Mùi thuốc súng - Nguyễn Văn Thọ
Chiến tranh chấm dứt. Anh nằng nặc đòi trở về quê; từ chối tất cả mọi ưu đãi, thăng hàm, thăng cấp, chỉ mong về quê. Với anh, cuộc chiến đã xong, đất nước đã hòa bình và thống nhất. Quê hương là tiếng gọi duy nhất, sau 12 năm anh ra đi.
Trên suốt chuyến tàu trở về, dường như anh không thể ngủ cho ra ngủ, cứ vừa thiêm thiếp là lại chập chờn mơ. Giấc ngủ chập chờn lắc lư như con tàu, đầy những cơn mộng mị. Khi thì vui, lúc thì buồn. Trong mơ anh thấy thầy, thấy u; thấy rõ cả mảnh vườn, mái nhà anh lợp rạ; lại thấy mồn một cái cầu ao mà ngày đi, trước khi ra đình hai tiếng, để đứng vào hàng quân, anh vẫn lột trần ra, lội xuống cố đóng thêm hai cái cọc tre vào đầu cầu, giữ bằng im tấm ván không cập kênh. Anh muốn vợ không sợ nữa khi ra ao giặt giũ, rửa rau, vo gạo. Và, trong mơ, có lúc anh còn ngửi thấy cả mùi tóc, mùi miệng, môi cả mùi nách của vợ. Mơ thấy vợ, anh choàng tỉnh. Bật phắt dậy, không thể ngủ nữa! Ra đầu toa, đứng nhìn vào đêm đen thẫm, anh đốt ba bốn điếu thuốc. Sao tàu đi chậm thế!?
Quay lại chỗ ngồi anh mở ba lô lần đếm. Cái này cho con trai, cái này cho thầy cái này cho u, cho vợ nữa và, còn những cái này, bao kỷ vật cuộc chiến của anh. Chiếc ponso rằn ri, mấy múi dù hoa. Con dao găm Mỹ chuôi bằng các vòng gỗ kết vào nhau và túi mìn Claymo...Anh lật đi lật lại trên tay vật cuối cùng, một bánh TNT, loại thuốc nổ cực mạnh. Thỏi thuốc hình bánh khảo, màu vàng. Anh đưa lên mũi ngửi. Mùi thuốc súng. Cái mùi theo anh suốt bao năm, để anh mỗi khi hít phải, có cảm giác rất lạ. Nửa đêm mê, lại như sợ hãi, lại như cho anh sức mạnh tựa khi mộng du. Anh là đặc công, lính đặc công quần xịp, bôi tro đen khắp nơi cho lẫn vào màu đất, bóng đêm, áp sát đồn, căn cứ địch với nhiều kíp và vài khối thuốc nổ, dao găm và thủ pháo. Ừ, cái thứ thuốc chết người ấy, tỏa ra một mùi vị khó quên, không thể tả nổi khi bật chốt điểm hỏa, lửa đỏ bùng lên nháy mắt tạo nên sức ép kinh khủng và mùi thuốc súng bùng ra, để anh lao vào điểm đánh khác như tan vào mùi thuốc nổ. Mùi ấy lâu ngày ngấm vào anh, từng tế bào trong anh.
Anh ấn sâu thỏi thuốc vào ba lô. Hòa bình rồi chả cần nó nổ nữa, anh rút kíp vất đi trước khi giữ nó làm kỷ vật. Mỗi con người có một thời kỷ niệm. Lớp lứa anh, đơn vị anh, giữ nó để nhớ những gì trải qua với đồng đội, thằng còn, đứa mất, trong cái mùi dễ khơi lại ở anh, từng khuôn mặt, từng kỷ niệm. Cái mùi theo anh suốt bao năm, mùi bi hùng của đời lính đặc biệt...
Rồi con tàu cũng về tới ga Hà Nội. Anh quyết định đi bộ, sải chân về làng. Ăn nhằm gì! Từ ga Hàng Cỏ tới Kinh Bắc có bao xa? Anh muốn nhìn lại tất cả, từ ga tới làng anh, bên kia con sông, nơi cách đây 12 năm anh giã từ nó chưa một lần trở lại.
Nhà đây rồi. Anh hồi hộp nới sợi thép buộc cổng. Rón rén, lách qua hàng giậu cúc tần. Những sợi tơ vàng quấn trong bụi cây, trong ánh trăng lấp lánh sương ướt, vẫn phân biệt được màu vàng của cây tơ nguyệt và màu xanh của lá, dầu là muôn kiếp, chúng cứ quấn quýt ôm lẫn bên nhau.
Trăng chiếu xéo vào cửa, cho anh nhận ra bậu cửa vẫn như thế, cái hiên đất nện nứt nẻ. Lòng anh thắt lại...
Bấy giờ không chần chừ được, anh lao vào nhà.
- Ai thế! - Có tiếng vọng ra.
Anh im lặng. Rón rén! Khe khẽ:
- Tôi, tôi đây.
Có tiếng chân từ trong chái nhà bước ra chầm chậm. Đúng là vợ anh. Cái dáng ấy bao nhiêu năm sao mà quên được. Anh chợt sững lại. Vợ anh ư. Sao trên tay lại có đứa trẻ thế kia?
- Ai đấy?
- Tôi đây? – Anh sấn tới như gió ùa vào vợ, ôm vợ. Sao vợ anh hờ hững và chợt như xỉu ra.
- Thầy u đâu cả? - Anh nói, nhìn quanh gian nhà lạnh ngắt.
Người đàn bà nhận ra anh:
- Trời ơi! Mình đấy à. Hay mình là ma? - Người đàn bà sụp xuống, lạy: Anh có khôn thiêng phù hộ mẹ con tôi, đừng làm tôi sợ - Nói xong người đàn bà bỗng ngã ra, ngất xỉu. Anh đỡ. Đúng hơn là đỡ cả Người Đàn bà và đứa trẻ hơn 12 tháng tuổi trong vòng tay.
Chuyện anh về cả xóm, cả làng ồn lên. “Thằng Thánh về rồi. Chuyến này chắc nó giết con đĩ Thơm. Vợ con chó gì, ngủ với cả bố chồng, lại đẩy ông ta tới mức tự tử”. Ối trời, cái làng nhỏ như bàn tay ồn ĩ, xì xào như cái chợ âm phủ, rỉ rả câu chuyện của gia đình anh. Nhưng anh không điếc, tiếng người ta cứ như rót vào, vọng vào tai, như cố làm sao xoáy cứa cho bằng nát cõi lòng của anh mới thôi.
Anh trốn tránh tất cả. Ngày, đêm nằm lặng trong góc giường tối, ba bốn ngày không ra khỏi nhà. Anh nằm, giữa một bên là con anh, 12 tuổi, tính ra đúng là tuổi sinh ra từ ngày anh ra đi; một bên là em anh mới hơn một tuổi...Chả thể nào ngủ và anh như muốn chôn sống mình trong chính ngôi nhà đã nuôi anh lớn khôn, nơi chôn nhau cắt rốn. Anh ôm đứa em trên tay khi nó cựa quậy, ú ớ đòi mẹ. Sao nó giống anh thế? Anh đi sang mái nhà bên, nơi thầy u anh ở, thắp hương cho thầy, rồi lại ôm lấy mẹ. Những khi ấy, anh để nguyên cho mẹ khóc. Anh không thể khóc được nữa. Nước mắt mẹ ướt hết vai anh.
- Biết làm thế nào bây giờ, u ơi - Có lúc anh muốn thốt lên mà không sao nói được. Lại có đêm, anh đau thắt nhìn khuôn mặt vợ bơ phờ quỳ bên hương án. Anh đưa vợ về chái nhà, lên giường nằm giữa hai đứa bé và thở rất dài.
Thở rất dài vẫn không nguôi đi cõi lòng anh đang nặng trĩu. Đau lòng quá anh chợt nhớ tới mùi thuốc súng. Lục ba lô lấy ra thỏi bộc phá TNT, lại bần thần vầy vò nó mãi trong tay. Anh nghĩ rất nhiều. Cuối cùng nhìn lại hai đứa trẻ, anh quay ra tìm con dao găm Mỹ đã dắt ở cửa nhà từ đêm anh về. Cạo ra một ít thuốc anh châm lửa Zippo. Một mùi thơm bay, quẩn vào anh, đánh thức tất cả thần kinh của con người đã vượt qua biết bao khó khăn, sinh tử trận mạc, cho anh bình tĩnh lại.
Phải sống! Hai đứa trẻ nữa mà, con anh và đứa kia, nó là em ruột của anh.
Phải sống! Nhưng sống như thế nào đây? Những khoảnh khắc sinh tử trong chiến tranh vụt hiện. Nhưng nó đâu khốc liệt khó khăn đến như ngày hôm nay? Cuộc đời bao mất mát, bao người hy sinh trong vòng tay anh cho anh hiểu điều ấy. Hai đứa trẻ, con và em anh đòi anh phải sống, quên đi mà sống. Bản thân anh cũng không hiểu mình còn yêu thương hay căm thù cái gì, cả con người mà khi xưa anh rất yêu thương và mong chờ 12 năm cho ngày trở về kia và cả thầy anh, người anh kính trọng và yêu thương. Không, tất cả đã qua đi rồi, cần gì tra hỏi và truy ra nguồn căn?
Phải sống!
Hai đứa trẻ, con và em anh đòi anh phải sống, quên đi để mà sống. Bất giác anh đăm đăm nhìn lên mái nhà để tránh cái nhìn của vợ, cả ánh mắt hai đứa trẻ. Nơi mái nhà anh nhìn lên có một góc xơ xác, đen mục vì mưa thấm xuống “nơi đấy đã hơn năm nay mà chả có ai dọi lại chỗ dột“. Cuộc chiến đã đi qua mái nhà này và để lại một di chứng như nơi dột kia. Nơi dột kia có thể soi lại, dọi lại, còn cuộc sống của các con anh?
Sớm ấy anh sang nhà bên ôm lấy mẹ, thôi u ạ. Mọi sự con cho qua hết. Từ mai dọn sang nhà con đi!
- Không. U không sang đâu. Nhà anh, anh ở mà.
- Thôi mà u. Nhà con nó chót dại.
- U cũng chẳng trách nó, cả làng này ai mà chả nghĩ anh hy sinh rồi. Nhưng 11 năm nó kiên gan chờ anh. Tôi cũng chả trách thầy anh. Anh đi ngày nào tôi ốm đau, mỏi mòn ngày ấy. Thầy anh cũng vò võ một mình. Rồi lại thương nó... giá như ông ấy tìm vui ở đâu, sao lại... hu hu, thì... thì tôi đâu hận.
- Thôi mà u. U trách thầy con làm gì! Con biền biệt chả tin tức gì! Thôi nín đi u!
- Ừ, tôi cũng nghĩ vậy. Vì thế trời Phật cho tôi còn đến ngày hôm nay mà chờ anh về.
Anh cũng hiểu cả, muốn tha thứ, muốn vượt qua. Nhưng... anh không biết phải sống tiếp như thế nào?
Rồi thời gian cứ qua đi, như con người không thể tự cứa mãi vào vết thương. Anh cố gắng như con trâu đực kéo cày trên thửa ruộng, trong vườn nhà. Rồi cũng có tiền mua ngói thay cái mái rạ. Mua một cái xe đạp cà tàng. Những đứa trẻ lớn lên, thấm thoát hai năm.
Một ngày mùa hè nóng bỏng, cách ngày giỗ thầy anh hai ngày. Mùa hè, ai cũng như muốn điên vì cái nóng hầm hập cả ngày và đêm. Trước khi ra đồng, vợ anh ra vườn chặt hai buồng chuối và dặn, có thằng Hạ tới thì bán giá như thế như thế. Không được bớt xén gì. Từng ấy tiền vừa đủ tiền mua sách cho con giai anh đấy! Anh, ừ.
Chờ mãi cũng chẳng thấy thằng Hạ tới mua chuối. Tới chiều đang lúi húi vật đất bùn lên vườn thì u ở nhà thờ họ sang:
- Này anh này. Buồng chuối đẹp quá. Cho u xin hai nải thắp hương cho thầy anh nhé.
- Vâng, u lấy đi - Anh chọn cắt hai nải lớn nhất cho u. Lại cắt cho u mớ chè xanh - Mai u nấu cho họ hàng tới giỗ thầy con.
Đến sâm sẩm thì vợ anh về. Trong nhà nghe rõ tiếng vợ:
- Ai cắt hai nải chuối rồi?
- U lấy đấy! - Anh nói vóng ra.
- Thằng Hạ không sang hay nó tới mà thấy mất hai nải nó không lấy.
Anh lại nói với ra:
- Tôi cắt cho u cúng thầy hai nải rồi. Ngày kia là giỗ thầy mà.
- Này thì giỗ thầy này - Nghe rõ tiếng dao phầm phập. Anh hớt hải chạy ra.Ngoài sân người đàn bà vung con dao phát bờ chém như điên dại vào hai buồng chuối. Những nhát chém dồn ứ bao nhiêu uất hận?!
- Dừng tay lại. Dừng lại. Cô điên rồi.
Người đàn bà vẫn chém như điên như dại để tới khi cả hai buồng chuối thành một đám lổn nhổn nát bét.
Anh không kiềm chế được, chỉ vào mặt người đàn bà vừa xa lạ vừa thân thương kia:
- Cô làm tôi không thể chịu được. Cô phản bội tôi, khinh mạn cả thầy tôi.
Anh bỏ ra bờ sông ngồi, mang theo thanh thuốc nổ TNT.
Có mùi thuốc súng thoảng lan ra từ đấy, bên một bóng người đàn ông đen sậm hắt bóng trên nền trời. Bóng anh hằn lên khi mặt trời phía Tây chìm dần, một khối đỏ ối đang chìm dần, quanh nó là những đám mây màu máu sậm loang lổ.
Đêm ấy anh về viết tờ đơn li dị, điều mà suốt hai năm anh chưa bao giờ nghĩ tới.
Bạn bè cũ ở thành phố Đà Nẵng bất ngờ thấy cha con anh quay lại đã giang tay đồng đội đón cha con anh. Không một ai được biết lý do anh quay lại vùng chiến trường cũ, ngoài thủ trưởng đơn vị cũ nay cũng đã chuyển ngành về làm trong ban lãnh đạo thành phố.
Thủ trưởng cũ ân cần nói với anh, cậu cũng nên về đây với chúng tớ. Tất nhiên chưa thể thu xếp nhà ở ngay được, phải ở tạm văn phòng. Cậu có khả năng làm báo chí tuyên truyền, tớ phân công cậu về tờ báo của thành phố.
- Không có việc nào khó cả - Anh bình tĩnh nói.
Với anh, còn có điều gì sau hậu chiến đau đớn hơn đã đẩy anh vào sự chán sống như ngày anh trở về Bắc? Có lẽ đấy là điều khó khăn lớn lao nhất thử thách anh và anh đã vượt qua được trong hai năm. Khi rời bỏ nơi ấy ra đi anh đã để lại tất cả cho vợ cũ và người em trai. Khó nhất là lúc tạm biệt u. Bà dứt khoát không theo anh. U bảo, u sinh ra ở đâu thì chết ở đấy. Nghèo khổ mấy cũng được.
Nhưng một điều anh không thể vượt qua là hành vi của người vợ năm ấy. Nó đẩy anh tới lòng căm giận để chia ly. Chả nhẽ cứ hận thù mãi ư? Câu hỏi đó cứ lởn vởn như thường trực trong đầu anh, không như vết thương đau đớn đợi chờ những ngày trở gió. Anh cố lấy công việc để quên đi nỗi buồn bỏ lại trên quê nhà nhưng nỗi đau âm ỉ vẫn khiến cho anh nhiều đêm khó ngủ. Mỗi lần như thế chờ con trai ngủ rồi, anh rón rén moi từ ba lô ra “phong bánh khảo”, lấy con dao găm cạo ra một chút và đốt.
Mùi thuốc súng lan tỏa sau vệt lửa cháy vụt lên chợt như cho anh một sức mạnh nào đó để anh có thể ngả lưng, trằn trọc và nhắm mắt.
Thành phố Đà Nẵng sau chiến tranh như trở mình vươn dậy. Những cải cách liên tục của thành phố không chỉ cho nhân dân mà cho cả cha con anh. Rồi anh cũng có một căn nhà nhỏ ven sông Hàn. Ngôi nhà trông ra biển để cha con có những ngày tha thẩn dạo trên bãi cát trắng xóa và anh tư lự một mình nhìn về phương Bắc.
Nhưng con người có số phận. Nhứt định có số phận như cái ngày thành phố khánh thành tượng bà mẹ Âu Cơ sừng sững ngay lối ra biển lớn.
Ngồi ở ghế những đại biểu cựu chiến binh hôm ấy anh thực bất ngờ khi có một bà mẹ đại biểu nhân dân ở huyện Hòa Vang tìm anh, gọi tên anh và nhứt quyết nói, anh là người lính Mậu Thân đã bị thương và nằm ở nhà bà trong hầm bí mật cả tuần.
- Cậu là cậu Thánh mà. Tôi nghe giới thiệu đại biểu mà tìm cậu. Cậu nhớ không, má đã tiễn cậu ra tận ngã ba khi quân ta về đón cậu - Bà má tóc bạc phơ cứ nắm chặt lấy tay anh dứt khoát bảo anh là người lính năm nào đó.
Đúng là năm Mậu Thân anh đã tập kết nằm vài đêm ở cái làng ấy rồi vào đánh Đà Nẵng. Nhưng chiến dịch ấy anh đâu có bị thương. Thủ trưởng ghé tai anh: Cậu lạ quá. Cả miền Nam này ai chả là mẹ của chúng ta. Họ đều là má từng nuôi cậu. Đừng để bà thất vọng, ít ra là lúc này dưới bức tượng Âu Cơ mà chúng ta đã xây dựng lên.
Anh ngượng ngùng ôm lấy bà má. Thế là dưới tượng đài Âu Cơ của thành phố anh được nhận một bà mẹ, người đã cưu mang một thương binh nặng năm nào.
Cha con anh được đón về huyện Hòa Vang thăm cả gia đình đã từng che giấu đơn vị anh. Thực không ngờ nữa, cô gái út của má tên Thắm rất xinh đẹp lại chưa có chồng là giáo viên dạy văn trong trường con trai anh.
Cứ như thế gia đình má và Thắm đi lại với cha con anh nửa năm. Nhưng anh là con người trung thực. Anh không thể dối trá. Anh đã kể hết với cô giáo cuộc đời mình và nói rằng, anh không phải là người chiến sĩ năm ấy.
Câu chuyện của anh lại rẽ sang chiều hướng khác. Cô giáo trẻ không nói gì. Suốt cả buổi nói chuyện cô âm thầm gạt nước mắt. Như con người ta có số phận cứ buộc với nhau bằng sợi dây vô hình. Cô giáo Thắm chăm sóc kèm cặp con anh nhiều hơn, đi lại với cha con anh dày hơn và anh cũng tự cảm thấy không thể thiếu cô được.
Ngày cưới thật là vui. Con trai anh cũng vui. Còn không hiểu sao, khi khách khứa về hết, anh chợt nhớ tới bụi cúc tần ở làng anh.
Ánh trăng chênh chếch từ phía bờ biển soi vào nhà như ánh trăng đêm ấy.
Mười năm nữa trôi qua. Duy nhất lần anh ra Bắc là lần về chôn cất bu anh. Anh để con sang với mẹ nó mà không lời thăm hỏi. Lặng lẽ về và lặng lẽ ra đi.
Nhưng hơn mười năm là cả quãng dài bao sự kiện và chính thời gian lại vừa xóa đi những uất hận vừa lại khơi gợi những kỷ niệm của lòng đau.
Anh nhẩm tính thằng em anh đã 16 tuổi. Nó lớn rồi. Không biết nó sống ra sao? Dù ra sao thì nó vẫn là máu mủ của dòng họ nhà anh, là em ruột của anh. Thế là Thánh bàn với vợ và khăn gói trở về Bắc.
Chuyến tàu đưa anh về không nhanh cũng chả chậm. Tàu dừng, từ Hàng Cỏ, anh không đi bộ về làng như ngày nào.
Anh men theo lối cũ. Làng anh đường đi lối lại bao biến đổi nhưng con đường vào ngõ nhà anh vẫn thế. Bụi rào cúc tần vẫn còn đó trong đêm đứng hững hờ.
Anh bàng hoàng trước ngôi nhà của người vợ cũ. Vẫn nhà gạch cũ nứt nẻ và xiêu vẹo từ hồi anh dựng lại. Mái ngói lô xô viên lành viên vỡ. Anh đứng giữa một người đàn bà già nua tàn tạ và thằng bé 16 tuổi gầy trơ xương vì thiếu ăn - Em ông bỏ học từ hai năm nay rồi. Tôi lo lắm. Làng xóm bây giờ cứ xổng ra là trẻ con hư. Nghèo quá chả làm sao lo được - Người vợ cũ thều thào nói.
Suốt đêm anh không ngủ. Cứ lăn bên này lại lăn bên kia trong nhà người em họ. Anh lại dậy và lục ba lô ra bờ sông ngồi. Anh châm lên ngọn lửa Zippo đốt ít mùn thuốc nổ cạo ra từ thỏi bánh khảo màu đã sậm vàng vì thời gian. Anh hít cho căng lồng ngực thứ khói hăng hăng thơm thơm mùi thuốc súng rồi quyết định, không thể chần chừ nữa.
Móc máy điện thoại ra, bất kể khi đó là gần 2 giờ sáng, anh gọi cho Thắm. Anh nói với vợ hoàn toàn tỉnh táo không hề khóc. Giọng anh khô xác trong đêm. Anh không ngờ vợ anh, người con gái Đà Nẵng trả lời gọn lỏn:
- Vâng. Em nghe rõ cả mà. Anh đưa chị và em anh vào đây luôn đi.
Bấy giờ người cựu binh hơn 60 tuổi mới bật khóc. Nức nở! Nước mắt tràn trề má anh. Lúc anh quay lại nhà hai mẹ con ấy lại qua bụi cây có dây tơ hồng. Trong đêm tối vắng trăng, anh không nhìn rõ mọi vật, nhưng anh vẫn tưởng tượng ra tất cả. Bàn tay anh sờ nhẹ mơn man vào đám dây tơ nguyệt trên bụi cúc tần mà nhà nào chả có.
Một tuần sau, người làng làm ruộng bên con đê thấy anh đi trước, người vợ cũ và đứa em đi sau, lặng lẽ rời khỏi làng.
Ra đến đầu làng, anh dừng lại, trân trân ngó về hướng nhà cũ, im lặng đến dăm phút rồi quay phắt ra, nắm tay thằng em phăng phăng kéo đi.
Việc thu xếp cho vợ cũ và em anh ở Đà Nẵng cũng không hề đơn giản. Nhưng phải rõ ràng và minh bạch. Anh và Thắm bán cả hai xe máy. “Chúng ta sẽ đi bộ một thời gian. An cư thì mới lạc nghiệp!”. Cầm số tiền bán nhà của vợ và tiền tiết kiệm, bán xe của vợ chồng anh, Thánh mua cho hai mẹ con một căn nhà nho nhỏ trong thành phố. Cũng thật may mắn, một doanh nghiệp đồng đội cũ nhận thằng bé vào xưởng sửa chữa ô tô. Thằng bé cũng sáng dạ và ngoan. Đấy là bạn anh bảo thế.
Nhưng con người ta đâu chỉ ăm ắp niềm vui. Tháng ấy là ngày giỗ thầy anh. Làm cơm chung cho cả đại gia đình, anh mời cả mẹ vợ anh lên ăn giỗ.
Chiều ấy anh lại lấy chiếc bánh khảo ra cạo ngoài hiên và đốt.
Một vệt lửa và mùi thuốc súng lan ra. Lan ra tận nơi mẹ vợ anh đang ngồi. Bà má Hòa Vang thảng thốt bật dậy: “Mùi gì thế hở các con?”.
Thắm thì không lạ gì. Những khi anh buồn, những lúc khó khăn, chị đều thấy chồng làm cái động tác kỳ cục nhưng đã trở thành quá quen thuộc với chị.
- Anh ấy đốt thuốc nổ má ạ!
- Đâu, thuốc gì?
Bà má chạy ra ngoài hiên cầm lên thỏi thuốc màu vàng và sững người:
- Trời ơi cái thứ giết người đây. Ba mày cũng bị địch chất quanh và đốt ổng bằng thứ này. Thảo nào. Mày giữ nó làm gì hở con. Sao lại như thế. Mày làm tao nhớ lại cái chết đau thương của ổng- Nói rồi má vợ anh bưng mặt khóc. Mớ tóc bạc rung lên.
Sự thật quá rõ ràng và cực bất ngờ làm anh sững sờ và bừng tỉnh. Thánh ôm lấy má vợ anh và vỗ nhè nhẹ lên vai bà:
- Con xin lỗi, con xin lỗi má.
- Mày vứt ngay thứ ấy xuống biển cho má. Vứt đi! - Bà má nói khi đôi vai rung lên, run rẩy.
Anh chộp lấy thỏi bộc phá, thỏi bánh khảo màu vàng sậm đã gắn bó như suốt cả tuổi thanh xuân trận mạc kiêu hùng của đời anh, cũng là cuộc đời bất hạnh của riêng anh hay bao nhiêu người đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Anh chạy như bay ra bờ biển. Ngay sau tượng đài Mẹ Âu Cơ với trăm bọc trứng anh liệng nó ra xa. Liệng cho thật xa.
Ném hẳn đi thanh thuốc màu vàng xong, anh thừ ra. Tự nhiên anh nhớ cái làng xa da diết và trong đầu anh hiện ra mồn một hình ảnh bờ giậu ven nhà.
Những sợi tơ vàng quấn trong bụi cây, trong ánh trăng lấp lánh sương ướt, vẫn phân biệt được màu vàng của cây tơ nguyệt và màu xanh của lá, dầu là muôn kiếp, chúng cứ quấn quýt ôm lẫn bên nhau.
N.V.T