bạn bè tìm kiếm dấu vết 2 người lính ấy, với hy vọng họ vẫn còn sống sót sau chiến tranh. Tuy nhiên, mới đây một phóng viên của báo Tuổi Trẻ tin cho ông biết đã tìm ra được gia đình người lính phía Bắc tại Huế, nhưng bản thân người lính đã qua đời cách đây vài năm. Còn người lính phía Nam vẫn chưa rõ tông tích... Ông Chu Chí Thành nói: “Tôi chúc tất cả chúng ta không phải chụp ảnh chiến tranh nữa mà chúng ta chụp cảnh sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân”.

Nỗi trăn trở của Peter Arnett, Tim Page, Chu Chí Thành cũng như nhiều nhà báo gặp lại sau 40 năm chiến tranh cũng làm tôi nhớ đến cuộc gặp gỡ của nhà báo, đạo diễn Trần Văn Thủy, người rất nổi tiếng với những bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế”, “Hà Nội trong mắt ai” với bạn đọc tại Đà Nẵng về tập sách “Chuyện nghề của Thủy” hồi hai năm trước .

Trần Văn Thủy làm nhiều phim tài liệu về chiến tranh, phim đời thường, ở mảng đề tài nào ông cũng bộc lộ cái nhìn khách quan, phản ánh suy nghĩ về xã hội một cách chân thực. Ông vào nghề bằng phim đầu tay “Những người dân quê tôi” quay tại chiến trường Quảng Đà trước năm 1970, phản ánh thân phận người dân trong chiến tranh. Đến hiện nay, hầu hết những người phụ giúp ông làm bộ phim này và nhân vật trên màn ảnh đã hy sinh, chỉ còn một nhân vật trong phim vẫn còn sống là chị Văn Thị Xoa, nguyên là xã đội trưởng Xuyên Châu của huyện Duy Xuyên.

Sau ngày hòa bình, khi đi học ở Nga về, Trần Văn Thủy thực hiện phim “Phản bội” nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, được đánh giá là bộ phim tài liệu dài nhất và hấp dẫn nhất của lịch sử phim tài liệu chính luận. Bộ phim đã nhận được Giải đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam 1980. Rồi tiếp theo là các bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế”, “Hà Nội trong mắt ai”... đã đưa tên tuổi ông vượt khỏi ranh giới quốc gia.

Thực ra, buổi giao lưu “Chuyện nghề của Thủy” với bạn đọc Đà Nẵng lần ấy nằm trên hành trình giới thiệu xuyên Việt, qua năm tỉnh thành (thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội) của cuốn sách. Nó giống một cuộc sum họp, đoàn viên của tác giả với những người bạn sau bao tháng năm tìm kiếm, để họ “gặp mặt, nắm tay nhau, cười vui, ôn chuyện” hơn là nói về cuốn sách. Cả Trần Văn Thủy  và thính giả có mặt đều không cầm được nước mắt, khi những người thật việc thật được nhắc tới trong cuốn sách. Họ cùng đọc những lá thư cũ, nói những câu chuyện cũ, những cay đắng, vất vả trong hành trình làm nghề của tác giả với biết bao mừng tủi. Cũng trong buổi gặp mặt lần ấy, theo Trần Văn Thủy: “nhân in cuốn “Chuyện nghề của Thủy”, tôi cũng dành một số chương mang nội dung “Nếu đi hết biển”, nhằm hướng tới sự hòa thuận, nếu không muốn nói là hòa giải. Bởi, người Việt Nam chúng ta, chiến tranh đã lùi xa bao nhiêu năm rồi, mà cứ vẫn thành kiến, vẫn hận thù nhau, thì nó khổ quá”.

Tìm và gặp... sau chiến tranh

Bên cạnh những cuộc tìm kiếm, hàn huyên như vậy, những ngày vừa qua, còn  có một tìm kiếm khác, rất lặng lẽ, riêng tư nhưng đầy xúc động. Đó là “Cuộc tìm kiếm sau chiến tranh” (in trên Người đô thị, 27/4/2015) của nhà báo Bùi Dương Hương Ly về người mẹ nổi tiếng Dương Thị Xuân Quý tại quê hương Quảng Nam.

Hương Ly kể lại: “Tôi đang trên đường tới huyện Duy Xuyên, cách Đà Nẵng hơn 40 cây số, nơi một đêm mùa xuân năm 1969, nữ nhà văn và phóng viên chiến trường đầu tiên của miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý, đã hy sinh khi đi cùng một nhóm du kích địa phương. Theo lời kể của một số người sống sót, họ bị kẹt trong một trận càn của lính Nam Triều Tiên. Tốp lính nổ súng vào họ. Dương Thị Xuân Quý ngã xuống ngay dưới chân một du kích quân. Người du kích ấy ném lựu đạn vào tốp lính để mở vòng vây. Nhóm du kích thoát được ra ngoài nhưng để Dương Thị Xuân Quý lại, đoán rằng chị nhà báo đã tắt thở. Nhà báo Dương Thị Xuân Quý là mẹ tôi”.

Theo Hương Ly, sau 40 năm chiến tranh đã qua, hầu như chị và gia đình năm nào cũng về lại quê hương Quảng Nam, nhưng vẫn chưa tìm được mẹ. Gần đây khi hồ sơ tư liệu của quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu mở, chị đã viết thư và gọi điện qua các tổ chức cựu chiến binh Việt Nam của Mỹ và Hàn Quốc xin cung cấp thông tin. Gần nhất, một nhà ngoại cảm tự nguyện giúp đỡ. Chỗ ông chỉ gia đình đào lên được cúc áo và cặp tóc cùng hai mẩu xương bé xíu. Nhìn vào cúc áo thấy chữ “Levis”, cả nhà tự hỏi sao thời chiến lại có cúc áo Levis? Nhìn cặp tóc có thấy chữ “Tặng chị Xquý”. Nhưng một thời gian sau đó, nhà ngoại cảm này bị chính quyền bắt do đã giả mạo những di vật của một số liệt sĩ mà ông giúp tìm kiếm.

Hương Ly nói, tôi đành cúi đầu chấp nhận những gì đào được trong chuyến đi tìm ấy có thể là của mẹ, mà cũng có thể không. Bởi  gia đình chị không phải là cá biệt. Suốt từ Nam ra Bắc ít có gia đình nào lại không bị chiến tranh đụng tới. Ít có ai không phải ngày ngày thương nhớ những người thân đã nằm xuống trong cuộc chiến đã cướp đi hơn 3 triệu cuộc đời này. Trong hầu hết các gia đình của 90 triệu dân Việt Nam, nhà ai cũng có bàn thờ ông bà, cha mẹ và những người thân đã khuất. Quá khứ chẳng bao giờ thật sự rời khỏi lòng người. Hương Ly viết: “Ngay chính trên điểm mẹ tôi bị bắn, gia đình tôi, với lòng tốt và nhiệt tình của bà con địa phương, đã dựng lên phiến đá cẩm thạch làm nơi tưởng niệm mẹ. Phiến đá ấy được đưa về từ chân núi Non Nước, nơi thời chiến tranh là địa bàn du kích quân lấy làm căn cứ, nay đã trở thành địa điểm du lịch sầm uất.Gia đình tôi tự an ủi rằng phiến đá tưởng niệm âu cũng là một nơi để linh hồn mẹ đi về an nghỉ. Nhưng những câu hỏi và thắc mắc vẫn vương vấn trong đầu”.

Câu chuyện riêng của Dương Thị Xuân Quý – người mẹ của Hương Ly, giờ là câu chuyện bi tráng của lịch sử, của thi ca, hầu như ai cũng biết, nhất là tại Quảng Nam. Dương Thị Xuân Quý sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức tại Hà Nội, đất kinh kỳ. Cha của Dương Thị Xuân Quý là cụ Dương Tự Quán, từng lập nhà in và hiệu sách. Ông cũng sáng lập và làm chủ biên nhiều tờ báo và tạp chí văn học. Một số tờ sau bị Pháp đóng cửa do có xu hướng chỉ trích chế độ thuộc địa. Hai người anh ruột của ông là Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm đều là những người yêu nước hoạt động nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục từng bị chính quyền thuộc địa bắt giam giữ trước năm 1945.

Nhiều năm sau khi Dương Thị Xuân Quý hy sinh, gia đình mới trao cho Hương Ly một bản sao cuốn nhật ký người mẹ viết trong những ngày tháng vượt Trường Sơn, mà mẹ đưa cho bố chị - nhà văn Bùi Minh Quốc giữ trước khi xuống địa bàn chiến đấu của du kích địa phương. Mẹ viết cho chị mỗi ngày, đầy yêu thương rồi lại dằn vặt vì nỗi nhớ con. Hương Ly cho hay, trong một đoạn nhật ký, mẹ chị tả nỗi khủng khiếp sau một đợt bom B52 Mỹ trút xuống trên một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh. Bom trúng đơn vị bộ đội đi trước và đi sau mẹ, chỉ có nhóm của mẹ là thoát chết. Mẹ viết rằng để chị lại cho ông bà ngoại nuôi để vào chiến trường đi viết là quyết định đau đớn nhất trong đời mẹ.

Trong một chuyến về thăm quê hương mới đây, Hương Ly đã tìm thấy một con đường mang tên mẹ chị tại thành phố Đà Nẵng. Cách đó không xa là đường mang tên ông ngoại chị - nhà hoạt động văn hóa Dương Tự Quán. Và còn có ba con đường khác mang tên các bậc tiền bối cũng trong gia đình bên ngoại chị... Chị nói: “Tôi vẫn chưa hết hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được di hài của mẹ, và biết được những giờ phút cuối cùng của mẹ. Đối với riêng tôi, mẹ chính là lý do tôi trở thành nhà báo. Tôi đi tường thuật ở nhiều vùng xung đột: Afganistan, Iraq, Yemen, vùng Bắc Phi và Trung Đông… Đi theo con đường của mẹ, tôi thấy mẹ luôn ở cạnh mình. Và tôi sống cho cả những ngày mẹ tôi chưa kịp sống”.

Sau 40 năm ngày hòa bình, còn biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu số phận vẫn được các nhà báo không ngớt tìm kiếm. Không phải cuộc tìm kiếm nào cũng được đoàn tụ trong nụ cười rạng rỡ. Nhưng hẳn rằng, có một cái đích chung mọi người đều gặp gỡ. Đó là sự hòa hợp, tin yêu, xóa bỏ hận thù, cùng nhau hướng đến tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phồn vinh, thịnh vượng.
T.T.S