Đà Nẵng - 15 năm phát triển

18.01.2012

Đà Nẵng - 15 năm phát triển

Văn HỮU CHIẾN

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

1

Sau 15 năm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã dần hình thành được nét đặc trưng của một đô thị vùng duyên hải "đầu biển cuối sông”. Từ một đô thị thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, sau gần bảy năm (1997-2003), Đà Nẵng đã phát triển không ngừng, trở thành Đô thị loại I với số điểm vượt chuẩn gần 10 điểm; trong đó, nổi bật nhất là tiêu chuẩn về môi trường, mật độ dân cư, cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ và năng lực quản lý. Bất đầu từ năm 2005, Đà Nẵng luôn thuộc nhóm có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đặc biệt, ba năm liền 2008-2009-2010 Đà Nẵng được xếp thứ nhất, đồng thời thành phố luôn nằm trong nhóm có thứ hạng cao về chỉ số hạ tầng và môi trường đầu tư. Diện tích đô thị được mở rộng về các hướng; việc phát triển các khu đô thị từ khâu quy hoạch, xây dựng, mở rộng đến công tác chỉnh trang, xây dựng và phát triển hạ tầng khá đồng bộ đã mang lại diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, giúp Đà Nẵng có được một tầm vóc mới về không gian và chất lượng đô thị; qua đó, đảm bảo được các mục tiêu an sinh xã hội cho nhân dân, xây dựng và nâng cao nếp sống văn minh, góp phần tiếp tục thực hiện thành công chương trình "Thành phố 5 không”, "Thành phố 3 có”.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố tăng mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu và góp phần làm nên thành công các sự kiện quốc gia và quốc tế như: Lễ hội pháo hoa bên dòng Sông Hàn, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, Hội nghị quốc tế về cơ sở hạ tầng thông tin toàn cầu, Hội nghị quốc tế về phòng tránh đuối nước, Đại hội Kiến trúc sư Châu Á lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam v.v... Đà Nẵng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao từ góc độ chuyên biệt như một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh đến góc độ rộng như Thành phố bền vững về môi trường ASEAN của năm 2011.

2

Sự phát triển vượt trội của Đô thị Đà Nẵng trong những năm qua, trước hết xuất phát từ định hướng đúng đắn của Trung ương, sự lãnh đạo tập trung quyết liệt của Đảng bộ và chính quyền thành phố và đặc biệt là sự đồng lòng của nhân dân Đà Nẵng, cùng với sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân yêu mến mảnh đất này. Trong đó, phải nói đến sự lãnh đạo tập trung, quyết liệt của Đảng và chính quyền, phù hợp và xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân chính là kinh nghiệm quý báu nhất.

Về quy hoạch chiến lược, vượt qua những chia cắt bởi các yếu tố tự nhiên (sông, núi) và yếu tố nhân tạo (ga đường sắt, sân bay trong nội thị), Đà Nẵng định hướng phát triển đô thị hướng biển nhằm tạo thêm sức sống mới, động lực mới. Hệ thống cầu vượt sông Hàn đã và đang xây dựng đã liên kết các khu vực rời rạc của thành phố, tạo điều kiện cho đô thị chiếm lĩnh những không gian mới rộng hơn, thông thoáng hơn. Định kỳ hằng tháng, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND thành phố đồng chủ trì nghe báo cáo tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển và các Đồ án quy hoạch kiến trúc để kịp thời chỉ đạo thực hiện sâu sát với thực tế.

Đà Nẵng đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/1.000 đến 1/500 phát triển đô thị trên toàn địa bàn, tạo sự chủ động trong quản lý quy hoạch đô thị; tổ chức khớp nối quy hoạch (bao gồm ranh giới các dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật...) trên nền địa hình, cùng một tỉ lệ theo đúng hệ tọa độ quốc gia, giúp chuyên nghiệp hóa công tác quản lý quy hoạch đô thị, cũng như cung cấp thông tin quy hoạch đến từng người dân có yêu cầu; rà soát và phân kỳ đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố theo định kỳ 3 năm/1 lần để điều chỉnh hoặc bãi bỏ các đồ án không khả thi. Ngoài việc công bố quy hoạch đến xã phường, thành phố còn thường xuyên tổ chức triển lãm và phân kỳ đầu tư các đồ án quy hoạch để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.

Về công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách thu hồi đất đai theo quy hoạch, Đà Nẵng chủ trương sử dụng tài nguyên đất như một nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng và quy hoạch đô thị, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng đồ án quy hoạch nhằm nâng cao giá trị tài nguyên đất. Giải quyết tốt việc phân chia bình đẳng phần giá trị tăng thêm của đất đai gắn với hạ tầng mới đầu tư và đảm bảo phát triển đúng quy hoạch. Đặc biệt thành công trong chủ trương này là sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân trong quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị. Nhờ sự đồng thuận này mà thành phố tiến hành thuận lợi công tác giải phóng nhanh mặt bằng để kịp thời xây dựng hạ tầng đô thị, tạo bước đột phá để đô thị phát triển. Hằng năm thành phố đều ban hành quyết định về đền bù, giải toả nhằm cụ thể hóa chính sách của Chính phủ, đền bù thỏa đáng cho người bị thu hồi đất. Thành phố cũng thường xuyên tổ chức tập huấn và triển khai các quyết định của UBND thành phố và hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Tùy theo tình hình thực tế, có nhiều chính sách hỗ trợ như: chính sách về thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng đối với những hộ giải tỏa chấp hành bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, chính sách đối với công tác tái định cư v.v…

Công tác giải tỏa đền bù được chuyên môn hóa và luôn quan tâm đến lợi ích của người dân nên các chính sách giải tỏa đền bù được quán triệt đầy đủ và nhất quán đối với tất cả các dự án trên địa bàn thành phố trong từng giai đoạn nhất định. Nhờ vậy, việc thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư được công bằng, nhanh chóng và giảm thiểu tình trạng khiếu kiện của công dân. Mỗi dự án đều thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng; mọi vấn đề liên quan đến đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư đều có sự tham gia trực tiếp của chính quyền địa phương từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án. Trong các trường hợp khiếu kiện đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp tiếp dân giải quyết kiến nghị. Chính nhờ giải quyết cụ thể, kịp thời và thỏa đáng quyền lợi của nhân dân mà thành phố nhận được sự đồng thuận rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng để quy hoạch xây dựng.

3

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX đề ra mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng có môi trường sống lý tưởng mang giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người. Hướng đến thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, ưu tiên cho phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố bằng cách đẩy mạnh liên kết các địa phương trong khu vực, tăng cường quảng bá hình ảnh thành phố với các nước trên thế giới; hoàn thành nhanh các dự án du lịch ven biển, hỗ trợ các nhà đầu tư và các dự án để nhanh chóng đưa vào sử dụng, tổ chức và nâng tầm các hoạt động lớn để thu hút du khách.

Đà Nẵng tiên phong trong việc xây dựng Thành phố môi trường theo đề án được phê duyệt vào tháng 10 năm 2008. Không chỉ trên lĩnh vực hẹp như đảm bảo không ô nhiễm nước, rác thải, không khí… mà còn trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội, thành phố hướng tới công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cũng như chất lượng lao động cao; từ chối nhiều dự án có tổng mức đầu tư khá lớn nhưng không phù hợp với định hướng chung phát triển bền vững môi trường của thành phố. Hiện nay, hai dự án lớn là Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trungThành phố đang được khẩn trương đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại thân thiện môi trường.

Về xây dựng Thành phố thông minh, Đà Nẵng đang tiếp tục hoàn chỉnh đề án Chính phủ điện tử. Việc trang bị thiết bị hiện đại như máy vi tính, internet làm cơ sở cho việc số hóa đã triển khai đến cấp quận, huyện, tiếp tục tiến đến xây dựng mạng lưới cấp xã, phường; tiếp tục hoàn chỉnh Hệ thống thông tin địa lý (GIS) của thành phố. Riêng mảng quy hoạch đô thị, thành phố đã cơ bản số hóa bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 trên toàn địa bàn làm cơ sở nền cho công tác quản lý chuyên ngành cũng như phối hợp liên ngành.

Đà Nẵng tiếp tục xem trọng việc phát triển hạ tầng làm bước đột phá để phát triển kinh tế. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch và xây dựng ngày càng đồng bộ và hiện đại. Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành và đang đưa vào sử dụng. Các dự án trọng điểm khác như: Cảng Tiên Sa giai đoạn 2, nhà ga đường sắt mới, hệ thống các tuyến đường nội ngoại thành; quy hoạch hệ thống tàu điện ngầm; hiện đại hóa, ngầm hóa hạ tầng viễn thông thông tin, đường dây điện…. đang được khẩn trương xúc tiến. Hệ thống hạ tầng xã hội cũng phát triển không ngừng cả về lượng lẫn chất với những công trình như:. Bệnh viện Sản - Nhi quy mô 600 giường, Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Ung thư, đầu tư xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng, các trường Đại học quốc tế Việt – Anh, Đại học quốc tế Mỹ - Thái Bình Dương…, hàng loạt các công trình văn hóa như Thư viện Tổng hợp, Trung tâm Văn hóa, rạp xiếc, Nhà hát lớn, Bảo tàng Mỹ thuật…, các công trình thương mại - dịch vụ, công trình khu liên hợp thể dục thể thao và các khu đô thị mới được tiếp tục đầu tư xây dựng.

Thành phố luôn coi trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại tại đô thị, đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng thành các đại lý bán buôn, bán lẻ hiện đại hoặc liên kết tổ chức thành các phố mua sắm, dịch vụ tại trung tâm đô thị để xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm thương mại của vùng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quảng bá về Đà Nẵng, cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm trung chuyển của miền Trung, của cả nước và tiến đến là của cả khu vực. Chú trọng vào nghiên cứu phát triển dịch vụ Logistic, để xây dựng Cảng Đà Nẵng trở thành cảng container hiện đại của miền Trung.

Phát triển các dịch vụ trên thị trường tài chính nhất là thị trường vốn và thị trường chứng khoán. Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tiện ích và hiện đại hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân. Đồng thời mở rộng các dịch vụ ngân hàng quốc tế như các dịch vụ chuyển tiền quốc tế, thanh toán quốc tế...; phát triển các loại hình hoạt động bảo hiểm, đại lý và môi giới bảo hiểm, tư vấn thuế, kế toán và kiểm toán để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng để các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng; nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích đầu tư. Tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo bộ máy tinh gọn, phân định rõ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý.

Thành phố đã tập trung đầu tư đặc thù để Đà Nẵng luôn xác định tầm quan trọng các đóng góp của các chuyên gia trong nhiều lãnh vực, chất lượng của nguồn nhân lực trong quá trính kiến thiết. Đà Nẵng đã thành lập riêng Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Thành phố liên tục tổ chức các hội thảo khoa học như Quy hoạch thành phố Đà Nẵng quá trình hội nhập và Phát triển (08/2010), Các ý tưởng xây dựng Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của Khu vực Asean và Châu Á (03/2011)...; thành lập các đoàn công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm với các thành phố khác trong khu vực Châu Á và quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng phát triển thành phố.

4

Bên cạnh các thành tựu đáng khích lệ, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thật sự phát triển xứng đáng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện sẵn có. Tuy đã phát triển khá đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước...) và hệ thống hạ tầng xã hội (các công trình dịch vụ công cộng, công viên cây xanh…), nhưng về quy hoạch không gian đô thị vẫn chưa thực sự xứng tầm với một đô thị loại I như mong đợi. Hiện thành phố đã có các chủ trương quy hoạch xây dựng các bãi đậu đỗ xe ngầm quy mô lớn trong khu vực trung tâm, theo nguyên tắc kết hợp đầu tư đồng bộ công viên cây xanh công cộng và hệ thống công trình thương mại dịch vụ phía trên; đồng thời cũng định hướng vị trí nhà ga của hệ thống tàu điện ngầm trong tương lai.

So với yêu cầu thực tiễn mới của đất nước, với vai trò là Thành phố động lực trong vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung - Tây Nguyên, hướng tới một đô thị hiện đại, phát triển bền vững. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố xác định còn nhiều nhiệm vụ phải tiếp tục thực hiện, với sự phấn đấu bền bỉ và lâu dài của các cấp, các ngành, các nhà chuyên môn... và đặc biệt là sự đồng thuận, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân.

V.H.C

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh ĐàoLửa đất nung - Truyện ngắn - Hoàng ĐặngGhi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢICòn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh YênGánh nước đêm giao thừa - Nguyễn Nhã TiênTây Phong Lĩnh, ngày chớm Xuân - BÙI CÔNG MINHChiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy LệĐà Nẵng - 15 năm phát triểnMùa Xuân mới của nỗ lực sáng tạo trên chặng đường 15 nămThơ: Nguyễn Hoàng SaThơ: Vũ PhánThơ: Lê Anh DũngThơ: Nguyễn QuânThơ: Phan ChínThơ: Nguyễn Thành LongThơ: Hoàng QuyênThơ: Nguyễn Tường VănThơ: Nguyễn Đức NamThơ: PHỤNG LAMThơ: Trần Trúc TâmThơ: Nguyễn Nho Thùy DươngThơ: Trương Quang SinhThơ: Ngô ThỊ Thục TrangThơ: Nguyễn Văn TámThơ: MAI MỘNG TƯỞNGThơ: VẠN LỘCThơ: Thiếu KhanhThơ: NGUYỄN TRỌNG TẠOThơ: La TrungThơ: Nguyễn HoaThơ: NGUYỄN ĐĂNG HẢIThơ: Phương ThànhThơ: Trung NgônThơ: Thanh BìnhThơ: Lam GiangTHƠ:Nguyễn Văn ChươngThơ: Nguyễn Đức PhongThơ: ĐỖ THƯỢNG THẾThơ: Hoàng Thanh ThụyThơ: Võ Kim NgânThơ: MAI HỮU PHƯỚCThơ: Nguyễn Nho KhiêmThơ: Nguyễn Kim HuyThơ: Nguyễn Xuân TưThơ: TÓC NGUYỆTThơ: Trần Trình LãmThơ: TRẦN DZẠ LỮThơ: NGUYỄN THÁNH NGÃThơ: Phan Minh MẫnThơ: HUỲNH THỦY KIỀUThơ: Trịnh Bửu HoàiThơ: Tường Linh○VĂN HỌC VÀ NHÀ TRƯỜNG: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu○MỸ THUẬT: Họa sỹ Ớt○ÂM NHẠC:Nhớ La Hối với ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”Mùa xuân trong thơ HaikuChí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đón tết ở Côn Lôn như thế nào?Tết Nguyên Đán và những phong tục cổ truyền của người ViệtTâm sự của một người sáng tácNhững con chữ rạo rực TếtChuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ