Tâm sự của một người sáng tác

18.01.2012

Tâm sự của một người sáng tác

THANH QUẾ

Kể từ ngày chia tách Quảng Nam-Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương đến mùa xuân này đã tròn mười lăm năm. Mười lăm năm ấy Đà Nẵng của chúng ta có biết bao thay đổi. Những con đường mới mở khang trang rộng rãi, những khu đô thị mới mọc lên, những cây cầu nối hai bờ sông Hàn. Nhiều khu công nghiệp sầm uất. Thành phố Đà Nẵng được tôn vinh là thành phố thân thiện với môi trường. Bộ mặt Đà Nẵng đã đổi mới.

Là một tế bào trong cơ thể Đà Nẵng, ngành văn học của chúng ta đã làm được những gì để góp phần vào sự thay đổi diện mạo ấy? Riêng tôi, tôi chỉ nhìn lại, tự ngẫm với tư cách một người sáng tác văn học. Tôi thấy buồn, thấy lo lắng vì mình cùng đồng nghiệp của mình chưa làm được gì nhiều để đóng góp vào thành tích chung của thành phố. Mười lăm năm qua, giữa sự bề bộn xô đẩy của cuộc sống, giữa sự lấn ép của văn học mạng, của vô tuyến truyền hình, lắng tĩnh lại, lắng tĩnh lại, tôi chỉ còn nhớ có mấy quyển sách: Kỳ nữ họ Tống của Nguyễn Văn Xuân, Trùng tu, Minh sư của Thái Bá Lợi. Lướt nhanh qua đầu tôi là một số truyện và ký của Quế Hương, Bùi Tự Lực, Nguyễn Nhã Tiên, Trần Trung Sáng, Văn Thành Lê. Và thơ, chỉ nhớ thơ nhiều vô kể, vùn vụt trôi qua trí nhớ để còn một số tên người: Nguyễn Nhã Tiên, Bùi Công Minh, Nguyễn Kim Huy, Ngân Vịnh, Nguyễn Nho Khiêm, Võ Kim Ngân, Nguyễn Minh Hùng, Bùi Xuân...

Lắng lại, tĩnh trí lại, cố nhớ ra, cố nhớ ra... Hình như chẳng nhớ gì nữa. Chỉ vậy thôi ư? Có phải vì ta thiếu lực lượng không? Không! Không phải thế. Hội Nhà văn chúng ta có hàng trăm người kia mà. Nhưng vì sao lại thế? Nghĩ lại, nghĩ lại... Có lẽ người viết thì đông nhưng lại ít người chuyên nghiệp chăng? Số người sống chết với nghề, quyết tâm làm nghề quá hiếm chăng? Đa số chỉ đáo qua văn học rồi nhảy sang nghề khác? Những người dám xông vào những thể loại dài hơi như tiểu thuyết, trường ca... càng ít. Vì họ không dám mạo hiểm, sợ mất thời gian mà chẳng nên cơm cháo gì? Vì không đủ lực, bởi thiếu vốn sống, thực tế, tay nghề còn non? Vì chẳng ai khuyến khích động viên họ cả?

Một điều tôi cũng thấy buồn nữa là sinh hoạt nghề nghiệp ở thành phố ta còn lưa thưa quá. Một quyển sách ra, một bài thơ đăng báo bị lọt thỏm, không ai nhắc tới, không ai gọi điện chúc mừng hay nhận xét vài lời. Tôi nhớ, ngày tôi còn ở Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, khi ai có được bài thơ đăng báo, bạn bè gọi điện chúc mừng, khen chê ngay. Hiện nay, có ai đó được đăng thơ, truyện, trong giới ở thành phố có người đọc nhưng gặp nhau không hề nhắc tới. Có khi vì ai đó nghỉ hưu, không có báo, được đăng tới 1, 2 tuần sau bạn bè ở Hà Nội hay tỉnh khác gọi điện báo tin, khen chê mới biết. Có thể nói, anh em trong giới của ta ít quan tâm nhau, ít liên hệ nhau, mỗi người một góc thì làm sao có sinh hoạt văn nghệ phát triển được. Tôi thấy thèm không khí sinh hoạt văn nghệ ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh thậm chí Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa... nữa.

Với những gì tôi vừa nêu trên thì làm sao chúng ta có nhiều tác phẩm và có tác phẩm hay? Vậy nên tôi xin mạo muội đề nghị lãnh đạo giới văn nghệ mấy việc sau:

- Nên dành một số kinh phí ở tiền đầu tư của Trung ương để tổ chức những cuộc vận động sáng tác với những thể loại dài hơi (trường ca, tiểu thuyết) cho những đề tài quan trọng ở thành phố.

- Không nên đầu tư cào bằng, mà chỉ ưu tiên đầu tư cho những thể loại dài hơi, những tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng, về lịch sử hay về sự nghiệp đổi mới của Đảng bộ và nhân dân thành phố hiện nay. Cũng nên ưu tiên cho những tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật vì ta còn yếu về mặt này.

- Lựa chọn để hội thảo, thảo luận về những quyển sách có ý nghĩa với đời sống xã hội của địa phương và đất nước; những tác phẩm có sự đổi mới trong phương pháp sáng tác và cách thể hiện.

- Hội động viên, khuyến khích (cả về mặt vật chất) cho những cây bút có khả năng sáng tác đi thực tế.

Có lẽ đây chỉ là những ý kiến nhỏ của cá nhân với mong muốn góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học ở thành phố.

T.Q

 

 

 

Người nhạc sĩ phải có cuộc sống phong phú, tâm hồn nhạy cảm, luôn hướng về nhân dân đất nước mình

(Phỏng vấn nhạc sĩ Phan Ngọc)

* Được biết anh khởi nghiệp con đường âm nhạc bắt đầu từ trò chơi dân gian: Cưỡi ngựa tàu Cau, lấy mo cau làm đàn, thật chuyện lạ, có đúng không? Và anh cho biết thêm một số chi tiết về bước khởi đầu đến với âm nhạc của anh.

NS Phan Ngọc: Tôi mê âm nhạc bắt nguồn từ trò chơi đồng dao cùng lũ trẻ trong làng. Cưỡi ngựa tàu cau, gảy đàn mo cau. Ngồi trên ngựa tàu cau, đứa kéo đứa hò reo cười cay cả mắt. Lấy mo cau làm đàn, tạo dáng cây đàn Mandolin, không dây, không phím, chẳng có âm thanh, chỉ nghe cái lưỡi tôi rung lên bay ra những điệu đàn bài ca kháng chiến. Thật buồn cười cho thời thơ ấu của tôi. Chuyện lạ con nhà nghèo mà, khát khao học nhạc.

Chuyện lạ gảy đàn mo cau đã nhanh chóng tới tai người nhạc sĩ tài ba - Nhạc sĩ Pétrus Thiều, ông nhìn cây đàn mỉm cười rồi khẽ gọi tôi âu yếm: Nào đến đây thầy thử năng khiếu. Thế rồi tôi được học nhạc lý, hòa âm, đàn Violon và sáo trúc. Được thầy truyền nghề dạy bảo, tôi như sáng lên hiểu được điều hay phép lạ trong âm nhạc, một vẻ đẹp kỳ diệu lay động hồn tôi.

* Những bối cảnh nào đưa anh đến con đường âm nhạc thật sự và trở thành người Nhạc sĩ chuyên nghiệp hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam?

NS Phan Ngọc: Chính lúc đó là những năm 1952-1953-1954, kháng chiến càng ngày càng ác liệt, ngoài chiến trường ta đánh lớn thắng to, giặc Pháp điên cuồng ngày đêm ném bom bắn phá vùng tự do liên khu V. Hậu phương hướng về tiền tuyến, tôi nhập ngũ vào bộ đội với cây súng cây đàn Violon theo đoàn quân ca ra trận. Đến ngày hòa bình lập lại, tôi được gọi về đoàn Văn công quân đội khu V rồi chuyển quân tập kết ra miền Bắc.

Tạm biệt người thầy kính yêu, con sông Trà bờ xe bến nước, tiễn biệt những con cá Bống vàng ngâm mình dưới cát. Bãi biển Quy Nhơn tuôn trào nước mắt. Nắm đất trao tay, ảnh cụ Hồ xin gửi lại - nhớ mãi hẹn ngày trở về.

Đứng trên boong tàu nhìn về đất liền lần cuối, mà lòng ngậm ngùi chua xót. Cái bờ cát cong cong bên rặng dừa xanh bỗng xa dần, nhỏ dần mất hút trong đám mây đen đang ùn ùn kéo đến. Đâu rồi, đâu rồi Liên khu V yêu dấu của tôi. Cuộc chia ly như khúc ca bi  hùng, nén chặt trong tâm hồn tôi.

* Hãy cho biết những điểm nhấn quan trọng trên con đường âm nhạc của anh.

NS Phan Ngọc:  Đó là ngày tôi từ giã miền Bắc thân yêu (1962) Tay súng tay đàn theo bước chân người chiến sĩ. Vượt Trường Sơn giải phóng miền Nam, men theo dòng sông quê trong mùa nước lũ xuống đồng bằng, qua Ba Gia, Vạn Tường, Chu Lai, Núi Thành, An Lào, Bồng Sơn. Trong những ngày dài đánh Mỹ, phá ấp chiến lược. Trong lửa đạn, tôi đã tìm thấy sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc giải phóng miền Nam. Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân mãi mãi khắc sâu vào tâm hồn tôi, trở thành bất tử. Sẽ là chủ đề chính trong bản giao hưởng "Một thời để nhớ” cùng những ca khúc của tôi sau này.

Sau Mậu Thân năm 1968, tôi trở ra Hà Nội vào học trường Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học âm nhạc bằng bản giao hưởng "Đất nước yêu thương”(1975). Sau đó trở về đoàn nghệ thuật ca múa quân khu 5 như lá rụng về cội, với cương vị Phó trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật.

Con đường nghệ thuật mà tôi đã đi qua có những năm tháng tham dự trại sáng tác khí nhạc Ivanovo (Liên Xô cũ). Tác phẩm viết tại đó là: Mùa tuyết ở Nga, Hà Nội Mạc Tư Khoa không xa, Cánh chim Chơdrao. Từ đó tôi đã nhận ra mình và hiểu rằng: viết nhạc giao hưởng là nguồn đam mê trở thành năng khiếu của tôi. Tiếp theo là những bản giao hưởng: Một thời để nhớ (1966), Thung lũng đỏ (1999), RhapSody Hào khí Tây Sơn (2002), RhapSody Miền hoan ca và Capriccio Sông Hàn (2007-2008) đều do Nhà nước tài trợ để viết, cùng được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ quốc phòng trao tặng.

Tôi như đã chấm vào đời mình, chấm vào cuộc sống thật để viết. Đó là sự tích tụ nội tâm sâu lắng, được sinh ra và lớn lên bằng muôn vàn dòng sữa cuộc sống, của văn hóa dân tộc, văn hóa loài người, của những thành tựu lao động sáng tạo miệt mài của tôi ở thời lửa đạn và hòa bình.

Một số tác phẩm giao hưởng của tôi đã được dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh, trại sáng tác âm nhạc thế giới tổ chức lần thứ nhất Festival Huế 2006.

Những tác phẩm âm nhạc của tôi đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng, được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, một giải thưởng cao quý chỉ có một lần cho đời người nhạc sĩ.

Thế mà tôi không thể nào quên những ngày thơ ấu của tôi bằng trò chơi đồng dao cùng lũ trẻ trong làng. Cưỡi ngựa tàu cau, gảy đàn mo cau, chuyện lạ con nhà nghèo mà. Có ngờ đâu lại là bước khởi đầu cho con đường âm nhạc của tôi sau này.

* Anh cho biết thủ pháp sáng tác và nhận thức của anh về cuộc sống để có những tác phẩm có giá trị.

NS Phan Ngọc: Các thủ pháp sáng tác đồng nghĩa với kỹ thuật sáng tác phải học từ Phương Tây vì ở đó được xem là Hàn lâm viện âm nhạc, đã được đúc kết thành hệ thống, mẫu mực của các trường phái âm nhạc trên thế giới. Như vậy việc học và vận dụng còn tùy thuộc vào nội dung của tác phẩm và khả năng sáng tạo của mỗi nhạc sĩ. Về cuộc sống: Người nhạc sĩ phải có cuộc sống phong phú, tâm hồn nhạy cảm trong sáng, luôn hướng về nhân dân đất nước mình. Cuộc sống được xem là dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn người nhạc sĩ để sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy những tác phẩm của tôi từ cuộc sống mà đi ra rồi trở về cuộc sống bằng cái đẹp sức sống, xúc cảm từ trái tim đến với mọi trái tim.

* Được biết anh đã sáng tác 6 giao hưởng và nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt bản hợp xướng "Trường ca tình yêu Hoàng Sa”, anh sáng tác bằng sự xúc cảm, không dùng đàn, viết nhạc chỉ bằng cây bút và tờ giấy trắng, có đúng không thưa nhạc sĩ.

NS Phan Ngọc: Đúng như vậy! Giai điệu đi ra từ cảm xúc tâm hồn, qua bàn tay viết thành nốt nhạc cho tác phẩm. Vì vậy tôi không muốn dùng đàn thay cho cảm xúc con người, hay viết nhạc trên máy vi tính sẽ không chính xác và không có hồn, trừ nhạc giao hưởng mới dùng đàn để thẩm định hòa âm những chỗ cần thiết. Đó là năng khiếu trời không cho mà chỉ rèn luyện mới có.

* Riêng về Đà Nẵng anh có những tác phẩm nào tiêu biểu?

NS Phan Ngọc: Đó là những bài ca: "Người Đà Nẵng” viết trong đêm Mậu Thân 1968 theo đoàn quân tiến về Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng được lấy làm nhạc hiệu Đài phát thanh truyền hình Quảng Nam- Đà Nẵng (nay là Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng). Còn có ca khúc: "Chuyện tình Tiên Sa”, "Chuyện tình Bãi Bụt”, "Chiến sĩ Sông Hàn”, "Đà Nẵng tiến vào thiên niên kỉ mới”, "Đà Nẵng bay lên vươn tới tầm cao mới”, giao hưởng "Capriccio Sông Hàn” và cuối năm 2011 có hợp xướng "Trường ca tình yêu Hoàng Sa”.

Tôi vinh dự được hai lần nhận giải thưởng 5 năm về âm nhạc do UBND Thành phố Đà Nẵng trao tặng.

* Cám ơn nhạc sĩ, nhân dịp xuân mới kính chúc nhạc sĩ sức khỏe và có nhiều tác phẩm mới.

THỤC QUYÊN thực hiện

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh ĐàoLửa đất nung - Truyện ngắn - Hoàng ĐặngGhi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢICòn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh YênGánh nước đêm giao thừa - Nguyễn Nhã TiênTây Phong Lĩnh, ngày chớm Xuân - BÙI CÔNG MINHChiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy LệĐà Nẵng - 15 năm phát triểnMùa Xuân mới của nỗ lực sáng tạo trên chặng đường 15 nămThơ: Nguyễn Hoàng SaThơ: Vũ PhánThơ: Lê Anh DũngThơ: Nguyễn QuânThơ: Phan ChínThơ: Nguyễn Thành LongThơ: Hoàng QuyênThơ: Nguyễn Tường VănThơ: Nguyễn Đức NamThơ: PHỤNG LAMThơ: Trần Trúc TâmThơ: Nguyễn Nho Thùy DươngThơ: Trương Quang SinhThơ: Ngô ThỊ Thục TrangThơ: Nguyễn Văn TámThơ: MAI MỘNG TƯỞNGThơ: VẠN LỘCThơ: Thiếu KhanhThơ: NGUYỄN TRỌNG TẠOThơ: La TrungThơ: Nguyễn HoaThơ: NGUYỄN ĐĂNG HẢIThơ: Phương ThànhThơ: Trung NgônThơ: Thanh BìnhThơ: Lam GiangTHƠ:Nguyễn Văn ChươngThơ: Nguyễn Đức PhongThơ: ĐỖ THƯỢNG THẾThơ: Hoàng Thanh ThụyThơ: Võ Kim NgânThơ: MAI HỮU PHƯỚCThơ: Nguyễn Nho KhiêmThơ: Nguyễn Kim HuyThơ: Nguyễn Xuân TưThơ: TÓC NGUYỆTThơ: Trần Trình LãmThơ: TRẦN DZẠ LỮThơ: NGUYỄN THÁNH NGÃThơ: Phan Minh MẫnThơ: HUỲNH THỦY KIỀUThơ: Trịnh Bửu HoàiThơ: Tường Linh○VĂN HỌC VÀ NHÀ TRƯỜNG: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu○MỸ THUẬT: Họa sỹ Ớt○ÂM NHẠC:Nhớ La Hối với ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”Mùa xuân trong thơ HaikuChí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đón tết ở Côn Lôn như thế nào?Tết Nguyên Đán và những phong tục cổ truyền của người ViệtTâm sự của một người sáng tácNhững con chữ rạo rực TếtChuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ