Chí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đón tết ở Côn Lôn như thế nào?
Vân Trình
Năm 1908, nhân phong trào chống thuế Quảng Nam bùng phát, thực dân Pháp bắt và đày cụ Huỳnh Thúc Kháng - một trong những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ - ra đảo Côn Lôn, giam cầm suốt 13 năm. Trong cuốn "Thi tù tùng thoại" (xuất bản lần đầu năm 1939), cụ Huỳnh thuật lại cảnh đón Tết chốn lao lung khá ấn tượng và cảm động.
Mặc dù nhiều tù nhân coi đây là một "đặc ân", song các chí sĩ yêu nước không vui vẻ, hào hứng gì. Tết đầu tiên ở Côn Lôn - Tết Kỷ Dậu (1909), ai nấy đều "tỏ dạng buồn như mình bị mất cái gì vậy". Để khuây khỏa, họ rủ nhau làm thơ, lấy đề tài "một tình nhi nữ nhớ chồng vắng nhà trong dịp Tết".
Là một người chủ xướng thú vui bất đắc dĩ này, cụ Huỳnh có hai bài "trúc chi từ" ghi lại cảm xúc khó tả ấy.
Nội dung bài đầu như sau:
Gia gia bộc trúc nhạ tân niên,
Muộn sát nông gia độc tiễu nhiên.
Phu tế thiên nhai kỷ thời phản,
Phần hương đăng hạ bốc kim tiền.
(Rước xuân, hàng xóm pháo tre kêu,
Buồn rứt nhà ta khéo vắng teo!
Về chăng? Ven trời trông cách biệt,
Dưới đèn khấn vái lại xin keo).
Bài thứ hai cũng không kém phần bi lụy và có hàm ý trách móc:
Song tiền xuân nhật ảnh trì trì,
Mạch đầu dương liễu sắc y y.
Tự thị đông quân tình độc quả,
Bất huề phu tế cộng xuân quy.
(Ngoài cửa ngày xuân đẹp bội phần
Cạnh đường dương liễu sắc xanh ngần.
Đông hoàng sao khéo vô tình nhỉ!
Không dắt chồng ta về với xuân).
Cùng tâm trạng đau buồn ấy, cụ Tập Xuyên Ngô Đức Kế cảm tác:
Cao đường sơ thượng bái niên bôi,
Chỉnh bị quy ninh hoán tiểu oa
Muộn sát từ đường môn ngoại lộ,
Ngọc lang thiên bạn a di lai.
(Rượu xuân vừa chúc chén mừng xuân,
Về viếng gia nương nhủ tớ em.
Buồn rứt từ đường bên cửa trước,
Dì cùng dượng nó cũng về thăm!)
Cụ Huỳnh nhận xét: "Mấy bài tứ tuyệt trên, vẻ rõ tình nhi nữ trông chồng trong dịp Tết. So với câu thi "thất tịch" của nhà nọ: "Cháu trời thôi chớ rầu đêm vắng, tớ biệt nhà nay đã mấy năm" (thiên tôn mạc mạn giá hoàn đoàn, nùng tự ly gia dĩ kỷ niên) tưởng không kém chút nào".
Sau này, Cụ Huỳnh thừa nhận rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp ông vượt lên hoàn cảnh ngặt nghèo ấy chính là thú "thi văn". Trong bài tựa in trong cuốn "Thi tù tùng thoại", cụ khẳng định: "Ở tù mà dùng thi văn làm món tu dưỡng tinh thần, không phòng hại gì mà sự bổ ích rất rõ ràng. Trong trường học thiên nhiên 13 năm (1908 - 1921), cả bọn đồng thời với tôi, cả thân sĩ cho đến người dân, kẻ chết không nói, người còn mà được tha về, vẫn giữ được tấm lòng không thay đổi. Biết đâu không nhờ món nuôi tinh thần đằm thắm đó mà không tự biết".
Cái Tết bi thương nhất đối với cụ Huỳnh vẫn là Tết Mậu Ngọ - 1918. Chuyện xảy ra vào ngày mùng 4 Tết, khi tù nhân phải trở lại đi làm bình thường. Cụ Huỳnh kể: "Bữa ấy tôi cùng các tù sở ruộng làm xâu gặt lúa ngoài bàu sen, cách xa bagne độ trên một cây số. Chiều chiều độ 2 giờ, bọn tù đang cởi trần mình gặt lúa tham đứng dưới bàu sâu, bỗng nghe trong ngục bagne có tiếng súng nổ dữ dội kế tiếp không dứt, như là hai bên đánh nhau; bọn tù đều tỏ vẻ kinh hãi, mà bọn cai và lính coi sở đó, cũng biết trong bagne có sự biến xảy ra. Cai và lính bèn hạ lệnh thôi việc cắt lúa, bắt cả sở ruộng đều tụ lại một chỗ, không được rục rịch, đứa nào chạy xớ rớ sẽ bị bắn. Chúng tôi xúm ngồi một chỗ trên bờ bàu, vẫn nghe tiếng súng từng hồi, hơn cả giờ đồng hồ mới vắng".
Khi đoàn tù về đến bagne, vào trong sân, cụ Huỳnh bàng hoàng chứng kiến một cảnh tượng thật tang thương: xác chết nằm ngổn ngang, máu chảy thành đống. Tìm hiểu ra mới biết rằng, từ khi quan Tham biện Audoand ra Côn Lôn (thay thế O.Coonell bị triệu hồi về đất liền), tù nhân ở đảo bị quản lý rất nghiêm ngặt, động một chút gì là bị phạt rất nặng, nhất là đối với tù chung thân. Tức nước, vỡ bờ. Nhân lúc đập đá, một số tù chung thân dùng búa đập chết tên Mata đang quản lý và tên Cai coi kho ở sát bagne. Cướp được súng từ hai tên này, họ tìm bắn tên Gardien nhưng không trúng. Nghe động, quan Chánh, Gardien Chef, quan hai cùng lính kéo đến bao vây. Viên quan Chánh truyền lệnh bắn vào trong sân bagne, hễ tù nhân nào chạy đều bị bắn. Thế là, tổng cộng có tới 80 tù chung thân và hai tù "quốc sự phạm" ở chung trong khám chung thân (Phạm Cao Chẩm và Nguyễn Trọng Thường) bị thiệt mạng. Huỳnh Thúc Kháng gọi đây là "tấn kịch tù chung thân bạo động" - một trong 3 cuộc "đại biến" mà ông đã chứng kiến trong suốt 13 năm ở Côn Lôn.
Có thể nói, với chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dẫu phải đón những cái Tết không vui, thậm chí bi thảm tại ngục tù Côn Lôn, nhưng "lòng son, dạ sắc, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, lại thêm cương quyết" (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cụ coi "Côn Lôn là một trường học thiên nhiên. Mùi đắng cay trong ấy, làm trai giữa thế kỷ XX này không thể không nếm cho biết". Bản lĩnh kiên cường và cốt cách của chí sĩ, nhà báo họ Huỳnh đáng để hậu thế ngưỡng mộ và trân trọng!
V.T