Còn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh Yên

18.01.2012

Còn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh Yên

Tuổi thơ, dù vui, hay buồn, dù hạnh phúc hay khổ đau thì ai cũng có để mà hồi tưởng đôi lần trong cuộc đời mỗi người. Tôi là một đứa nhà quê chính cống, tuổi thơ tôi là đồng đất, là khói hun trời chiều, là chăn trâu dắt nghé, là những đêm trăng bên những trò chơi dân gian bất tận. Tôi không nhớ hết mình đã lớn lên cùng với biết bao nhiêu là kỷ niệm của tháng ngày êm đềm thơ ấu đã đi qua.

Ngày xưa, sau hè nhà tôi có một bụi chuối hột rất to. Để những buổi trưa hè trốn cha không ngủ, chúng tôi tha hồ mà "khai thác” chúng phục vụ cho những trò chơi của mình. Thân chuối, lũ chúng tôi tước thành sợi nối chúng lại với nhau thành một đoạn dây dài. Đem nó vô sân, chúng tôi cột từ trụ hiên ngang qua khoảng sân ra cây ổi đầu ngõ, mà chơi trò nhảy cóc, nhảy qua nấc này lại nâng cao lên nấc nữa. Ai nhảy chạm phải dây bị "cú” vào đầu gối 5 cái, chỉ có vậy mà chúng tôi chơi không biết chán. Lá chuối, lũ con gái đem ra chơi trò chơi đồ hàng, tước sợi to làm mỳ, sợi nhỏ hơn làm bún, thằng bạn nghịch ngợm, tước từng sợi kẹp dưới môi nhái lại kiểu ông già có râu vừa đi khòm vừa ho khụ khụ. Bẹ chuối, chúng tôi sáng tạo thành những đôi dép (kiểu dép lào), coi dép cũng bằng sợi dây chuối, để bày ra giả vờ trò buôn bán, như vẫn thấy mỗi khi theo mẹ ra hàng dép ở chợ Quán Rườn. Rồi có hôm nổi hứng, bày trò chơi cải lương, lũ chúng tôi đè nhỏ bạn ra bôi "phấn” từ bột phấn dưới bụng của những lá chuối non, bảo con nhỏ đóng vai nàng công chúa hay cô dâu gì đó. Để tối về nghe giọng mẹ con nhỏ ý ới bên kia hàng rào "trời ơi, đỏ hết mặt mày lên rồi này, mi bôi cái thứ gì lên mặt ri vậy bé?” Để sáng mai không thấy con nhỏ đâu, chúng tôi hỏi ra mới biết "nó bị dị ứng, mặt đỏ như gấc không dám ra đường mô”. Hay những khi đợi mẹ đi chợ về, chị em chúng tôi chạy lại giỏ, lục tìm, thấy cục lá xanh thẫm cỗm lên là đoán biết ngay hôm ấy chúng tôi có kẹo để mà nhai, mà "nhím thèm” lũ bạn. Thứ kẹo làm bằng bột sắn, dẻo, thơm mùi gừng, phủ ngoài bằng lớp bột trăng trắng mịn mịn, mà mẹ bảo là kẹo ú. Tuổi thơ nơi quê nghèo thật đẹp, hồn nhiên đến đồ chơi, thức ăn cũng thế "nghèo”, dễ thương và cũng "quê” quá đỗi.

Những ngày mà chuối trổ bông, cha cắt bắp cho mẹ làm nộm với chén tép khô, đậu phụng rang và vài ba cọng ngò cha trồng sau vườn nhà. Mẹ khử dầu phụng với nén hột đập dập, trộn vô nộm chuối nghe thơm phức. Bữa cơm với "món lạ” anh em chúng tôi ăn nhiều hơn mọi bữa. Đến mùa cây cho trái, trái chuối non, mẹ thường làm món chuối chần, ngon ơi là ngon, giờ nhớ lại cũng không quên được vị ngòn ngọt, chát chát, cay cay đến phát thèm, đến tứa nước miếng. Mùa nào nhiều chuối, cha để dành trên cây cho thật chín, cha hái xuống, cho anh em chúng tôi ăn vài quả cho vui thôi, cha nói ăn nhiều nặng ruột và khó tiêu lắm, rồi đem phơi khô để ngâm rượu, cha bảo thứ rượu này có thể chữa được một số bệnh của người già.

Càng không thể quên những ngày sắp tết, mọi nhà trong xóm ai cũng cắt những tàu chuối xuống phơi trên sân cho héo, đem vô rọc rồi gói bánh. Màu xanh ngắt trải đầy sân trên nhiều nhà trong xóm, một màu xanh xanh yêu dấu của quê hương. Thứ lá giòn giòn, cưng cứng ấy sau khi đem phơi đã trở nên mềm, dẻo có thể gói được nhiều thứ bánh. Nào là bánh chưng, bánh ít, bánh ú, bánh tét, cả nem, chả, bánh tổ, bánh giò...

Tôi nhớ ngày xưa, cỡ hai bảy, hai tám tết, mẹ luôn phân công mấy anh em chúng tôi làm công việc nhẹ này. Anh hai cắt lá xuống, nắng không đủ héo phải đốt rơm lên rồi hơ qua lửa cho héo đi. Tôi ngồi phân loại, lá nào to để gói bánh chưng, bánh tét, lá nhỏ gói bánh ít, lá vụn gói nem, lót giỏ đổ bánh tổ... Thằng út được mẹ phân công lau lá, lau cả hai mặt rồi ngồi thoa dầu trên đống lá dành cho việc gói bánh ít. Nhiều lúc nghĩ, quê mình nếu không có lá chuối thì thử hỏi có mấy thứ bánh đó tồn tại được không nữa. Giống như ngoài Bắc có lá Dong thì quê mình có lá Chuối vậy. Ngẫm lại, thấy cây chuối "quê” quê mình ấy thế mà được nhiều việc thật.

Tôi xa quê, lên thành phố làm việc, đời sống xã hội giờ đã đi lên nhiều. Đôi khi cứ sợ cây chuối ở quê cứ thế mà bị đào thải, bị thay thế khi công nghệ làm bao ni lông ra đời. Vâng, điều tôi lo đã không thừa, mọi thứ không còn gói bằng lá, thay vào đó là những bao bì mẫu mã bắt mắt, mấy quý cô cứ thế mà mang về nhà, vừa tiện, vừa...oai. Để thấy dạo này bên mấy bác môi trường cứ phải hao sức tuyên truyền, vận động hoài, phối hợp luôn cả bên anh siêu thị Coopmart hưởng ứng quay lại thời..gói lá, gói giấy để bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi cũng còn được an ủi và không tủi lòng mấy khi chuối quê mình lại lên ngôi trong chuyện ẩm thực của dân thành phố sành ăn này. Trái chuối non là thứ không thể thiếu trong món cá lóc um, lươn um, bò thấu, hay thái mỏng trộn vào rau trong món nem nướng, bê thui, bánh xèo... Nhiều cô con gái tiểu thư, mình gầy thân hạc sinh con ra thiếu sữa, lại chế biến món giò heo hầm chuối chát, ông bà ta nói món này ăn vô lợi sữa. Khiến kẻ "ngoại đạo” như tôi nghe thấy cũng đã ghiền, chưa nói chi đến công dụng.

Thời của nghề dịch vụ lên ngôi, nhiều gia đình ở dưới quê, tết về không còn thói quen gói bánh nữa, dù vườn tược chuối vẫn mọc um tùm. Cuối năm về thăm quê, dự vài ba lễ tất niên, thấy văng vắng những màu xanh xanh thân thương trải dài trên những hàng rào bên ngõ, trên những khoảng sân của những ngôi nhà quét màu vôi mới trong thôn xóm. Thương những cây chuối tàu lá đã xơ xác trong mùa đông lạnh lẽo, cố chờ xuân về xin lần nữa thăng hoa. Vậy mà...

Còn tôi, dù ở đâu, xa quê hương mấy bận, vẫn muốn quay về với quê nhà để đôi lần được nhìn lại tuổi thơ mình bên những tàu lá chuối. Thèm được cắn cục xôi nóng, thơm tho bên trong miếng lá xanh mẹ gói. Thèm được nghe bà hát câu ca dao xưa dù thấy cũng buồn buồn, "Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè...”.

H.Y

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh ĐàoLửa đất nung - Truyện ngắn - Hoàng ĐặngGhi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢICòn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh YênGánh nước đêm giao thừa - Nguyễn Nhã TiênTây Phong Lĩnh, ngày chớm Xuân - BÙI CÔNG MINHChiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy LệĐà Nẵng - 15 năm phát triểnMùa Xuân mới của nỗ lực sáng tạo trên chặng đường 15 nămThơ: Nguyễn Hoàng SaThơ: Vũ PhánThơ: Lê Anh DũngThơ: Nguyễn QuânThơ: Phan ChínThơ: Nguyễn Thành LongThơ: Hoàng QuyênThơ: Nguyễn Tường VănThơ: Nguyễn Đức NamThơ: PHỤNG LAMThơ: Trần Trúc TâmThơ: Nguyễn Nho Thùy DươngThơ: Trương Quang SinhThơ: Ngô ThỊ Thục TrangThơ: Nguyễn Văn TámThơ: MAI MỘNG TƯỞNGThơ: VẠN LỘCThơ: Thiếu KhanhThơ: NGUYỄN TRỌNG TẠOThơ: La TrungThơ: Nguyễn HoaThơ: NGUYỄN ĐĂNG HẢIThơ: Phương ThànhThơ: Trung NgônThơ: Thanh BìnhThơ: Lam GiangTHƠ:Nguyễn Văn ChươngThơ: Nguyễn Đức PhongThơ: ĐỖ THƯỢNG THẾThơ: Hoàng Thanh ThụyThơ: Võ Kim NgânThơ: MAI HỮU PHƯỚCThơ: Nguyễn Nho KhiêmThơ: Nguyễn Kim HuyThơ: Nguyễn Xuân TưThơ: TÓC NGUYỆTThơ: Trần Trình LãmThơ: TRẦN DZẠ LỮThơ: NGUYỄN THÁNH NGÃThơ: Phan Minh MẫnThơ: HUỲNH THỦY KIỀUThơ: Trịnh Bửu HoàiThơ: Tường Linh○VĂN HỌC VÀ NHÀ TRƯỜNG: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu○MỸ THUẬT: Họa sỹ Ớt○ÂM NHẠC:Nhớ La Hối với ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”Mùa xuân trong thơ HaikuChí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đón tết ở Côn Lôn như thế nào?Tết Nguyên Đán và những phong tục cổ truyền của người ViệtTâm sự của một người sáng tácNhững con chữ rạo rực TếtChuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ