Chiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy Lệ

18.01.2012

Chiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy Lệ

Đó là những tháng cuối của năm 1967, khi ta tập trung sức chuẩn bị cho chiến dịch thì giặc Mỹ tăng cường càn quét, đánh phá các vùng giải phóng. Chủ yếu dùng bom, pháo bắn phá ngày đêm. Năm 1966, vùng Gò Nổi còn được ăn nhộng. Năm 1967 thì bom tọa độ và pháo tàu đưa Gò Nổi vào tọa độ oanh kích, chúng bắn cầm canh, cày nát vùng đất màu mỡ, dân cư đông đúc. Dân không còn được ăn nhộng, canh cửi, nhà chùa, miếu mạo ngày đêm ăn... bom Mỹ. Đoàn văn công Giải phóng Quảng Đà về ở Vân Ly-Điện Hồng (nay là xã Điện Quang). Ở hai ngày không tài nào tập được vì ngày thì bom tọa độ, pháo tàu, đêm thì pháo từ các trận địa pháo Cẩm Hà, Hòn Bằng, cứ rót cầm canh.

Có lẽ chúng đánh hơi có Trung đoàn 36-bộ đội chủ lực. Có cả Tiểu đoàn 1-con cưng của tỉnh đang ở đây.

Đoàn văn công quyết định chuyển qua Xuyên Thanh để tập. Băng một con sông và bãi cát thì đến nơi. Đó là con sông Bà Rén, một nhánh của sông Thu Bồn, con sông cạn mà sau năm 1975 tỉnh đã một lần huy động bộ đội và nhân dân đào, khai thông, rồi qua một trận lụt thì bị lấp lại như xưa.

Ở Xuyên Thanh hai đêm cũng không tập được, vì bom tọa độ không thua ở Tư Phú, Vân Ly, lại không xa các đồn Hòn Bằng, Kiểm Lâm, rất dễ bị ăn pháo, cối. Đoàn quyết định qua sông Bà Rén trở lại Vân Ly.

Lúc bấy giờ, Ban Tuyên huấn Quảng Đà luôn phân công một cán bộ cỡ "ủy viên ban” phụ trách Đoàn văn công. Những cán bộ từng phụ trách, trực tiếp chỉ huy Đoàn văn công lúc bấy giờ có các anh: Lưu Trường Giang, Hồ Phước Hậu, Nguyễn Quỳnh, Trần Mậu Tý...

Vừa chạng vạng, lúc này bọn địch chốt trên Hòn Cóc, Hòn Bằng, không nhìn thấy người đi, thì đoàn rời Thanh Châu-Xuyên Thanh, qua Vân Ly. Đến nơi liền phân bố nhà ở cho anh chị em trong đoàn. Hầu hết ở trong nhà dân.

Sáng hôm sau, 25 tháng Chạp-Đinh Mùi, tức 24-1-1968, họp đoàn. Họp đoàn xong, những ai tham gia vở diễn Chiều cuối năm thì ở lại ổn định các vai diễn và tranh thủ tập (vì đã mất 4 ngày chạy qua, chạy lại, không tập được mà tết thì đến nơi). Ai không tham gia tập thì phân tán ngay, tránh tổn thất xúm chùm.

Minh Ánh bị cúm nên được phân công đưa diễn viên múa Phương Anh, ca sĩ Thanh Đính qua Xuyên Thanh. Trường Hoàng, Hải Nam bị cảm không đến chỗ tập...

Trong lúc phân vai thì xảy ra một trục trặc (một trục trặc mà chưa có cơ hội nào làm sáng tỏ!)

Khi chuẩn bị cho chiến dịch thì đoàn nhận được một tin vui là trang bị lại cho đoàn từ phông màn đến trang phục các vai diễn. Phó đoàn Đoàn Duy Nghĩa, nguyên là thợ may nên được chọn và phân công liên hệ với vùng "địch tạm chiếm” mua vải ny-lông may phông màn. Đoàn Duy Nghĩa người ở Lộc Quí từng đảm nhiệm vai lính Mỹ trong vở kịch US go home (Mỹ cút về nước), từng có vai trong vở Một mạng người không rõ vì lý do gì mà khi phân vai "lính Mỹ” thì anh Duy Nghĩa tự ái, không nhận, nói rằng: "Tôi chỉ lo việc mua sắm phông màn, may trang phục...”

Nguyễn Quỳnh, với tư cách là Trưởng tiểu ban Tuyên truyền, được giao phụ trách đoàn, phải làm công tác tư tưởng.

Sau khi giải bày, Đoàn Duy Nghĩa chưa thông thì Nguyễn Quỳnh lấy tinh thần chiến dịch ra làm công tác tư tưởng:

- Như các đồng chí biết, chúng ta đang chuẩn bị khẩn trương để tham gia vào một chiến dịch lớn. Có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay... Vì vậy, tôi đề nghị tất cả anh chị em trong đoàn vì chiến dịch, tất cả cho chiến dịch. Đồng chí nào có vướng mắc gì đó thì gác lại, xong chiến dịch về, ta sẽ họp, làm sáng tỏ để thanh thản. Nếu tất cả chúng ta đồng ý với tinh thần này thì tôi xin lấy biểu quyết, giơ tay.

Tất cả những người có mặt đều giơ tay, kể cả Đoàn Duy Nghĩa, dù anh là người giơ tay sau cùng và chỉ đưa bàn tay lên đến trên lỗ tai anh một tí!

Mọi người thả tay xuống, vỗ tay theo cái vỗ tay thật to của đồng chí Nguyễn Quỳnh. Anh bảo, thôi chúng ta giải lao 5 phút rồi khẩn trương vào tập.

Ngọc Lan, thường gọi là Lan A, nhớ:

- Trong lúc giải lao thì em, Xuyến và anh Tỷ cùng ngồi trên một cái ghế dài nói chuyện. Xuyến lấy tay vuốt vuốt mái tóc thề của em. Tóc của em dài xuống tới dưới lưng... Anh Tỷ nói vui: Thôi, đừng vuốt tóc nữa, vuốt hoài thì tóc lại rối... Đang ngồi vui vẻ như vậy thì Xuyến bỗng la lên:

- Máy bay. Máy bay ném bom chị Lan ơi...

Thế là ai lo phần nấy tuôn chạy xuống hầm.

Nhà ông Trùm Hưng có đến hai cái hầm: một cái hầm nổi trong nhà và một cái hầm chìm bên cạnh nhà bếp, đối diện với cái hầm nổi. Ông Trùm Hưng rất mê văn nghệ, lại có lòng vì cách mạng nên sẵn sàng dành nhà cho Đoàn ăn ở, tập tành trong nhà.

Nguyễn Văn Tỷ ôm cây guitar chạy sau lưng Lan xuống cái hầm chìm thì một quả bom quét, quét từ trước sân nhà vào miệng hầm, lấy nửa cái mông bên phải của Tỷ. Một cái chân Tỷ tê chết, một cái thì như sắp rời ra làm anh quỵ xuống. Tỷ lấy hai tay tì trên thành miệng hầm, máu tuôn ra xối xả, ướt cả cái đầu tóc của Hoàng Thị Ngọc Lan.

Những ai chưa kịp chạy vào hai cái hầm thì rơi vào tầm sát thương tàn khốc của quả bom quét. Đó là Trần Tân Nhân, Hoàng Duy Nghĩa, cây đàn cò Trịnh Thành, nhạc sĩ Văn Cận, các diễn viên Minh Châu, các nữ diễn viên Yến Nhi, Kim Xuyến, y tá Văn Trung... và nhiếp ảnh Thế Ngô.

Thế Ngô là người của Văn hóa Thông tin Điện Bàn, Ngô biết chụp ảnh, viết tin bài lại mê văn nghệ nên hay lui tới đoàn văn công mỗi khi đoàn về biểu diễn. Bị sức ép của bom, cả người Ngô không còn da, trông như một bộ xương cách trí. Cuộn phim trong máy ảnh của Ngô bật ra vắt qua người Ngô trông thật rùng rợn...

Gia đình ông Trùm Hưng mất 7 người, trong đó có ông Trùm Hưng, một em nhỏ và một chị đang mang bầu.

Không ai biết rõ trong Đoàn văn công trên dưới 20 người này có bao nhiêu cuộc tình. Bởi, có cuộc công khai, có một số cuộc mới "cái nhìn đầu tiên” làm xao xuyến trong tim, và những cuộc tình yêu "đơn phương”, hoặc yêu 50%. Cũng có vài cô diễn viên có đến hàng chục chàng trai mê mệt như diễn viên múa Phương Thảo-diễn viên được Khu V tăng cường về vừa biểu diễn vừa dạy múa và dàn dựng tiết mục múa cho đoàn văn công Quảng Đà.

Thủ trưởng Nguyễn Quỳnh thì đang mê mệt em Lầu, nhưng chưa đến hồi kết. Còn Ngọc Lan thì cũng được nhiều chàng để ý, trong đó có chàng Lan cố tình gọi chú nhưng chú cứ xưng anh. Nhưng tiếc rằng, trái tim của Lan-Phó Bí thư chi đoàn đang dành trọn cho Bí thư chi đoàn - cây guitar Nguyễn Văn Tỷ. Họ đã báo cáo tổ chức. Hồi đó, hai người muốn tỏ tình yêu nhau thì phải báo cáo tổ chức, không thì bị nhắc nhở hoặc kiểm điểm. Bởi, không nhắc nhở chừng chừng thì có bầu như chơi. Vì thường ở bên nhau, có khi chỉ một nam, một nữ ngủ chung trong một... cái hầm.

Quốc Thùy là một tay chơi phong cầm làm xao xuyến các cô ca sĩ. Ca sĩ trẻ măng, đẹp gái Thanh Hải lúc bấy giờ chưa vượt qua tuổi "bẻ gãy sừng trâu” mà phải quấn quít bên... cây phong cầm. Nhắc nhở hoài, Thanh Hải không chịu rời ra, phải điều Quốc Thùy về Bình Định...

Tỷ và Ngọc Lan hứa phấn đấu vào Đảng và sẽ làm lễ thành hôn tưng bừng trong ngày hòa bình.

Trong lúc máu me dầm dề, mọi người đang hoảng hốt, nháo nhào và cũng phập phồng vì xa xa vẫn còn tiếng máy bay trinh sát OV10 o o, è è, Tỷ cầm tay Ngọc Lan động viên:

- Em đừng lo, anh không sao đâu. Tỷ nói tỉnh như người sắp từ giã cõi đời để động viên người yêu, động viên tinh thần anh chị em... dù máu trong người anh cứ rỉ ra không tài nào cầm được...

Mọi người nhăn mày nhìn Tỷ trong bất lực, còn Ngọc Lan thì đầm đìa...

Tỷ hỏi, có lẽ là câu cuối cùng:

- Anh em trong Đoàn chết bao nhiêu?

Không ai dám trả lời câu hỏi này của Tỷ trước khi anh từ giã vĩnh viễn những người thân yêu. Anh nắm chặt bàn tay run run, dính đầy bụi và máu của người yêu, thì thào:

- Em phấn đấu vào Đảng và góp phần giải phóng quê hương...

Cây đàn guitar luôn ở bên Tỷ cũng rơi xuống đất, bung vành, đứt dây. Ngọc Lan cầm cây sũng carbin mà Tỷ mang theo mỗi chuyến đi, đứng sựng như người mất hồn. Đồng chí Nguyễn Quỳnh bặm môi nhìn Lầu quằn quại rùng mình tắt thở. Một lát sau, Nguyễn Quỳnh đến bảo Ngọc Lan dẫn tất cả diễn viên nữ sang nhà chị Bảy (Ngọng) ở Thanh Châu - Xuyên Thanh...

Mỗi chị em chuyển đi, ngoài ba lô cá nhân còn mang theo ba lô và súng của bạn đã hy sinh. Nam giới thì ở lại tập trung chôn cất tử thi. Cả các chàng trai của đội điện ảnh đóng gần đó cũng được huy động sang giúp.

Ngô Văn Bậc là một nhạc công, anh giỏi với cây đàn nhị, không bao giờ quên hình ảnh khủng khiếp buổi sáng hôm ấy:

Nghe anh em nói ông Hương Ca ở xóm dưới có cây đàn nhị rất quí, Bậc báo cáo anh Trịnh Thành chính trị viên của đoàn xuống xem cây nhị, nếu được thì này (mua) lại của ông về thay cây nhị tệ của Bậc. Vừa bỏ cây đàn nhị tự tạo trên giường đi ra khỏi nhà chừng 200 mét thì bom nổ...

Dứt bom, Bậc chạy về thì thấy nhà ông Trùm Hưng chỉ còn 4 cây cột cháy chĩa lên trời, bụi khói còn bao phủ, khắp nơi tiếng khóc, tiếng la...

Minh Châu nhấp nháy, miệng phì bọt rồi tắt thở. Người đập vào mắt làm Bậc sửng sốt là Lầu - một y tá, diễn viên nhỏ nhắn, xinh xinh, bị một mảnh đạn xé banh bụng, lòi ruột ra, lòi cả mì trộn với máu... Đoàn trưởng Tân Nhân thì tan thây. Người đứt tay, người đứt chân, toác đầu. Anh em sống sót thì, người lấy cái mủng, người lấy cái rổ đi nhặt từng mảnh xác người vung vãi khắp nơi, trong vườn, trên cành cây, trên bờ rào... Có cuộc "giành xác” diễn ra giữa cảnh tang thương ấy. Bậc cho rằng cánh tay trong mủng xác Bậc lượm được là cánh tay của Tân Nhân, còn con ông Trùm Hưng thì bảo đó là cánh tay của cha mình... Thế là... không thấy xác Tân Nhân đâu!

Trường Hoàng là người vừa sáng tác vừa biểu diễn dân ca bài chòi, là người anh của đoàn, lo chỉ huy cuộc chôn cất tử thi, nhớ lại:

- Phải lấy mấy tấm ván bỏ xác lên, khiêng ra bãi Vân Ly chôn. Có cái xác phải khiêng lên, thả xuống đến bảy lần mới tới nơi, mà khoảng cách từ nhà ra bãi chừng 300 mét. Vừa khiêng lên thì nghe tiếng hú của pháo tàu, thế là thả xuống, nằm. Chờ đợt pháo qua, lại đứng dậy khiêng, hóng tai nghe tiếng hú... Nhưng biết làm sao, phải chôn anh em trước khi di chuyển. Mấy anh em lo đào huyệt cũng không yên. Đang đào nghe bom tọa độ đến thì nhảy xuống huyệt vừa đào nằm...

Ba anh em Trường Hoàng, Văn Bậc, Văn Tiên, khiêng Tỷ ra nằm trên nền nhà chừng nửa tiếng thì Tỷ tắt thở. Đang loay hoay ở những giây phút cuối cùng với Tỷ thì anh em bỗng nghe có tiếng người phía bếp: xuống đường, xuống đường...

Năm 1967, Võ Văn Hòa tập trung ở Bình Đà (Thanh Oai-Hà Đông) nơi đóng trường 105 tập trung đi B.Võ Văn Hòa đeo gương cận nặng nên anh em gọi Văn Cận từ khi vào chiến trường Khu V. Sau khi anh tốt nghiệp nhạc viện Bắc Kinh, về nước Văn Cận liền viết đơn xin về Nam chiến đấu.

Ngày đi tập kết năm 1954, cơ quan Văn Cận đóng ở Tam Kỳ. Vậy mà, Văn Cận không kịp về quê nhà ở Kế Xuyên - Bình Trung, Thăng Bình, cách xa chừng mười km thăm vợ và con gái đầu lòng Xuân Hồng. Chuần bị chiến dịch Xuân Mậu Thân-1968, tác giả "Giữ trọn tình quê"" xuống chiến trường Quảng Đà viết hành khúc "Giành chính quyền về tay nhân dân"" với bút danh Tân Nam.

Tìm hết người chết rồi mà tiếng ai vậy? Bậc chạy xuống bếp thì thấy nhạc sĩ Văn Cận vừa nhìn lên, trợn mắt, rồi gục xuống.

Thường, sáng dậy, nhạc sĩ Văn Cận hay ra chỗ góc bếp ngồi uống trà. Chiều hôm trước, Văn Cận còn vừa đàn vừa tập hát cho anh em bài anh vừa sáng tác với lời ca hùng tráng: "xuống đường, xuống đường, đập tan mọi xích xiềng”... để kịp vào biểu diễn ở Hội An giải phóng như mọi người mong đợi.

Tỷ là người tắt thở cuối cùng. Còn Trường Hoàng không chết mà cũng ứ hơi, là người rời trận địa sau cùng. Tối mịt, anh em đi như chạy băng cát qua tới nhà bà Bảy thì đói lả...

Chôn chín anh chị em chung một nấm mồ ở bãi Vân Ly trên bờ sông Thu Bồn. Riêng Tân Nhân, không còn xác nên được đắp nấm mồ đất!

Đoàn tập trung về nhà chị Bảy ở Thanh Châu thì đã 26 Tết. Các anh cho biết, đêm 30 có thể chúng nó thi hành lệnh ngừng bắn, và đoàn sẽ biểu diễn phục vụ bà con ở vùng Trà Kiệu - nơi có rất đông bà con người công giáo.

Những vai diễn đã hy sinh thì thay diễn viên mới, có phần lúng túng. Song, tập rồi cũng diễn được thôi. Khó khăn nhất lúc bấy giờ là: bước ra sân tập, mở miệng thì ứa nước mắt. Cô này khóc thì các cô còn lại cũng òa lên khóc theo, không thể nào tập được.

Thế là mấy đồng chí cán bộ Tuyên huấn phải làm công tác tư tưởng:

- Các em khóc làm anh em nam giới chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Lẽ nào, chúng ta cứ tiếc các anh chị đã hy sinh mà khóc mãi, thì làm sao phục vụ chiến dịch? Phải biến đau thương thành hành động cách mạng. Tập thành công vở diễn, phục vụ đồng bào đêm 30 Tết là chúng ta đã tỏ lòng thương nhớ các đồng chí đã hy sinh...

Đêm 30 Tết Mậu Thân, trong khi bộ đội và các lực lượng chính trị bám sát địa bàn chuẩn bị giờ G. tấn công quận lỵ Duy Xuyên, đánh vào đồn Hòn Bằng thì đoàn văn công biểu diễn vở Đêm cuối năm trên sân vận động Trà Kiệu, dưới chân hòn Non Trượt, hàng ngàn bà con đến "xem văn công” bất kể tiếng pháo, cối cầm canh.

Đoàn quán triệt một tinh thần: "tiếng hát át tiếng bom”. Bà con còn ngồi xem thì đoàn còn tiếp tục diễn, làm sao giọng hát, câu hò, điệu múa giữ bà con lại cho gần đến giờ G. càng tốt, để khi tiếng súng công kích vang lên thì kéo bà con gia nhập vào đội quân chính trị, cùng với du kích, bộ đội bao vây quận lỵ...

Khi tiếng súng công đồn giờ G. của bộ đội ta đồng loạt nổ vang khắp nơi từ Đà Nẵng đến Hội An, Tam Kỳ... thì tiếng khóc nhớ thương, tiếng khóc bồi hồi vui sướng của một "đêm cuối năm” cũng vang lên, hòa vào tiếng khóc, tiếng cười của hàng vạn người dân Quảng Nam - Đà Nẵng đang bao vây sống mái với quân thù, quyết xông lên giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân...

Cũng trong dịp tổng công kích mùa Xuân Mậu Thân, nhà thơ Thu Bồn theo một cánh quân vào mặt trận Đà Nẵng. Khi anh đến đội đặc công Lê Độ, Đà Nẵng, nghe tin chị Tính người yêu của Hiền, một trong 7 dũng sĩ Điện Ngọc, trên đường đưa một mũi quân đấu tranh chính trị tiến vào Đà Nẵng, hy sinh, anh liền sáng tác được bài thơ Đà Nẵng gọi ta. Một bài thơ Thu Bồn sáng tác rất nhanh mang cả nhịp đập đau nhói của trái tim anh với quê hương, với đất mẹ Thu Bồn. Bài thơ được nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) đưa đến Báo Giải phóng Quảng Đà nhờ chuyển đến tổ nhà in tiền phương đặt ở Bảo An, bên bờ sông Thu Bồn, in thành nhiều bài, ngay trong đêm, để sáng sớm hôm sau kịp đến tay cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 - đơn vị được mang trọng trách tấn công vào Bộ chỉ huy quân đoàn 1 ngụy giữa thành phố Đà Nẵng:

Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con

Như người yêu gọi người yêu xa cách

Ta muốn nói với từng viên gạch

Nếp rêu xưa còn in bóng cờ sao...

H.D.L

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng, thanh tao mùa xuân sớm - Bút ký - Nguyễn Thị Anh ĐàoLửa đất nung - Truyện ngắn - Hoàng ĐặngGhi chép ở Mỹ - Thái Bá LỢICòn thương... cây chuối mọc sau hè - Tạp bút - Huỳnh YênGánh nước đêm giao thừa - Nguyễn Nhã TiênTây Phong Lĩnh, ngày chớm Xuân - BÙI CÔNG MINHChiều cuối năm - Ghi chép - Hồ Duy LệĐà Nẵng - 15 năm phát triểnMùa Xuân mới của nỗ lực sáng tạo trên chặng đường 15 nămThơ: Nguyễn Hoàng SaThơ: Vũ PhánThơ: Lê Anh DũngThơ: Nguyễn QuânThơ: Phan ChínThơ: Nguyễn Thành LongThơ: Hoàng QuyênThơ: Nguyễn Tường VănThơ: Nguyễn Đức NamThơ: PHỤNG LAMThơ: Trần Trúc TâmThơ: Nguyễn Nho Thùy DươngThơ: Trương Quang SinhThơ: Ngô ThỊ Thục TrangThơ: Nguyễn Văn TámThơ: MAI MỘNG TƯỞNGThơ: VẠN LỘCThơ: Thiếu KhanhThơ: NGUYỄN TRỌNG TẠOThơ: La TrungThơ: Nguyễn HoaThơ: NGUYỄN ĐĂNG HẢIThơ: Phương ThànhThơ: Trung NgônThơ: Thanh BìnhThơ: Lam GiangTHƠ:Nguyễn Văn ChươngThơ: Nguyễn Đức PhongThơ: ĐỖ THƯỢNG THẾThơ: Hoàng Thanh ThụyThơ: Võ Kim NgânThơ: MAI HỮU PHƯỚCThơ: Nguyễn Nho KhiêmThơ: Nguyễn Kim HuyThơ: Nguyễn Xuân TưThơ: TÓC NGUYỆTThơ: Trần Trình LãmThơ: TRẦN DZẠ LỮThơ: NGUYỄN THÁNH NGÃThơ: Phan Minh MẫnThơ: HUỲNH THỦY KIỀUThơ: Trịnh Bửu HoàiThơ: Tường Linh○VĂN HỌC VÀ NHÀ TRƯỜNG: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu○MỸ THUẬT: Họa sỹ Ớt○ÂM NHẠC:Nhớ La Hối với ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”Mùa xuân trong thơ HaikuChí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đón tết ở Côn Lôn như thế nào?Tết Nguyên Đán và những phong tục cổ truyền của người ViệtTâm sự của một người sáng tácNhững con chữ rạo rực TếtChuyện vui của các nhà văn thời chống Mỹ