Tết Nguyên Đán và những phong tục cổ truyền của người Việt
Bùi Như HẢi
Ở Việt Nam, trong một năm có rất nhiều lễ Tết, ứng với tiết trời và mùa vụ khác nhau như Tết khai hạ (Mồng bảy tháng giêng), Tết rằm tháng giêng (Tết thượng nguyên), Tết hàn thực (Mồng ba tháng ba), Tết đoan ngọ (Mồng năm tháng năm)... trong đó, lớn nhất, trọng đại nhất vẫn là Tết Nguyên Đán. Các Tết trên có nơi tổ chức, có nơi không, với nhiều hình thức, nội dung khác nhau. Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc, nó in đậm dấu ấn văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. Trong An - Nam - chí - nguyên viết như sau về phong tục ngày Tết của cư dân Giao Chỉ cách đây cả ngàn năm: "Hàng năm ba ngày Nguyên Đán đều thịnh soạn cổ bàn cúng tổ tiên. Trai gái, trai giới hoa hương lễ Phật. Chơi trò đánh vụ, đá cầu, hát múa, kéo co. Bên thắng uống rượu, bên thua uống nước lã... Năm hết Tết đến, ai có gì thì tiêu cho hết, cúng tổ tiên rất hậu, đốt pháo treo ống lệnh, ăn uống linh đình, chong đèn sáng đêm”. Những phong tục đẹp đẽ này vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.
Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi sớm, buổi ban mai. Nguyên Đán là buổi sáng sớm khởi đầu của một năm mới. Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất xứ từ "tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, điều đó, có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta.
Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm "Ơn trời mưa nắng phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước... Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.
Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ đời Ngũ Đế Tam Vương. Theo cuốn "Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam” thì: Ðời Tam Vương, nhà Hạ, chuộng màu đen, nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần. Nhà Thương, thích màu trắng, lấy tháng Sửu (con trâu), tháng chạp làm tháng đầu năm. Qua nhà Chu (1050-256 trước công nguyên), ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý (con chuột), tháng Mười một làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên, theo ngày giờ, lúc mới tạo thiên lập địa: Nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người mà đặt ra ngày Tết khác nhau. Ðến đời Ðông Chu, Khổng Phu tử ra đời, đổi ngày Tết vào một tháng nhất định: tháng Dần. Mãi đến đời Tần (thế kỷ III TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi (con lợn), tức tháng Mười. Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Ðế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần (tức tháng Giêng) như đời nhà Hạ, và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa. Ðến đời Ðông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ Tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được tính từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy.
Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản (các dân tộc ăn cơm bằng đũa) ăn Tết Nguyên Đán vào đúng ngày mồng Một tháng Giêng âm lịch. Hiện nay, người Việt chỉ được nghỉ ăn Tết trong 4 ngày, từ 30 tháng Chạp tới mùng 3 tháng Giêng (âm lịch), tức là tới hết ngày giống Lợn ra đời. Trên thực tế, không khí Tết sẽ dùng dằng ở lại cho đến hết tháng Giêng, thậm chí lâu hơn theo tinh thần câu ca dao mà người Việt ai cũng thuộc lòng: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”.
Đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết Cả Việt Nam là "nếp sống cộng đồng”. Người Việt chuẩn bị đón Tết từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp âm lịch đã nhộn nhịp đón Tết, chợ búa, hàng quán trở nên đông đúc hơn những ngày thường. Nhà nào cũng trang hoàng nhà cửa, may quần áo mới, lau chùi đánh bóng đồ thờ tự, thay cát mới cho bát nhang, bày biện mâm ngũ quả, viết đối liễn... Ngoài sân, đầu xóm, đầu đường thì dựng cây nêu. Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: "Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "lên nêu”... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ. Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là "hạ nêu” phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi”. Với mỹ tục đậm đà bản sắc dân tộc, thế nhưng, ngày nay tục trồng cây nêu lại không còn nữa. Họa chăng chỉ còn trong sách báo, trong thơ văn với câu đối Tết: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp được coi là mang tính giao thời, chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con Cá Chép, cá Chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.
Sau lễ tiễn đưa ông Táo thì mỗi gia đình lại chuẩn bị lễ Tất niên. Lễ được tiến hành vào trưa hoặc chiều ngày ba mươi Tết. Lễ cúng Tất niên có một ý nghĩa rất quan trọng. Người chủ trong gia đình khấn ông bà tổ tiên về chung vui cùng con cháu. Trong tâm thức của người Việt, cúng Tất niên là cuộc gặp gỡ giữa các vị thần linh. Thần linh ở đây không cao xa, huyền bí như ở các miếu, am, đó là các vị thần trong nhà gọi là gia thần. Gia thần gồm ba vị: Thần Tiên sư hay Nghệ sư, tức là vị Tổ đầu tiên dạy nghề của mình. Nghề nào có Tổ ấy. Thần Thổ công, vị thần giữ đất, trông coi nhà nơi mình ở. Thần Táo quân chăm sóc, giúp đỡ việc nấu ăn cho mọi người trong gia đình. Hai là cuộc gặp gỡ của Tổ tiên, ông bà đã khuất. Tết đến hương hồn họ cũng về họp với con cháu. Đó là gia tiên. Cuộc gặp gỡ thứ ba là giữa những người còn sống trong gia đình. Theo tập quán, hàng năm Tết đến ai cũng mong muốn thiết tha trở về nhà sum họp gia đình trong ba ngày tết. Bởi, ngày Tết của người Việt là ngày nhớ ơn, tạ ơn, ngày hội đoàn tụ, đoàn viên ấm cúng. Sau lễ Tất niên thì mọi người khẩn trương dọn dẹp lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Sau khi công việc chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầm ấm, thiêng liêng, vui vẻ xong thì gia chủ phải chuẩn bị mâm cỗ để cúng Giao thừa.
Nửa đêm ba mươi rạng ngày mồng một, nhà nào cũng bày hương án giữa sân để cúng Giao thừa (gọi là Lễ Trừ tịch). Lễ Giao thừa chính là thời khắc thiêng liêng nhất, giao lại cái cũ, đón nhận cái mới. Lễ cúng được tiến hành ngoài trời đúng mười hai giờ, thời khắc thiêng liêng khi mà đất trời giao cảm, chuẩn bị cho sự vận động mới. Đồ cúng gồm các lễ vật như: Một con gà trống tơ ngậm hoa hồng, đĩa muối, bát gạo, nồi cháo trắng, mâm hạt nổ, ấm trà, chai rượu, hương nến... Chủ nhà cúng lạy bốn phương để cầu xin thổ thần và quan Hành khiển mới phù hộ cho gia đình sang năm mới phát tài, phát lộc. Kể từ giờ phút này, Tết Nguyên Đán bắt đầu về, đánh dấu một điều gì đó rất thiêng liêng và liên quan đến hạnh phúc riêng tư, vận hạn của mỗi cá nhân con người: được - mất, thành công - thất bại...
Ngày mồng Một (ngày Chính đán) có tục xông đất (đạp đất). Người Việt quan niệm ngày mồng Một Tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới. Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuồi hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều: Người được chọn xông đất phải khỏe mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hòa thuận.
Đi đôi với tục xông nhà là tục mừng tuổi. Đây là nét đẹp truyền thống kính già yêu trẻ của người Việt. Tiền mừng tuổi phải mới và mang ý nghĩa tượng trưng hơn là giá trị thực của nó.
Cũng trong sáng mồng Một Tết con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổị, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm một tuổi).
Một số người vẫn giữ tục xuất hành và hái lộc. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một "cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước, đó là tục "hái lộc”. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.
Lịch vui xuân cũng thành nếp trong tâm thức của người Việt: "Mồng một thì ở nhà cha, Mồng hai nhà mẹ, Mồng ba nhà chồng”. Thăm viếng họ hàng để gắn kết tình cảm gia đình... Lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công...; những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi” hay "của đi thay người” nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Khi khách đến chúc Tết là lúc gia chủ mang những món ngon vật lạ ra tiếp đãi. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống trong tâm hồn của con người Việt Nam.
Cùng với những phong tục, lễ nghi ngày Tết, người Việt còn tổ chức hội hè vui chơi. Lễ là tín ngưỡng thiêng liêng, còn Hội là vui chơi thế tục. Hai mặt đó kết hợp với nhau để khởi động nên nguồn giao cảm giữa Trời - Đất - Con người. Trong hội Xuân có nhiều hội như hội chợ Viềng (Nam Định), hát Quan họ (Bắc Ninh), hát Bài chòi (Quảng Nam, Bình Định)... Các cuộc thi như chơi cờ người, chọi gà, chơi chải... Tuy vậy, hội hè vẫn có một ý nghĩa thiêng liêng, đáp ứng nhu cầu thầm kín của con người. Đó là nhu cầu cộng cẩm, cảm thông với người khác và cả với đất trời. Henri Maspero trong "Les Religions Chinoises” đã nói về hội Xuân như sau: "Những hội hè ấy nếu thiếu thì mùa màng không tốt, lúa không mọc. Chính lúc người ta vừa xua đuổi khí độc của mùa Đông đi, là lúc có cuộc phối hợp giữa thanh niên - thiếu nữ. Sự phối hợp này có mục đích như kích thích sự phát triển của khí dương xuân. Nhờ đó mà cái vòng thời tiết của năm mới được khởi động, sự màu mỡ của đất đai được đảm bảo... Hội hè mùa Xuân có một tính cách tính ngưỡng rõ rệt, nhằm mục đích điều lý sự vận hành vũ trụ, nhất là giúp cho mùa Xuân mở đầu sự phát triển nông nghiệp”.
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, mặc dù có nhiều phong tục ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng nó vẫn mang những đặc điểm sinh hoạt cộng đồng và phản ánh những sắc thái của văn minh lúa nước. Những phong tục ấy nó không chỉ có giá trị trong xã hội cũ, mà còn có vai trò quan trọng trong xã hội đương đại trong việc giáo dục đạo đức, tinh thần đoàn kết yêu thương, kính trọng Tổ tiên ông bà.
Từ khi văn minh phương Tây vào Việt Nam và thực hiện hiện đại hóa xã hội, các phong tục cổ truyền trong Tết Nguyên Đán đã được giản lược đi rất nhiều. Đây cũng là chuyện bình thường của sự tiến hóa văn hóa. Thế nhưng, chúng ta biết gạn đục khơi trong, xóa bỏ những hủ tục và lưu giữ những phong tục tốt đẹp để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc trong xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế, mà không đánh mất bản sắc riêng của mình...
B.N.H