Tây Phong Lĩnh, ngày chớm Xuân - BÙI CÔNG MINH
Đi trên mảnh đất miền Nam Trung Hoa mùa này, dẫu mới tháng Mười Hai Dương lịch ở ta, nhưng thời tiết như thể đang Xuân. Câu thơ Bác Hồ như còn văng vẳng. Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ, Cây cao chim hót rộn cành tươi. Tôi trích dẫn câu thơ này cốt để nói về nội dung cảnh quan thiên nhiên trong bài thơ Bác, còn về cảnh ngộ của người viết câu thơ này thì chắc nhiều người không thể ngờ, đây là câu thơ Bác viết những ngày ở chốn lao lung, trong bài Trời hửng của tập Nhật ký trong tù. Chúng tôi lúc này đang thanh thản ngắm hoa nở, chim hót ven đường trong một bối cảnh hoàn toàn khác với cảnh ngộ của Bác khi ấy, bởi đây là chuyến du lịch chuyên đề sự kiện, lần theo dấu ấn kỷ niệm thời kỳ hoạt động của Bác trên đất Quảng Tây.
Dọc đường cao tốc Nam Ninh đi Liễu Châu dài gần ba trăm cây số, giăng giăng ngập lối những cánh hoa bằng lăng tím, hoa trúc đào, hoa tử vi vàng rực, những cánh hoa gợi nhớ rất nhiều đến dã quỳ Đà Lạt. Thời tiết thật dễ chịu. Không nắng không mưa. Gió chỉ đủ để những rặng cây ven đường rung nhẹ. Bên đường, những ruộng trồng thuốc lá, trồng rau xanh của bà con nông dân Quảng Tây đang vào vụ chăm bón. Xa xa bên những xóm nhà nông dân được xây tập trung theo kiểu nông trại, những mái nhà ngói đỏ rực lên trên nền của màu xanh trùng điệp. Hình như mùa Xuân đang đến rất gần với vùng đất nơi đây.
Nhưng tất cả những cảnh quan thiên nhiên đó không làm chúng tôi bớt đi tâm trạng nôn nao mong được sớm đặt chân đến mảnh đất Liễu Châu, nơi có nhiều địa danh ghi dấu ấn của Bác trong những ngày hoạt động tại Trung Quốc. Sách "Vừa đi đường vừa kể chuyện” của tác giả T.Lan, có ghi lại: "Tháng Tám năm ấy (1942-người viết bài), Bác có việc sang Trung Quốc, thì bị bọn Quốc dân đảng bắt. Sau khi bị chúng trói giải đi suốt 18 ngày, từ trại giam này đến trại giam khác, chúng đưa Bác về giam ở Liễu Châu”(1). Thời gian Bác bị giam ở Liễu Châu khá dài, tới hơn một năm rưỡi. Đó là quãng thời gian Bác của chúng ta "...chân yếu, mắt mờ, tóc bạc / Mà thơ bay cánh hạc ung dung”(2).
Cuối cùng thì thành phố Liễu Châu cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, chắc hẳn là khác xa với những gì Bác đã chứng kiến từ gần 70 năm trước. Liễu Châu bây giờ mang đầy dáng vẻ hiện đại, mặc dù những mái nhà, những góc phố, nhất là phong cách con người thì vẫn mang đậm dấu ấn của vùng đất miền nam Trung Quốc. Đêm đầu tiên ngủ lại Liễu Châu, câu thơ Tố Hữu hiện về, mang đúng tâm trạng của chúng tôi lúc này. Ngày ấy vẫn còn con đường tàu hỏa liên vận Hà Nội - Bắc Kinh - Mạc Tư khoa của mối tình hữu nghị Việt - Trung - Xô. Tố Hữu viết những câu thơ dưới đây khi tàu liên vận dừng ở ga Liễu Châu: Tàu qua ga Liễu Châu/ Bác xưa tù nơi đâu?/ Đêm rét, tê xiềng xích/ Thương Nước, dài tóc râu(3).
Sáng sớm hôm sau, việc đầu tiên là chúng tôi đến thăm nhà lưu niệm Bác tại Liễu Châu. Trong số những nhà lưu niệm liên quan đến hoạt động của Bác tại Quảng Tây thì có 2 nơi gây ấn tượng với chúng tôi nhiều hơn cả, đó là nhà lưu niệm Bác ở số nhà 99 Phố Nam, thành phố Long Châu là nơi chúng tôi đến thăm đầu tiên trong chuyến hành trình; và nhà lưu niệm ở Liễu Châu, nơi chúng tôi đang có mặt trong buổi sáng nay. Ở nhà lưu niệm Bác tại Long Châu còn lưu giữ rất nhiều tư liệu ảnh về thời kỳ hoạt động của Bác ở nước ngoài, về những đồng chí cùng học với Bác tại Đại học Phương Đông Mát-xcơ-va, những đồng chí cùng hoạt động với Bác ở Pháp, và nhất là thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc với nhiều tên gọi khác nhau. Nhà lưu niệm Bác tại Long Châu còn gợi nhớ rất nhiều đến Hội An của ta bởi dáng dấp và cấu trúc của ngôi nhà. Đó là kiểu nhà 2 tầng, phía trước mặt tiền làm nơi buôn bán, phía sau là con sông Tả giang, vừa là nơi cất hàng hóa dưới sông lên của chủ nhà, vừa là nơi Bác và các đồng chí của ta thoát hiểm nếu gặp tình huống nguy cấp. Đến Liễu Châu cũng bắt gặp một ngôi nhà có dáng vẻ tương tự. Đó cũng là một ngôi nhà 2 tầng, dáng cổ kính, nằm trên đại lộ Liễu Thạch, cách đó không xa là ngọn núi Ngư Phong, cũng chính là núi Tây Phong Lĩnh nổi tiếng được nhắc đến trong bài thơ "Mới ra tù học leo núi” của Bác, mà chúng tôi sẽ có dịp nhắc đến trong các phần sau. Nhà lưu niệm Bác hiện nay vốn là ngôi nhà của một thương gia giàu có ở Liễu Châu, được Bác và các đồng chí của lãnh đạo cách mạng Việt Nam sử dụng làm cơ sở, chủ yếu mở các lớp huấn luyện cán bộ để về nước hoạt động trong khoảng thời gian những năm 1943 - 1944, sau khi Bác Hồ ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch. Trước khi về ở ngôi nhà này, từ khi được trả tự do, Bác cũng đã phải di chuyển vài nơi. Đầu tiên Bác về ở tại một căn nhà dưới chân núi Bàn Long được một thời gian, sau đó Bác dọn đến phòng làm việc nằm ở đường Ngư Phong của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, cuối cùng mới dọn về nơi này. Ở tầng 1, chủ nhà vẫn sinh hoạt, giao dịch mua bán bình thường, nhưng trên gác 2 là nơi Bác và các đồng chí chúng ta làm việc. Về sau này, chủ nhà bàn giao ngôi nhà cho chính quyền quản lý. Kể từ đó, chính quyền Thành phố Liễu Châu đã tôn tạo, bảo tồn và xây dựng nơi đây thành Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với diện tích khoảng trên 300m2, Nhà lưu niệm đã trưng bày, giới thiệu hàng trăm hiện vật, tư liệu quý về Bác của chúng ta. Từ năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã công nhận Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thăm ngôi nhà Bác từng sống và hoạt động, chúng tôi lặng người trước các đồ vật quá đơn sơ của Người còn được trân trọng giữ lại. Một cái giường gỗ cũ kỹ với chăn gối đơn sơ và chiếc quạt nan quen thuộc, bộ bàn ghế làm việc tróc sơn sờn mép, cái chậu thau nhôm, chiếc đồng hồ báo thức... tất cả đồ vật như cũng mang hồn người được lưu lại trong căn phòng nhỏ. Nơi đây Bác từng thao thức để suy nghĩ về đường lối cách mạng Việt Nam. Nhìn ra mặt tiền phía dưới, con phố rất đông người qua lại. Thấy có đoàn khách Việt Nam tới thăm, nhiều người dừng lại, có người vào hẳn trong gian trưng bày. Họ hiểu ra, đây là nơi trưng bày những hình ảnh hoạt động của nhà lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc, lại hiện hữu ngay trong lòng thành phố nơi họ đang sinh sống. Điều trùng hợp thú vị là ngay phía sau Nhà lưu niệm Bác Hồ là trường tiểu học Ngư Long. Chúng tôi tham quan bảo tàng xong đúng lúc thầy trò bắt đầu giờ ra chơi. Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, các em đang tập những động tác thể dục theo tiếng nhạc rộn rã. Những bức ảnh thời hoạt động của Bác ở Liễu Châu, trong đó có cả những bức ảnh đẹp Bác chụp với các cháu thiếu nhi Trung Quốc bỗng nhiên như được tiếp thêm sức sống bởi tiếng hát trẻ thơ trong buổi sáng trong lành.
Cách đó không xa, ngay trước mặt Nhà lưu niệm, băng qua đại lộ Liễu Thạch, đi một quãng ngắn trên phố Ngư Phong là ngọn Tây Phong Lĩnh quen thuộc. Tây Phong Lĩnh là đây, nơi Bác từng bồi hồi dạo bước và trông lại trời Nam nhớ đồng chí đồng bào nơi quê nhà ngay sau khi vừa ra khỏi tù ngục.
Núi Tây Phong Lĩnh còn gọi là ngọn Ngư phong, nằm liền kề ngay bên đường Ngư phong, đại lộ Liễu Thạch, thuộc thành phố Liễu Châu. Bình thường thì ngọn núi này cũng chỉ được nhắc đến như mọi địa chỉ du lịch khác của Quảng Tây nói riêng, và nói rộng ra, là những địa danh du lịch khác của Trung Quốc. Nhưng trong tâm thức của mỗi người dân Việt, Tây Phong Lĩnh gắn với một bài thơ nổi tiếng ghi lại giờ phút tự do của Bác khi được trở về với thiên nhiên phóng khoáng sau 18 tháng lao tù khổ ải trong nhà tù Tưởng Giới Thạch trong quãng thời gian từ 1942 đến 1943. Sách "Vừa đi đường vừa kể chuyện” của tác giả T.Lan kể lại: "Khi được thả ra, mắt Bác nhìn kém, chân bước không được, Bác quyết tâm tập đi, mỗi ngày 10 bước, dù đau mà phải bò, phải lết, cũng phải được 10 bước mới thôi. Cuối cùng Bác chẳng những đi vững mà còn trèo được núi”. Núi ấy là ngọn Tây Phong Lĩnh mà chúng tôi đặt chân đến trong buổi sáng chớm Xuân này. Sau nhiều ngày luyện tập kiên trì, một sớm Người đã lên được đến đỉnh Tây Phong Lĩnh. Nhân sự kiện này, Bác đã làm bài thơ nổi tiếng, đó là bài thơ chữ Hán nhan đề Tân xuất ngục học đăng sơn (Mới ra tù tập leo núi).
Bản Nhật ký trong tù in năm 1990 của Nhà xuất bản Văn học đăng nguyên văn chữ Hán bài này và bản dịch ra tiếng Việt như sau:
Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
Giang tâm như kính tịnh vô trần;
Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh,
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.
Dịch thơ:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh,
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.
Bác được trả tự do ở Liễu Châu và cũng tại nơi này, người đã chọn Tây Phong Lĩnh làm nơi tập leo núi. Có phải ngẫu nhiên không, khi chúng ta biết rằng nơi đây là quê hương của nhà thơ nổi tiếng Liễu Tông Nguyên, một trong 8 thi gia xuất chúng đời Đường, Tống. Ông đỗ tiến sỹ năm 793, làm quan đến chức giám sát ngự sử. Ông có bài thơ nổi tiếng tả cảnh nơi này nhan đề "Đăng Liễu Châu thành lâu”, trong đó có câu: Ngút ngàn cây núi nghìn trùng khuất/ Uốn lượn sông dài chín khúc thương/ Đến xứ vẽ mình miền Bách Việt/ Mỏi mòn trông ngóng chút tin sương.
Tây Phong Lĩnh là ngọn núi không cao nhưng rất hữu tình. Người dân sống lâu ở đây nói với chúng tôi: Ngư Phong không cao, nhưng trên đỉnh núi có Tiên, có Rồng. Dưới chân núi có hồ nước. Đó là hồ Tiểu Long Đàm. Xa xa là núi Mã Yên, như chiếc yên ngựa khổng lồ. Hồ nhỏ Tiểu long đàm dưới chân Tây Phong Lĩnh thông ra hồ lớn Đại Long đàm, Đại Long Đàm lại thông ra sông Liễu Giang. Sông Liễu Giang xuất phát từ dãy núi Việt Thành Lãnh cũng thuộc Liễu Châu, rồi chạy vòng quanh ôm trọn thành phố Liễu Châu trước khi đi tiếp. Có một huyết mạch lưu thông phong thủy đất này.
Giờ đây Tây Phong Lĩnh đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn đồng thời là nơi nghỉ ngơi, tập thể dục, luyện tập thân thể của các thế hệ người dân thành phố Liễu Châu và rất đông khách du lịch từ những miền xa tới. Vắt qua hồ Tiểu Long Đàm là cáp treo cho du khách lên đỉnh núi. Nhưng chúng tôi chọn lối đi bộ. Một con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi uốn lượn, lát bằng những phiến đá chắc nịch và lâu đời. Cứ khoảng 50m lại có một chòi nghỉ thoáng đãng, sạch sẽ và một mặt bằng để mọi người có đủ không gian luyện tập thể dục, múa ương ca, đi thái cực quyền. Hầu như không có tầng núi nào không có mặt các cụ già và những người trung niên đến đây vãn cảnh và luyện tập. Trên các bậc đá, trong những sân chùa trên núi, người ta tập họp luyện tập dưỡng sinh, luyện giọng, luyện thở.
Chúng tôi cố hình dung xem ngày ấy Bác của chúng ta đã luyện tập như thế nào. Gần 70 năm rồi, ngày ấy chắc nơi này hoang vu. Một ông già phong cách Á Đông, gầy nhỏ nhưng vầng trán rất rộng, mắt sáng, râu dài, chân yếu, bước những bước đi chậm rãi nhưng đầy kiên nghị với quyết tâm rèn luyện hồi phục sức khỏe để nhanh chóng được về nước lãnh đạo cách mạng.
Trên những vách núi, người ta cho khắc chữ thư pháp các bài thơ chữ Hán, một cảnh tượng thường thấy ở rất nhiều nơi ở Trung Quốc. Ngay chân núi, rất nhiều tốp các lão ông luyện tay luyện trí bằng cách viết thi pháp lên một cái sân rộng có nền đá màu thẫm; bút viết là những cây bút lông to nặng, để luyện sức bền của bàn tay và các ngón tay. Mực viết chỉ đơn giản là chấm vào nước. Một cách luyện tập rất hay và cũng rất... tiết kiệm, hình như chỉ có duy nhất ở nơi này.
Rời Tây Phong Lĩnh trong một buổi sáng hiu gió cuối đông nhưng tràn đầy sức sống của một ngày chớm Xuân, chúng tôi cảm thấy như mình được gần hơn với tâm hồn Bác khi được đến với nơi đã từng chứng kiến những ngày tháng gian khổ nhưng cũng tràn đầy nghị lực của Bác. Đặc biệt, đây chính là nơi đã phát nguồn cảm hứng cho một bài thơ tràn đầy tinh thần lạc quan và đầy cảm hứng lãng mạn của Người, một bài thơ nằm trong số nhiều bài của Bác mà theo nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng Quách Mạt Nhược (1892 - 1978), về nghệ thuật, nếu để lẫn với thơ Đường, thơ Tống cũng khó phân biệt được.
Tháng 12. 2011
B.C.M
(1) T.Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, bản in lần thứ 2, NXB Sự thật, H. 1976, tr.82
(2) Tố Hữu: "Theo chân Bác”
(3) Tố Hữu, bài "Qua Liễu Châu”, in trong tập thơ "Gió lộng”, NXB Văn học, H. 1961, tr.53