Chuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ

18.01.2012

Chuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ

Thế Quang

Nhà thơ già cũng "đoàn kết”

Nhà thơ Vương Linh tức Hải Lê lúc ấy đã gần 60 tuổi, làm Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ. Ông trực tiếp phụ trách cơ quan Hội nên anh em văn nghệ sĩ, báo chí ở chiến khu hay gọi ông bằng cái tên trìu mến: "Vương lão tổ”.

Có một đêm, nghe anh em trẻ kể chuyện tếu táo, Vương lão tổ cầm lòng không đậu cũng tham gia, ông kể: Vào dịp Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, ông đi với một đơn vị trinh sát quân giải phóng từ căn cứ xuống đồng bằng. Trong đoàn có một anh lính trẻ vui tính, ông quên tên, cứ gọi tên là X đi. Một bữa, tới vùng ranh, đoàn gặp một toán các cô dân tộc rất trẻ cõng đạn đang ngồi nghỉ. Đoàn cũng nghỉ lại cạnh đó. X vui vẻ đến bên các cô nói:

- Chà, bộ đội, dân công gặp nhau vui hỉ, cho bộ đội bắt tay các dân công để đoàn kết.

Các cô cười ròn và lần lượt đưa tay cho X bắt. Bắt tay xong, X lại nói:

- Đoàn kết cách này chưa thật chặt chẽ lắm. Bộ đội và dân công phải hôn nhau thắm thiết.

Vừa nói, X vừa ôm đầu một cô trẻ măng, má đỏ hây hây hôn hơi lâu, rồi cô nữa, cô nữa. Nhà thơ Vương lão tổ đang mỉm cười về sự tinh nghịch của X sau đôi kính lão thì thấy một cô vừa vẫy tay cho ông vừa nói:

- Chú cũng đến đây "đoàn kết” chứ.

Và Vương lão tổ kết luận câu chuyện rằng:

- Tất nhiên mình cũng tranh thủ "đoàn kết” được mấy cái.

Đừng sợ H. Ơi!

Nhà thơ Nguyễn Mỹ, tác giả bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ” nổi tiếng, ngoài tài săn bắn và bắt cá anh còn là người kể chuyện rất hóm. Có lần, anh kể cho tôi nghe một câu chuyện như sau:

- Hôm đó mình đang làm rẫy ở Trà My (Quảng Nam) thì máy bay Mỹ quần đến bắn rốc két. Mình phóng vội xuống một con suối để ẩn náu. Vừa đến sau một tảng đá lớn, mình giật mình kinh ngạc thấy hai anh chị cùng đơn vị sản xuất với mình (xin giấu tên) ôm nhau chặt cứng...Họ đang mê man... Thấy mình, anh con trai hơi sững người, hốt hoảng (vì sợ mình báo cáo với chi bộ mà) nhưng anh định thần ngay, vỗ vỗ vào người con gái:

- Đừng sợ H. ơi, máy bay Mỹ bắn rốc két ở trên rẫy chứ có phải ở đây đâu mà sợ hãi ôm tôi chặt cứng vầy. Ngồi dậy tỉnh táo nào, có anh Nguyễn Mỹ đây, ba người thêm vui, H. đừng sợ nữa.

Kể xong, nhà thơ cười nói:

- Ông thấy quần chúng linh hoạt không? Bọn nhà văn chúng ta không có "thực tế” đừng hòng sáng tạo nổi chuyện như vầy.

Đúng rồi

Vào cuối năm 1970, ở cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 có một đôi yêu nhau và đã lỡ "ăn cơm trước kẻng” (Sau này họ đã cưới nhau và sống rất hạnh phúc). Tuy vậy, vào mùa rét, cô bé hay quấn khăn cổ và mặc đồ ấm nên chưa thấy "cái bụng”. Nhưng chẳng rõ nghe phong phanh thế nào mà nhà thơ Hải Lê, thủ trưởng cơ quan và nhà văn Chu Cẩm Phong, Bí thư chi bộ kêu "anh chàng” đến hỏi. Năn nỉ thế nào, chàng ta cũng chối, có lẽ chàng định trì hoãn để tìm cách giải quyết (vì cô bé mới có 17 tuổi). Đang hỏi, nhà thơ già bèn đeo mục kỉnh xăm xăm bước xuống nhà bếp (cô bé là cấp dưỡng) kêu "cô nàng” ra. Giữa lúc cô bé sợ hãi, đứng như trời trồng, nhà thơ già bèn tháo khăn quàng cổ của cô bé ra, giương kính nhìn sát vào cổ cô bé, vừa nhìn vừa reo lên vẻ vui sướng:

- Đúng rồi, cổ có 3 ngấn đây mà còn chối. Thôi nhận đi mà sửa chữa nghe con.

Nhà văn Chu Cẩm Phong ăn chè

Mùa thu năm 1970, nhà văn Chu Cẩm Phong đi công tác ở Quảng Ngãi. Vì biết cán bộ ở Khu trong những năm này rất đói khổ, lại lâu ngày anh em văn nghệ báo chí mới gặp nhau nên các anh ở Ban Tuyên huấn Quảng Ngãi đãi Chu Cẩm Phong bữa chè đậu xanh. Năm ấy căn cứ Quảng Ngãi được mùa đậu xanh mà.

Bữa ăn được dọn lên trên một cái bàn bện bằng những thân cây gỗ nhỏ. Mọi người ngồi hai bên bàn. Chu Cẩm Phong ngồi với thủ trưởng cơ quan ở một đầu bàn, đầu bàn kia là nơi cô cấp dưỡng ngồi để múc chè "phục vụ”. Lâu ngày được ăn chè, Chu Cẩm Phong đánh vèo một lúc tới bốn chén, chưa đã thèm. Chu nhà văn muốn ăn nữa nhưng ngại nên đành đứng dậy vòng qua đầu kia, định ra suối rửa bát. Nhưng khi đi ngang qua nồi chè, liếc vào thấy chè còn tới nửa nồi nên vội nảy "sáng kiến”:

- Ấy chết, mình có mấy gói va ni mấy ảnh cho đang bỏ ở túi cóc ba lô mà quên khuấy. Giờ mình vô lấy ra bỏ vào chè thì ăn ngon lắm.

Mọi người vỗ tay hoan hô. Còn Chu nhà văn thì đàng hoàng vào lục túi cóc lấy va ni, đàng hoàng bỏ vào nồi chè và đàng hoàng "đánh” luôn bốn chén nữa.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung đi cõng gạo

Nhà văn Nguyễn Chí Trung, tác giả truyện ngắn nổi tiếng "Bức thư làng Mực” kể về những chiến sĩ người dân tộc bắn hạ máy bay Mỹ đầu tiên ở Quảng Nam, là một người rất đãng trí. Có lần, anh và hai nhà văn trẻ cùng cơ quan đi cõng gạo ở trại sản xuất. Trên đường về, họ đặt gùi ngồi nghỉ bên một con suối. Nguyễn Chí Trung kể nhiều chuyện vui về đợt đi công tác tại Trà Bồng (Quảng Ngãi) của mình.

Một lúc sau, ba anh em lại lên đường. Nguyễn Chí Trung đi sau cùng. Khi gần đến cơ quan, một bạn trẻ quay lại thấy Nguyễn Chí Trung cứ khum khum bước như đang cõng nặng mà chẳng thấy gùi gạo đâu cả.

- Ủa, gùi gạo của anh đâu rồi?

- Mình đang cõng trên lưng đây mà. Nguyễn Chí Trung vui vẻ đáp.

- Đâu có.

Thế là Nguyễn Chí Trung phải một mình quay lại bên bờ suối đã đặt gùi ngồi nghỉ. May sao, gùi gạo vẫn còn. Nguyễn Chí Trung hối hả cõng gùi gạo vừa đi vừa chạy, mong về tới cơ quan trước lúc trời tối để kịp dự một cuộc họp. Nhưng vì vội vã, lại không nhớ đường, cứ phải lần mò tìm kiếm nên tới tối mịt anh mới đến một khu rừng có dòng suối quen quen. Không thể đi tiếp được nữa, anh định cột võng nằm nghỉ. Chợt anh nghe có tiếng đài bán dẫn ở gần đó. "Ở gần đây có cơ quan nào đó. Mình tìm đến để nghỉ nhờ cho đỡ lạnh lại tiện việc nấu cơm nữa”. Nghĩ vậy, nên anh lần mò đi theo tiếng đài. Anh đứng trước một ngôi nhà lợp tranh có vẻ quen thuộc, bên trong có tiếng đài và tiếng người nói.

- Cho nghỉ nhờ với. Nguyễn Chí Trung nói vọng vào.

Một người từ trong nhà bước ra:

- Ủa, anh Trung đã về đấy à? Sao không vô nhà đi?

Thì ra, đây chính là cơ quan của Nguyễn Chí Trung mà anh cũng không nhận ra.

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh ĐàoLửa đất nung - Truyện ngắn - Hoàng ĐặngGhi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢICòn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh YênGánh nước đêm giao thừa - Nguyễn Nhã TiênTây Phong Lĩnh, ngày chớm Xuân - BÙI CÔNG MINHChiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy LệĐà Nẵng - 15 năm phát triểnMùa Xuân mới của nỗ lực sáng tạo trên chặng đường 15 nămThơ: Nguyễn Hoàng SaThơ: Vũ PhánThơ: Lê Anh DũngThơ: Nguyễn QuânThơ: Phan ChínThơ: Nguyễn Thành LongThơ: Hoàng QuyênThơ: Nguyễn Tường VănThơ: Nguyễn Đức NamThơ: PHỤNG LAMThơ: Trần Trúc TâmThơ: Nguyễn Nho Thùy DươngThơ: Trương Quang SinhThơ: Ngô ThỊ Thục TrangThơ: Nguyễn Văn TámThơ: MAI MỘNG TƯỞNGThơ: VẠN LỘCThơ: Thiếu KhanhThơ: NGUYỄN TRỌNG TẠOThơ: La TrungThơ: Nguyễn HoaThơ: NGUYỄN ĐĂNG HẢIThơ: Phương ThànhThơ: Trung NgônThơ: Thanh BìnhThơ: Lam GiangTHƠ:Nguyễn Văn ChươngThơ: Nguyễn Đức PhongThơ: ĐỖ THƯỢNG THẾThơ: Hoàng Thanh ThụyThơ: Võ Kim NgânThơ: MAI HỮU PHƯỚCThơ: Nguyễn Nho KhiêmThơ: Nguyễn Kim HuyThơ: Nguyễn Xuân TưThơ: TÓC NGUYỆTThơ: Trần Trình LãmThơ: TRẦN DZẠ LỮThơ: NGUYỄN THÁNH NGÃThơ: Phan Minh MẫnThơ: HUỲNH THỦY KIỀUThơ: Trịnh Bửu HoàiThơ: Tường Linh○VĂN HỌC VÀ NHÀ TRƯỜNG: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu○MỸ THUẬT: Họa sỹ Ớt○ÂM NHẠC:Nhớ La Hối với ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”Mùa xuân trong thơ HaikuChí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đón tết ở Côn Lôn như thế nào?Tết Nguyên Đán và những phong tục cổ truyền của người ViệtTâm sự của một người sáng tácNhững con chữ rạo rực TếtChuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ