Đến với Trường Sa - Thân Trọng Dũng

01.06.2015

Đến với Trường Sa - Thân Trọng Dũng

Đêm 3/4/2015 là một đêm thật dài đối với tôi và họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng. Thao thức xen lẫn với cảm xúc cùng nhiệt huyết dâng trào khi chúng tôi lần đầu tiên được Hội Mỹ thuật Việt Nam cử tham gia cùng đoàn công tác số 1 thành phố Hồ Chí Minh đi thăm và kiểm tra quân dân huyện đảo Trường Sa. Với thời gian rất ngắn, tại mỗi đảo chỉ hai tiếng đồng hồ nên đêm 3/4, hai chúng tôi phân công nhiệm vụ cụ thể. Tôi viết nhật ký cuộc hành trình, tranh thủ ký họa một số chân dung  chiến sĩ. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha ký họa nhanh phong cảnh để lấy tư liệu các đảo.

Vào 5h30 sáng ngày 4/4/2015, tất cả các đoàn đại biểu gồm thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cục Chính Trị Quân khu III, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Hà Nội tập trung tại Bộ Tư lệnh Hải quân khu vực phía Nam số 1A Tôn Đức Thắng do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng làm trưởng đoàn; đồng chí Phạm Xuân Điệp, Thiếu tướng Phó chuẩn Đô Đốc Hải quân, Ủy viên Trung ương Đảng làm phó đoàn.

Đúng 6h30 xe đưa các đoàn đại biểu ra cảng Cát Lái có các chiến sĩ hải quân dẫn đường rất trang trọng. 7h đoàn chúng tôi đã nhìn thấy các cán bộ chiến sĩ hải quân cùng con tàu của cuộc hành trình.

Đoàn chúng tôi gồm 132 đại biểu, 18 sĩ quan chỉ huy và 37 cán bộ chiến sĩ phục vụ trên tàu HQ TITAN960 do Trung tá Lê Tiến Chung làm thuyền trưởng. Con tàu thật to lớn và uy nghi, nặng khoảng trên 3.000 tấn, dài hơn 70m, rộng 18m. Tàu HQ TITAN960  là tàu cứu hộ đại dương chịu sức gió vô cấp, tốc độ trung bình từ 18km/h đến 20km/h (1,8 hải lý/h). Đây không phải là con tàu chở khách, nhưng tiện nghi bên trong khá đầy đủ, diện tích các phòng chỉ từ 10m2 đến 12m2 dành cho 5 đến 8 người ở và sinh hoạt, có Sofa góc và bàn ăn, tủ lạnh phục vụ tại chỗ. Hệ thống máy lạnh được trang bị từ hành lang cho tới phòng ngủ. Sau khi các đoàn đại biểu lên tàu, các sĩ quan ở dưới cảng làm lễ tiễn rời cảng. Đúng 8h, ba hồi còi kéo vang nghe thật hùng dũng. Tàu bắt đầu nhổ neo rời cảng Cát Lái. Do điều kiện thời tiết tàu gặp chỗ nước nông, đoàn chúng tôi phải neo lại ở cửa biển Vũng Tàu đến 3h30 sáng ngày mùng 5/4 tàu mới thẳng tiến về huyện đảo Trường Sa.

Trên hành trình ra đảo Trường Sa lớn, chúng tôi thấy có rất nhiều giàn khoan thăm dò dầu khí trải dài theo vùng biển phía Nam này. Không gian và thời gian có phần khác lạ, biển khá êm, từng con sóng nhỏ lăn tăn thật hiền hòa. Tối ngày 5/4, các thành viên tổ chức giao lưu văn nghệ cùng cán bộ chiến sĩ ngay trên tàu. Đêm ấy tôi đã có một “kỷ lục” đáng nhớ, bởi vì lần đầu tiên ở tuổi 48 này tôi tham gia văn nghệ cùng đoàn Hội Mỹ thuật Việt Nam, anh em lại chọn tôi hát chính nữa chứ. Tôi hát bài “Lá đỏ” của nhạc sĩ  Hoàng Hiệp với trang phục quần đỏ áo đỏ, mũ đỏ, dép đỏ tại sàn sân khấu nhỏ trên boong tàu màu đỏ, vui và vinh dự lắm! Sau bài hát đó, ngoài biệt danh “Dũng Ru lô” bây giờ tôi lại được mọi người cổ vũ đặt thêm tên “Dũng lá đỏ” nữa!

Ở đất liền chỉ có trời và đất, còn ở đây thì chỉ có trời và biển, sự giao thoa đầy thú vị ở thềm lục địa phía Nam này. Bình minh, hoàng hôn trên biển  đẹp lặng lẽ và yên bình đến kỳ lạ. Màu của biển luôn thay đổi theo từng khoảnh khắc thời gian, sắc màu lạ lẫm, từng đàn cá heo đùa giỡn đuổi theo tàu, từng đàn cá chuồn bay như những chú chim én nhỏ đáng yêu vô cùng.

Đã hai ngày một đêm của cuộc hành trình. 6h30 sáng ngày 7/4 cả đoàn bước chân lên đảo Trường Sa lớn, tôi được phân công cùng hơn nửa số đại biểu lên đảo. Hồ Đình Nam Kha và số đại biểu còn lại được phân công đi thăm đảo Đá Lát tặng quà và quay về Trường Sa lớn ăn cơm trưa cùng quân và dân ở đảo. 7h cả đoàn làm lễ chào cờ, đi thắp hương các anh hùng liệt sĩ, thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ, thăm chùa Trường Sa, cùng đoàn văn công giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Tôi đi một vòng quanh đảo thăm và ngắm ngọn hải đăng thật hùng vĩ. Những cây bàng trái vuông, cây phong ba và đặc biệt cây bão táp được trồng xung quanh đảo như một hàng rào che chắn bão, những cơn sóng dữ và bảo vệ các cán bộ chiến sĩ và công trình chiến lược trên đảo. Cái nắng ở đây rất đẹp, từng tia nắng nhỏ xuyên qua bóng lá bàng gợi cảm xúc thật lạ. Cây phong ba, cây bão táp tạo thành những đốm nắng dưới mặt đất với sắc độ đậm nhạt rất tạo hình và đẹp mắt. Mặc dù trên đảo có những thiếu thốn nhất định, nhưng cán bộ chiến sĩ ai cũng vui, đầy nhiệt huyết và trên cả là sự kiên cường không bao giờ thiếu. Nhiều suất quà từ đất liến được trao tặng thể hiện tình quân dân ấm áp. Tôi đại diện cho Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng trao quà cho các em thiếu nhi Trường Sa. Trong cuộc hành trình này những tình cảm từ đất liền mang đến cho cán bộ chiến sĩ ở đảo được gởi gắm qua hơn 11 tỉ đồng và 800 triệu tiền quà. 13 giờ, tất cả mọi người phải lên xuồng nhỏ trở lại tàu.  Đoàn lại tiếp tục cuộc hành trình.

5 giờ sáng ngày 8/4, tiếng loa phóng thanh với chất giọng đầm ấm quen thuộc của Thuyền trưởng – Trung tá Lê Tiến Chung: “Toàn đoàn báo thức, báo thức toàn đoàn” như một hiệu lệnh thôi thúc cả đoàn bật dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Đúng 6h30 tàu hạ xuồng, từng tốp 10 đến 15 đại biểu xuống xuồng vào thăm đảo Trường Sa Đông. Không gian đảo Trường Sa Đông đầm ấm như một làng quê ở đất liền, có tiếng gà gáy, tiếng heo kêu và cả những chú chó sủa vang khi khách đến. Trên đường vào đảo xuồng phải đi qua rặng san hô đầy màu sắc, lung linh huyền ảo. Cán bộ chiến sĩ đón tiếp đoàn ân cần và chu đáo. Thật trân trọng và tôn vinh các anh! 13h ngày 8/4, lại tiếng phát thanh của thuyền trưởng Trung tá Lê Tiến Chung: “Toàn đoàn báo thức, báo thức toàn đoàn”, chúng tôi  xuống xuồng đi thăm hai đảo Đá Đông A và Đá Đông C. Không có nhiều thời gian, đoàn phải chia ra làm hai nhóm để đi thăm và tặng quà. Đảo Đá Đông A cách Đảo Đá Đông C ước chừng 6 đến 7 hải lý. Hai đảo này tuy nhỏ nhưng không kém phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trời nắng rát quá, mọi người ai cũng toát mồ hôi, nhưng phấn khởi lắm. Đến thăm đảo nào cũng thấy cây xanh, chủ yếu là cây bàng trái vuông và những vườn rau Thanh niên lúc nào cũng xanh tốt đủ dùng cho cán bộ chiến sĩ quanh năm. Đến 15h30, cả đoàn lên tàu tiếp tục cuộc hành trình thăm đảo Tiên Nữ. Ngày và đêm ở đảo sao dài quá. Đến đảo Tiên Nữ đoàn phải đi ngang qua đảo Châu Viên của Việt Nam bị bọn bành trướng Bắc Kinh chiếm năm 1958. Nhìn từ xa thấy đảo rất rộng lớn, xây dựng kiên cố. Có thể thấy những chiếc cần cẩu to lớn đầy sắc màu. Chiều dài đảo ước chừng 3km. Trong đoàn mọi người thấy ruột gan quặn đau như mất đi một phần máu thịt. Càng đi xa về phía Nam biển Đông sóng càng to, con tàu to lớn vẫn lắc lư chồng chềnh theo từng cơn sóng.

Lại sang một ngày mới, đúng 5h sáng tiếng loa báo thức vang lên. Chúng tôi tất tả chạy lên boong tàu ngắm bình minh ở đảo Tiên Nữ. Đảo Tiên Nữ nằm cách Philippin chừng 20 hải lý. Đây là đảo cuối cùng nằm ở phía Nam thềm lục địa, đứng sừng sững như một pháo đài, huyền bí thướt tha như tên gọi của nó. Đêm ngày 8/4 tàu neo lại gần đảo để sáng sớm xuồng đưa đoàn vào thăm. Tôi đứng trên boong tàu ngắm những dải ngân hà dày đặc sáng rực trời mà ở đất liền không bao giờ thấy được. Trăng sáng vằng vặc lung linh như dát bạc, dát vàng tựa một tác phẩm sơn mài vô cùng quý hiếm. Nước biển sẫm màu trông rất huyền bí không thể có trong bảng màu của các họa sĩ. Chúng tôi chờ đến bình minh xem mặt trời mọc, nơi dáng hình của Tổ quốc nằm cuối thềm lục địa phía Nam này. Đúng như dự đoán, mặt trời ở đây mọc sớm nhất Việt Nam. Mới 5h mà cả vùng biển rộng lớn sáng rực. Mặt trời thì to với vô vàn từng chi tiết nhỏ. Đến đây coi như chúng tôi đã đi qua hơn nửa chặng đường. Đảo Tiên Nữ tuy nhỏ hơn các đảo khác nhưng rất vững chãi về mặt quốc phòng, vùng biển này sâu lắm, màu nước đen xanh sâu thẳm. Phía xa là ngọn hải đăng cuối cùng của Tổ quốc. Cán bộ chiến sĩ ở đảo này tuy thiếu thốn về tinh thần và vật chất – mỗi ngày một cán bộ chiến sĩ chỉ được dùng 5 lít nước ngọt để sinh hoạt, nhưng gương mặt vẫn rạng ngời, ý chí chiến đấu luôn sẵn sàng với bọn giặc lạ xâm lăng. 9h30 đoàn chúng tôi rời đảo, chia tay các anh thật bùi ngùi xúc động. 13h30 trời nắng gắt, chúng tôi rời tàu vào thăm đảo Đá Le A. Điểm đặc trưng của đảo này là bộ đội nuôi rất nhiều chó. Mặt bằng đảo rộng rãi rất đẹp. Gặp nhau mọi người tay trong tay như người thân lâu ngày gặp lại. Chúng tôi lại hát, hát những bài hát về Trường Sa, về người lính biển để động viên các anh. Mọi người lại về tàu tiếp tục cuộc hành trình. Đêm đó tàu neo lại để chúng tôi câu cá. Rất nhiều tiếng reo hò khi một người trong đoàn câu được cá to.

 “Toàn đoàn báo thức, báo thức toàn đoàn!” tiếng loa lại vang lên, 6h30 sáng ngày 10/4 đoàn vào thăm đảo Thuyền Chài A và C. Hôm đó biển động thật mạnh. Đoàn lại phân thành 2 nhóm để vào thăm đảo Thuyền Chài. Đảo rất đẹp, nhìn từ trên boong tàu trông như một chiếc thuyền lớn, kiến trúc cũng khác so với các đảo đã đi qua. Cá ở vùng biển này rất nhiều, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cán bộ chiến sĩ ở đây rất gắn bó, đoàn kết, đùm bọc nhau.

Sáng 11/4/2015, Đảo An Bang là đảo cuối cùng đoàn ghé thăm. Sóng biển rất to, thuyền trưởng không đồng ý cho đoàn rời tàu vào thăm. Chỉ có Trưởng đoàn, Phó đoàn, cánh nhà báo, đoàn văn công được vào thăm. Tôi và Kha rất tiếc. Điểm đặc biệt ở đảo là sóng vỗ bốn mặt nên để vào đảo rất nguy hiểm. Bộ đội ở đây phải huấn luyện những bài tập đặc biệt để đưa khách vào thăm. Đảo An Bang là đảo rất khó tiếp cận vì nằm trên một thân cây san hô lớn được giải phóng năm 1978. Không vào được đảo này cả đoàn rất tiếc coi như chuyến đi còn thiếu một chút hương vị của biển khơi.

Đoàn công tác chúng tôi tiếp tục rẽ sóng về phía Tây Nam thềm lục địa, nơi cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên giàn khoan DK1. Đêm đó, ai cũng trằn trọc không ngủ được, chỉ chờ trời sáng để tận mắt nhìn thấy nhà giàn DK1 mỗi ngày đang đứng giữa những con sóng dữ, những trận phong ba bão táp, sự cuồng nộ của biển khơi mà vẫn hiên ngang, vững chãi đến lạ thường. 6h sáng ngày 12/4, sóng vẫn to, tất cả thuyền viên và đoàn đại biểu có mặt sẵn sàng trên boong tàu chia thành 10 hàng dọc để đồng chí Nguyễn Thành Phong làm lễ tưởng niệm anh linh các chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1. Lễ tưởng niệm thật trang nghiêm, mọi người thả từng nhánh hoa để tiễn biệt các anh mãi mãi hòa tan vào máu thịt của Tổ quốc. Từ năm 1989 đến 2000, bão tố đã xô ngã nhà giàn DK1 bốn lần làm 20 chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Hôm nay, đứng trên nhà giàn DK1, được nhìn thấy hình hài của Tổ quốc yêu thương tôi cảm nhận được sự nguy hiểm mà hằng ngày các anh phải đối mặt. Với niềm tự hào và trân trọng, tôi kính cẩn tiễn đưa các anh về cõi vĩnh hằng.

15h chiều ngày 13/4 đoàn chúng tôi về đến cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, kết thúc cuộc hành trình của đoàn công tác số 1 thăm và kiểm tra quân và dân huyện đảo Trường Sa. 10h ngày 14/4, chúng tôi về đến cảng Cát Lái, chia tay các anh thật bùi ngùi xúc động, xin cảm ơn các anh đã theo đoàn chúng tôi trong suốt cuộc hành trình dài ngày trên biển đảo quê hương mình, vùng biển thiêng liêng phía Nam thềm lục địa của Tổ quốc. Cả chuyến hành trình dài 1.085 hải lý (2028 km), chúng tôi được đi thăm 8 đảo (3 đảo nổi và 5 đảo chìm) và 2 nhà giàn DK1 mà không có bất cứ sự cố rủi ro nào. Xin cám ơn các anh, tạm biệt Trường Sa, tạm biệt con tàu luôn bảo vệ chúng tôi suốt cuộc hành trình HQ TITAN 960!

“Nếu Tổ quốc gọi Tôi đi lần nữa

Dù ngàn khơi có giông tố cuồng phong

Trường Sa ơi vọng mãi khắp non sông

Nguyện ra đi giữ nguyên hình Tổ quốc”

Sài Gòn, 14/4/2015

T.T.D