Mùa xuân trong thơ Haiku

18.01.2012

Mùa xuân trong thơ Haiku

HUỲNH VĂN HOA

Cảm thức thiên nhiên của người Nhật là cảm thức về bốn mùa. Tình yêu thiên nhiên đồng nghĩa với tình yêu mùa. Điều này thể hiện rất rõ trong haiku của Nhật Bản. Hầu hết các tuyển tập haiku đều sắp xếp nội dung theo mùa thơ. Haiku có mặt khá sớm trong lịch sử thơ ca xứ Phù Tang, chừng 700-800 năm trước. Song, phải đến giai đoạn từ thế kỷ XVI, haiku mới đạt độ viên mãn của nó.

Haiku là một trong những truyền thống nghệ thuật độc đáo, làm nên nét riêng của tâm hồn người Nhật. Thể thơ này, từ xa xưa, bắt nguồn từ một thể thơ ngắn, có 31 âm tiết, xếp theo thứ tự 5-7-5-7-7. Ba dòng đầu được xướng lên gọi là haiku, hai dòng tiếp là lối thơ "nối điệu”. Bài haiku cổ nhất, làm vào khoảng thế kỷ XIII là bài Sadaiye:

Cành đào rơi lả tả

Và cơn giông đã tới

Đuổi theo!(1)

Dần về sau, haiku cố định ở 17 chữ, theo lối 5-7-5.

Như đã nói, haiku là thế giới đầy ảo diệu về những điệu hồn của tâm tình người Nhật. Haiku là bức tranh thủy mặc mà độ nhòe của nó khiến cho người ta khó có một định nghĩa thống nhất về nó. Haiku ngắn về âm tiết hơn so với các thể thơ khác, vì thế, nó tập trung cao độ về trường liên tưởng và tính biểu cảm.

Haiku không bao giờ là bức tranh bày biện đầy đủ các chi tiết. Nằm trong vùng ảnh hưởng của nghệ thuật phương Đông, cũng như thơ Đường, tranh Tống, haiku chỉ là những nét chấm phá, gợi hơn là tả. Phần quan trọng của một bài haiku là dành cho người đọc tự bổ khuyết, tự chiêm nghiệm, tự phát triển những đường viền của tưởng tượng. Haiku đúng nghĩa với thể thơ "ý tại ngôn ngoại”, nghĩa tường minh là cơ sở, tạo đà cho nghĩa hàm ẩn. Nghĩa hàm ẩn mới là chỗ đến của haiku. Đó là sự ngân vọng của điệp trùng âm bậc. Vì vậy, tính chất mơ hồ, huyễn hoặc, khó nắm bắt... đã trở thành một lực hút của haiku. Song, cũng không vì vậy mà nó rơi vào bí hiểm, bất khả tri luận.

Haiku thường nói đến mùa. Nói một cách khác, mùa là đặc điểm nghệ thuật của haiku. Hầu hết các tuyển tập hiện nay về haiku đều xếp theo mùa. Đối với người Nhật, các trục sau đã trở thành một nhất thể lý tưởng trong haiku:

Không gian - Thời gian - Con người

Thiên nhiên - Nghệ sĩ - Triết học

Trong các mùa, mùa xuân là mùa được các nhà thơ chọn làm thi liệu để đưa vào haiku. Điều này cũng không có gì lạ, là bởi, phương Đông cho đó là mùa khởi điểm của một năm.

Thiền sư Sogi (1421-1502) có vị trí đáng kể trong lịch sử thơ ca Nhật Bản. Dù tác phẩm mất mát nhiều, số còn lại không lớn, song thiên tài ấy vẫn chói sáng và lung linh kỳ ảo qua nhiều bài thơ. Hoa mơ trước vầng trăng của Sogi có những liên tưởng bất ngờ, chứa đầy ký ức của một tình yêu vẫn còn nồng nàn, đằm thắm:

Đêm xuống lạnh

Gối đầu lên cánh tay

Hương hoa mơ đầy

Gió mùa xuân vừa động

Lệ ứa màu trăng phai.

Bài thơ phảng phất ý vị của nghĩ suy, tình cảm của những người đang yêu. Mùa xuân về, trong cái lạnh của những ngày cuối đông, hoa mơ nở đầy, lắng nghe bước đi của thời gian, gối đầu lên tay, miên man nghĩ, nhìn trăng và lệ ứa.

Thực ra, ở phương Đông, trong đó có Việt Nam, các thiền sư vẫn quen làm thơ tình. Huyền Quang (1254-1334) thời nhà Trần là một ví dụ.

Nhiều bài haiku nói về mùa xuân, mỗi bài có dáng vẻ riêng. Moritake (1455-1549) là một tu sĩ thần đạo. Phần lớn những tác phẩm hay nhất của ông đều lấy cảm hứng từ Phật giáo. Cái nhìn tinh tế về nhịp điệu thời gian, về sắc độ ánh sáng, về cảm thức của con người trước vũ trụ được lấy ý tưởng từ một câu kinh "Một cái hoa rụng có thể trở lại cành của nó không?”. Chỉ một câu hỏi ấy thôi, nhưng đằng sau nó, là một thế giới:

Hoa đào rơi rụng

Trở lại cành xanh

Ồ, cánh bướm lung linh.

Và đến Basho (1644-1694), haiku đạt đến độ tuyệt hảo của nó. Là nhà thơ sống vào thời đại thái bình thịnh trị, đồng thời là một thi sĩ lớn, Basho để lại dấu ấn khá đậm trong lịch sử thơ ca của Nhật Bản, được người đời sau tìm đến để nghiên cứu, thưởng thức. Suốt một đời, Basho hành hương qua các vùng miền của đất nước, thâu tóm những cảnh đẹp của quê hương, thức nhận đầy đủ hương sắc của bốn mùa.

Bài Xuân nhật đã làm nên chấn động của văn chương bằng bước nhảy bất ngờ của con ếch:

Ao cũ

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao.

Nhiều bài viết đã bình luận về câu, chữ của bài thơ kỳ bí này. Tiếng động của nước do con ếch khuấy lên đã vang âm qua bao thời đại, bao xứ sở, cả đến bây giờ. Bài thơ gợi cho ta nhớ đến tiếng ếch trong bài thơ Sông Lấp của Tú Xương. Với bài Nguyên Đán, Basho viết:

Ngày đầu năm

Tư duy về cô tịch

Chiều thu.

Bài thơ viết vào ngày đầu năm nhưng cái cô tịch của chiều thu đã xuất lộ. Người ta cảm thấy ở Basho cái tĩnh mịch của vũ trụ mà với kinh nghiệm thiền quán mới có, đã làm nên cái nhìn về lẽ sống, về cõi phúc, sự tan hòa giữa nỗi cô đơn của con người và sự tịch liêu vời vợi của đất trời, thẳm sâu giữa ánh sáng và cát bụi, giữa mênh mông, hùng vĩ của thiên nhiên và tâm hồn của một hành giả đi tìm chân lý.

Có lần, khi viết về niềm vui của Basho, người ta có thể vẽ ra những con đường ông đã đi qua, những đền đài ông đã đến và trên bước chân phiêu lãng ấy, không hiếm kẻ đời sau cũng làm cuộc hành trình, mong tìm được những ngọn nguồn sáng tạo từ ông.

Basho có nhiều bài thơ xuân gắn với trăng non và mận trắng:

Hoa và trăng đã biện bày

Và xuân vợi nữa

Cũng phôi thai. 

Hay:

Một nhành mận trắng trên lưng gương soi

Mùa xuân đến

Không ai hay.

Dường như là đối với người Nhật, từ kinh nghiệm và truyền thống đã nói rằng: Basho thấm nhuần sâu sắc tinh thần thiền, đến mức mà trong tất cả các câu thơ ông viết không bao giờ không thể hiện yếu tố đó.

Vào một ngày cuối xuân, theo Basho thuật lại, ông đã lên lầu Takadate, tòa lầu cao ngất, nơi người anh hùng dân tộc Nhật Yoshitsune và những người tùy tùng trung nghĩa cuối cùng đã bị sát hại, rồi nhìn xuống phía dưới. Dưới ấy, những đồng bằng với nội cỏ xanh ngắt, ông nghĩ về cuộc đời, về thời gian, về một vương triều và nhận ra rằng tất cả, tất cả chỉ còn lại là một vùng cỏ xanh rì, ngút ngàn phía trước. Basho ngồi xuống và than thở:

Dấu xưa xanh cỏ tháng hè

Tráng sĩ, tráng sĩ hề

Mộng lữ.

Basho là người đã đem lại sức sống bất diệt cho Haiku, là đạo sư của dòng thơ này. R.H.Blyth có nêu nhận xét: "Nước Nhật sinh ra cùng với Basho vào năm 1644. Ông chính là người đã sáng tạo ra linh hồn của Nhật Bản”. Cũng chính vì vậy, Basho thống nhất các thành tố Đạo - Triết - Thơ.

Năm 1694, Basho qua đời. Cái chết cũng đẹp như cuộc đời ông, trên nửa cung đường của chuyến hành hương, giữa môn sinh và bằng hữu, ông ra đi.

Sodo (1641-1716) có một bài thơ xuân đậm chất triết luận:

Mùa xuân lều cỏ

Tuyệt không có gì

Không gì không có.

Không và có, phủ định với khẳng định, thiên nhiên, đất trời hòa hợp với con người.

Taniguchi Buson (1715-1783) là khuôn mặt lớn của haiku, sau Basho. Harold G. Henderson có nêu nhận xét: "Basho thì hiền hòa, minh triết và huyền ẩn, còn Buson thì thông minh, đa diện và tài tình” (theo Hài cú nhập môn - bản Tiếng Việt của Lê Thiện Dũng - NXB Trẻ - TP.HCM 2000- tr. 60).

Buson là thi sĩ của mùa xuân, với đề tài này, Buson có chừng 30 bài haiku. Ông rất mực tài hoa khi viết về mưa xuân. Mưa xuân gắn với tình yêu lứa đôi, hạnh phúc; với sắc hoa anh đào của một buổi sáng xuân; với chùa cổ nằm ẩn mình trong mưa xuân rắc hạt; với chú ếch phềnh bụng đón hạt mưa,... Buson không có khuynh hướng vươn đến cái huyền ảo như Basho, thay vào đó là không gian của mùi hương trần thế, âm thanh và màu sắc của mùa xuân pha với một thứ ánh sáng lung linh, trữ tình của hội họa.

Một khuôn mặt độc đáo khác, Kobayashi Issa (1763-1827). Ông cũng được yêu mến như Basho. Dường như ông sinh ra là để nếm trải những bất hạnh của trần ai, song cũng từ đó, những khúc bi ca đẹp nhất được ra đời, đi giữa tình yêu và Phật tính. Có một trái tim vĩ đại đằng sau những dòng thơ của Issa.

Một lần, ngỡ ngàng trước mùa xuân quê nhà, nơi sinh ra ông, nhà thơ đã xúc động, viết:

Lạ thay, lạ thay

Ngôi nhà thơ ấu ấy

Mùa xuân sớm hay.

Issa đưa mùa xuân vào thế giới haiku với cái nhìn thơ dại, với những sự vật tầm thường và bé mọn, gần gũi và khả ái, mặc dầu cuộc đời của ông có quá nhiều đau khổ. Có lúc, Issa phải thốt lên:

Ta bà một cõi đau

Cho dù mùa xuân đó

Đang nở những hoa đào.

Hay:

Bao lời chúc mừng

Mùa xuân tôi vẫn

Thường thường bậc trung.

Cuối đông, gần xuân, trong căn nhà không ánh sáng, bốn bề là tuyết trắng, Issa qua đời. Người ta tìm thấy bài thơ cuối cùng:

Muôn phần tri ân

Chăn giường tôi tuyết trắng

Từ Tịnh Độ rơi sang.

Qua bài thơ, ta thấy Issa nhìn tuyết trắng rơi trên tấm chăn đắp như một món quà của Tịnh Độ Niết Bàn. Và ông yên tâm về cõi vô thường, đúng với tinh thần một tín đồ của Tịnh Độ Chân tông. Có lẽ, với cuộc đời và suy nghĩ như vậy, hầu hết người Nhật đều yêu thơ Issa.

Thiên nhiên vốn là đề tài quen thuộc của thơ ca phương Đông, Nhật Bản cũng vậy. Mùa xuân đã làm nên nét riêng trong haiku, khiến bao đời nay, nhiều thế hệ đã tìm đến đây, đọc lại những tâm tình, lễ nghi tôn giáo của tâm hồn xứ Phù Tang.

H.V.H

(1) Những câu thơ trong bài viết được trích từ:

- Hài cú nhập môn, NXB Trẻ, TPHCM, 2000.

- Văn học Nhật Bản, từ khởi thủy đến 1868,

Nhật Chiêu, NXB Giáo dục, 2003.

 

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh ĐàoLửa đất nung - Truyện ngắn - Hoàng ĐặngGhi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢICòn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh YênGánh nước đêm giao thừa - Nguyễn Nhã TiênTây Phong Lĩnh, ngày chớm Xuân - BÙI CÔNG MINHChiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy LệĐà Nẵng - 15 năm phát triểnMùa Xuân mới của nỗ lực sáng tạo trên chặng đường 15 nămThơ: Nguyễn Hoàng SaThơ: Vũ PhánThơ: Lê Anh DũngThơ: Nguyễn QuânThơ: Phan ChínThơ: Nguyễn Thành LongThơ: Hoàng QuyênThơ: Nguyễn Tường VănThơ: Nguyễn Đức NamThơ: PHỤNG LAMThơ: Trần Trúc TâmThơ: Nguyễn Nho Thùy DươngThơ: Trương Quang SinhThơ: Ngô ThỊ Thục TrangThơ: Nguyễn Văn TámThơ: MAI MỘNG TƯỞNGThơ: VẠN LỘCThơ: Thiếu KhanhThơ: NGUYỄN TRỌNG TẠOThơ: La TrungThơ: Nguyễn HoaThơ: NGUYỄN ĐĂNG HẢIThơ: Phương ThànhThơ: Trung NgônThơ: Thanh BìnhThơ: Lam GiangTHƠ:Nguyễn Văn ChươngThơ: Nguyễn Đức PhongThơ: ĐỖ THƯỢNG THẾThơ: Hoàng Thanh ThụyThơ: Võ Kim NgânThơ: MAI HỮU PHƯỚCThơ: Nguyễn Nho KhiêmThơ: Nguyễn Kim HuyThơ: Nguyễn Xuân TưThơ: TÓC NGUYỆTThơ: Trần Trình LãmThơ: TRẦN DZẠ LỮThơ: NGUYỄN THÁNH NGÃThơ: Phan Minh MẫnThơ: HUỲNH THỦY KIỀUThơ: Trịnh Bửu HoàiThơ: Tường Linh○VĂN HỌC VÀ NHÀ TRƯỜNG: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu○MỸ THUẬT: Họa sỹ Ớt○ÂM NHẠC:Nhớ La Hối với ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”Mùa xuân trong thơ HaikuChí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đón tết ở Côn Lôn như thế nào?Tết Nguyên Đán và những phong tục cổ truyền của người ViệtTâm sự của một người sáng tácNhững con chữ rạo rực TếtChuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ